Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (27): Nhạc Phi tận trung báo quốc



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên Văn Chữ Hán và Chú âm

岳(ㄩㄝˋ) 飛(ㄈㄟ) 背(ㄅㄟˋ) 涅(ㄋㄧㄝˋ) 精(ㄐㄧㄥ) 忠(ㄓㄨㄥ) 报(ㄅㄠˋ) 国(ㄍㄨㄛˊ),

楊(ㄧㄤˊ) 震(ㄓㄣˋ) 惟(ㄨㄟˊ) 以(ㄧˇ) 清(ㄑㄧㄥ) 白(ㄅㄞˊ) 傳(ㄔㄨㄢˊ) 家(ㄐㄧㄚ)。

Bính âm

Yuè Fēi bèi niè jīng zhōng bào guó,

Yáng Zhèn wéi yǐ qīng bái chuán jiā

Âm Hán Việt

Nhạc Phi bối niết tinh trung báo quốc,

Dương Chấn duy dĩ thanh bạch truyền gia.

Giải nghĩa từ ngữ

1. 岳飛 (Nhạc Phi): tự Bằng Cử, người Thang Âm đời Nam Tống, là danh tướng chống Kim. Ông chủ trương đánh Kim khôi phục lại lãnh thổ đã mất. Sau bị Tần Cối dùng tội danh “mạc tu hữu” vu cáo hãm hại và chết trong ngục.

2. 涅 (Niết): một loại thuốc nhuộm màu đen, ở đây dùng như động từ, chỉ sự nhuộm đen.

3. 杨震 (Dương Chấn): tự Bá Khởi, người Hoa Âm quận Hoằng Nông đời Đông Hán. Từ nhỏ hiếu học, đọc nhiều sách vở. Người đương thời gọi là “Quan Tây phu tử”, tức Khổng Tử vùng Quan Tây, là một vị quan thanh liêm.

4. 惟 (Duy): duy nhất, một mình.

Bản dịch tham khảo

Nhạc Phi trên lưng xăm 4 chữ “tinh trung báo quốc”, Dương Chấn chỉ truyền lại thanh danh gia phong liêm khiết trong sạch cho con cháu đời sau.

Đọc sách luận bút

Bài học này giảng về Nhạc Phi và Dương Chấn hai danh nhân văn võ nổi tiếng trong lịch sử. Bởi vì bài trước luôn giảng về đạo lý của việc tiết kiệm có thể dưỡng đức, cho nên không nói nhiều về gia phong liêm khiết trong sạch của Dương Chấn nữa. Chủ yếu chúng ta sẽ nói về Nhạc Phi.

Câu chuyện Nhạc Phi tận trung báo quốc được truyền tụng hàng nghìn năm qua, ông đã để lại cho chúng ta tinh thần trung liệt, là tấm gương của một trung thần. Ông vì để cho con người biết được nội hàm văn hóa về thế nào là Trung nên đã hạ thế làm người, bởi vì bị Tần Cối giết hại mà làm trung gian thiện ác biến thành một câu chuyện sống động để giáo dục hậu nhân. Nếu như nói Khổng Tử lưu lại khái niệm về hiếu đễ trung tín và tôn chỉ làm người trong nhân đạo (tức là đạo làm người), thì Nhạc Phi đã đem quan niệm làm người này biến thành một quãng thực tiễn nhân sinh chân thực để cho người đời sau tham chiếu. Ông phụng dưỡng mẹ thì cực kỳ hiếu thuận, báo quốc tận trung, khi trung hiếu không thể vẹn toàn cả hai thì mẹ ông vì hiểu được nghĩa lớn nên để ông tận trung báo quốc, vì thế lòng trung thành của ông thể hiện ra rất nổi bật khi chống lại nhà Kim đền ơn nước, giành lại núi sông Trung Nguyên đã mất. Chính vì có câu chuyện bi tráng về linh hồn trung thành thiên cổ này, mà từ đó đến nay con cháu Trung Hoa đều khắc cốt ghi tâm: Khi tai họa quốc gia ập xuống, khi dân tộc chìm trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, thì vinh nhục sinh tử và ân oán của cá nhân sẽ không thể so sánh với đại nghĩa của dân tộc, hiến thân cho quốc gia dân tộc là lòng trung chân chính, vì đạo nghĩa không thể lùi bước.

Mãn Giang HồngNhạc Phi

“Nộ phát xung quan, Bằng lan xứ, tiêu tiêu vũ yết. Đài vọng nhãn, ngưỡng thiên trường khiếu, tráng hoài kích liệt. Tam thập công danh trần dữ thổ, Bát thiên lý lộ vân hòa nguyệt. Mạc đẳng nhàn, bạch liễu thiếu niên đầu, không bi thiết. Tĩnh Khang sỉ, do vị tuyết. Thần tử hận, hà thời diệt! Giá trường xa, Đạp phá Hạ Lan sơn khuyết. Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục, Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết. Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà, triều thiên khuyết.”

Dịch nghĩa: Lòng đầy phẫn nộ, dựa lan can, mưa rả rích vừa tạnh. Nhìn ra xa, ngẩng nhìn trời hét lớn, chí khí ngút trời. Đã ba mươi tuổi, mà công danh có được chỉ như cát bụi, tám ngàn dặm đường dầm sương giãi nguyệt. Mong đừng để thời gian trôi phí, đến lúc bạc đầu chỉ biết than thở bi thương. Mối nhục Tĩnh Khang đến nay vẫn chưa rửa sạch; nỗi hận bề tôi, biết đến bao giờ mới dẹp được? Ta nhất định phải thống lĩnh ngàn vạn chiến xa, đạp bằng từng cửa khẩu ở núi Hạ Lan. Chí lớn nuốt tươi lũ giặc Hồ, trong tiếng nói cười thề sẽ ăn gan uống máu bọn Hung nô. Đợi đến ngày thu phục lại được trọn vẹn giang sơn, sẽ dẫn binh báo tiệp về kinh thành triều kiến hoàng đế.

Bài từ “Mãn Giang Hồng” của Nhạc Phi đã thể hiện đầy đủ hoài bão lớn lao và tấm lòng trung thành sắt son một đời của ông. Có thể nói là “tinh trung quán nhật nguyệt, tráng chí thùy sơn hà” (Lòng trung vươn nhật nguyệt, tráng chí hiển núi sông). Bức tranh lịch sử hùng vĩ tráng lệ ấy dường như hiện ra trước mắt, trở thành bài thơ truyền cảm hứng tuyệt vời nhất cho một đấng nam nhi.

Nhạc Phi sống trong thời loạn thế giao thời giữa nhà Bắc Tống và nhà Nam Tống, chiến tranh liên miên nổi lên khắp nơi. Vào thời kỳ cuối, triều Bắc Tống vô cùng nghèo đói và yếu nhược, khi Tống Huy Tông Triệu Cát còn tại vị, không biết dùng người khiến cho gian thần lộng quyền, dân chúng lầm than, tiếng oán than dậy đất, tạo điều kiện cho nhà Kim trỗi dậy ở phía Bắc xâm lược nhà Tống trên quy mô lớn. Năm 1127 sau Công Nguyên, nhà Kim bắt được vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, triều Bắc Tống bị diệt vong, đây là nỗi nhục lớn gọi là “Tĩnh Khang sỉ” (mối nhục Tĩnh Khang) được đề cập trong bài từ “Mãn Giang Hồng”. Hoàng tử thứ chín con của Tống Huy Tông là Khang Vương Triệu Cấu đã trốn thoát đến thành Nam Kinh, phủ Ứng Thiên (hiện nay là Hà Nam, Thương Khâu) xưng đế và thành lập triều Nam Tống. Từ đó, để chống lại cuộc xâm lược xuống phía Nam của nhà Kim và bảo vệ Nam Tống, Nhạc Phi đã trở thành danh tướng chống Kim. Năm 1140, để chống lại cuộc xâm lược quy mô lớn xuống phía Nam của nhà Kim, ông đã dẫn quân lên phía Bắc, khiến cho quân Kim nghe tin đã sợ mất mật, đội quân Nhạc gia của ông đã đánh đâu thắng đó, lập tức thu phục lại giang sơn, chỉ cần sự cho phép của Hoàng đế thì đánh thẳng vào phủ Hoàng Long của nhà Kim là dễ dàng bắt được kẻ thù. Ngay sau đó ông đã viết bài từ “Mãn Giang Hồng” này để khích lệ tướng sĩ. Ông cũng dâng thư lên Tống Cao Tông Triệu Cấu tỏ rõ ý chí giành lại Trung Nguyên.

Tiếc rằng hoàng đế Nam Tống Triệu Cấu lòng dạ hẹp hòi, lo Nhạc Phi sau khi tiêu diệt nhà Kim sẽ nghênh đón hoàng đế Bắc Tống trở về thì bản thân mình sẽ mất ngôi vua, vì vậy bất chấp nguyện vọng của toàn dân, ông ta không muốn khôi phục lại giang sơn nhà Tống mà chỉ mong rằng Nhạc Phi sẽ đẩy lùi cuộc xâm lược phía Nam của quân Kim, bảo toàn được một nửa giang sơn là được. Bởi vì nghe lời gièm pha của Tần Cối, ông ta đã liên tiếp ban xuống 12 chiếu chỉ, thúc giục Nhạc Phi thu quân hồi triều. Để bảo vệ trăm họ Trung Nguyên di dân về phía Nam tránh khỏi bị quân Kim xâm phạm sau khi rút quân nên Nhạc Phi đã chậm trễ thời gian trở về triều, vì lý do này Tần Cối đã vu cáo Nhạc Phi âm mưu làm phản, cuối cùng bức hại cha con Nhạc Phi cho đến chết. Nhạc Phi vì chí lớn chưa thực hiện được, nên để lại mối hận nghìn thu. Cho đến nay bài từ “Mãn Giang Hồng” khi đọc lên vẫn làm cho người ta đau lòng tột độ.

Đoạn lịch sử bi tráng này đã làm rung động lòng người, triển hiện một cách sâu sắc nội hàm của chữ Trung: trong lòng luôn ghi nhớ nỗi khổ của bách tính, bảo vệ núi sông, hoàn thành đại nghĩa dân tộc. Không nghĩ đến ân oán cá nhân và được mất của bản thân. Toàn bộ ý chí của ông đều đã thể hiện hết trong bài từ “Mãn Giang Hồng”.

Kể chuyện

Nhạc Vũ Mục (Nhạc Phi) tận trung báo quốc

Nhạc Phi là danh tướng chống Kim thời Nam Tống. Ông vô cùng hiếu thảo phụng dưỡng mẹ, là người có khí tiết cao thượng. Ông thích đọc sách Tả Thị Xuân Thu và Tôn Ngô binh pháp. Khi còn nhỏ tuổi ông đã có đôi tay vô cùng khỏe mạnh, có thể kéo nổi cây cung lớn nặng 300 cân. Hai mươi tuổi tòng quân, lập được nhiều chiến công. Để khích lệ ông phụng sự đất nước, mẹ ông đã thích lên lưng ông bốn chữ “Tinh trung báo quốc” để nhắc nhở Nhạc Phi không quên tận trung vì nước.

Nhạc Phi rất giỏi dùng binh, có kỷ luật nghiêm minh với quân đội. “Nhạc gia quân” (đội quân của Nhạc Phi) do ông thống lĩnh là lực lượng chủ lực của nhà Nam Tống chống lại quân Kim, đến nỗi quân địch chỉ cần thấy cờ hiệu của “Nhạc gia quân” là đã hoảng sợ bỏ chạy, đương thời lưu truyền câu nói: “Hám sơn dị, hám Nhạc gia quân nan” (phá núi dễ, phá Nhạc gia quân khó). Có thể thấy được quân đội của Nhạc Phi dũng mãnh thiện chiến, sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, khiến người Kim nghe thấy tin mà khiếp sợ mất hết cả dũng khí.

Nhạc Phi dẫn quân phản kích quân Kim, tại núi Ngưu Đầu một trận đại phá quân Kim, thu hồi được Kiến Khang, Tống Cao Tông ban cho ông một lá cờ gấm thêu chữ “Tinh Trung Nhạc Phi”. Từ đó trở đi, ông chiến đấu liên tục khắp nơi, nhiều lần lập chiến công, năm Thiệu Hưng thứ ba ông công hạ Dĩnh Châu, trong bốn năm ông thu hồi được Tương Dương, tiến vào Hà Nam, đánh thẳng đến tận sông Hoàng Hà. Tinh thần của Nhạc gia quân phấn chấn thêm, ông thỉnh cầu xuất quân đến phương Bắc bình định Trung nguyên. Đáng tiếc Tống Cao Tông tư tâm tự cho mình là đúng, không muốn chống lại quân Kim, lệnh cho Nhạc Phi thu binh.

Năm Thiệu Hưng thứ mười, quân Kim lại lần nữa ồ ạt xâm chiếm phía Nam. Nhạc Phi lại phụng mệnh dẫn quân chống lại. Nhạc Phi cùng con là Nhạc Vân dẫn Nhạc gia quân quyết chiến với quân Kim tại Yển Thành Hà Nam, cùng với quân Kim quyết một trận sống mái. Lần này nhà Kim phái hai đội quân “Thiết Tháp Binh” và “Quải Tử Mã” do đại tướng Kim là Ngột Truật dẫn đầu để ứng chiến. “Thiết tháp binh” là cả người lẫn ngựa đều đội mũ sắt mặc áo giáp sắt, thường tuyên bố là đao thương không đụng đến được, giống như một tòa tháp sắt; “Quải tử mã” là ba con ngựa cùng nối với nhau và chạy một lúc, chỉ cần vung roi một lần là cả ba con cùng chạy. Đây là hai đoàn kỵ binh tinh nhuệ mà nhà Kim cảm thấy rất tự hào nhất. Nhưng Nhạc Phi không hề sợ hãi, ông dùng câu liêm thương để phá Thiết Tháp Binh, dùng đao phủ để phá Quải Tử Mã, đánh cho quân Kim phải tháo chạy, giành được “đại thắng Yển Thành”.

Trong đại thắng Yển Thành, Nhạc Phi dùng hơn 1.000 bộ binh mà đã đánh bại 15.000 tinh binh của nước Kim, thanh thế như mặt trời giữa trưa. Nhạc Phi quyết định thừa thắng truy kích, kết hợp với các hào kiệt trung nghĩa tại Thái Hành Sơn và hai bên bờ Trường Giang tiến quân vào trấn Chu Tiên, chỉ một trận đã thành công, quân Kim tan rã. Trấn Chu Tiên cách Biện Kinh (kinh đô của nhà Bắc Tống trước đây) chỉ có 45 dặm, vì vậy sau lần chiến thắng vĩ đại này Quân Tống với khí thế như cầu vồng ngang trời không những có khả năng chiếm lại Biện Kinh mà còn có thể đánh thẳng vào Phủ Hoàng Long sào huyệt của nước Kim. Nhưng vì tên giặc bán nước Tần Cối chủ trương nghị hòa, đã dâng tấu vu oan cho Nhạc Phi, nên Cao Tông liên tiếp hạ 12 đạo kim bài triệu hồi Nhạc Phi và Nhạc Vân con trai ông. Sau khi hai cha con nhà họ Nhạc về đến Lâm An liền bị bắt và hạ ngục, bị Tần Cối sát hại với với tội danh “mạc tu hữu”. Ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11 Nhạc Phi 39 tuổi bị chết oan trong ngục.

Lòng trung nghĩa của Nhạc Phi được muôn đời truyền tụng, tấm gương mẫu mực mà ông để lại là thiên thu vạn đại, vĩnh viễn được mọi người sùng kính.

Dương Chấn và câu chuyện “Đêm sợ bốn người biết”

Dương Chấn, tự Bá Khởi, người Hoa Âm Hoằng Nông thời Đông Hán. Tuổi trẻ cần cù hiếu học, đọc nhiều sách vở, được các nhà Nho đương thời hết sức sùng bái và gọi ông là “Quan Tây phu tử” (Khổng Tử vùng Quan Tây). Trước khi chưa ra làm quan, ông dựa vào thu nhập ít ỏi từ việc dạy học để phụng dưỡng mẹ và duy trì kế sinh nhai, từ trước không bao giờ nhận quà của người khác, người thời đó rất kính trọng thái độ đối nhân xử thế của ông. Dương Chấn mãi đến năm 50 tuổi mới nghe lời khuyên của bạn bè mà ra làm quan, là một vị quan thanh liêm nổi tiếng.

Vào một năm nọ, Dương Chấn được điều đến nhậm chức Thái thú ở Đông Lai Sơn Đông. Khi đi nhậm chức có qua huyện Xương Ấp, Vương Mật Huyện lệnh Xương Ấp nhờ Dương Chấn tiến cử mà trở thành huyện lệnh, đêm hôm đó lợi dụng đêm tối, ông ta đem theo 10 cân vàng định bụng tặng cho Dương Chấn, một mặt là để cảm tạ cái ơn đề bạt của Dương Chấn, ngoài ra còn thỉnh cầu Dương Chấn cân nhắc nhiều thêm sau này. Dương Chấn biết ý định của Vương Mật, nên đã kiên quyết từ chối. Vương Mật nói với Dương Chấn: “Tại hạ nhân đêm tối mà đến đây nên không ai biết đâu, xin đại nhân cứ yên tâm mà nhận!” Dương Chấn nghiêm sắc mặt nói với Vương Mật: “Trời biết, đất biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói không ai biết?” Vương Mật nghe xong bất giác mặt đỏ tía tai, vô cùng xấu hổ, liền đem vàng quay về nhà. Kể từ đó, câu chuyện về “Dạ úy tứ tri” (Đêm sợ bốn người biết) của Dương Chấn vẫn được mọi người ca tụng. Để phát huy mỹ đức của tổ tiên, con cháu ông đã treo một bức hoành “Tứ tri đường” trong sảnh đường để khuyến khích con cháu đời sau tiếp nối truyền thống gia phong thanh bạch của tổ tiên.

(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)

https://www.zhengjian.org/node/248610



Ngày đăng: 04-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.