«Cách Am Di Lục» toàn giải (Thiên 6): Thánh sơn tầm lộ (Phần 1)
Tác giả: Nguyên giải: Chính Hạo / Biên tập: Chánh Kiến Net
[Chanhkien.org] Giới thiệu: «Cách Am Di Lục» (Gyeokamyurok) là cuốn sách tiên tri thần kỳ do học giả Nam Sư Cổ truyền lại từ 470-480 năm trước đây tại Triều Tiên (nay thuộc Hàn Quốc). Nam Sư Cổ, hiệu Cách Am, là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, với khả năng tiên tri, có thể được ví với Thiệu Khang Tiết thời Bắc Tống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tương truyền «Cách Am Di Lục» là do một vị Thần nhân ở núi Kim Cương khẩu thuật và Nam Sư Cổ ghi lại từng câu từng chữ. Toàn bộ cuốn sách phân làm 60 thiên với gần 4 vạn chữ. Phá giải «Cách Am Di Lục» đã trở thành một chủ đề nóng tại Hàn Quốc vào những thập niên 80-90. Trong dự ngôn giảng rất minh xác về một Đại Pháp Đại Đạo hồng truyền thế gian, nhưng phải trải qua một trường ma nạn, đồng thời cũng giảng về những vấn đề mà nhân loại sẽ phải đối mặt.
* * *
Đệ lục thiên “Thánh sơn tầm lộ”
Lời tựa: “Tìm đường nơi ngọn núi thánh”—Thiên này là Thần nhân dẫn dắt thế nhân bước vào con đường tu luyện Đại Pháp. Thiên này còn đề cập đến luyện công, học Pháp, Pháp Luân Công gặp phải trấn áp, Đại Thánh nhân là ai, nơi Đại Thánh nhân xuất sinh, v.v. Tóm lại là một thiên mang tính chất tổng hợp khái quát.
Tuyệt luân giả vô tâm, Đạo tặc giả tất tiên hung.
Bảo thân giả Ất Ất, Bảo mệnh giả cung cung nhân khứ xứ.
Tứ khẩu giao nhân lưu xứ, Hại quốc giả âm tà.
Phụ quốc giả dương chính, Cường vong nhu tồn cách tâm tòng tâm.
Cựu nhiễm giả tử tòng tân giả sinh, Sát ngã thùy tiểu đầu vô túc.
Hoạt ngã thùy tam nhân nhất tịch, Trợ ngã thùy tự nhân bất nhân.
Hại ngã giả thùy tự thú phi thú, Thế nhân nan tri lưỡng bạch chi nhân.
Thiên trạch chi nhân tam phong chi cốc, Thiện nhân thực liêu.
Thế nhân bất kiến, Tục nhân bất thực.
Nhất nhật tam thực cơ ngạ tử, Tam tuần cửu thực bất cơ trường sinh.
Cung cung thắng địa cầu dân phương chu, Ngưu tính tại dã phi sơn phi dã ngưu minh thanh.
Vô văn Đạo thông vịnh ca vũ, Huyết mạch quán thông thị Chân nhân.
Chúng nhân trào tiếu quỵ tọa tụng kinh, Nhục thân diệt ma tụng kinh bất tuyệt.
Nhân cá đắc sinh tuyệt chi tụng kinh, Vạn vô nhất sinh.
Sinh tử phán đoan đô chi tại tâm, Tử mạt sinh sơ kỷ hà đắc sinh.
Bất thất trung nhập sở nguyện thành tựu, Bất nhập trung động vĩnh xuất thế nhân cư xứ.
Các giả dị dị niệm niệm duy hành, Tất hữu đại khánh.
Tốc thoát thú quần tội nhân đắc sinh, Trì thoát thú quần thiện nhân bất sinh.
Vạn vật linh trưởng, Tòng quỷ hà vọng quỷ bất tri giác.
Vật phạm thế tục, Dạ quỷ phát động tội ác mãn thiên.
Thiện giả đắc sinh ác giả vĩnh diệt, Đương vu mạt thế thiện nhân kỷ hà.
Thế nhân bất giác, Ô hô bi tai, Y ngoại bối nội nhất vô tâm.
“Tuyệt luân giả vô tâm, Đạo tặc giả tất tiên hung” (Kẻ tuyệt hết luân thường không có tâm, Bọn trộm cắp tất gặp điều hung trước tiên): Nói rõ không chú trọng luân lý đạo đức, những ai muốn gì làm nấy tất nhiên sẽ bị đào thải.
“Bảo thân giả Ất Ất, Bảo mệnh giả cung cung nhân khứ xứ. Tứ khẩu giao nhân lưu xứ” (Người giữ mình ở Ất Ất, Kẻ giữ mạng nơi người cung cung. Bốn miệng giao nhau nơi người ở lại): «Cách Am Di Lục» thường dùng “cung Ất”, “lưỡng cung song Ất”, “cung cung Ất Ất” để chỉ Pháp Luân và Pháp Luân Công nói chung. “Cung cung” (弓弓) chỉ Thái Cực đồ của Đạo gia gồm hai nửa Âm-Dương xoắn vào nhau theo hình vòng cung; “Ất Ất” (乙乙) chỉ phù hiệu chữ Vạn “卍” của Phật gia, Ất+Ất = “乙”+”乙” = “卍”. “Tứ khẩu” là “lạc bàn tứ nhũ”, tức bốn Thái Cực trong đồ hình Pháp Luân.
“Hại quốc giả âm tà. Phụ quốc giả dương chính, Cường vong nhu tồn cách tâm tòng tâm” (Kẻ hại nước âm độc tà ác. Người giúp nước dương chính, Cứng thì mất mà nhu thì còn, từ tâm đến tâm): Những kẻ đương quyền hại nước mà thực thi bạo chính, nhìn thì cường mạnh nhưng ắt sẽ diệt vong; những người giúp nước chí công vô tư mà thực hành chính sách khai sáng, nhìn thì ôn hòa không mạnh mà lại sinh tồn được. Lòng dân sẽ hướng về người giúp nước mà phản đối kẻ hại nước.
“Cựu nhiễm giả tử tòng tân giả sinh, Sát ngã thùy tiểu đầu vô túc” (Kẻ nhiễm cái cũ thì chết, kẻ theo cái mới thì sống, Kẻ giết ta là đầu nhỏ không chân): Những kẻ nhiễm thói hư tật xấu hủ bại sẽ chết, còn bỏ ác mà theo cái mới thì sống sót. Nghĩa là không theo đạo đức thì chết, giữ vững đạo đức thì sống. Giết ta là “đầu nhỏ không chân”, tức độc tật, hay căn bệnh chết người.
“Hoạt ngã thùy tam nhân nhất tịch, Trợ ngã thùy tự nhân bất nhân” (Cứu sống ta là ba người một chiều, Trợ giúp ta là tựa người mà không phải người): “Tam nhân nhất tịch” (三人一夕) hợp thành chữ “tu” (修), nghĩa là chỉ có tu luyện mới giúp cứu sống ta. “Tựa người mà không phải người”, nghĩa là nhìn thì giống người, nhưng thực chất là “Vua của các Vua” (vương trung chi Vương) trên thiên thượng, là Đại Thánh nhân.
“Hại ngã giả thùy tự thú phi thú, Thế nhân nan tri lưỡng bạch chi nhân” (Kẻ hại ta là tựa thú mà không phải thú, Người đời khó mà biết người hai trắng): “Tựa thú mà không phải thú”, nghĩa là nhìn thì như người, nhưng thực chất là một bầy ác ma súc vật. Vậy mà người đời không biết được người tu Pháp Luân Công chính là người tu Đại Pháp Đại Đạo. “Lưỡng bạch” đã được giải là ngôn ngữ thiển bạch, đạo lý minh bạch; hoặc tâm trắng và thân trắng; hoặc nãi bạch thể và tịnh bạch thể.
“Thiên trạch chi nhân tam phong chi cốc, Thiện nhân thực liêu. Thế nhân bất kiến, Tục nhân bất thực. Nhất nhật tam thực cơ ngạ tử, Tam tuần cửu thực bất cơ trường sinh” (Người chọn theo trời ăn gạo ba phong là người thiện. Người đời không thấy, kẻ tục không ăn. Một ngày ăn ba lần mà đói chết, Ba tuần ăn chín lần mà không đói lại trường sinh): Người chọn theo trời, tức chọn theo tu luyện, sẽ ăn ngũ cốc “ba phong”, tức “Chân-Thiện-Nhẫn. Kẻ tục một ngày ăn ba lần mà vẫn đói chết, nhưng người tu luyện ba tuần chín lần ăn vẫn không đói, mà lại trường sinh.
“Cung cung thắng địa cầu dân phương chu” (Thắng cảnh cung cung là thuyền cứu nạn mà dân cầu): Chân lý thập thắng, hay Pháp Luân Công, chính là con thuyền cứu độ chúng sinh. “Thuyền cứu nạn” ngụ ý “con thuyền Noah”, ý là có thể cứu độ thương sinh.
“Ngưu tính tại dã phi sơn phi dã ngưu minh thanh” (Giống trâu ngoài đồng không núi không rừng tiếng trâu kêu): “Phi sơn phi dã” đã được giải ở mấy thiên trước là điểm luyện công tập thể ngoài trời, tại đó tập trung rất nhiều người đang luyện công.
“Vô văn Đạo thông vịnh ca vũ, Huyết mạch quán thông thị Chân nhân” (Không văn Đạo thông vịnh ca múa, Mạch máu thông suốt là Chân nhân): Biểu thị cảnh tượng vui vẻ trong Đạo, khắp trời cùng mừng vui. Người tu luyện Pháp Luân Công rất nhanh đạt tới trạng thái “huyết mạch quán thông”, hiệu quả chữa bệnh khỏe người là ai ai cũng biết.
“Chúng nhân trào tiếu quỵ tọa tụng kinh, Nhục thân diệt ma tụng kinh bất tuyệt. Nhân cá đắc sinh tuyệt chi tụng kinh” (Mọi người cười nhạo những người quỳ xuống tụng kinh, Tụng kinh không ngừng diệt ma ở thân xác. Người nhờ tụng kinh này mà được sống): Ở đây nói người tu luyện Pháp Luân Công thường ngồi đọc kinh sách cùng nhau, nhưng người đời lại cười nhạo họ. Đọc kinh thư này có thể trừ ác diệt ma, người tu luyện nhờ đó mà đắc sinh.
“Vạn vô nhất sinh. Sinh tử phán đoan đô chi tại tâm, Tử mạt sinh sơ kỷ hà đắc sinh” (Vạn đời không bằng một đời. Quyết định sinh tử đều tại tâm. Chết cuối sống đầu mấy ai sống được): Hàng vạn đời đều vì đời này, quyết định sống chết đều ở tại tâm, bởi vì tu luyện là tu tâm. Trong thời kỳ đặc thù “chết cuối sống đầu”, tức vũ trụ đổi mới này, liệu bao nhiêu người có thể ngộ được mà sống?
“Bất thất trung nhập sở nguyện thành tựu, Bất nhập trung động vĩnh xuất thế nhân cư xứ. Các giả dị dị niệm niệm duy hành, Tất hữu đại khánh” (Không mất trung nhập thành tựu sở nguyện, Không vào trung động mãi thoát chỗ ở của người đời. Những người có niệm khác là được rồi, Nhất định có việc mừng lớn): Nếu như đến thời kỳ “trung nhập” mà không đánh mất cơ hội đắc Pháp tu Đạo, thì có thể thành tựu nguyện ước. Còn như đã đến thời kỳ “trung nhập” mà không vào, thì chỉ có thể sống ở nơi người thường này thôi, mãi không thoát khỏi luân hồi đời đời kiếp kiếp. Những ai có cách nghĩ khác người thường là được rồi, tất có việc mừng lớn.
“Tốc thoát thú quần tội nhân đắc sinh, Trì thoát thú quần thiện nhân bất sinh” (Mau thoát kẻ phạm tội như bầy thú thì được sống, Chậm thoát bầy thú thì người thiện cũng không được sống): Những cảnh cáo như thế này đã trực tiếp được đề cập trong thiên “Mạt vận luận”, ở đây lại xuất hiện, chứng tỏ tính nghiêm trọng của nó. Chúng ta có thể cảm nhận sự từ bi của vị Thần nhân với những kẻ “cùng một giuộc” hành ác, hy vọng họ có thể hối cải mà thay đổi. Những ai đã từng tham gia đàn áp Pháp Luân Công mà nay hối cải thì vẫn được sống, còn mặc dù không tham gia đàn áp nhưng nghĩ xấu về Pháp Luân Công thì không thể sống.
“Vạn vật linh trưởng, Tòng quỷ hà vọng quỷ bất tri giác. Vật phạm thế tục, Dạ quỷ phát động tội ác mãn thiên. Thiện giả đắc sinh ác giả vĩnh diệt, Đương vu mạt thế thiện nhân kỷ hà. Thế nhân bất giác” (Anh linh vạn vật, Từ quỷ nhìn quỷ thì không biết được. Đừng mắc thế tục, Dạ quỷ phát động tội ác rợp trời. Người thiện được sống kẻ ác mãi diệt, Vào thời mạt thế người thiện mấy ai. Người đời không biết): Con người là anh linh của vạn vật, vì sao lại theo ma quỷ để làm những việc hại trời như vậy mà không tự biết? Không được dùng quan điểm thế tục để đối đãi hết thảy, đàn áp Pháp Luân Công là “tội ác rợp trời” do dạ quỷ phát động, người thiện đồng tình Pháp Luân Công thì được sinh, kẻ ác đàn áp Pháp Luân Công thì vĩnh diệt. Vậy mà “thời mạt thế người thiện mấy ai”, khi đàn áp Pháp Luân Công tàn khốc như thế hỏi mấy người đứng lên giúp đỡ, ủng hộ Pháp Luân Công? Người đời ở trong mê nên nhìn không thấu thiên cơ trọng yếu này!
“Ô hô bi tai, Y ngoại bối nội nhất vô tâm” (Than ôi thương xót quá thay, Theo bên ngoài mà bỏ bên trong thật là vô tâm): Hỡi ôi, thật đáng thương thay! Những ai bị bên ngoài lừa dối mà đàn áp Pháp Luân Công, các vị thật là vô tâm.
(còn tiếp…)
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/node/21070
Ngày đăng: 08-09-2012
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.