Tiểu thuyết phóng sự: Một đêm mộng kinh hoàng (13)
Tác giả: Lan Tâm
[ChanhKien.org]
Thăm thành cổ Khúc Phụ
Ngày mùng 6 Tết, gió lạnh buốt, tôi dẫn con trai đến thăm thành cổ Khúc Phụ. Nhớ lại ngày xưa, tôi từng cùng bạn bè lên án dữ dội, chỉ trích mạnh mẽ theo phong trào “Phê phán Lâm – Khổng”, dường như đã làm cho Khổng lão phu tử trở thành đối tượng bị chỉ trích, bị lên án, khiến cho vạn thế không thể ngẩng đầu. Vì vậy, mặc dù là người gốc Sơn Đông, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đến thăm phủ Khổng Tử. Cho đến khi đọc bài viết dài dằng dặc của giáo sư Vương Tài Quý ở Đài Loan, tôi mới quyết định đến thăm nơi khai sinh ra Nho giáo.
Khúc Phụ chỉ là một huyện thành nhỏ, thậm chí ngay cả trong tỉnh Sơn Đông, nó cũng không phải là nơi quá nổi tiếng. Sau mấy nghìn năm được ngấm đượm trong văn hóa Hoa Hạ cổ xưa, một đoạn tường thành cổ không dài lắm, nhìn qua đã thấy nhiều chỗ bị mục ruỗng. Từ những giếng cổ, cho tới những cây cổ thụ, và những mái chùa cổ, đâu đâu cũng có thể thấy, mỗi góc nhỏ đều nhuốm màu của tứ thư ngũ kinh, mang những vết rỉ sét giống như dấu vết của thời gian.
Ở bất kỳ nơi nào tôi đến, bia đá đều dường như như bị cắt đứt rồi nối lại, những vết nứt dài như những vết thương dữ tợn. Không ít cổng vòm ở miếu trông nghiêng nghiêng, như thể sắp đổ xuống bất cứ lúc nào. Cây cổ thụ trong khuôn viên phủ Khổng đều như những người tuổi già sức yếu, lưng còng, tướng mạo lụi tàn. Những sân vườn rộng, mái nhà cao vút, những cột trạm trổ cầu kỳ, bia khắc dày đặc. Trong mắt tôi, một người vốn không biết gì về cổ thư, tất cả chỉ là sự cổ xưa, chỉ có cảm giác mục nát, xuống cấp, không làm tôi xao động chút nào.
Tuy nhiên, ở cách không xa phủ Khổng có một con phố nhỏ mang phong cách cổ xưa, những ngôi nhà gạch ngói xanh, đầy vẻ cổ kính. Đồ cổ, thư tịch cổ, cổ phong cổ vật, tất cả đều mang một vẻ đẹp quyến rũ, dễ làm người ta mơ mộng. Tôi lang thang trong đó, mua một bộ sách giới thiệu về tam Khổng (Khổng miếu, Khổng phủ, Khổng lâm) và một bức tượng Khổng Tử đứng với vạt tay áo rộng, tay chắp trước ngực.
Trên phố nhỏ, du khách tấp nập, thỉnh thoảng lại thấy những khách du lịch ngoại quốc tóc vàng, mắt xanh. Các gian hàng có lẽ đã quen với cảnh nhiều người phương Tây, vẫn thoải mái mặc cả, ồn ào nhộn nhịp. Sơn Đông nơi đây vốn có phong tục bảo thủ, ít khi thấy người ngoại quốc dừng chân. Nhưng hôm nay, người đông như nước, vạn quốc đến thăm, mới tin rằng câu “Thành của Thánh nhân phương Đông” không phải là chuyện bịa đặt.
Đang lúc mải mê dạo chơi, tôi thấy du khách đều tập trung về phía cổng thành cổ, tôi và con trai không hiểu chuyện gì, cũng theo dòng người đi đến. Chẳng mấy chốc, một đoàn võ sĩ mặc áo giáp, đeo kiếm dài bước ra, dáng vẻ uy phong. Mỗi cử chỉ, mỗi động tác đều mạnh mẽ, hùng dũng, khí thế ngất trời. Lúc ấy, cả đám người đều nín thở, không ai lên tiếng. Như thể bị một thứ phép thuật trói chặt, tôi đứng như trời trồng, im lặng không thể cất nên lời. Tôi tận mắt chứng kiến những nhân vật cổ xưa của quốc gia hai nghìn năm trước, xuyên qua màn sương mù của lịch sử, cờ xí bay phấp phới, biểu diễn một màn kịch cổ trang đầy khí thế. Tôi bỗng chốc ngây người, quên cả bản thân mình là ai.
Mục đích thực sự của giáo dục quốc gia
Thầy Phùng là người quen thân thiết của chồng tôi, vào những năm 50 của thế kỷ trước, để che giấu gốc gác địa chủ, ông đã bỏ nhà, rời quê, từ biệt cha mẹ, rời khỏi Hà Nam, chuyển đến vùng Sơn Đông sinh sống. Khi ấy, mảnh đất mới bồi của sông Hoàng Hà vẫn còn hoang vu, cỏ dại mọc um tùm. Những người di cư từ nơi khác kéo đến, hết nhóm này đến nhóm kia, chỉ cần dọn dẹp vài bụi cây, cỏ dại là dựng lên lều tạm, bắt đầu cuộc sống mới trên vùng đất mặn mà, khô cằn của bãi bồi Hoàng Hà.
Giờ đây, thầy Phùng đã có vợ con đông đúc, an cư lạc nghiệp, trở thành một người đàn ông trung niên trầm lặng, sống bình yên. Ông là giáo viên dạy văn xuất sắc tại trường Trung học Thực nghiệm.
“Thầy Phùng, em phát hiện ra một bí mật đấy”.
Thầy Phùng mỉm cười nhìn tôi một cái, không nói gì.
“Thầy xem này, ngày xưa người ta học ở trường tư thục, chỉ cần hơn một năm đã xóa nạn mù chữ, thêm ba bốn năm nữa là đã có thể viết ra những bài văn hay. Vài ngày mới đây, em đi tham quan trẻ em đọc sách ở thành cổ Khúc Phụ, có một bé gái học lớp ba tiểu học, hành văn hay đến độ khiến người ta phải kinh ngạc. Cô bé miêu tả mùi hoa mai, rằng ‘thanh mà tịnh, thoang thoảng như gần lại xa’, Trời ơi! Sinh viên đại học tốt nghiệp cũng chưa chắc viết được như thế đâu”.
“Đúng vậy”, thầy Phùng ngồi thẳng lại, “Theo chương trình giảng dạy hiện tại, lớp bốn cấp tiểu học mới yêu cầu học khoảng hai nghìn chữ, mà học cả mười năm gian khổ, có nhiều người viết văn vẫn rất tệ”.
“Thì ra, sau năm 1949, giáo dục ngữ văn của chúng ta đã tụt lại rất xa, lẽ nào chính phủ không biết sao?” Tôi và thầy Phùng nhìn nhau, cùng trầm tư im lặng.
Tôi suy nghĩ một lúc lâu, rồi chậm rãi nói: “Em đã đọc rất nhiều sách, cũng suy nghĩ rất lâu. Mấy hôm nay, cuối cùng đã hiểu ra”.
“Ồ?” Thầy Phùng nhìn tôi chằm chằm, không rời mắt.
“Chính phủ làm vậy là có chủ đích. Thầy thử nghĩ mà xem, học ở trường tư thục, học các sách kinh điển, có thể nhanh chóng học chữ và viết văn, từ ngữ mượt mà, lại có nhiều điển cố. Nhưng điều đó sẽ chỉ khiến trẻ em hiểu về văn hóa truyền thống Trung Hoa, chứ không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin đến từ phương Tây”. Tôi không khỏi cúi đầu, mặt đỏ bừng.
Thầy Phùng ngẩng đầu lên, nhẹ nhàng gõ gõ tay vào tay vịn của ghế sofa.
“Còn nữa, gần đây em vẫn nghiên cứu phương pháp dạy tiếng Anh, tình cờ tìm được một cuốn sách cũ kỹ, giấy đã ố vàng có tên ‘Nguồn gốc và sự biến hóa của dạy ngoại ngữ’. Trong sách có nói rằng trong thời kỳ thế chiến thứ nhất và thứ hai, các sĩ quan đồng minh chỉ học ba tháng là có thể liên lạc với các quốc gia khác. Các mục sư phương Tây, chỉ học mười tháng là có thể sang phương Đông giảng Đạo bằng tiếng Trung. Trước năm 1949, sinh viên đại học bình thường vừa vào trường là có thể học hoàn toàn bằng tiếng Anh”.
Thầy Phùng không nói gì, nghe tôi tiếp tục nói: “Khi Liên Xô mới thành lập, để ngăn chặn hoàn toàn sự xâm nhập văn hóa của Anh Mỹ, họ đã từ bỏ phương pháp giảng dạy tiên tiến và quay lại dùng phương pháp dịch thuật ngữ pháp đã bị lãng quên từ lâu. Một vạn từ mới có thể đọc báo? Được thôi, từ tiểu học đến đại học sẽ chỉ dạy bạn khoảng ba nghìn từ đơn, suốt mười mấy năm học, miệt mài học đi học lại, nhưng không bao giờ đạt được trình độ nghe nói đọc viết thành thạo, khiến bạn vĩnh viễn không thể đạt chuẩn. Hằng ngày dạy bạn mà học không thành, thì đổ lỗi cho ai? Chỉ có thể tự trách mình ngu dốt. Đất nước chúng ta đã hoàn toàn sao chép mô hình của Liên Xô, từ đó về sau, thành phần trí thức ở đất nước chúng ta, trên thì đọc không hiểu được điển cố, điển tích Trung Hoa, dưới thì đọc không hiểu văn học phương Tây hiện đại”.
Giọng tôi trầm xuống, đầy đau buồn và bất lực: “Thầy Phùng, thầy là giáo viên dạy văn, còn em, dù sao cũng là hội viên hội nhà văn. Tứ thư ngũ kinh, chúng ta đã đọc được bao nhiêu cuốn? Nghĩ lại, đêm về thật không thể ngủ được, lòng dạ thật không yên. Đảng cầm quyền có mưu đồ thâm sâu, khó lường. Mấy thế hệ trí thức, một tỷ mấy người bị tính kế một cách tỉ mỉ. Nói rằng trường học phải đào tạo những người kế cận cho sự nghiệp chủ nghĩa cộng sản, câu này không phải là nói suông”.
Tôi từng chữ từng câu chậm rãi nói tiếp: “Xét từ góc độ di sản văn hóa, chúng ta đều là nô lệ của quốc gia đã mất. Câu chuyện trong ‘Bài học cuối cùng’ của nhà văn Alphonse Daudet chính là mô tả hôm nay”.
“Chúng ta không đọc nổi cổ văn, không viết được chữ Hán chính thể. Thầy Phùng, thầy nói xem, liệu chúng ta còn có thể gọi mình là trí thức Trung Hoa không? Chúng ta đã quên đi nguồn gốc, thật đáng xấu hổ với tổ tiên”.
Chúng tôi bốn mắt nhìn nhau im lặng, rất nhanh rồi lại tránh ánh mắt của nhau như bị lửa thiêu đốt. Cắn môi, muốn nói lại thôi. Bao nhiêu sự bất lực, cuối cùng chỉ hóa thành vài tiếng thở dài.
Con trai tôi đổi sang học trường tư thục của mình
Cái gì? Con trai đang học lớp năm, sao lại không cho đi học nữa? Chẳng lẽ hai vợ chồng phát điên rồi sao? Những người bà con, bạn học, người quen, lần lượt đến hỏi han, khuyên bảo rối rít. Nhưng dù thế nào, chúng tôi đã quyết tâm, không quay đầu lại. Những người đến thì tức giận, cắn răng nói: “Chẳng biết hai vợ chồng anh chị rốt cuộc nghĩ gì, đầu óc chứa cái gì nữa không biết? Hồ đồ hết lượt rồi. Một học sinh ưu tú như thế, lại bị hủy hoại trong tay bố mẹ”.
Không có người dạy, cũng không có thi cử. Một môn cổ văn, một môn tiếng Anh, mỗi ngày chỉ học bốn tiếng đồng hồ. Thuộc lòng Luận Ngữ, đọc thuộc Đạo Đức Kinh. Toàn bộ Liêu Trai Chí Dị, không cần hiểu thấu, cũng chẳng cần phiên dịch, chỉ cần đọc qua vài lần, dù có hiểu hay không, cũng chẳng sao. Bộ sách mỏng của Lý Dương có tên “Tiếng Anh cấp tốc cho học sinh tiểu học”, chỉ có bốn quyển, mỗi ngày đọc lớn ba mươi lần cùng máy phát âm. Nửa năm học như vậy, việc học thật đơn giản, chẳng có gì nặng nhọc. Mỗi ngày học hành nhẹ nhàng như vậy, con trai tôi làm sao không thích được kia chứ?
Một nhóm bạn bè thân thuộc, chờ đợi từng ngày, chỉ chờ đến lúc nửa năm trôi qua, mọi chuyện sẽ rõ ràng. Khi con bước vào, mở sách kiểm tra, tiếng Anh của con lưu loát như thác nước trên núi, dốc đứng mà đổ xuống. Mọi người nhìn mà há hốc miệng, chẳng tin vào mắt mình. Tôi đưa con đi thi tại một trường ngoại ngữ, người ta hỏi mãi, với tiếng Anh chuẩn đến thế, con đã học ở quốc gia nào?
Còn cổ văn thì sao, lấy những bài học trong sách giáo khoa trung học ra, con có thể hiểu được thật dễ dàng, chẳng tốn chút sức nào. Điều khiến mọi người càng kinh ngạc hơn là, con có thể dễ dàng viết ra bài văn nửa văn nửa bạch thoại, viết liền một mạch cả nghìn chữ, hạ bút thành văn, một nhóm người lớn nhìn mà tự thấy mình không bằng.
Nhớ lại những bậc hiền tài của Trung Hoa, sự rộng lớn, sâu sắc của văn hóa khiến chúng tôi, những thế hệ sau này, phải kính trọng, không thể với tới.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/19/12/7/n11707482.htm
Ngày đăng: 29-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.