Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (3)



Tác giả: Lan Tâm

[ChanhKien.org]

“Bạn học cũ à, bạn cũ à, chúng ta hãy thông cảm cho nhau nhé”

Chồng tôi là học viên Pháp Luân Công đầu tiên ở tỉnh này bị đưa vào trại lao động, việc anh bị bắt giống như tia sét xanh lam đầu tiên trước cơn giông tố, trong phút chốc, sấm sét nổi lên, đồi núi sụp đổ, gây ra chấn động lớn ở địa phương.

Sau khi nhận được giấy “thông báo của trại lao động” nơi đang giam giữ chồng, tôi lập tức đến xin lời khuyên của một người bạn học cũ.

Người bạn cùng lớp cấp ba đón tiếp tôi là luật sư và làm việc tại văn phòng tư pháp địa phương. Sau khi kiểm tra các quy định pháp luật, anh ấy dùng sắc mặt nghiêm trọng ngập ngừng nói với tôi từng chữ: Pháp – Luân – Công – không – có – tội, hệ thống trại lao động cải tạo là bất hợp pháp.

Lúc đó tôi còn trẻ, đang tuổi thanh xuân, tràn đầy sức sống, lại là một cây bút có tiếng ở địa phương, lúc bình sinh có chút khí khái, không biết sợ là gì. Dường như không cần phải suy nghĩ nhiều, tôi lập tức bắt tay vào việc thu thập bằng chứng liên quan và lên kế hoạch kiện cơ quan cảnh sát địa phương.

Những nhân chứng mà tôi muốn ghé thăm đều bị phong tỏa trong phòng họp lớn của tòa nhà tiếp khách của huyện. Ngoài cửa cây cối xanh tươi, chim hót líu lo, trong phòng mây đen ập xuống, khiến người ta cảm thấy ngột ngạt. Khi tôi giải thích mục đích đến đây, có một số người tu luyện Pháp Luân Công đã đồng ý giúp đỡ, sẵn sàng cung cấp đầy đủ nhân chứng và tài liệu.

Không ngờ khi tôi vừa về tới nhà. Một trận mưa lớn như trút nước bất ngờ ập xuống. Đầu tiên, người em trai lớn của tôi đang làm việc trong chính phủ giận dữ ném điện thoại xuống, thân là một quan chức thập phẩm, cậu ấy bị anh rể làm cho liên lụy và không được tham dự các cuộc họp của thường ủy nữa.

Sau đó, bố mẹ tôi hoảng hốt như những con chim trưởng thành bảo vệ đàn con. Mẹ kéo vai tôi, gần như khóc: “Thôi đi, thôi đi, đừng gây chuyện nữa. Một người bị bắt rồi, nếu lại làm ầm lên không may con cũng bị bắt, còn lại thằng bé mới mấy tuổi sẽ sống sao đây?”

“Con không biết rằng huyện lân cận đã tổ chức một cuộc họp để đấu tố một người luyện Pháp Luân Công sao? Vợ anh ta can ngăn không được, cũng bị định tội, họ đã đưa cô ấy vào trại cải tạo, cô ấy kỳ thực cũng không luyện công. Hai vợ chồng đều bị bắt đi, trong nhà chỉ còn lại một đứa con nhỏ”. Cha tôi mặt đỏ bừng bừng nói: “Con muốn kiện cơ quan công an, cấp huyện vì việc này đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt và nói rằng điều này là không được, tuyệt đối không thể! Con phải thật cẩn thận!”

“Cái gì? Còn đòi bắt cả con sao? Dựa vào đâu? Khởi tố cơ quan công an là quyền lợi của con”

“Con đúng là không biết sống chết là gì, ngay cả trời cũng dám động đến! Việc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn làm, con có thể nói lý sao? Đã có rất nhiều cuộc vận động chính trị kể từ khi thành lập đất nước, số người chết không biết là bao nhiêu?! Cha đã làm việc cả đời, những việc này cha hiểu hơn con rất nhiều. Đừng nghĩ rằng học nhiều biết rộng thì có thể sải cánh bay cao!”

“Chẳng phải là cần dựa vào pháp luật để trị quốc sao? Con làm việc này là tuân theo pháp luật!”

“Để cha bảo con này, pháp luật à, pháp luật là thứ gì chứ, con quá ngây thơ rồi”.

“Con không tin rằng thiên hạ này không có chỗ để nói lý lẽ!”

“Không tin? Không tin con thử đi, con ấy à, chưa ăn hành thì không biết hành cay, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Vài ngày sau, tôi đến tòa hành chính thành phố để nộp đơn khởi kiện, vừa hay chánh án là bạn học cũ thời đại học của tôi.

Nghĩ lại hồi đó, bên hồ Đại Minh và suối Báo Đột, việc kinh doanh sách của tôi rất thuận lợi, cảm thấy trên đời không có gì là không thể. Hôm nay mặt tôi đầy bi phẫn, một thân phong trần. Người bạn cũ vẫn như xưa, bạn pha trà mời đồ điểm tâm vui vẻ cười nói: “Nể cậu là bạn học cũ, biết nói sao đây, nếu như là vụ án khác, giữa hai chúng ta đâu cần nhiều lời, một câu là xong”. Nụ cười trên khuôn mặt của cậu bạn chánh án lập tức biến mất, thấy xung quanh không có ai, cậu ta mới khẽ nói: “Cấp trên có văn bản mật, những vụ án khởi kiện liên quan đến Pháp Luân Công, tất cả đều không thụ lý. Ai dám nhúng tay vào, lập tức bị sa thải”. Nghe đến đây, tôi không khỏi ngạc nhiên. Cái gì? Cái gì? Mặt tôi đỏ bừng, tôi cắn môi không nói gì, từng đợt sóng trong lòng dâng lên hạ xuống như sóng ngoài đại dương. Nét mặt của cậu bạn chánh án mang đầy vẻ áy náy nói: “Hệ thống pháp luật của Trung Quốc, thực sự là một câu không thể nói hết được. Người ở trong giang hồ, thân bất do kỷ. Bạn học cũ à, bạn cũ à, chúng ta hãy thông cảm cho nhau nhé”.

Tuy tôi còn có một bạn học nam khác làm phó chánh án, là tiến sĩ luật tại Đại học luật nhân dân, nhưng tôi cũng không có ý định đi tìm cậu ấy nữa. Sau khi rời khỏi cổng tòa án, tôi đi thẳng đầu không ngoảnh lại.

Tòa án ơi tòa án! Đây là tòa án thiêng liêng trong tâm trí của những người dân chúng ta! Là một thành phố dầu mỏ nổi tiếng, thành phố này khắp nơi đều là vàng đen, giàu có một phương trời. Người thiết kế ra nó không biết là thần thánh phương nào, tòa nhà của tòa án có tạo hình kỳ dị, một cái cột nhô lên trời, giống như cơ quan sinh dục, khí thế hiên ngang, không biết liêm sỉ, vẫn luôn bị những người ở địa phương đem ra làm trò cười. Một cơ quan quan trọng của nước lớn, ngang nhiên dâm loạn, tiếc thay!

Thay vì cả ngày ủ dột buồn bã, chi bằng đứng dậy và hành động

Hai ngày nữa là Tết Trung thu. Sau khi dò dẫm tìm đường, tôi đã đến được trại lao động số 2 ở tỉnh Sơn Đông để thăm thân. Tường cao và phòng đóng kín, không gặp được chồng nên tôi chỉ đành thất vọng ra về. Ánh trăng trắng lạnh, một màn trắng xóa, chiếc áo mỏng khoác trên thân không chịu nổi trước tiết trời se lạnh của mùa thu.

Nửa tháng sau, bố chồng tôi qua đời vì bạo bệnh. Vì chồng không thể về chịu tang cha nên con trai mới bảy tuổi của tôi phải mặc áo tang chỉ đường cho ông nội theo lễ báo hiếu của người con. Hiếu tử khấu đầu, tiếng khóc bi thương thấu trời xanh, tất cả những người đứng đó đều như nghẹn lại, không thể kìm nổi nước mắt.

Từ ngày chồng bị bắt, chỉ trong một tháng ngắn ngủi sấm sét nổi lên, trời đất đảo lộn, mưa gió dữ dội, cành lá ngổn ngang. Từng lô các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù. Khi cái tổ ấm áp bị lật, không còn quả trứng nào có thể nguyên vẹn, các con chim mái kêu lên, con non khóc gào, tự tìm cách thoát thân.

Con trai tôi trước vốn nghịch ngợm, giờ đã trở nên ngoan ngoãn như một chú nai con và ngày nào cũng quanh quẩn bên mẹ. Thở dài một hơi, tôi vuốt ve cái đầu tròn trịa của con. Gia đình họ Nhạc vốn độc đinh, đến giờ trong nhà chỉ còn lại đứa trẻ bé bỏng này. Thế giới bên ngoài tan nát, thủy triều cuồn cuộn, tôi đành phải nhắm mắt bịt tai, đóng cửa lại, lặng lẽ ở bên con trai.

Tôi bị ốm. Tôi không thể nhìn thấy điều gì kỳ lạ khác thường, chỉ là chân tay tôi nặng trĩu và không muốn gặp ai. Ngồi trước lò than, xung quanh là sách vở. Trong nhà cả ngày im lặng, chỉ có tiếng gió xào xạc ngoài cửa sổ.

Tôi lấy gương soi, nhìn mình trong gương nói nhỏ: “Mi không thể có bệnh, càng không thể gục ngã”. Mẹ chồng đã gần 80 tuổi, con trai còn nhỏ, phải đứng vững, nhất định phải đứng vững. Người phụ nữ vốn yếu đuối, vì tình mẫu tử nên phải mạnh mẽ. Tuy rằng trời đất sụp đổ, thế nhân loạn lạc, nhưng vì con, vì nhà họ Nhạc, mi phải giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh.

“Con có dám một mình đi gặp bà nội không? Đường dài 60 dặm, đổi xe ba lần. Mẹ đã dạy con từ trước rồi, chuyện nhỏ như vậy con có làm được không?”

Con trai do dự chần chừ nhìn tôi.

“Con trai mẹ giỏi nhất, đúng không?” Tôi kéo bàn tay của con rồi nói: “Đây, đây là 50 tệ, nếu con có thể tự mình đi về, mẹ sẽ thưởng cho con thật to!” Cuối cùng thì phần thưởng đã lay động nhân tâm, con tôi trước giờ chưa từng nhìn thấy nhiều tiền như vậy, đứa trẻ cuối cùng cũng khẽ gật đầu.

“Con cừ lắm, rất có khí phách”. Tôi vỗ nhẹ vào lưng thằng bé khen ngợi.

Năm đó, con trai có tiến bộ vượt bậc trong học tập và trở thành lớp phó, thằng bé còn có thể một đòn đánh bại những đứa trẻ du côn trong trường và được công nhận là anh cả của trường.

Ở nhà, con trai cho thỏ ăn, học nấu ăn, quản lý tài chính gia đình và quản lý chi tiêu hàng ngày. Ngoan ngoãn nghe lời mẹ, bảo gì làm đấy.

Con trai lớn dần, càng ngày càng dũng cảm, bình tĩnh và tường hòa. Mỗi ngày tôi đều ôm con vào lòng và nói: “Mẹ yêu con, con là một cậu bé ngoan”.

Con trai à, cảm ơn con! Con còn nhỏ mà đã hiểu chuyện biết điều như vậy, người làm mẹ này sao có thể bắt chước con đà điểu vùi đầu trong cát được? Thay vì cả ngày ủ dột buồn bã, chi bằng đứng dậy và hành động.

Trước khi đến cơ quan công an, tôi chuẩn bị kỹ lưỡng, ăn mặc chỉnh tề, kẻ lông mày nhẹ, kẹp dưới nách một xấp giấy tờ và những văn bản pháp luật liên quan, tôi ung dung, bình thản bước vào cục cảnh sát hình sự. Tôi xuất thân là cán bộ hành chính, thường ra vào cơ quan nhà nước, xử lý công vụ nên vẫn có chút tự tin.

“Khi chồng tôi bị giam ở trong trại tạm giam, cục công an các người đã cưỡng ép khấu trừ tiền lương, và dùng số tiền đó dùng để làm phí bảo lãnh chờ xét xử, bây giờ đã đến hạn, tôi đến lấy lại tiền”. “Lấy lại tiền bảo lãnh? Ai nói vậy?” Nữ cảnh sát trẻ có vẻ mặt ngạc nhiên. “Ai nói vậy à? Đương nhiên là quy định của pháp luật”. Tôi nghiêm túc mở “Luật tố tụng hình sự”, chỉ ra điều khoản cho cô ấy xem. Nữ cảnh sát im lặng một lúc, vẻ mặt khó xử nhìn sang phía nam cảnh sát ở bàn làm việc đối diện. Tôi bước đến, chỉ vào các điều khoản quy định pháp luật liên quan, sau đó nhìn chăm chú vào mắt của anh ta, không cười, cũng không nói. Trầm mặc một lúc lâu, nam cảnh sát mắt sáng rực đẩy ra một bộ hồ sơ, “Đây, hồ sơ pháp luật của chồng cô đã được chuyển đến trại lao động, có thể lấy lại tiền hay không, hiện tại chưa thể kết luận được”. “Vậy được, đến bao giờ thì các anh mới có kết luận?” “Đại khái khoảng một tháng”. “Một tháng? Được, một tháng sau tôi sẽ lại đến”.

(Còn tiếp)

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/291672

https://www.epochtimes.com/gb/19/9/28/n11552784.htm



Ngày đăng: 24-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.