Vấn đề liên quan đến dự ngôn



Tác giả: Ban biên tập Chánh Kiến

[Chanhkien.org]

1. Dự ngôn tại sao không thể nói một cách trực tiếp chính diện

Mọi người đều biết đặc điểm lớn nhất của các dự ngôn (hay lời tiên tri) thường là không được nói thẳng trực tiếp chính diện, mà phần nhiều sử dụng thơ ca hay những hình vẽ để diễn đạt ý nghĩa một cách kỳ bí khó hiểu, hoặc dùng các phương pháp như cách nói ẩn ý hoặc những từ đồng âm, hay thay đổi trật tự các từ, làm cho khi sự tình qua đi rồi thì người ta mới biết rõ sự thật như thế nào. Điều này làm cho nhiều người thấy kỳ bí khó hiểu, cũng là một nguyên nhân lớn khiến nhiều người hoài nghi tính chân thực của các dự ngôn, cho rằng chỉ là người đời sau cố tình gán ghép những sự việc liên quan với nhau sau khi việc đã xảy ra. Đối với vấn đề này chúng tôi có cách nhìn nhận thế này. Do các dự ngôn có liên quan đến các sự việc trong tương lai chưa xảy ra, nếu như dự ngôn nói về sự việc một cách rõ ràng, thì cũng tương đương với việc thay đổi cục thế phát triển trong tương lai, thay đổi quy luật diễn hóa đã được định sẵn, điều này hiển nhiên là không được, trái lại phá đi tính chính xác và mục đích của các dự ngôn; do đó dự ngôn phải dùng những lời nói tránh rất ẩn ý để biểu đạt, ngoài ra không thể nói quá chi tiết cụ thể các sự việc, để dẫu đã biết rõ điều dự ngôn nói là gì, cũng không thể nói rõ ràng từng chi tiết, điểm đến là dừng. Như thế người thông thường dù đã biết được dự ngôn nhưng cũng không cách nào hiểu được nội hàm trong đó.

Vậy khi sự việc đã xảy ra rồi mới biết được sự thật, thì dự ngôn có ý nghĩa gì đây? Nói một cách đại khái, tác dụng chủ yếu của dự ngôn là cảnh tỉnh và chỉ đạo người đời sau. Thông qua dự đoán chính xác tương lai, các dự ngôn giúp người đời hiểu được rằng vận mệnh nhân loại là tuân theo an bài nhất định, vượt qua năng lực tự thân của con người mà vận hành. Từ đó làm cho con người có một thái độ tôn kính và nể sợ những đạo lý mà các thánh giả giảng, những điều siêu nhiên vượt khỏi nhân loại, hoặc những chỉ dạy của chư Thần, từ đó đạt được mục đích khuyến thiện. Khuyên bảo con người không nên vọng tưởng tự cao tự đại, vì chút ham muốn riêng của bản thân mà muốn gì làm nấy. Đồng thời, các dự ngôn còn tiết lộ cho con người một bộ phận của “thiên cơ”, để con người nhận thức được một chút chân tướng của vũ trụ. Chính vì vậy, các nhà tiên tri khi nói ra lời gì họ đều rất cân nhắc. Các ví dụ về phương diện này có rất nhiều, chẳng hạn nhà tiên tri Bộ Hư Đại sư từng nói: “Mang mang thiên số bổn nan tri, Duy tại thuơng sinh cảm thái hư, Lão tăng bất cảm đa nhiêu thiệt, Tiết lộ thiên cơ khủng bị tru” (Số trời mênh mông vốn khó mà biết được, Chỉ nơi chúng sinh mới cảm thấy hư không, Lão tăng không dám nhiều lời nữa, Tiết lộ Thiên cơ e rằng bị Trời phạt). Nửa đầu thế kỷ trước, nhà tiên tri người Mỹ Edgar Cayce đã rất bối rối khi đối diện với những người xem bói chen nhau đến. Một mặt ông có thể nhìn thấy vận mệnh của người khác, mặt khác ông cũng biết bản thân chỉ được phép có những giải đáp nhất định mà thôi.

Sự tồn tại của các dự ngôn không phải là để con người thay đổi tương lai, nhưng cũng có ngoại lệ, điểm này trong lời kết bài “Quá khứ, hiện tại và tương lai” chúng tôi đã trình bày và phân tích rồi.

2. Dự ngôn là khoa học cao hơn

Nói nghe thì dễ, nắm được quy luật thay đổi khí hậu, người ta có thể dự báo thời tiết; nắm vững quy luật vận hành của vũ trụ, người ta có thể dự đoán tương lai. Bởi vì xã hội nhân loại cũng là một bộ phận của vũ trụ.

Dự ngôn có thể dự đoán chính xác sự việc vài trăm năm sau, vài ngàn năm sau, thậm chí những sự việc xa xôi hơn nữa chưa phát sinh. Chúng ta nói phạm vi của dự ngôn, nhỏ là chỉ thay đổi trong thời gian ngắn của một người nào đó, hay tương lai một vật nào đó, lớn thì có thể nói đến cả một dân tộc, nhân loại, thậm chí sự biến đổi trong một phạm vi nhất định của vũ trụ. Làm thế nào có thể làm được như vậy? Có quy luật khách quan nào hay sao? Nhiều người đối với vấn đề này cảm thấy lạ lùng không thể lý giải, lại thêm những nội dung khó hiểu của dự ngôn, khiến thái độ của bản thân đối với dự ngôn về cơ bản là từ đầu đã không tin; biểu hiện của họ là từ hoài nghi cho đến kính nể, nhưng lại không muốn tiếp cận, có thái độ cho rằng sự việc không liên quan gì đến mình. Đặc biệt những người tri thức hẹp hòi, đam mê khoa học, hoặc những người có tư tưởng cố chấp thì càng coi thường và khinh miệt, cho rằng không đáng để mắt tới. Thực ra, dự ngôn chính là khoa học. Hơn nữa các dự ngôn nổi tiếng thì có tính chân thực và tính chính xác cực cao. Về mặt này, dự ngôn là liên quan đến khoa học và ở cảnh giới cao thâm hơn. Tại đây chúng ta không cách nào nói chi tiết, chỉ từ một góc độ mà tìm hiểu một chút rằng tại sao lại dự đoán được tương lai. Khoa học tiến bộ nhất hiện nay đã hiểu được nhiều điều vượt qua khỏi cảm giác thường ngày của chúng ta, những điều liên quan đến sự thật về thế giới, thời gian và không gian (gọi tắt là thời-không). Họ chỉ rõ rằng thời-không không những có thể ép nhỏ lại và bẻ cong được, mà còn tồn tại rất nhiều thể hệ thời-không và không gian đa chiều, điều này cũng giống với những gì giảng trong giới tu luyện. Chúng ta biết rằng, giới tu luyện luôn giảng về khái niệm “Trời” (thiên), giảng rằng có bao nhiêu bao nhiêu tầng trời, có câu nói rằng, “Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất”. Thực ra điều này nói về các tầng sâu hơn nữa của các không gian khác nhau, nhưng không phải là nói về vũ trụ mà người bình thường chúng ta cho rằng là tinh hệ khác của cùng một không gian của thời-không sâu thẳm nơi vũ trụ. Theo cách nói này, thì mặt trăng và mặt trời cũng không phải là ở trên “trời”, bởi vì mặt trăng và mặt trời là cùng trong một không gian với trái đất của chúng ta. Vậy thông qua công năng túc mệnh thông có thể xuyên qua các không gian mà nhìn thấy được trong một tầng không gian không có thời gian, mà tất cả các diễn hóa tại không gian này của chúng ta đều tồn tại trong không gian không có thời gian kia, nên có thể nhìn được cảnh tượng tương lai. Kinh Dịch, thuật chiêm tinh, v.v. cũng là dùng quy luật về sự sai khác của các không gian và thời gian khác nhau mà suy tính ra được tương lai của nhân loại. Do đó, trên thực tế các dự ngôn căn cứ vào khoa học siêu thường và năng lực siêu thường là hoàn toàn có đạo lý. Về điểm này, từ ngữ khí và thái độ của các nhà tiên tri cũng có thể thấy rất rõ ràng. Trong các dự ngôn chân chính, các nhà tiên tri đều nói rất rõ ràng những gì chính mắt họ nhìn thấy, nhưng vì dự ngôn là thứ siêu thường, nên nó cũng chịu hạn chế về mức độ thành thục trong kỹ pháp, tầng thứ tu luyện và công năng của nhà tiên tri. Tầng thứ cao thì có thể tiên tri càng chi tiết hơn và thâm sâu hơn, tầng thứ thấp thì mơ hồ và có sự hạn chế. Đồng thời, việc giải các dự ngôn cũng như vậy, người tầng thứ khác nhau có những giải thích khác nhau, các dự ngôn được phá giải cũng chịu hạn chế về mức độ tri thức của người giải thích. Lấy ví dụ, mấy trăm năm trước, khi chưa có máy bay, đã có nhà tiên tri nói rằng “chim sắt vút trời” (thiết điểu lăng không), như vậy có thể có nhiều giải thích khác nhau về “chim sắt” đối với những người có hiểu biết khác nhau. Có người sẽ cho rằng đây có thể là tượng trưng cho điều gì đó, chứ không phải thật sự có chim sắt nào cả, bởi vì chính bản thân họ không cách nào tin khả năng sẽ có chim sắt. Đương nhiên cho đến ngày nay chim sắt là gì, mọi người chúng ta đều thấy rằng không cần phải nói, cũng chẳng có dị nghị gì nữa.

Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng với tính chính xác cao trong lịch sử, đủ để chứng minh sự đúng đắn của các dự ngôn. Những điều mà dự ngôn đề cập đến đã vượt qua phạm vi khả năng của khoa học ngày nay. Sự thật là, không chỉ có dự ngôn, rất nhiều thứ được bảo tồn trong văn hóa cổ xưa đều vượt qua trình độ khoa học kỹ thuật ngày nay. Từ lịch pháp thiên văn của người Maya cho đến học thuyết về kinh lạc trong y học Trung Quốc cổ đại, từ những tượng đá ở đảo Phục Sinh cho đến cột sắt không gỉ ở Ấn Độ, bao nhiêu người ngày nay đã không thể giải thích được, hoặc là họ không muốn giải thích những sự thật, hiện tượng đã bị người ta cố ý hay vô ý phớt lờ đi. Như Trung Quốc cổ đại có rất nhiều danh y, đồng thời cũng là người tu hành, họ có thể dùng công năng để chẩn bệnh. Bề ngoài không có máy chụp CT, siêu âm, nhưng xác thực có khả năng đoán bệnh như Thần, thuốc vào là bệnh hết, thậm chí còn có thể biết được sự sinh tử của người ta. Các ví dụ loại này có rất nhiều. Mà dự ngôn không chỉ là một ví dụ sinh động, chính là nói con người hoàn toàn có thể thông qua các con đường khác nhau với phương thức nhận biết khoa học khác để hiểu được những vấn đề liên quan đến quy luật biến đổi của đời người, xã hội cho đến toàn vũ trụ. Ở Trung Quốc cổ đại, phương pháp nhận biết lại càng phong phú hơn, ngoài việc dùng công năng thấu thị để chẩn bệnh cho người ta, có người còn có thể trong trạng thái tĩnh tâm điều tức mà khai mở trí huệ, cho đến sự tương sinh tương khắc của ngũ hành được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp, y dược, luyện kim, v.v. Thời bấy giờ, người tu luyện trong trạng thái thiền định có thể đạt đến cảnh giới mà người thường không đạt đến được – bao gồm cả việc biết rõ quá khứ và tương lai. Tất nhiên, đằng sau tất cả những điều có vẻ như thần bí này lại có một nhân tố không hề thần bí nào cả: ngoài những tri thức và phương pháp kỹ thuật cụ thể ra, nội tâm thuần tịnh thiện lương và sự vận dụng kỹ thuật thành công hay thất bại của người thực hiện là có quan hệ trực tiếp, mà phương diện này lại vừa đúng là điều mà khoa học ngày nay bỏ qua. Khoa học “siêu thường” chinh là siêu thường ở điểm này. Nói đùa thế này, nếu có một kẻ không điều ác nào không làm lại có khả năng biết trước mọi việc, vậy sẽ thế nào đây?

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/14393



Ngày đăng: 27-03-2014

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.