Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (25): Dương Hỗ phong thái ung dung nho nhã
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và chú âm
緩(ㄏㄨㄢˇ) 帶(ㄉㄞˋ) 輕(ㄑㄧㄥ) 裘(ㄑㄧㄡˊ), 羊(ㄧㄤˊ) 叔(ㄕㄨ) 子(ㄗˇ) 乃(ㄋㄞˇ) 斯(ㄙ) 文(ㄨㄣˊ) 主(ㄓㄨˇ) 將(ㄐㄧㄤˋ);
葛(ㄍㄜˊ) 巾(ㄐㄧㄣ) 野(ㄧㄝˇ) 服(ㄈㄨˊ), 陶(ㄊㄠˊ) 淵(ㄩㄢ) 明(ㄇㄧㄥˊ) 真(ㄓㄣ) 陸(ㄌㄨˋ) 地(ㄉㄧˋ) 神(ㄕㄣˊ) 仙(ㄒㄧㄢ)。
Bính âm
缓(Huǎn) 带(dài) 轻(qīng) 裘(qiú), 羊(yáng) 叔(shū) 子(zi) 乃(nǎi) 斯(sī) 文(wén) 主(zhǔ) 将(jiàng);
葛(gé) 巾(jīn) 野(yě) 服(fú), 陶(táo) 渊(yuān) 明(míng) 真(zhēn) 陆(lù) 地(dì) 神(shén) 仙(xiān)。
Âm Hán Việt
Hoãn đái khinh cừu, Dương Thúc Tử nãi tư văn chủ tướng;
Cát cân dã phục, Đào Uyên Minh chân lục địa Thần Tiên.
Giải nghĩa từ ngữ
(1)缓带 (Hoãn đái): Y phục nhẹ nhàng. Thư thả, rộng rãi. Đai lưng, thắt lưng quần áo.
(2)轻裘 (Khinh cừu): Áo khoác da nhẹ. Nhẹ, đơn giản tiện lợi. Áo lông, áo da.
(3)羊叔子 (Dương Thúc Tử): Tức Dương Hỗ, tự Thúc Tử. Người thời Tây Tấn, một vị quan thanh liêm tiết kiệm.
(4)斯文 (Tư văn): Chỉ phong thái nhà Nho.
(5)葛巾 (Cát cân): Khăn xếp đội đầu bằng vải sợi cây sắn dây, còn gọi là cát bố. Cát, tên một loại thực vật, sợi từ vỏ của nó có thể dệt thành vải.
(6)野服 (Dã phục): Quần áo thô sơ, dân dã.
(7)陶渊明 (Đào Uyên Minh): Tức Đào Tiềm, người thời Đông Tấn không chịu khom lưng vì năm đấu gạo, từ quan quy ẩn.
Bài dịch tham khảo
Dương Thúc Tử (Dương Hỗ) không thích mặc quân phục, ngay cả khi chỉ huy quân đội ông vẫn mặc áo lông nhẹ nhàng tiện lợi, đeo đai lưng rộng rãi, cho nên mọi người gọi ông là vị chủ tướng nho nhã; Đào Uyên Minh sau khi từ quan quy ẩn, ông thường đội khăn xếp vải sợi cây sắn dây, mặc quần áo vải thô của nông phu, phong thái an nhiên tự tại như một vị Thần Tiên nơi trần thế.
Đọc sách luận bút
Trong bài học này lấy ví dụ về đại tướng quân Dương Hỗ, người có công lớn trong việc khai quốc nhà Tây Tấn và Đào Uyên Minh, một nhà thơ nổi tiếng thời Đông Tấn, để giảng về đạo đức cao thượng và kiên trì chí hướng của họ, tiết tháo đức hạnh của họ không bị trói buộc và dao động bởi công danh lợi lộc. Đây là nội dung thống nhất với nội dung khuyên nhủ các em học tập các bậc đế vương cổ đại để hiểu được mục đích chính là lấy tiết kiệm để dưỡng đức ở bài trước. Nhưng lần này nhắc đến là hai vị nho gia xuất thân từ gia đình danh tiếng, họ là đại biểu cho những hình tượng hoàn mỹ của những người có học thời cổ đại. Họ đều có phong cách nho nhã và tài đức vẹn toàn.
Dương Hỗ xuất thân trong danh môn sĩ tộc (gia đình danh tiếng có dòng dõi học hành làm quan) thời Hán Ngụy, tổ tiên đều làm quan qua các triều đại, mẫu thân họ Sái là con gái của Sái Ung đại danh nho nhà Hán. Gia phong liêm khiết lại nổi tiếng khắp nơi về đức độ, đến đời Dương Hỗ, đức hạnh của ông so với tổ tiên lại càng tốt đẹp hơn, Quách Dịch người Thái Nguyên lúc bấy giờ đã ca ngợi ông là “Nhan Hồi thời nay”. Ví ông với Nhan Hồi, một đệ tử của Khổng Tử, sống đạm bạc nhất và lấy khổ làm vui, có thể thấy nhân đức của ông đã nổi tiếng khắp thiên hạ. Ngay cả Lục Kháng danh tướng của địch quốc Đông Ngô lúc bấy giờ cũng rất kính phục ông, cả hai đều tận trung với chủ của mình, đều là chủ tướng tại Kinh Châu, có lần Lục Kháng bị bệnh còn xin Dương Hỗ thuốc uống, bỏ qua lời khuyên của thuộc hạ sợ đối phương đầu độc, ông ta tin tưởng vào cách hành xử của người quân tử Dương Hỗ, vẫn uống thang thuốc Dương Hỗ gửi đến, trước sự khoan dung nhân nghĩa của Dương Hỗ nên đã cảm hóa được nhiều tướng sĩ đầu hàng đối phương, Lục Kháng không những không ghen tức đố kỵ mà còn cảm phục kính trọng ông hơn, tự kiểm điểm lại mình nên coi trọng tín nghĩa hơn nữa.
Dương Hỗ đối xử nhân đức với mọi người, không phải dùng nó như một thủ đoạn mua danh trục lợi, mà là sự hiểu biết tinh thâm về lời dạy của Nho giáo. Khi làm việc gì chỉ lo có phù hợp với đạo lý nhân nghĩa hay không, không tính toán đến được mất của bản thân. Ví dụ năm thứ 10 niên hiệu Chính Thủy, Tư Mã Ý đã phát động chính biến (sự biến lăng Cao Bình) lật đổ Tào Sảng, rất nhiều người có liên quan đến Tào Sảng đều bị liên lụy. Bố vợ của ông là Hạ Hầu Bá cũng nằm trong số đó. Bố vợ của ông vì trốn tránh bị sát hại nên đã đầu hàng nhà Thục Hán. Họ hàng thân thuộc của bố vợ ông vì sợ liên lụy, phần lớn cắt đứt quan hệ với gia đình đó, Chỉ có Dương Hỗ là không sợ hãi, vẫn an ủi mọi người trong gia đình, thông cảm với người thân, còn gần gũi đối đãi tốt hơn lúc trước. Vì ông là người nho nhã lễ phép, khiêm cung nhường nhịn, không cậy có công mà tự mãn, công bằng chính trực với người khác, nội tâm trong sáng vô tư, không tính toán so bì đến danh lợi được mất, cũng không bao giờ mua sắm sản nghiệp cho con cháu. Vì vậy cả vua và tướng địch đều rất kính trọng và tin tưởng ông.
Dương Hỗ mất cha từ năm 12 tuổi, ông vô cùng đau xót và để tang lâu hơn lễ thường. Ông cũng phụng sự chú Dương Đam vô cùng kính cẩn. Khi mẹ và anh cả của ông nối nhau qua đời, Dương Hỗ từ chối khi được triệu ra làm quan, chịu tang hơn 10 năm, tu dưỡng đạo đức tự thân, chú trọng thuần phác, là một nhà Nho chân chính.
Có thể thấy, ông đã hiểu được sâu sắc gốc rễ của giáo dưỡng Nho học, là lấy nhân hiếu làm gốc, mới có thể tận dụng hết tài hoa của bản thân, được hậu thế kính trọng ngưỡng mộ, công danh cũng vô cầu mà tự đắc.
Ông là người có học thức uyên bác, cử chỉ nho nhã, nói năng hùng biện, văn võ toàn tài, những tài năng và trí tuệ bên ngoài mà con người thế gian xem trọng nhất đều tập trung một cách hoàn hảo ở ông, cho nên người đời vô cùng ngưỡng mộ phong độ nho nhã của ông, kỳ thực những khí chất này của ông là kết quả của chính khí chủ đạo tài năng và trí tuệ, điều đáng học nhất ở ông là lòng nhân ái hiếu thuận, là đức liêm khiết công chính, là tinh thần thực hành đạo nghĩa.
Về nhân cách của Đào Uyên Minh thì mọi người đã quen thuộc rồi nên ở đây sẽ không nói thêm.
Kể chuyện
Giữ chức tể tướng nhưng thanh liêm và giản dị
Trương Kiệm, vào năm thứ 14 niên hiệu Thống Hòa đời Liêu Thánh Tông, đỗ đầu hàng tiến sĩ. Tính tình ông đoan chính thành thực, sinh hoạt giản dị, quần áo mặc vải thô, ăn uống chỉ cần đủ no, không chú ý màu sắc và hương vị. Vào một ngày mùa đông nọ, tiết trời rất lạnh, ông ấy đang ở biệt điện tấu trình, Hưng Tông thấy ông mặc bộ triều phục rất cũ kỹ, bèn bí mật lệnh cho thị vệ bên cạnh, lặng lẽ dùng kẹp lửa chọc thủng y phục của ông để đánh dấu. Một năm bốn mùa, Trương Kiệm lần nào lên triều cũng mặc đúng bộ triều phục cũ đó mà không hề thay mới. Hưng Tông vô cùng cảm động, hỏi Trương Kiệm nguyên nhân. Trương Kiệm tâu rằng: “Thần đã mặc chiếc áo này 30 năm rồi, bây giờ thần vẫn còn có thể mặc nó, hà tất thần phải thay cái mới?” Người thời đó sống xa hoa, không biết tiết kiệm. Trương Kiệm làm tể tướng hơn 20 năm mà vẫn chú ý thanh liêm, tiết kiệm, lấy bản thân làm gương, nếp sống xã hội vì vậy mà dần dần được cải thiện.
Tư Mã Quang, danh thần thời Tống, là người chính trực, cũng chủ trương tiết kiệm giản dị. Trong áng văn “Huấn kiệm thị khang” ông khuyên con trai mình là Tư Mã Khang kế thừa truyền thống thanh bạch của gia đình. Ông ấy tin rằng tiết kiệm là mỹ đức, không được thay đổi nó vì những lời chế giễu của người khác. Trong tác phẩm đó, Tư Mã Quang đã trích dẫn nhiều điển cố xưa về việc “lập công danh nhờ tiết kiệm” trong lịch sử, ví dụ như: Quý Văn Tử của nước Lỗ thời Xuân Thu làm tể tướng trải ba đời vua, mà thê thiếp của ông ta không mặc vải lụa, ngựa không ăn ngô.
Trương Văn Tiết thời Tống Nhân Tông, tuy là tể tướng, bổng lộc nhiều nhưng vẫn sống rất tằn tiện, mặc cho người khác chế nhạo ông là mua danh trục lợi, ông vẫn không quan tâm. Bạn bè khuyên ông cũng nên nhập gia tùy tục một chút, ông thở dài nói rằng: “Với lương bổng của ta hiện nay, cho dù là cơm ăn áo mặc cho cả nhà, lẽ nào ta sợ làm không được? Chỉ là từ tằn tiện đến xa xỉ thì dễ, nhưng từ xa xỉ trở lại tằn tiện thì rất khó. Lương bổng hiện tại của ta có thể vĩnh viễn được như vậy hay không? Sinh mệnh có trường tồn mãi không? Một khi có thay đổi, người nhà đã quen sống xa xỉ, không thể lập tức trở lại tằn tiện, chắc chắn sẽ mất đi chỗ dựa của cuộc sống. Vẫn nên là cho dù ta có là quan hay không, còn sống hay đã chết, nhưng cuộc sống của gia đình ta mãi mãi giữ nguyên không thay đổi thì sao?”
Tư Mã Quang đã mượn câu chuyện của các vị hiền tướng danh thần này để dạy dỗ các con trai rằng “tiết kiệm là nền tảng của việc tu dưỡng đạo đức”, không chỉ nên tự mình gắng sức làm mà còn nên khuyên bảo con cháu đời sau, làm cho họ biết phong tục của tiền bối và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Khổng Tử nói: “Dĩ ước thất chi giả, tiễn hĩ!” còn nói: “Sĩ chí ư đạo, nhi sỉ ố y ố thực giả, vị túc dữ nghị dã”.
Câu trên nghĩa là “Người ta vì tằn tiện tiết chế mà phạm sai lầm thì hiếm thấy” và “Một thư sinh lập chí cầu đạo, nhưng lại xấu hổ vì mặc áo vải thô, ăn đồ giản dị, thì không đáng đàm luận chuyện chính đạo với anh ta”. Có thể thấy một nhà Nho chân chính phải giống như các nhân vật trong truyện, có thể an bần lạc đạo. Chỉ giỏi văn chương và suy nghĩ phân tích, có tài năng trí tuệ thì chưa phải là nhà Nho chân chính. Một khi đã làm quan, người ta dễ sử dụng tài năng trí tuệ của mình để mưu cầu quyền lực mà quên đi chí hướng căn bản của nhà Nho – vô tư phụng sự việc công, phò tá chính nghĩa. Vì vậy việc quan trọng nhất là không ngừng truyền thụ và kế thừa đức hạnh của tiền nhân để giáo dục hậu nhân.
Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu Học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org
Ngày đăng: 05-10-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.