Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (5)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

Say mê đọc sách, tận hưởng thú vui trong đó

Từ khi còn nhỏ, tôi đã say mê đọc sách. Cũng giống như một người nghiện thuốc lá vậy, tôi có thể ăn cơm không thịt, chỗ ở không có trúc (1), nhưng nếu một ngày mà không được đọc sách sẽ cảm thấy mất hết hứng thú, cuộc sống vô vị.

Nhớ lại trận động đất ở Đường Sơn năm 1976, trời sập đất nứt, thương vong vô số, trong suốt cả mùa hè và mùa thu, dư chấn liên miên, người dân trong thôn không dám về nhà, chỉ đành cắm trại sống tạm ở những bãi đất trống. Một ngày nọ, tôi may mắn tìm được một cuốn sách hay, trong phút chốc không thể đọc hết, tự nhiên tôi thấy mất tập trung, trong lòng bất an. Đến khi trời tối, tôi cầm trên tay chiếc đèn dầu, ngồi trên bậc cửa đọc sách lúc khóc lúc cười, một chùm tóc mai bị cháy lúc nào mà không hay biết. Trong đêm khuya tĩnh lặng, mẹ tôi liên tục gọi khẽ, tôi đang quá nhập tâm nên không nghe thấy. Sau khoảng mười mấy hai mươi lần, cuối cùng mẹ tôi cũng mất kiên nhẫn, giật lấy chiếc đèn nói: “Người ta bảo con là người mê sách, mẹ thấy con là con mọt sách. Động đất có thể ập đến bất cứ lúc nào, con còn dám ngồi dưới gầm cửa à, rút cuộc con cần sách hay cần mạng sống?” Bảo vật bị lấy mất, tôi nhất thời như người mất vía, vội vàng chộp lại: “Ai da, mẹ của con à, không có sách thì con sống có ý nghĩa gì nữa chứ?”

“Trong sách tự có căn nhà vàng kim”, lời nói của người xưa, không bao giờ sai, nhờ say mê nghiên cứu sách vở ngày đêm, cá chép quả thực đã vượt long môn, tôi đã trở thành cán bộ ở cơ quan nhà nước. Chỉ tiếc là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào đập vỡ ba loại sắt (tiền công sắt, bát cơm sắt, ghế sắt) (2) nổi lên dẫn đến việc tôi phải lao vào giới thương trường lăn lộn một phen. Ba mươi triệu nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước đột nhiên bị sa thải, đơn độc, không có chỗ mưu sinh. Những năm đó, có những người tĩnh tọa biểu tình, có những nhóm người mang theo các biểu ngữ thỉnh nguyện. Đã có không ít những làn sóng nổi lên khắp cả nước, náo động một thời. Thế nhưng những vị quan chức ở trên cao giống như những tảng đá sẫm màu ở bờ biển, trầm mặc như sắt, thản nhiên bất động. Mọi vụ kiện liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước, công nhân thất nghiệp đều không được thụ lý. Họ chỉ phái ra một người tên là Lưu Hoan, tóc dài ngang vai, giống bờm sư tử, hô hào lớn trên Đài truyền hình Trung ương: “… Cuộc đời thành bại hào hùng, chỉ bất quá là bắt đầu lại từ đầu”.

Còn tôi may mắn sớm đã có một chiếc xe bán sách lưu động, bản thân vừa hay tiện cho việc đọc sách, cũng đóng góp một phần nhỏ cho kinh tế gia đình. Chiếc xe hàng nho nhỏ, giống như một chiếc dù, giúp tôi có thể từ từ hạ cánh, tiếp đất an toàn. Vay mượn một vạn, thuê một gian phòng, hiệu sách của tôi cuối cùng đã được khai trương.

Tôi vốn là người chây lười, không có ý nguyện công danh, làm một tiểu thương bán sách, có tiền lo cho gia đình, đây cũng là một công việc tao nhã, vậy là đủ rồi. Nhà mái bằng, khoảng sân nhỏ, cây ngô đồng, mưa bụi bay (3). Hoa hồng nở khắp nơi, trên tường, trên mái nhà, hoa lăng tiêu đung đưa trong gió. Trước bàn làm việc treo trên tường gạch một tấm vải bố có dòng chữ: “Nhàn cư chỉ bút vi bạn, chí lạc mạc quá độc thư” (tạm dịch: Sống nhàn nhã làm bạn với bút mực, không có gì vui hơn việc đọc sách). Bên dưới góc trái có vẽ một ống tre, trong đó cắm hai ba chiếc bút, một bức tranh đơn giản, để lại khoảng trống màu trắng lớn. Đó là thứ tôi thích nhất khi mua ở Tế Nam hồi còn học đại học.

Con trai còn nhỏ, những việc lặt vặt cũng nhiều, hiệu sách luôn do người làm thuê quản lý. Lúc đó, chồng tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, thức khuya dậy sớm, luôn cảm thấy vui vẻ.

“Sách của tôi! Tiền của tôi!”
Ba chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” chân thực không sai.

Một ngày nọ, chồng tôi trở về nhà, nói với tôi một cách trịnh trọng: “Sách Pháp Luân Công bán rất chạy, ở trên thị trường đâu đâu cũng là sách in lậu, giấy bị đen và có nhiều lỗi đánh máy, rất là không nghiêm túc, đây là việc bất kính đối với Sư phụ. Những bạn bè luyện công đều đến tìm anh, hỏi xem có thể mua sách chính hãng ở đâu”. “Có thể đến đâu để mua nhỉ? Không có manh mối nào cả”. “Như vậy đi, chẳng phải năm 1994 ban quản lý khu phát triển đã từng mời Sư phụ đến chỗ chúng ta giảng Pháp sao? Năm đó những người bạn học công phụ trách tiếp đãi đều có mặt tại đây, họ nói rằng Học viện Cán bộ Quản lý Thanh niên Tỉnh đã từng xuất bản các tài liệu Đại Pháp, em thử đi tìm xem, nếu làm được việc này cũng là một việc công đức”.

Tự nhiên tôi rất vui khi được trở lại thăm nơi cũ. Không cần nói thêm lời nào, tôi liền khởi hành vào sáng sớm hôm sau. Bốn mặt là hoa sen, ba mặt là cây liễu, thành phố một bên là cảnh núi non, một nửa là hồ nước. A, Tế Nam, đã lâu không gặp. Xin chào, hồ Đại Minh của tôi, xin chào suối Báo Đột của tôi.

Học viện Cán bộ Quản lý Thanh niên Tỉnh đã từ lâu không còn kinh doanh tài liệu Đại Pháp nữa. Được một người chỉ cho, sau khi tìm kiếm một hồi, tôi bước vào một con hẻm ngoằn ngoèo. Đó là một hiệu sách rất nhỏ, bà chủ đã bị cho thôi việc ở nhà máy bông quốc gia số một, cô ấy có nước da trắng nõn, dáng người nhỏ nhắn thanh tú. Lần đầu tiên tôi mua hàng, không biết giá thị trường nên tôi chỉ dám buôn một thùng sách Chuyển Pháp Luân có bìa xanh mạ vàng, giấy dày, phông chữ to, đơn giá chỉ có 12 nhân dân tệ, khá là kinh tế.

Vì bản gốc rất hiếm nên nhu cầu của thị trường từ lâu đã rất lớn, kể từ khi sách Đại Pháp được trưng bày, hiệu sách nhỏ nhanh chóng chật kín người. Người ta dẫn bạn bè đến, thỉnh thoảng tụ tập ba, năm người để mua cho mình và làm quà cho người thân, bạn bè, mỗi lần mua một túi, hết túi này đến túi khác, giống như gió tản mây tan, sách bản quyền rất nhanh được bán hết, điều này khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.

Một ngày nọ, một Pháp hội được tổ chức tại đại lễ đường của Công ty khoan dầu Thắng Lợi, đây là một sự kiện thường niên và được tổ chức hoành tráng chưa từng có. Tôi tranh thủ nhờ em trai giúp một tay, dựng một quầy hàng đơn giản ở bên cạnh. Sách, băng ghi âm, huy hiệu Pháp Luân, một chồng lại một chồng sách, chồng cao chồng thấp, giống như những ngọn núi nhấp nhô cạnh nhau. Bày đặt xong, hai người đứng ở bên bàn chỉnh trang lại quần áo. Ai có thể ngờ rằng, đám đông người chen chúc, ồn ào náo nhiệt, hàng nghìn người bước đến giống như sóng lớn ở biển vỗ bờ dào dạt. Gian hàng sách như bãi đá ở bờ biển, bị nhấn chìm ngay lập tức. Tôi vô cùng luống cuống và lo lắng, xong rồi! Xong rồi! Sách của tôi! Tiền của tôi!

Đợi một trận sóng ồn ào cuối cùng qua đi, tôi mới từ từ mở mắt ra, như bãi biển hóa nương dâu, núi sách cao vút đã bị gió bão san phẳng. Tim tôi đập như trống, tôi loay hoay dọn dẹp hiện trường, giống như sau trận hỏa hoạn ở vườn Viên Minh, tưởng nhớ lại những vết tàn tích đó, một vùng đổ nát.

“Chị ơi! Chị ơi! Nhiều tiền quá, chị nhìn xem một đống tiền này!” Tôi nghe thấy em trai tôi hét lên trong sung sướng, mặt tôi tái nhợt, ngón tay run rẩy. Có phải là mơ không? Tôi vội vàng bước đến, cúi đầu kiểm đếm, rồi không khỏi vui mừng khôn xiết. Đúng là tiền bán hàng rất nhiều, một đồng cũng không thiếu! Tôi ra sức chớp mắt, rồi lại cắn vào môi dưới. Ông Trời ơi, ông Trời! Ba chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” quả thực là chân thực không sai.

Ngày nọ, có một ông già mặc trang phục thôn quê đến cửa hàng mua sách. Ngày hôm sau ông quay lại và nói rằng đã tính nhầm tiền. Tôi cảm thấy có lỗi và lập tức lấy ra một xấp hóa đơn. Ông lão mỉm cười xua tay: “Không phải! Không phải! Cô hiểu lầm rồi. Là cửa hàng trả thừa tiền lẻ cho tôi. Đường xa và tôi phải đạp xe rất lâu”. Nghe vậy, tôi vội vàng nhường chỗ và mời ông uống trà, ông cảm ơn liên tục. Quả là cái đức của người quân tử, thực sự khiến người ta kính trọng.

Từ đó trở đi, những người tu luyện Pháp Luân Công không chỉ là khách hàng của tôi mà còn là một nhóm bạn mà tôi có thể kết giao. Khi gặp nhau trên phố, chúng tôi rất thân tình, bắt tay thân mật, chuyện trò về những công việc thường ngày. Hiệu sách của tôi mở rộng cửa cho công chúng, cho mua chịu, có thể vay tạm, tôi đã trở nên nổi tiếng trong giới tu luyện Pháp Luân Công, không ai là không biết. Mấy chục dặm xa gần, khách đến như mây, lần lượt kéo đến.

Trong những năm đó, những người đả tọa luyện công trong công viên bao gồm cả những người trẻ tuổi và nhiều người lớn tuổi. Những người luyện công chậm rãi ung dung, du du tự tại, là cảnh tượng phổ biến nhất trên các đường phố thời đó.

Sau mười năm trải qua thảm họa đẫm máu của cách mạng văn hóa, mọi người đều biết ơn vì có được những ngày tháng ổn định và bình yên. Mong rằng mọi chuyện sẽ tiếp tục như thế này và năm tháng sẽ bình yên, không còn những biến động dời sông lấp biển hay những rắc rối như khi xưa nữa.

(Còn tiếp)

Chú thích của người dịch:

(1): Tác giả lấy ý từ hai câu thơ “Ăn có thể không thịt, Ở chẳng thể thiếu trúc” trong bài thơ “Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên” của nhà thơ Tô Đông Pha.

(2): Phong trào đập vỡ ba loại sắt là công cuộc cải cách các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Trong đó “tiền công sắt” chỉ chế độ nhân viên cố định, một khi được tuyển vào đơn vị nhà nước nào sẽ gắn bó cả đời với đơn vị đó không lo thất nghiệp; “bát cơm sắt” chỉ hệ thống tiền lương 8 bậc truyền thống, mức lương gắn liền với trình độ và vị trí của người lao động và không có cơ chế khuyến khích; “ghế sắt” chỉ hệ thống bổ nhiệm cán bộ truyền thống, tức là các vị trí quản lý doanh nghiệp đều do cán bộ cố định nắm giữ, thiếu tính cạnh tranh và cơ động.

(3): Tác giả lấy cảm hứng từ câu thơ “Ngô đồng cánh kiêm tế vũ” trong bài thơ “Thanh thanh mạn” của nhà thơ Lý Thanh Chiếu.

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/291797

https://www.epochtimes.com/gb/19/10/11/n11581844.htm



Ngày đăng: 28-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.