Mạn đàm Trung Y (2): Y thuật Trung Y cổ đại bác đại tinh thâm
Tác giả: Thu Văn
[ChanhKien.org]
Trung Y thời cổ đại tương đối phát triển, trong các triều đại trước đây của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều danh y có y thuật cao siêu thần kỳ, ví dụ như Biển Thước vào cuối thời Xuân Thu, Hoa Đà, Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh vào cuối thời Đông Hán, Hoàng Phố Mật và Cát Hồng thời nhà Tấn, Tôn Tư Mạc thời nhà Đường, Chu Chấn Hanh thời nhà Nguyên, Lý Thời Trân thời nhà Minh, v.v. Sau đây là phần giới thiệu tóm lược về một số đại y gia này.
Biển Thước (cuối thời Xuân Thu, 407 – 310 TCN)
Biển Thước chẩn đoán bệnh như Thần, chỉ cần quan sát trực quan thần sắc nét mặt của bệnh nhân, ông đã có thể đưa ra tóm lược về tình trạng của bệnh nhân và tùy bệnh bốc thuốc một cách chính xác. Điều đáng ngạc nhiên nhất là Biển Thước đã làm thủ thuật ghép tim cho Lỗ Công Hỗ và Triệu Tề Anh. Theo “Liệt tử. Thang Vấn Thiên” ghi chép, vào thời Xuân Thu, Công Hỗ của nước Lỗ và Tề Anh của nước Triệu bị bệnh và mời Biển Thước chữa trị cho họ. Sau khi Biển Thước chẩn đoán và chữa trị cho họ, ông không chỉ chẩn đoán nguyên nhân ngoại hình của họ mà còn chẩn đoán ra những căn bệnh do tính cách bẩm sinh khác nhau của họ gây ra, cuối cùng ông đã đổi trái tim của họ để tính cách của họ thay đổi so với ban đầu. Ca phẫu thuật này xảy ra từ năm 300 đến 400 trước công nguyên và có lẽ là ghi chép sớm nhất về việc cấy ghép nội tạng trong lịch sử văn minh lần này của nhân loại. Phẫu thuật thay tim chỉ mới xuất hiện ở phương Tây trong thời cận đại, hơn nữa tỷ lệ thành công không phải là 100%, bệnh nhân sau khi thay tim phải dùng thuốc, thậm chí có thể phát triển các bệnh khác hoặc bệnh tim tái phát và phải phẫu thuật lại để điều trị. Trong câu chuyện của Biển Thước, chúng ta có thể thấy Biển Thước đã làm phẫu thuật thay đổi tim cho hai người cùng một lúc mà không cần sử dụng các máy móc phức tạp và đa dạng.
Hoa Đà (cuối thời Đông Hán, 145 – 208)
Hoa Đà có y thuật kỳ diệu. Về châm cứu, điều cấm kỵ trong giới y học là kim không được xuyên quá bốn phân để tránh làm tổn thương đến nội tạng, nhưng Hoa Đà có thể di chuyển kim linh hoạt tự do mà không bị hạn chế này. Hoa Đà cũng là người đầu tiên phát hiện ra hệ thống huyệt Giáp Tích, huyệt Giáp Tích là tính từ bên dưới đốt sống thứ nhất đến dưới đốt sống thứ 17, nơi các huyệt được chọn cách giữa cột sống năm phân, tổng cộng khoảng 34 huyệt ở bên trái và bên phải, nhóm huyệt này có tác dụng chữa các bệnh mãn tính như ho, thở khò khè, đau mỏi thắt lưng.
Hoa Đà đã sử dụng Ma phí tán để gây mê khi ông nối lại các chi bị gãy của bệnh nhân, sớm hơn 1000 năm so với thuốc gây mê của châu Âu và Hoa Kỳ. Ông đã từng thực hiện một ca phẫu thuật được người hiện đại coi là có độ khó cao, đó là cắt ruột của bệnh nhân, rửa sạch, loại bỏ chất bẩn rồi sau đó lại khâu lại.
Sử sách ghi lại rằng Tào Tháo bị chứng đau nửa đầu, Hoa Đà đề nghị mở hộp sọ để điều trị, nhưng kết quả vì điều này mà dẫn đến cái họa ông bị giết. Trước khi chết, Hoa Đà mang cuốn y thư ông soạn lúc bị giam trong nhà ngục giao cho quản ngục, nhưng người quản ngục đó không dám nhận, thế là Hoa Đà đã mang cuốn y thư đó đốt thành tro.
Tôn Tư Mạc (thời Tùy Đường, 581 – 682)
Tôn Tư Mạc dùng thuốc như dùng binh, vô cùng chuẩn xác, được mệnh danh là “Dược Vương”, núi Ngũ Đài Sơn ở huyện Diệu, tỉnh Thiểm Tây còn được gọi là Dược Sơn vì ông thường đến núi này để hái thuốc. Trong “Thiên Kim Yếu Phương” và “Thiên Kim Dực Phương”, ông đã ghi lại kỹ càng tỉ mỉ hơn 5.300 đơn thuốc và hơn 800 dược liệu, ông cũng mô tả cách sử dụng, trồng trọt và bào chế những dược liệu này như thế nào, đồng thời ghi lại những kinh nghiệm lâm sàng trong hàng chục năm hành nghề y trong dân gian của ông. Hai cuốn sách này được coi là bộ bách khoa toàn thư y học sớm nhất ở Trung Quốc. Trong sách đã đề cập đến các phương thuốc điều trị như bệnh phong, bệnh tả, tiểu đường (đái tháo đường), lở loét, mụn nhọt (viêm mô tế bào), bệnh tràng nhạc (lao hạch), u bướu cổ (phì đại tuyến giáp trạng), bệnh ngoài da, bệnh bí tiểu tiện, bệnh quáng gà.
Y thuật của Tôn Tư Mạc rất tinh xảo, ông dùng lông cánh gà làm kim móc, cắt bỏ màng trắng trong mắt (đục thủy tinh thể), thực hiện phẫu thuật khoang miệng cho trẻ em bằng cách chích lưỡi. Ngoài ra Tôn Tư Mạc còn có một tập sách bảy cuốn về “Phụ nhân phương” (phương thuốc cho phụ nữ), trong đó mô tả các loại bệnh và cách điều trị dành cho phụ nữ, bao gồm vệ sinh thai kỳ, điều dưỡng sau khi sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh, cách tránh chậm chuyển dạ và đẻ khó, v.v.
Ngoài y thuật cao siêu, Tôn Tư Mạc còn là người rất coi trọng y đức. Trong lời tựa của cuốn “Thiên Kim Yếu Phương” ông viết: “Nhân mạng chí trọng, quý vu thiên kim; nhất phương tế chi, đức du vu thử” (Mạng người là quan trọng nhất, quý hơn ngàn vàng, tận lực cứu chữa người thì đức hạnh còn lớn hơn cả ngàn vàng). Trong thiên thứ nhất sách “Đại y tinh thành”, ông nhấn mạnh rằng muốn làm một đại y gia thì nhất định không được cầu xin gì cả, phải có lòng đại từ bi, và phát nguyện cứu được nhiều người đang bị khổ.
Lý Thời Trân (thời Minh, 1518 – 1593)
Trong cuốn “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân đã ghi lại 1.094 loại thuốc thực vật, 444 loại thuốc động vật, 275 loại thuốc khoáng chất, 79 loại dược liệu khác, có 1.096 bài thuốc dân gian và 1.160 bức tranh minh họa. Nó không những là một kiệt tác y học, mà còn là một cuốn bách khoa toàn thư về thực vật học, động vật học, khoáng vật học, mạch học, phương tễ học (khoa học kê đơn) và y lý.
Trong quá trình hành nghề y, Lý Thời Trân đã phát hiện ra nhiều sai sót trong nhiều sách thuốc, nên ông quyết định biên soạn và chú thích một cuốn sách thảo dược mới. Để biên soạn cuốn sách này, ông đã thâm nhập vào núi sâu rừng già nơi đầy rắn độc để thu thập thuốc, thậm chí còn thử thuốc trên chính cơ thể mình. Ông đã từng tự mình ăn cà độc dược có độc tố để thử độc tính của nó và điều chế thuốc giải độc. Ngoài dược liệu, Lý Thời Trân còn có những kiến giải độc đáo về khoa học kinh mạch. Ông đề xuất kỳ kinh bát mạch (các đường kinh mạch ngoài 12 kinh chính của cơ thể con người được gọi là kỳ kinh, tổng cộng là tám mạch), và nêu rõ sinh lý và bệnh lý của các kỳ kinh. Lý Thời Trân còn là một thầy thuốc vĩ đại có y đức cao thượng, được người dân thời bấy giờ tôn sùng.
Từ những câu chuyện về các danh y thời Trung Quốc cổ đại kể trên, không khó để chúng ta phát hiện ra sự phát triển của Trung Y thời cổ đại, chẳng hạn như tại Trung Quốc 300 đến 400 năm trước công nguyên đã xuất hiện phẫu thuật thay tim; hơn 100 năm trước công nguyên đã có việc đoạn chi tiếp cốt (bó xương chân tay gãy), tẩy ruột, phẫu thuật não và có thuốc gây mê; Tôn Tư Mạc đã thực hiện phẫu thuật bệnh đục thủy tinh thể mắt từ những năm công nguyên 500. Còn về công dụng của thuốc lại càng thần kỳ hơn, thuốc vào là bệnh khỏi, Hoa Đà đã chữa khỏi bệnh vàng da, Trương Trọng Cảnh chữa khỏi bệnh thương hàn, ngoài ra còn có nhiều bệnh khó chữa, phức tạp như bệnh tiêu khát (tương tự tiểu đường) cũng có đơn thuốc điều trị. Châm cứu, là liệu pháp độc đáo của Trung Quốc, vẫn tiếp tục được lưu truyền cho đến ngày nay. Các thần y thời Trung Quốc cổ đại còn có những khả năng vượt xa người thường, chẳng hạn như Biển Thước có thể dùng mắt nhìn mà nói ra tình trạng đại khái của bệnh nhân, còn Hoa Đà có thể nhìn thấy khối u trong não Tào Tháo. Các huyệt vị trên cơ thể con người được sử dụng phổ biến trong Trung Y, nhưng lại không được giới y học phương Tây công nhận. Gần đây các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật chụp ảnh Kirlian đã phát hiện ra rằng một số vị trí đặc biệt trên cơ thể con người (tức là vị trí của các huyệt đạo) hiện lên những đốm sáng, điều này đã chứng thực rằng y học Trung Quốc cổ đại tinh thâm và thần kỳ hơn so với y học hiện đại.
Các danh y thời Trung Quốc cổ đại đa phần đều là những người tu luyện, họ không màng danh lợi, thâm nhập vào nhân dân, sống an bần lạc đạo, có tâm nguyện muốn cứu người. Y đức cao thượng và y thuật thần kỳ kỳ diệu của họ đã được quảng đại hậu nhân ca tụng.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778
Ngày đăng: 21-12-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.