Mạn đàm Trung y (16): Thời gian, không gian và nước



Tác giả: Hồ Nãi Văn

[ChanhKien.org]

Khoa học hiện đại cho rằng nước (H2O) được hình thành bằng cách kết hợp hai nguyên tử khí hydro và một nguyên tử khí oxy.

Trong bài “Không gian nhiều tầng có thể nhận biết và có thể cảm thấy” đã đề cập đến việc “Vàng đun trong nước giếng có thể chữa chứng bệnh trẻ khóc đêm” và “Nước âm dương là hỗn hợp một nửa nước lạnh một nửa nước sôi, có thể dùng để chữa bệnh tả”, những điều như thế này trước đây khi đọc những cuốn sách chữ viết thảo, tôi luôn coi nó như một trò đùa.

Sách “Bản thảo cương mục” có ghi 13 loại “thiên thủy” và 30 loại “địa thủy”. Bây giờ chúng tôi chọn một số loại nước được ghi trong “Bản thảo cương mục” để xem đặc tính hoặc nguyên lý trị bệnh của chúng, có lẽ có một số hiểu biết về các tầng thứ không gian khác nhau và thời gian khác nhau.

Nước liên quan đến thời gian:

Nói về nước mưa, “Nước mưa Lập xuân”, có khí xuân dâng cao, có thể dùng để sắc thuốc trị “tỳ khí yếu, thanh khí không tăng”, có một bài thuốc cổ dành cho phụ nữ hiếm muộn, nếu hai vợ chồng mỗi người uống một cốc nước này thì nhập phòng sẽ có thai. Các thầy thuốc thời xưa cho rằng loại nước này có ý nghĩa “khởi đầu cho sự phát triển của vạn vật”. “Mai vũ thủy” là gì? Lý Thời Trân nói: nước mưa trong thời gian sau tiết Mang Chủng gặp Nhâm (ngày) cho đến tiết Tiểu Thử gặp ngày Nhâm gọi là mưa mai; dùng nước đó để tẩy rửa sạch ghẻ lở và vết sẹo; nước mưa này cũng có thể dùng để ủ lên men làm nước tương, làm tương dễ chín. “Dịch vũ thủy” dùng để chỉ nước mưa từ ngày thứ mười sau Lập đông (là “nhập dịch”) đến Tiểu tuyết (là “xuất dịch”). Nước mưa thời gian này còn được gọi là “dược vũ” (mưa thuốc), các loại côn trùng đều sẽ ngủ đông khi uống loại nước này, cho đến khi có sấm mùa xuân tới chúng mới lại xuất hiện, cho nên loại nước mưa này có thể dùng để giết hàng trăm loại côn trùng và dùng để sắc thuốc sát trùng và tiêu trừ bệnh cam tích.

Theo kiến thức hóa học hiện đại của chúng ta, nước mưa là hơi nước bốc lên, nó ngưng tụ thành nước khi gặp lạnh trên bầu trời, quá nhiều hơi nước thì sẽ rơi xuống và trở thành mưa. Nhưng người Trung Quốc cổ đại đã có một cái nhìn độc đáo, và rút ra kinh nghiệm rằng nước mưa ở các thời kỳ khác nhau vẫn có thể có tác dụng chữa bệnh khác nhau. Nếu chúng ta không thể loại bỏ được quan niệm tư tưởng do khoa học hiện đại dưỡng thành phát triển này thì chúng ta sẽ khó hiểu được bản chất của sự vật.

Hãy nói về nước liên quan đến không gian:

“Bán thiên hà” còn được gọi là “Thượng trì thủy”, chủ yếu dùng để chữa bệnh ma quỷ, cuồng tà và ác khí. Đào Hồng Cảnh nói: loại nước này là nước ở đầu hàng rào tre và nước trong hốc cây rỗng. Trong “Chiến Quốc sách”, Trường Tang Quân đã cho Biển Thước uống “Thượng trì thủy” để có thể nhìn rõ nội tạng. Khấu Tông Thích cho rằng “Thượng trì thủy” là nước ở đầm hồ trên Thiên thượng nên có thể chữa được bệnh tim, bệnh biểu hiện bề ngoài (các bệnh tương tự như bệnh trúng phong), bệnh điên.

“Nước trong ngôi mộ cổ (mồ mả)” có độc, có thể gây chết người. Trần Tàng Khí nói: lấy nước đó rửa các vết lở loét có thể lành (khỏi bệnh).

“Nước trong vết bánh xe” hoặc “nước trong móng chân trâu” có thể trị lở loét, phong hàn, lấy nước đó rửa vào ngày 5 tháng 5 thì rất tốt.

Nước được tạo ra bằng các phương pháp khác nhau cũng có các công dụng khác nhau:

“Nước sống và chín” còn được gọi là “nước âm dương”, lấy nước mới múc (nước giếng mới mang về) và bách phí thang (nước đun sôi lâu) hòa trộn đều nhau vào một cốc thì đó là “nước sống và nước chín” cũng gọi là “nước âm dương”, có thể chữa được bệnh tả. Lý Thời Trân nói: thượng tiêu (phần trên cơ thể, gồm tâm và phế) có nhiệm vụ tiếp nhận, trung tiêu (phần giữa cơ thể, gồm tỳ và vị) có nhiệm vụ tiêu hóa, hạ tiêu (phần dưới của cơ thể, gồm can, thận, tiểu trường, đại trường và bàng quang) có nhiệm vụ bài tiết; tam tiêu thông suốt thuận lợi, âm dương điều hòa, tuần hoàn đều đặn, thi tạng phủ thông suốt; nếu mất phương hướng thì hai khí sẽ rối loạn, âm đục không xuống, dương thanh không lên cho nên sinh ra bệnh tiêu chảy và nôn mửa. Người uống nước này chắc chắn sẽ ổn định sẽ được phân thành âm dương làm cho chúng được cân bằng yên ổn. Trong dân gian người ta dùng “nước âm dương” để điều trị các chứng rối loạn tâm thần và thần kinh. Tuy nhiên, một nữ sĩ họ Trang từng nói rằng một số người không thể uống nước này vì nó sẽ gây ra những bất thường về thần kinh và có xu hướng dẫn đến rối loạn.

Trong “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương Trọng Cảnh có bài thuốc “Phục linh Quế chi Cam thảo Đại táo thang”, dùng một loại nước gọi là “Cam lan thủy” sắc thuốc uống để trị chứng bệnh Bôn đồn (1). Về cách làm “Nước Cam lan”, “Thương hàn tạp bệnh luận” nói rằng lấy ba đấu nước đổ vào trong một cái chậu lớn, dùng cái muôi múc nước đó dội hàng nghìn lần, có năm đến sáu nghìn hạt trên mặt nước đuổi theo nhau, hãy sử dụng nước này. Quan điểm của ông Trình Lâm cho rằng nước Cam lan đã trở nên vô lực vì nó đã được vung vẩy trong một thời gian dài, nó đã không còn tính chất nước nữa, sẽ không giúp ích gì cho tà khí ở thận. (Bởi vì Trung y cho rằng bệnh Bôn đồn là do “thận khí lăng tâm” nghĩa là khí ở thận xâm lấn lên tim).

Kiến thức của y học cổ truyền Trung Hoa không thể được coi là quan niệm của người thường trong quá khứ, trước đây chúng ta sử dụng khái niệm chiết xuất trong hóa học để nghĩ về cách sắc thuốc, hâm thuốc như thế nào, vì vậy khi sắc thuốc, cứ nghĩ rằng nấu càng lâu thì càng chiết xuất được nhiều thành phần hiệu nghiệm của thuốc. Nhưng trong dược học Trung Quốc, có một số loại thuốc có thể đun sôi cho đến khi có mùi thơm là được; một số loại thuốc cần được nấu càng lâu càng tốt; để đạt được mục đích sử dụng chất hoặc khí của thuốc, một số phải được sắc trước, còn một số phải sắc sau, điều này không thể giải thích được bằng lý thuyết chiết xuất hóa học của người thường. Không chỉ vậy, các đồ đựng nước và thuốc sắc có thể cần phải được xem xét lại, không thể chỉ dựa vào ý nghĩ rằng các đồ đựng sẽ không tạo ra phản ứng hóa học nào.

Chú thích: (1) Bôn đồn là bệnh chủ yếu do sợ hãi gây nên. Chứng trạng chính là tự cảm thấy có khí từ bụng dưới xông lên ngực, họng, giống như con heo chạy (bôn đồn), vì vậy gọi là Bôn Đồn Khí.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 17-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.