Tôi giải vấn đề hôn nhân gia đình của mình như thế nào



[MINH HUỆ] Tôi đã đọc nhiều bài của các bạn đồng tu về vấn đề hôn nhân và gia đình. Ở đây, tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm của bản thân mình.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi rất thống khổ, và đã kết thúc bằng ly dị 10 năm trước. Tất cả việc đó xảy ra trước khi tôi bước vào ngưỡng cửa tu luyện. Và tôi đã thề rằng sẽ không kết hôn nữa. Sau khi bắt đầu tu luyện, tôi càng kiên định rằng sẽ không kết hôn nữa. Từ năm 2000, tôi luôn phải sống trong trạng thái vô gia cư sau khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Tôi làm người giúp việc hoặc đủ thứ việc lặt vặt để sống và nuôi con ăn học. Lúc mất việc, tôi thường phải ở nhờ nhà các đồng tu, và tôi cảm thấy rất áy náy vì phải làm phiền bạn nhiều quá. Nhân đây tôi cũng bày tỏ lời cảm ơn của mình đến tất cả bạn đồng tu đã giúp đỡ tôi trong những ngày khó khăn ấy.

Năm 2003, khi làm việc ở một trung tâm dưỡng lão, một anh người làm ở đó yêu tôi và ngỏ lời cầu hôn. Tôi từ chối thẳng. Khi kể chuyện đó với một bạn đồng tu mà tôi rất thân, thì chị ấy dường như rất không hài lòng. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên quá. Chị ấy bảo rằng lời cầu hôn ấy đã không xảy ra nếu không phải vì tận sâu thẳm trong tâm tôi vẫn còn vương vấn thứ tình cảm của người thường.

Mấy hôm sau, chị ấy bảo tôi rằng: “Bạn nên thử gặp lại anh ấy và thử giúp anh ấy đắc Pháp”. Tôi cảm thấy làm thế không ổn lắm, và tôi cũng không nghĩ rằng mình thích hợp làm việc đó; nhưng tôi rất tôn trọng chị ấy và đã làm theo. [Bình luận của Ban biên tập Minh Huệ Hoa ngữ: Một đệ tử phải luôn biết “lấy Pháp làm Thầy”]. Chị ấy là một trong những điều phối viên ở thành phố chúng tôi ở, và đã hành xử rất tốt ngay cả khi bị giam trong trại cưỡng bức lao động.

Thế là tôi gặp lại anh ấy và bảo anh ấy rằng học Pháp Luân Đại Pháp rất tốt cho sức khoẻ, rằng sức khoẻ của tôi đã được cải thiện như thế nào qua việc học Pháp Luân Đại Pháp, rằng rất nhiều bạn đồng tu cũng nhận được rất nhiều lợi ích tốt đẹp thông qua học Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng ngoài dự liệu của tôi, anh ấy tỏ ra rất ngang bướng. Anh ấy bảo rằng anh muốn theo gương Lôi Phong làm người tốt, và anh muốn trở thành người tốt theo mẫu hình như vậy (Lôi Phong là một quân nhân, được xem là mẫu hình đạo đức cao cả thời những năm 1950 ở Trung Quốc).

Mấy hôm sau, chị bạn đồng tu gặp tôi và bảo: “Thôi, bạn đừng gặp gỡ anh ta nữa! Nếu bạn rớt xuống tầng của người thường thì chẳng phải mình phải chịu trách nhiệm sao.” Tôi thấy chị nói cũng có lý. Tôi đã đạt đến tầng có thể nhìn thấy nhiều cảnh tượng mỹ diệu ở không gian khác. Tôi cũng thấy mình đội vương miện vàng rực rỡ ở một cung điện nguy nga chói lọi ở đó. Thế là tôi đi gặp anh bạn kia và nói luôn rằng quan hệ chúng ta là chấm dứt ở đây. Vẻ thất vọng buồn chán lộ rõ trên gương mặt anh ấy. Nhưng tôi đã quay đi và rời khỏi trước khi anh ấy có thể mở miệng nói lời nào. Tôi không còn nghĩ về anh ấy nữa, vì tôi muốn tập trung vào việc của mình chứ không thể vì một người thường mà rơi rớt tầng thứ được.

Mấy hôm sau, anh ấy tìm gặp tôi và bảo: “Nếu em bằng lòng lấy anh, thì anh sẽ theo ngay”. Ý là anh ấy sẽ theo học Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bèn nói: “Anh học thì học thôi, chứ em không thể hứa hẹn anh gì cả.” Quá thất vọng, anh ấy rời đi.

Mấy hôm sau, một đồng tu khác biết chuyện bèn trách tôi: “Rất có thể cậu đã đánh rớt một người mà theo an bài là lẽ ra có thể đắc Pháp. Nếu anh bạn cậu đi cưới một cô vợ người thường, thì có lẽ anh ta vĩnh viễn sẽ không tu luyện nữa. Anh ta đã nói rõ là sẽ tu luyện với cậu, vậy mà cậu lại xua đuổi anh bạn đó đi.” Nghe vậy tôi chịu luôn, không thốt lên lời, và chẳng biết giải quyết sao nữa. Đúng lúc bấy giờ tôi nghe tiếng thút thít của anh bạn ngoài hành lang, và tôi hình dung rằng có lẽ chủ nguyên thần của anh ta đang khóc vì cảm thấy đang mất đi cơ duyên tu luyện. Thế là tôi đồng ý tiếp tục gặp anh ấy.

Anh ấy học Pháp, luyện công. Kinh ngạc khi được Sư phụ tịnh hoá thân thể, anh ấy thốt lên: “Đúng như sách. Quả đúng Thần Phật ở đó rồi!” Dần dần chúng tôi học Pháp tập công cùng nhau. Thời gian trôi qua. Mọi người bắt đầu bàn tán: “Họ đi làm, đến cùng lúc, về cùng giờ. Ai còn biết họ làm gì với nhau nữa nhỉ?” Những đồn đại kiểu như vậy lan đến tai các bạn đồng tu. Có bạn đồng tu mặc kệ, có người hỏi bóng hỏi gió tôi, có người lảng tránh tôi. Tôi cũng mặc kệ, không giải thích, và nghĩ rằng mình hành xử đúng như một người tu luyện là được rồi. Nhưng cũng chính điều này khiến tôi hiểu rằng mình không thể nào chấm dứt quan hệ với anh ta lần nữa, vì như thế anh ấy sẽ hiểu là tôi lừa phỉnh anh ấy.

Thế rồi có bạn đồng tu nói rõ ra: “Người tu luyện Đại Pháp là vẫn có thể lập gia đình. Không phải như môn tu luyện khác, đã tu là không được kết hôn. Người tu luyện không có tâm chấp trước thì khảo nghiệm nào cũng qua. Kết hôn không ảnh hưởng tu luyện.” Chúng tôi thấy vậy là hợp lý, và chúng tôi cưới nhau.

Trở thành vợ chồng lập tức là một can nhiễu rất mạnh. Chồng tôi xét ra chỉ là người mới tu, nên tâm người thường vẫn rất mạnh. Ham muốn quan hệ nam nữ vẫn y hệt như người thường. Tôi không biết làm thế nào khác ngoài việc thuận theo. Tôi cảm thấy như bị sập hầm sa bẫy không cách nào thoát ra được. Vô cùng khó chịu và bế tắc, tôi nghĩ, hay là mình lại ly hôn, nhưng như thế thì người ngoài làm sao hiểu nổi việc này. Sư phụ đã dạy:

“… người thường chính là vì cái ‘tình’ ấy mà sống. Như vậy làm một người luyện công, một người siêu thường, thì không thể dùng cái [đạo] lý ấy để nhận định được, cần đột phá điều này.” (Bài giảng thứ Sáu «Chuyển Pháp Luân»)

Tôi bèn luôn tâm niệm: “Mình phải đột phá quan ải sống chết này!” Và kỳ diệu thay, chồng tôi luôn ngủ thiếp đi. Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy, và lúc đó anh ấy vẫn đòi hỏi quan hệ nam nữ. Sau mỗi lần như thế chồng tôi bị phản ứng cơ thể, bị đau bụng đi ngoài. Có những lần bị mấy ngày liền. Tôi bèn bảo rằng như vậy là đến lúc anh phải thôi chuyện đó đi. Nhưng chồng tôi không nghe và viện cớ rằng Sư phụ chỉ nói coi nhẹ là được rồi chứ không cấm. Tôi biết ngay đó là vì anh mới học Pháp nên mới ăn nói như vậy thôi. Nhưng dù sao đi nữa, tôi là học viên đã tu bao lâu rồi, quan hệ nam nữ hoàn toàn không thích hợp, và tôi từ lâu cũng không còn cái tâm ấy. Tôi nghĩ rằng mình phải có cách nào đó đột phá quan ải này. Sư phụ dạy:

“…ở trong phạm vi trường của chư vị, hoặc khi chư vị ở nhà, thì chư vị cũng có thể ước chế người khác. Thân nhân ở nhà chư vị đều có thể chịu sự ước chế của chư vị. Tại sao? Chư vị cũng không cần động niệm;…” (Bài giảng thứ Sáu «Chuyển Pháp Luân»)

Tôi bèn liên tục âm thầm phát chính niệm. Rốt cuộc thì anh chồng tôi cũng hiểu ra rằng người tu luyện là khác với người thường. Sư phụ cho chúng ta một thân thể thuần tịnh là để tu luyện, chứ không phải để hưởng thụ hay làm gì đó ở nơi người thường này. Anh chồng tôi bèn tìm một công việc khác đòi hỏi phải làm ca đêm. Bây giờ gia đình tôi sống rất hoà thuận. Vợ chồng hiểu nhau và chăm lo cho cuộc sống của nhau. Cùng tu luyện. Tôi cũng cố gắng làm tốt việc nhà để anh ấy hiểu được tốt hơn về thiện tâm của đệ tử Đại Pháp.

*  *  *

Nhận xét của Ban biên tập Minh Huệ Hán ngữ: Những suy nghĩ và hành xử của tác giả bài viết này nói lên lòng tốt và mong muốn làm điều tốt của chị ấy, cũng như mong muốn giúp người khác đắc Pháp. Tuy nhiên, Sư phụ đã từng đề cập đến trong Pháp về vấn đề này rồi, và chúng tôi mong rằng các bạn đồng tu khác cần có suy xét và hành xử tốt hơn nữa trong vấn đề này (xem trích đoạn giảng Pháp của Sư phụ được ghi tiếp dưới đây). Nhìn từ một góc độ khác, phần đã tu xong của học viên tu lâu là rất mạnh mẽ, và có thể đã đạt đến tầng rất cao. Thân thể cũng đã được tịnh hoá đến trạng thái rất cao rồi. Trong khi đó thân thể của học viên mới tu chưa thể đạt đến trạng thái như vậy, nhất là người thường mới bước vào cửa tu luyện một thời gian ngắn. Còn bao nhiêu nghiệp lực cùng các thứ dơ bẩn ở đó nữa. Chúng ta, những người tu luyện giữa cõi người thường, thì phải suy xét và an bài các quan hệ người thường sao cho hợp lý và phù hợp lối sống của người thường, làm như thế là đúng. Nhưng chúng ta là người tu luyện, vậy nên nhìn nhận và giải quyết vấn đề là phải từ góc độ người tu, của chư Thần, chứ không thể nhìn nhận vấn đề bằng con mắt người thường, rồi đi giải quyết vấn đề theo cách người thường. Chư Thần là từ bi với người thường, nhưng chư Thần không bao giờ tự coi mình là người thường cả. Khi một học viên tu lâu, nhất là đã đến tầng không còn chút gì tâm sắc dục nữa, mà lại kết hôn với một học viên mới tu, hoặc kết hôn với một người thường, thì chẳng phải đó là tự kết thêm một ràng buộc nữa sao? Một ràng buộc giữa Thần và người thường! Điều đó hoàn toàn không phù hợp Pháp Lý ở cao tầng. Chúng ta từ bi, nhưng cũng cần phải lý trí khi giải quyết việc này. Chúng ta đang đi trên chặng đường cuối cùng trong Chính Pháp, và chúng ta hãy cùng bước những bước cuối cùng thật tốt hơn nữa.

Pháp Luân Phật Pháp, Giảng Pháp tại miền Tây Mỹ quốc [1999]
Lý Hồng Chí

(trích đoạn)

Đệ tử hỏi: Có học viên muốn dùng hôn nhân của mình để giúp người đắc Pháp; [con xin hỏi] Pháp thân của Sư phụ có an bài như vậy chăng?

Sư phụ: Về việc này tôi bảo mọi người, rằng không được lẫn lộn giữa sinh hoạt của chư vị với tu luyện, cũng không được lẫn lộn giữa công tác của chư vị với tu luyện. Tu luyện là nghiêm túc phi thường, Đại Pháp là nghiêm túc phi thường, không phải cứ muốn cầu đắc là được đắc đâu; nếu họ không muốn, thì là vậy thôi. Tất nhiên, tâm của học viên này là tốt: ‘Tôi hy sinh việc lớn là hôn nhân của tôi để khiến bạn đắc Pháp’. Tôi thấy cái tâm ấy là rất tốt. Nhưng tôi nghĩ rằng, chư vị cũng không nhất định phải làm thế. Vì Đại Pháp là nghiêm túc; chư vị cấp giá trị cho người ta thì người ta đến học Pháp; ấy là ‘hữu cầu’ đến đắc Pháp; họ phải đắc cái đó thì mới học Pháp, đối với họ mà nói, tuyệt đối là không được; ngay từ đầu họ đã là không thích hợp rồi. Không nói rằng Đại Pháp phải là để cho người ấy đắc. Có người nói, ‘Thưa Sư phụ, Pháp ấy nên giảng như thế này này’, ‘Phật độ nhân tại sao lại không độ như thế này thế kia nhỉ?’ Chư vị lầm tưởng rằng chư Phật ở đó không còn việc gì khác ngoài việc cứu độ chư vị ư? Phật là từ bi với con người, nhưng Họ là những Thần vĩ đại! Nhưng ‘từ bi’ ấy cũng không phải là loại từ bi đã được ‘con người hoá’ như chư vị tưởng tượng đâu. Từ bi mà con người nói đến hoặc có trong quan niệm ấy chỉ là một loại Thiện. Chư Phật là Thiện, điều đó là khẳng định. Nhưng loại từ bi đó là một thể hiện của lực lượng Phật Pháp vĩ đại. Dẫu chư vị xấu tệ đến mấy, những thứ xấu tệ đến mấy, những thứ tựa như thép đó thì đứng trước uy lực từ bi của Phật Pháp đều bị dung hoá tiêu mất. Vậy nên ma mà thấy liền hoảng sợ, chúng thật sự bị hoá tiêu mất, sẽ bị tiêu mất, quyết không phải như con người tưởng tượng đâu.

*  *  *

Biên tập Minh Huệ Việt ngữ ghi thêm: Quả là một bài tâm đắc thể hội đặc biệt, mà trong đó liên quan đến một loạt vấn đề tu luyện: (i) quan hệ người tu và người thường, nhất là trong vấn đề hôn nhân và gia đình; (ii) khi giải những vấn đề đó thì đứng ở góc độ nào mà giải, cân bằng ra sao; (iii) cân bằng quan hệ giữa ‘tuỳ kỳ tự nhiên’, lắng nghe đồng tu góp ý, và ‘dĩ Pháp vi Sư’; (iv) nhận thức về ‘từ bi’ và ‘uy nghiêm’; (v) đệ tử tu lâu có nên kết hôn với người thường hoặc học viên mới (cái này hóc búa đó, hai người tìm hiểu nhau lâu rồi không cưới thì không lẽ để người ta lỡ làng sao, mà cưới thì an bài thế nào; vả lại quan hệ như thế này nhiều khi còn có nhân duyên từ trước nữa); (vi) nhất là khi Chính Pháp đã đến giai đoạn hiện nay, đệ tử Đại Pháp cần đặt tâm ý của mình ở đâu; (vii) Pháp có yêu cầu khác nhau với người tu ở các tầng khác nhau, và có những việc là hợp với học viên mới nhưng không thích hợp với đệ tử tu lâu; (viii) phải chăng đệ tử tu lâu nên ý thức rằng thân thể là để tu luyện, và quan hệ nam nữ là không còn cần thiết nữa ngoài việc để duy trì nhân loại ở trạng thái cân bằng; (ix) đệ tử khi đã đạt trạng thái từ bỏ tâm sắc dục thì có thể (và có nên) phát chính niệm tiêu trừ tư tưởng ham muốn của vợ hoặc chồng mình không;… Sau này, trong bài giảng Pháp tại Pháp hội New York 2007, có đệ tử lại hỏi lại về vấn đề này. Sư phụ có trả lời. Sau đây là trích đoạn phần hỏi và trả lời ấy.

Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2007
Lý Hồng Chí

(trích đoạn)

Đệ tử: Một thời gian trước đây Minh Huệ Net [tiếng Hoa] đăng thêm lời chú cho một bài, đề cập đến việc hiện nay các đệ tử cần hết sức tránh kết hôn với người thường hoặc học viên mới. Một đệ tử Đại Pháp ở Đài Loan xin thay mặt các đệ tử ở Trung Quốc để hỏi [về việc này].

Sư phụ: Bài viết đó là do đệ tử Đại Pháp viết; mà đệ tử Đại Pháp viết là có nhân tố để trao đổi với nhau trong đó. Không phải là Pháp bảo chư vị là thế nào, không phải là nói rằng chư vị phải như thế này thế kia. Sư phụ không từng nói như thế, Pháp cũng không giảng như thế; tuy nhiên, đệ tử Đại Pháp làm việc gì, thì cũng phải suy xét kỹ là có nên hay không. Chư vị là đệ tử Đại Pháp mà, chư vị phải có trách nhiệm với tu luyện của mình, cũng phải có trách nhiệm với hoàn cảnh của các đệ tử Đại Pháp; vậy nên, tôi nghĩ rằng chư vị cần đứng tại cơ điểm đó mà xét vấn đề, việc chư vị làm là có nên hay không hoặc nên làm như thế nào, thì sẽ biết. Nếu đặt bản thân lên hàng đầu, thì rất có thể là rất nhiều sự việc thực thi sẽ không tốt, sẽ xuất hiện vấn đề. Chư vị [nếu] thật sự suy nghĩ về trách nhiệm với Đại Pháp, với bản thân mình, [thì] việc chư vị làm sẽ làm được tốt.

*  *  *

Ghi chú thêm của Ban biên tập Chánh Kiến Việt ngữ: Trong “Giảng Pháp tại Manhattan [2006]” (đến ngày 12/9/2009 mới được Minh Huệ Hán ngữ đăng), Sư phụ lại một lần nữa giảng về vấn đề kết hôn giữa người tu luyện và người thường, nay xin trích lại để chúng ta cùng nhau ‘dĩ Pháp vi Sư’:

(trích đoạn)

“Đương nhiên, còn có một số đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi, kết hôn với người thường; có [vị] thật sự bị cái ‘tình’ lôi xuống, biến thành người thường, còn người thường hơn cả người thường nữa; còn có người chịu can nhiễu rất lớn, bản thân cảm thấy lực bất tòng tâm, vừa sợ ảnh hưởng quan hệ vợ chồng, vừa sợ việc của Đại Pháp làm không tốt, cũng biết rằng ảnh hưởng tu luyện bản thân mình; đưa đẩy đến cuối cùng thì tâm lực kiệt quệ, không biết thế nào mới tốt nữa. Kỳ thực, hãy trầm tĩnh mà suy xét, [thì] những việc đó đều có thể giải quyết. Một khi bộ Pháp này đã là truyền như thế này tại thế gian con người, ở xã hội người thường mà tuyển định ra phương thức tu luyện như thế này, khẳng định là hết thảy những gì gặp phải ở xã hội người thường đều có thể giải quyết; chính là xét xem chư vị đối đãi người nhà như thế nào, có thể dùng chính niệm đối đãi việc đó không, có thể dùng chính niệm của một người tu luyện để giảng cho rõ ràng không. Nếu xử lý tốt, thì sẽ tốt; xử lý không tốt, thì sẽ trái lại.” (Giảng Pháp tại Manhattan [2006])

*  *  *

Dịch từ:

http://minghui.ca/mh/articles/2007/2/20/149356.html
http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/3/6/83268.html



Ngày đăng: 28-08-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.