Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (12)
Tác giả: Lan Tâm
[ChanhKien.org]
Câu chuyện về anh Chu
Một ngày nọ, có hai vị khách một nam một nữ đến nhà tôi, họ là một cặp vợ chồng rất đặc biệt. Người đàn ông có nước da ngăm đen, hơi gầy, dáng người cao, là con trai của một vị giáo sĩ người Hồi giáo. Người phụ nữ hoạt bát vui vẻ, nụ cười như ngọc, là người Hán như tôi. Từ nhỏ tôi đã được gia đình dạy dỗ, phàm là có khách đến chơi thì phải bưng nước mời trà sau mới được rút lui, và đặc biệt là không được đàm luận chuyện của chồng trước mặt khách. Hành tẩu giang hồ, tôi có thể thi thoảng lộ chút tài năng, nhưng việc trong nhà, cần phải nghiêm cẩn giữ gìn phẩm hạnh của người phụ nữ. Nhưng cặp vợ chồng từ dân tộc khác tới này lại thu hút sự chú ý của tôi, sau khi rót nước mời khách xong, tôi cầm lấy một chén trà rồi ngồi trên ghế sofa lắng nghe họ nói chuyện. Hóa ra người đàn ông họ Chu, hai người từ nơi khác tới đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn ở thành phố dầu mỏ. Họ mở một nhà hàng Hồi giáo, đặc biệt giỏi về các món thịt bò và thịt cừu, hương vị đặc trưng của dân tộc họ khiến thực khách khắp nơi tấp nập tìm tới thưởng thức. Một vị chánh án tòa án thường xuyên đến ăn, và cũng là đồng hương của họ, quen biết nhau như anh em trong nhà. Vị chánh án khuyên họ rằng nếu đã làm ăn phát đạt như vậy, sao không mua đất xây dựng một nhà hàng lớn? Nếu như có ý định, anh ấy có thể giúp đỡ, vì vị chánh án này có rất nhiều mối quan hệ. Ông Chu trả lời: “Được, được, mọi chuyện xin trông cậy cả vào anh”.
Mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Trước tiên là mua đất, rồi xây dựng nhà cửa. Ông Chu bận rộn với công việc kinh doanh, còn vị chánh án tòa án đứng ra giúp đỡ phối hợp mọi thứ. “Thiếu khoảng hai, ba mươi vạn nhân dân tệ?” “Không sao, không sao, bạn bè có nghĩa vụ giúp đỡ tài chính, tôi sẽ tạm ứng cho anh trước”, vị chánh án đon đả trả lời.
Bảy trăm nghìn nhân dân tệ đã tiêu hết, cuối cùng nhà hàng cũng hoàn thành. Một tòa nhà hai tầng, rộng rãi và sang trọng, mang đậm phong cách dân tộc Hồi. Đúng là làm rạng danh tổ tiên, cửa nhà sáng sủa, cả gia đình đều vui mừng hân hoan, chuẩn bị chuyển đến nơi ở mới và khai trương kinh doanh.
Khoan đã, lúc này vị chánh án tòa án mới bình tĩnh lấy ra giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất, trên đó có giấy trắng mực đen ghi rõ ràng: “Cả hai người chia đều, sở hữu chung”. Ông Chu lập tức ngẩn người, không biết phải làm sao.
Ông Chu ngồi trên ghế sofa nhà tôi, ngón tay cái gõ gõ vào nhau, giận dữ nói: “Thằng cha này ức hiếp người khác thật quá đáng! Tôi là người ngoài đến đây, chẳng quen biết ai, bấy nhiêu tài sản của tôi, chỉ trong một đêm đã bị cướp mất nửa!” Tiếp sau, ông Chu ngước mắt nhìn bức tranh nhà sáng lập Pháp Luân Công đang ngồi mỉm cười được treo ở trên tường, cúi đầu hành lễ: “Hắn ta nên cảm tả Sư phụ của chúng ta. Nếu như là tôi trước đây thì làm sao có thể chịu nổi sự thua thiệt này? Sớm đã rút dao để liều mạng với hắn rồi!”
Chị Chu vỗ tay tán đồng, gật đầu nói: “Đúng vậy. Người tu luyện thì nói đến việc tu tâm, thủ đức, làm việc thiện, phải có tâm đại nhẫn. Có thể là do kiếp trước có duyên nợ, trong số mệnh chúng ta sớm đã thiếu nợ người ta rồi”.
Chồng tôi đứng dậy rót trà, hỏi: “Sau khi ra khỏi trại lao động cải tạo, anh bận rộn với những gì vậy, anh Chu?”, “Đừng nhắc đến nữa. Vừa vào trại lao động, nhà hàng bị chính quyền tháo dỡ, tiền bồi thường toàn bộ lại bị tay chánh án tòa án kia lấy đi hết, tôi chẳng còn một xu. Không còn cách nào, cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Vợ chồng tôi chỉ có thể mang theo một cái thùng nhựa, lên giếng dầu trong khu khai thác để nhặt dầu rơi. Cả ngày đầu bù tóc rối, mệt muốn chết, chỉ đủ kiếm miếng cơm qua ngày thôi”. Ông Chu vừa nói vừa nhíu mày.
Chị Chu đặt chén trà xuống, nở một nụ cười rạng rỡ, “Nhìn anh nói kìa, dầu rơi mới là thứ đáng tiền, đó chính là ‘vàng đen’! Dù có bẩn một chút, nhưng làm tốt vẫn có thể phát tài. Người có chí, trời không phụ, có Sư phụ che chở, không tin rằng chúng ta không thể có ngày nở mày nở mặt!” Rồi chị quay mặt về phía tôi nói: “Em gái, hôm nào lên nhà chị, chị làm món thịt bò hầm cho em ăn. Xem thử có ngon không, có đúng chuẩn vị không, hai em thưởng thức tay nghề của chị xem sao nhé!” Chị Chu cười tươi như hoa, đầy nhiệt huyết, dường như vẫn là bà chủ của nhà hàng ẩm thực Hồi giáo, với tài sản núi vàng núi bạc, tiêu bao nhiêu cũng không hết.
Gia đình anh Thôi
Chú Viên là một ông lão dáng người nhỏ, mặt đỏ hồng, tinh khí thần đều tràn đầy năng lượng. Ban đầu chú trồng nấm, sau mở nhà hàng, là người tài giỏi có tiếng trong vùng. Hồi đó, khi chồng tôi bị bắt, chú là người đầu tiên đến thăm tôi. Lần đầu gặp nhau, nhưng chú cứ nhất quyết gửi lại cho tôi 300 tệ. Tôi kiên quyết từ chối, nhưng chú cũng kiên quyết không chịu nhận lại. Mấy tờ tiền đủ màu sắc bị chú ném đi ném lại ngay trước cửa, như một chiếc cầu vồng loang màu trên nền trời xanh.
Chú Viên trở về từ trại lao động, nhà hàng đã sớm bị đóng cửa.
Còn nói về anh Thôi, anh là khách quen của nhà tôi, mỗi lần đến đều ngồi nhấm nháp chén trà, ngắm hoa, và vẫn nói chuyện với khí phách rất mạnh mẽ, giọng vẫn tràn đầy sức lực. Mặc dù đã chuyển sang làm vườn cho đội xanh hóa, ngày nào cũng phải nhổ cỏ, tưới nước, nhưng anh vẫn giữ vẻ ngoài sạch sẽ, gọn gàng.
Một ngày, chú Viên lại đến. Chưa kịp ngồi xuống, tôi đã nói ngay: “Anh Thôi ở thôn Tây bị bắt rồi! Nói là sắp bị đưa đi trại cải tạo!”, “Á?” Chú Viên vỗ mạnh vào đùi: “Thế thì nguy to rồi! Nhà ấy còn một bà vợ điên, còn phải nuôi ba đứa con nữa!”, “Hai ngày trước mới nghe sự tình chú đã tới thăm nom, cho họ mấy trăm tệ”. “Đi! Đi! Đi! Dẫn chú đi xem!”
Sảnh lát gạch xanh có cửa hướng ra đường chính là đặc điểm rõ ràng nhất của một gia đình nhà nông bình thường. Khi chúng tôi đến, người vợ điên của anh Thôi đang nằm ở trên giường với mái tóc bù xù, khuôn mặt ngáo ngơ, thi thoảng lại xuất ra những âm thanh rên rỉ.
Anh Thôi là một người đàn ông trung niên, gầy gò, đen đúa. Anh ấy đảm đương mọi công việc trong nhà ngoài ngõ, là trụ cột duy nhất của gia đình. Vì anh dùng sơn đỏ để xóa đi những bức tranh có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công, nên đã bị cảnh sát lao đến trói chặt và tống vào tù giam giữ.
Sau vài lần nói chuyện, người đàn bà điên ngước mặt lên, mặt tái nhợt như tờ giấy trắng và hơi thở lịm dần. Thấy có người đến, bà ấy hua tay lên trời và bắt đầu khóc lớn: “Mọi người ơi, mọi người ơi, tôi sao sống nổi đây”. Thứ âm thanh khốn khổ đó, khàn khàn và đáng sợ, như thể bà đã dùng cả sinh mệnh để khóc, giống như một bàn tay sắt xé nát trái tim ra khỏi lồng ngực, dòng máu nóng loang lổ khắp mặt đất.
Tôi thực sự không nỡ nghe tiếp, vội vàng che mặt đi và ra ngoài nhìn đám trẻ của anh Thôi. Người chị cả đã kết hôn, đang mang thai, sắp sinh con. Người con thứ hai vừa đỗ vào khoa mỹ thuật của một trường đại học ở thành phố tỉnh, chưa kịp đi nhập học. Đứa con thứ ba là một cậu bé, vừa lên lớp một. Lũ trẻ như những con chim non mất tổ, đau khổ muốn khóc, ba đứa trẻ tụ lại một chỗ, đầu cúi gằm.
Tôi không biết phải nói gì để an ủi những đứa trẻ đang hoang mang, bất lực này. Cô gái vừa đỗ đại học lau nước mắt nói: “Mọi người trong làng đều đứng ra bảo lãnh, nói bố cháu là người tốt. Trụ cột gia đình bị bắt, cả nhà này phải sống sao. Nhưng công an vẫn không chịu, cứ nhất quyết phải bắt bố đi trại cải tạo”.
Mỗi người bỏ ra vài tờ tiền trăm tệ nhẹ tênh, tôi và chú Viên bước ra khỏi cái sân ngột ngạt này. Dù cánh cửa mở ra là con đường lớn, nhưng tôi thực sự không thể tưởng tượng nổi, gia đình này sẽ phải sống tiếp thế nào.
Anh Thôi sau khi bị bắt đi trại cải tạo, chưa đầy ba tháng sau, người phụ nữ điên đó đã qua đời.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/19/11/30/n11691292.htm
Ngày đăng: 26-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.