Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (10)



(Từ năm 618 đến năm 907)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Thiên: Kinh đô huy hoàng

Trong sự huy hoàng của Đại Đường, cũng có dấu ấn đậm nét của Tây kinh Trường An và cả Đông kinh Lạc Dương.

Trường An – thành phố giao thoa văn minh phương Đông và phương Tây

Kinh đô thành Trường An của nhà Đường được xây dựng và hoàn thiện trên nền móng thành Đại Hưng của nhà Tùy, gồm ba phần là hoàng thành, cung thành và tường thành. Là trung tâm hoạt động chính trị, kinh tế và văn hóa, thành Trường An có quy mô rất lớn, khí thế hào hùng, kết cấu đều đặn, bố cục ngay ngắn.

Trong nội thành có 14 đường phố lớn song song theo hướng nam bắc và 11 đường phố hàng ngang theo hướng đông tây, toàn thành được chia thành 108 phường và hai khu chợ ở phía đông và tây. Chiều rộng của đường phố không đồng đều từ 25 mét đến 134 mét, hai bên đường ngang dọc trồng cây hoè và khơi mương thoát nước cho mùa mưa. Trong các phường ngoài việc bố trí đông dân cư sinh sống, còn có cả chùa Phật giáo, Đạo quán và vương phủ, thời kỳ thịnh Đường, số chùa quán trong nội phường đạt đến 157 nơi. Ban đêm trong nội thành thực hiện giới nghiêm, nhưng các chùa quán và phủ đệ của quan viên tam phẩm trở lên thì không bị giới cấm. Hai khu chợ ở phía đông và tây là nơi tập trung các hàng quán thủ công nghiệp và thương nghiệp. Ở khu chợ phía đông có 220 ngành hàng, kinh doanh các loại hàng hóa và tài vật, các vật phẩm quý hiếm khắp mọi nơi đều quy tụ về đây; khu chợ phía tây chuyên dành cho các khách buôn nước ngoài và thương nhân người Hồ kinh doanh các mặt hàng châu báu, hương liệu, phồn thịnh náo nhiệt đến mức phố xá tắc nghẽn chật ních. Đúng là “trăm nghìn nhà tựa như bàn cờ vây, mười hai phố như thể ruộng trồng rau”.

Cung điện thành Trường An có Tam đại “nội”, tức là: cung Thái Cực (Tây nội), cung Đại Minh (Đông nội), cung Hưng Khánh (Nam nội). Cung Thái Cực là nơi Đường Thái Tông tiếp kiến các đại thần xử lý việc triều chính, thời kỳ “Trinh Quán chi trị” đặt định nền móng Đại Đường thịnh thế là được xác lập và thực hiện ở đây. Quần thể kiến trúc của nó nổi rõ sự trang trọng và đầy uy nghiêm.

Năm Trinh Quán thứ 8 (năm 634), Đường Cao Tổ tuổi cao sức yếu, không chịu nổi nóng bức mùa hè, Hoàng đế Thái Tông đã cho xây dựng cung Đại Minh ở góc đông bắc của cung thành để Đường Cao Tổ tránh nóng. Cửa chính của cung Đại Minh là Đan Phụng môn, cửa bắc là Huyền Vũ môn, chính điện là Hàm Nguyên điện, phía bắc có Tuyên Chính điện, Tử Thần điện, Lân Đức điện…, các cung điện nhấp nhô cao thấp đan xen, lầu các hành lang nối tiếp nhau, trông thật nguy nga tráng lệ.

Cung thành Đại Minh có 11 môn đạo, bên ngoài cổng thành phía đông có Tả tam quân trấn giữ, ngoài cửa thành phía tây có Hữu tam quân trấn giữ, bảo vệ chặt chẽ cung đình. Bên trong tường thành còn dựng một tường cung, đây chính là phòng tuyến thứ hai. Đương nhiên giữa hai bức tường là không có gì cả, như một con phố trống trơ, ai xông vào trong mà không được che chắn ắt phải trúng tên mà chết.

Trong suốt hơn 300 năm của Đại Đường, thành Trường An đã được nhiều vị hoàng đế cho xây dựng thêm, càng ngày càng trở nên đẹp đẽ và hoàn thiện. Năm 742 khơi thông kênh mương vào khu chợ phía tây và mở đầm tích trữ gỗ; năm 827 đến năm 840 xây dựng vườn Phù Dung Khúc Giang, đầm Khúc Giang có diện tích 700.000 m², và vườn Phù Dung có diện tích lên đến 1.440.000 m². Vào mùa hoa nở hương thơm tỏa ngát khắp thành, người dân chèo thuyền dạo chơi trong đầm, quả là một thời kỳ cực thịnh.

Cho đến nay, thành Trường An danh tiếng một thời đã đặt ra một cột mốc mới trong lịch sử xây dựng các thành phố cổ đại trên thế giới và có ảnh hưởng sâu sắc đối với việc xây dựng các thành phố sau thời nhà Đường như thành phố Kyoto và Nara của Nhật Bản cùng các thành phố khác.

Trường An không chỉ là thủ đô của nhà Đường, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa toàn quốc mà còn là một thành phố quốc tế nổi tiếng thế giới, là trung tâm giao thoa của nền văn minh phương Đông và phương Tây. Điều này có được là do vị trí địa lý đặc biệt của nó quyết định.

Trường An là đầu mối giao thông then chốt của phương Đông và phương Tây, việc đi lại giữa các nước Tây Vực và nhà Đường đều phải đi qua Trường An; các nước Đông Á, Nam Á qua lại với Tây Vực bằng đường bộ cũng phải đi qua Trường An; bởi vì Trường An là thủ đô, nên sứ thần các nước thường xuyên lui tới, họ cũng đồng thời đem đến văn hóa của các vùng khác nhau, và cũng mang theo văn hóa rực rỡ của nhà Đường trở về đất nước mình; là trung tâm văn hóa, Trường An đương nhiên cũng thu hút rất nhiều nhân tài quy tụ về đây, thi ca khúc phú, tân thanh giai khúc, từ đây truyền ra.

Trong cuốn “Nền văn minh ngoại nhập của nhà Đường”, học giả người Mỹ Schafer đã nói rằng: “Trong ba thế kỷ như kính vạn hoa do nhà Đường thống trị, mỗi quốc gia của châu Á dường như đều có người từng bước vào mảnh đất nhà Đường thần kỳ này – trong số những người nước ngoài đến nhà Đường trước đây, có ba loại người chủ yếu là sứ thần, tăng lữ và thương nhân”. Ông còn nói, số lượng người nước ngoài sống ở thành Trường An khá lớn, chủ yếu là người phương Bắc và người phương Tây, tức là người Đột Quyết, người Hồi Cốt, người Tochari và người Túc Đặc (Sogdiana), cũng có rất nhiều người Ả Rập, người Ba Tư, người Thiên Trúc.

Nhà Đường có quan hệ qua lại mật thiết hơn với các nước láng giềng phía đông như Triều Tiên và Nhật Bản, trong những mối quan hệ này chủ yếu là lấy Trường An làm trung tâm để thực hiện.

Vào thời kỳ đầu nhà Đường, bán đảo Triều Tiên vẫn trong thế chân vạc thống trị bởi ba nước là Cao Ly, Bách Tế, Tân La, và những nước này đều cử sứ thần qua lại với nhà Đường. Năm 675 (năm Thượng Nguyên thứ 2) Tân La thống nhất được bán đảo Triều Tiên. Theo sử sách ghi chép, đã có rất nhiều học sinh Tân La đến Trường An tham gia khoa cử, sau khi về nước họ tích cực quảng bá văn hóa Đại Đường. Vậy nên pháp luật, khoa cử, kỹ thuật, Phật giáo, trường học của Tân La đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhà Đường, cơ bản là xây dựng phỏng theo của nhà Đường. Có thể nói, Tân La thời ấy như là một phiên bản thu nhỏ của nhà Đường vậy.

Còn Nhật Bản trong thế kỷ 7 đến thế kỷ 8 cũng có thể nói là một phiên bản thu nhỏ khác của nhà Đường. Thời điểm ấy Nhật Bản đánh giá rất cao sự thịnh vượng của nhà Đường nên đã cử một lượng lớn sứ giả, du học sinh và nhà sư đến nhà Đường.

Năm 631 (năm Trinh Quán thứ 5), Nhật Bản đã cử đi những “khiển Đường sứ” lượt thứ nhất gồm những du học sinh và nhà sư đến Trường An. Cho đến năm 838 (năm Khai Thành thứ 3), Nhật Bản tổng cộng đã cử đi 13 lượt khiển Đường sứ, ngoài ra còn có 3 lần cử “nghênh nhập Đường sứ” và “tống khách Đường sứ” đến nhà Đường. Vào thời kỳ đầu nhà Đường, đoàn khiển Đường sứ do Nhật Bản cử đi thường không quá 200 người, nhưng từ đầu thế kỷ 8 trở đi, số người tăng lên rất nhiều, như 3 lần khiển Đường sứ được cử đi trong các năm 717, năm 733 và năm 838, số người đều trên 550 người.

Đồng bạc Nhật Bản được phát hiện vào năm 1970 tại Tây An, rất có thể chính là do những khiển Đường sứ mang đến. Một phần trong số những văn vật quý như nhạc cụ, bình phong, gương đồng, đại đao thời Đường được cất giữ ở nhà lưu giữ Shosoin trong chùa Tōdai-ji ở Nara Nhật Bản là do những khiển Đường sứ đem về. Nhằm tiếp thụ thành quả văn hóa của Trung Quốc, Nhật Bản trước hết cử rất nhiều du học sinh đến nhà Đường học tập, họ được bố trí đến Quốc Tử Giám ở Trường An học các kiến thức chuyên môn. Như Abe no Nakamaro (tên Hán tự là Triều Hoành), đã sống thời gian dài ở Trung Quốc, ông rất giỏi về thơ văn. Khi ở nhà Đường ông từng làm các chức như Quang Lộc đại phu, Bí thư giám… Ông còn có tình bạn sâu sắc với các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Vương Duy và thường làm thơ tặng cho nhau. Sau khi các du học sinh Nhật Bản về nước, họ đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá văn hóa Trung Quốc.

Các nhà sư của Nhật Bản đến Trung Quốc học tập tổng cộng chừng hơn 90 người, người nổi tiếng nhất trong số đó là Không Hải. Ông đến Trung Quốc vào năm 804 (năm Trinh Quán thứ 20), và theo sư phụ Huệ Quả học Mật Tông tại Thanh Long Tự ở Trường An, lúc về nước ông đã mang theo về hơn 180 bộ kinh Phật. Ông còn có những nghiên cứu sâu sắc về văn học và văn tự của Trung Quốc, và có những đóng góp rất to lớn trên phương diện giao lưu văn hóa Trung Nhật. Tăng nhân Trung Quốc cũng không ngừng vượt biển đến Nhật Bản, khơi thông văn hóa hai nước Trung Nhật, trong đó người có cống hiến lớn nhất là hòa thượng Giám Chân.

Giám Chân, họ Thuần Vu, là người Dương Châu. Ông có những nghiên cứu rất sâu về Luật tông, và thường giảng Luật truyền giới tại chùa Đại Minh ở Dương Châu. Ông chấp nhận lời mời của Thiên Hoàng Shōmu của Nhật Bản vượt biển đến Nhật Bản, phải qua sáu lần cố gắng, trải bao gian nan nguy hiểm, đến nỗi mù cả hai mắt, cuối cùng ông cũng đã dẫn theo các đệ tử đến được Nhật Bản vào năm 754 (năm Thiên Bảo thứ 13), lúc ấy ông cũng đã gần 70 tuổi. Giám Chân đã mang Luật tông truyền đến Nhật Bản, đồng thời cũng đem các nghệ thuật xây dựng chùa chiền, điêu khắc, hội họa truyền thụ cho Nhật Bản. Chùa Tōdai-ji hiện nay ở Nhật Bản là do Giám Chân và các đệ tử xây dựng nên, đây là ngôi chùa có ảnh hưởng quan trọng trong nền kiến trúc Nhật Bản. Giám Chân tinh thông y học, rành về thảo mộc, tuy hai mắt bị mù, nhưng ông có thể dùng mũi ngửi để phân biệt các loại dược liệu, và có những cống hiến cho sự phát triển của ngành y dược Nhật Bản.

Về mặt giáo dục, trường Đại Học được xây dựng ở Kyoto vào thời kỳ Thiên Hoàng Tenji, về sau chế độ giáo dục ngày càng hoàn thiện, nội dung các môn học về cơ bản là phỏng theo nhà Đường. Về mặt ngôn ngữ chữ viết, trước thế kỷ 8 Nhật Bản sử dụng Hán tự làm công cụ biểu đạt ghi chép. Du học sinh Kibi no Makibi và nhà sư Không Hải dựa trên cách người dân Nhật Bản dùng biểu âm Hán tự Trung Quốc để ghi nhớ, sáng tạo ra các bộ chữ cái tiếng Nhật (chữ mượn), Kibi no Makibi tạo ra bộ chữ cứng “Katakana” từ các nét thiên bàng (nét thẳng, cong, gấp khúc) trong chữ Khải của Hán tự, còn Không Hải áp dụng lối chữ thảo của Hán tự tạo ra bộ chữ mềm “Hiragana”, những phát minh thể chữ mới này đã góp phần rất lớn thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa của Nhật Bản. Đồng thời, từ ngữ và văn phạm của tiếng Nhật cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Hán.

Trường An trong lịch sử là nơi giao thoa văn minh phương Đông và phương Tây, đã để lại nhiều di tích đáng tự hào cho hậu thế, khiến hậu nhân trong khi thưởng thức không khỏi gợi lên những cảm xúc hoài cổ về thời xưa.

Lạc Dương – đô thành tạo thành thế gọng kìm với Trường An

Thành Lạc Dương thời nhà Đường đối diện với Y Khuyết ở phía nam, Mang Sơn ở phía bắc, và ở giữa có dòng Lạc Thủy bắc ngang, cũng là được xây dựng mở rộng trên nền móng của Đông Đô nhà Tùy. Chiều rộng từ nam đến bắc khoảng 16 dặm, chiều rộng từ đông sang tây là khoảng 15 dặm, chu vi 70 dặm. Kết cấu gồm có thành quách, hoàng thành và cung thành. Trong nội thành có 10 đại lộ đan xen ngang dọc, ngăn thành 103 phố phường, và 3 khu chợ ở phía nam, bắc, tây.

Về vị trí địa lý, thành Lạc Dương và Tây kinh Trường An hô ứng từ xa, tạo thành thế gọng kìm. Bố cục bề mặt rất khác với thành Trường An, cung thành và hoàng thành của thành Lạc Dương không ở giữa phần phía bắc của toàn thành mà ở góc tây bắc của toàn thành, trên cao nhìn xuống, dễ phòng thủ mà khó tấn công. Phía nam hoàng thành giáp giới dòng Lạc Hà, nên khả năng phòng vệ của nó kiên cố và chặt chẽ hơn Trường An. Thời Võ Tắc Thiên đã di dời mấy chục vạn hộ gần trăm vạn nhân khẩu của bảy châu như Ung, Đồng, Tần đến Lạc Dương, đồng thời xây thêm Thượng Dương cung làm cung điện chính để xử lý việc triều chính.

Chiều rộng từ đông sang tây của cung thành là gần 5 dặm, chiều rộng từ nam đến bắc gần 3 dặm, tường thành 4 lớp. Chính môn gọi là Ứng Thiên, chính điện gọi là Minh Đường, Võ Thành Điện ở phía tây của Minh Đường là nơi nha môn xử lý sự việc của người dân. Cung Thượng Dương nằm ở góc tây nam của cung thành, phía nam giáp Lạc Thủy, phía tây giáp Cốc Thủy, phía đông là cung thành, phía bắc nối với vườn Cấm Uyển. Cửa chính và chính điện trong cung đều hướng về phía đông, cửa chính gọi là Đề Tượng, chính điện gọi là Quán Phong. Bên trong còn có 9 điện phụ và đình quán. Phía tây của cung Thượng Dương, cách dòng Cốc Thủy là cung Tây Thượng Dương, ở giữa có cầu Hồng Lương bắc ngang dòng Cốc Thủy nối liền hai cung, đi lại rất thuận tiện. Trong vườn Cấm Uyển có rất nhiều chim quý thú lạ, là nơi săn bắn của hoàng tộc, một số thực phẩm dùng cho hoàng tộc cũng từ đây mà ra.

Điểm khác biệt của 3 khu chợ ở phía nam, bắc, tây của thành Lạc Dương với 2 khu chợ phía đông và tây của thành Trường An là tàu chở hàng đều có thể vào đến giữa ba khu chợ theo các con sông và mương nước. Ở hai khu chợ phía nam và tây hàng hóa chất như núi; khu chợ phía bắc là nơi phồn thịnh nhất thành Lạc Dương. Hơn một vạn tàu thuyền các nơi trên toàn quốc tụ tập về đây, đầy ắp sông ngòi; buôn lái lui tới làm ăn, ngựa xe chật đường. Hầu hết nhà khách và quán rượu của Lạc Dương đều tập trung ở gần khu chợ phía bắc, nơi đâu cũng có thể bắt gặp người Ả Rập và các thương nhân Ba Tư theo con đường tơ lụa từ phía đông tới. Những chữ khắc trên hang đá Long Môn đã phản ánh khu chợ phía bắc thời bấy giờ có các ngành nghề như lụa màu, hương liệu, tơ lụa… những ngành nghề này đều tham gia vào việc khai mở các hang đá, cho thấy tài lực của họ rất mạnh. Điều này cũng cho thấy được sự hưng thịnh của nền kinh tế Đại Đường.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29294



Ngày đăng: 07-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.