Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (17)
(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Sử học
Trước thời nhà Đường, sử sách chủ yếu đều do cá nhân biên soạn. Đến thời Đường Thái Tông, thì bắt đầu thiết lập sử quán, chỉ định người chuyên trách biên soạn chỉnh lý quốc sử của các triều đại trước và triều đại hiện tại, đồng thời có tể tướng trông coi giám sát. Từ đó, công việc biên soạn sử sách thể kỷ truyện (một thể loại viết sử truyền thống của Trung Quốc: kỷ là bản kỷ của đế vương; truyện là các truyện của các nhân vật khác) thành chính sử, hoàn toàn nằm trong tay triều đình.
Cũng bắt đầu từ thời nhà Đường, các triều đại về sau cũng làm theo quy chế này, tiếp nối viết sử, và dần trở thành một chế độ. Trong “Nhị thập tứ sử” (24 bộ chính sử), do nhà Đường biên soạn có tám bộ, gồm sáu bộ là «Tấn thư», «Lương thư», «Trần thư», «Bắc Tề thư», «Chu thư», «Tùy thư», và hai bộ là «Nam triều sử» và «Bắc triều sử» do Lý Diên Thọ tự mình biên soạn rồi được triều đình phê chuẩn thành chính sử. Vì sử sách năm triều đại Lương, Trần, Bắc Tề, Chu, Tùy không có chữ «Chí», về sau lại biên soạn bổ sung thành «Ngũ Đại sử chí», đây chính là «Chí» trong «Tùy thư» hiện nay.
Ngoài những cuốn chính sử được biên soạn ở trên, nhà Đường còn xuất hiện nhiều nhà sử học nổi tiếng. Như Lưu Tri Kỷ (661-721) đã dành toàn bộ cuộc đời để biên soạn bộ «Sử thông» gồm 20 cuốn. Bộ sách này là chuyên tác lý luận sử học một cách hệ thống đầu tiên của Trung Quốc. Trong bộ sách, Lưu Tri Kỷ tiến hành phân tích và phê bình một cách toàn diện các tác phẩm sử học trước đó, từ thể lệ, sử liệu, ngôn ngữ chữ viết cho đến đánh giá nhân vật, và những ghi chép sự kiện lịch sử, đồng thời đưa ra những kiến giải độc đáo của mình. Ông đề xuất một số tiêu chuẩn cho các nhà sử học và việc viết sử, cho rằng một học giả lịch sử xuất sắc thì phải có “ba sở trường” là tài năng, học vấn, kiến thức. Và đặc biệt nhấn mạnh vào “kiến thức”. Còn về việc viết sử, ông đề xướng “viết thẳng”, chủ trương “sử hay giá trị ở chỗ ghi chép trung thực và viết thẳng”. Yêu cầu phải làm được “không che giấu cái ác”, “không quá khen, “không tránh né cường thế”, “không khoan nhượng”. «Sử thông» có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của sử học ở các thế hệ sau.
Đỗ Hựu (735-812) dưới thời vua Huyền Tông đã tiến hành mở rộng và cải biên bộ «Chính điển» của Lưu Trật, và dành thời gian hơn 30 năm để hoàn thành bộ «Thông điển» gồm 200 cuốn, phân thành chín môn là thực hóa, tuyển cử, chức quan, lễ, nhạc, binh, hình, châu quận, biên phòng. Nó ghi lại sự phát triển và thay đổi của các quy chế pháp luật từ thời thượng cổ cho đến thời vua Đường Đại Tông, và có những ghi chép đặc biệt chi tiết về nhà Đường (trước thời kỳ Thiên Bảo).
«Thông điển» là bộ sử đầu tiên của Trung Quốc ghi chép về các quy chế pháp luật, nó không chỉ có giá trị tư liệu lịch sử cực kỳ quan trọng mà còn đặt ra tiền lệ cho các bộ sử đặc biệt về phân loại quy chế pháp luật sau này.
«Nguyên Hòa quận huyện đồ chí» do Lý Cát Phủ (758-814) biên soạn, là một bộ chuyên tác về lịch sử và địa lý, toàn bộ có 40 cuốn. Nó ghi lại các nội dung về hộ khẩu, sản vật, sông núi di tích cổ, sự phát triển và thay đổi địa lý của các quận huyện, là một tác phẩm quan trọng nghiên cứu về lịch sử và địa lý thời Đường. Các bản đồ ở phần đầu về các trấn trong tác phẩm gốc đã bị mất vào thời nhà Tống, do đó thế hệ sau gọi nó là «Nguyên Hòa quận huyện đồ chí».
Tản văn và truyền kỳ
Trước thời nhà Đường, đặc biệt là thời kỳ Nam Bắc triều, thể văn biền ngẫu (hay văn biền thể) giữ vị trí chủ đạo. Thể văn biền ngẫu đòi hỏi thanh luật, lời lẽ hoa mỹ, tìm dẫn điển cố, phong cách ủy mị, hình thức cứng nhắc, nội dung sáo rỗng, không thể phản ánh cuộc sống hiện thực phong phú. Vậy nên, cùng với sự phát triển của kinh tế và văn hóa thời nhà Đường, hình thức thể văn này không thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện thực. Do đó, thời Đường đã xuất hiện việc khởi xướng phong trào cổ văn.
Phong trào cổ văn thực chất là dựa trên cơ sở kế thừa những truyền thống tốt đẹp của tản văn cổ đại, dùng thể tản văn mới mộc mạc tự nhiên, chú trọng nội dung để thay thế cho văn biền ngẫu không lối thoát, đó là một phong trào đổi mới nhằm làm cho văn thể, văn phong và ngôn ngữ văn học đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Trần Tử Ngang thời sơ Đường là người đặt nền móng cho phong trào này, còn người đề xướng chính của phong trào cổ văn là Hàn Dũ. Hàn Dũ nhấn mạnh việc viết văn chương cần phải có tính sáng tạo, phản đối việc bắt chước phỏng theo. Ông đã áp dụng rộng rãi thể tản văn mới mà ông khởi xướng trong các sáng tác trên mọi khía cạnh, tổng cộng đã viết ra hơn 300 bài tản văn với kỹ năng nghệ thuật cao. Các tác phẩm của ông khí thế hào hùng, cảm xúc dồi dào, lời văn chặt chẽ súc tích, ngôn ngữ sống động, có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau.
Ngoài ra, Liễu Tông Nguyên cũng đóng vai trò quan trọng trong phong trào cổ văn này, hơn 400 bài tản văn của ông đều có thành tựu rất lớn. Những ghi chép về du ngoạn sơn thủy của Liễu Tông Nguyên miêu tả cảnh sắc thiên nhiên rất sinh động và chân thực, đồng thời cũng có trình độ nghệ thuật rất cao.
Do sự phát triển phồn thịnh của nền kinh tế thành thị vào thời kỳ giữa và cuối nhà Đường, các tiểu thuyết truyền kỳ hợp thời đã xuất hiện. So với các tiểu thuyết chí quái thời Lục triều, thì nhân vật chính trong các tiểu thuyết truyền kỳ không còn là Thần linh và ma quỷ nữa, mà là những nhân vật trong đời thực, nên nội dung xã hội của tác phẩm cũng phong phú hơn. Mặt khác, phong trào cổ văn thời Đường cũng đã cung cấp một thể tản văn mới có sức biểu đạt mạnh mẽ hơn cho việc sáng tác tiểu thuyết, sự phát triển của thơ ca cũng truyền cấp cho nó nguồn sống phong phú. Do đó, nghệ thuật sáng tác tiểu thuyết truyền kỳ đều có những phát triển mới về mọi mặt.
Sự xuất hiện của tiểu thuyết truyền kỳ, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc thoát khỏi trạng thái manh nha, dần dần trưởng thành hoàn thiện. Các tác phẩm nổi tiếng có «Chẩm trung ký» của Thẩm Ký Tế, «Nam Kha Thái thú truyện» của Lý Công Tá, «Trường hận ca truyện» và «Đông thành lão phụ truyện» của Trần Hồng, «Lý Oa truyện» của Bạch Hành Giản, «Hoắc Tiểu Ngọc truyện» của Tưởng Phòng, «Oanh Oanh truyện» của Nguyên Chẩn v.v.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29371
Ngày đăng: 25-03-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.