Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (5)



(Từ năm 618 đến năm 907)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Thời kỳ hưng thịnh đỉnh cao của Phật giáo

Phật giáo trong thời kỳ của Đường Thái Tông bắt đầu đạt đến đỉnh cao hưng thịnh, đánh dấu bằng việc phiên dịch kinh Phật và sự hình thành các tông phái Phật giáo. Lúc bấy giờ đã xuất hiện một vị giác giả Tây hành cầu đắc chân kinh: Huyền Trang. Khi ấy, các tông phái Phật gia như Tịnh Độ Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiền Tông cũng dần dần hình thành. Nghệ thuật khắc đá hang động cũng đạt được sự phát triển lớn hơn.

Huyền Trang – Giác giả Đại Đường đắc được chân kinh

Huyền Trang (玄奘), tên thật là Trần Huy (陳禕), bản tính ham thích đọc Kinh điển, từ nhỏ đã vững lòng tin theo Phật lý. Năm 614 SCN, Tuỳ Dạng Đế hạ chiếu cho Đại lý khanh Trịnh Thiện Quả xuống tóc cho tăng nhân ở Lạc Dương. Trần Điếu khi ấy mới 13 tuổi vui mừng chạy đến, nhưng Trịnh Thiện Quả thấy ông còn nhỏ, e rằng ý chí không kiên định, nên không cạo đầu cho ông. Trần Điếu khóc lóc nức nở, không nín được, bởi ông xem việc tu Phật là mục đích cả đời mình. Trịnh Thiện Quả biết được tâm chí của ông, bèn phá lệ xuống tóc cho ông thành tăng, lấy pháp hiệu Huyền Trang.

Huyền Trang dốc lòng tu hành Phật pháp, rồi vân du bốn bể, đi khắp Thần Châu tìm danh sư. Về sau, Huyền Trang nhận thấy trong kinh sách có mấy chương tiết làm ông không thể lý giải được, hóa ra là vấn đề xuất hiện trong khi dịch kinh sách. Do đó, Huyền Trang quyết định đi Thiên Trúc ở Tây phương, tìm cầu kinh Phật nguyên văn, tìm ra chân lý.

Năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629), Huyền Trang rời khỏi Trường An, hướng đến Thiên Trúc mà đi. Đường Thái Tông giúp ông chuẩn bị văn điệp thông quan, ban cho ông bát vàng (kim tử bát) và một con ngựa trắng, phong làm “ngự đệ” và đích thân đưa tiễn. Khi ấy, căn bản không ai có thể đoán được chuyến đi này có biết bao hiểm nguy, đường đi xa xôi, phương hướng khó xác định, tuy nhiên Huyền Trang sớm đã không màng sinh tử. Ông đã nhiều lần trải qua trăm đắng ngàn cay, chịu đủ mọi ma nạn khảo nghiệm, bao lần đối mặt với việc thiếu lương thực, hết nước, biên giới tra xét, vượt bao núi non trập trùng, đồng không mông quạnh và những sa mạc mênh mông, còn phải chịu đựng đêm tối tĩnh mịch và nỗi cô đơn vô tận. Phải mất tới ba năm ông mới đến được Thiên Trúc, lại dùng thời gian năm năm để thông hiểu Phạn ngữ và dung hợp toàn bộ nghĩa lý của Đại thừa Phật giáo, với sự lĩnh ngộ thần tốc, và ý chí kiên cường, ông được người dân dị bang rất tôn trọng và yêu mến. Tại thánh địa Phật giáo ấy, chỉ có 10 người là có thể thông hiểu cả 50 bộ kinh luận, và Huyền Trang là một trong số ấy. Vì ông đến từ Đông thổ Đại Đường, và tinh thông «Kinh Tạng», «Luật Tạng» và «Luận Tạng» trong Phật học Ấn Độ, vậy nên họ gọi ông là “Đường Tam Tạng”.

Năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Huyền Trang mang theo hàng trăm bộ kinh Phật bằng Phạn văn trở về Trường An, khắp thành chấn động, muôn người ùa ra khỏi thành, Đường Thái Tông cũng đích thân ra ngoài thành nghênh đón từ xa. Sau đó, Huyền Trang đem những kinh điển đã mang về phiên dịch thành tiếng Hán, việc ấy diễn ra trong 19 năm, hao kiệt tâm trí, đã sửa được rất nhiều chỗ sai nhỏ, mới khiến người đời sau được học tập Phật pháp chính thống, mà Trung Nguyên gọi là “Đại thừa Phật giáo”. Năm 664, Huyền Trang viên tịch tại Trường An, hưởng thọ 62 tuổi.

Trinh Quán chi trị – Thịnh Đường khí tượng

Bởi vì từ thiên tử cho đến thứ dân, đều cùng đồng lòng, hơn nữa một lòng tín phụng Phật pháp, nên thực lực quốc gia thời kỳ sơ Đường hùng mạnh đến kinh ngạc. Vì Đường Thái Tông lấy niên hiệu “Trinh Quán”, nên sử gia gọi thời kỳ này là “Trinh Quán chi trị”.

Thời kỳ ấy như một vầng trăng sáng, chiếu sáng cả bầu trời đêm của lịch sử nhân loại. Trong thời kỳ này nền chính trị trong sạch, xã hội an định, mưa thuận gió hòa, nền nông nghiệp hàng năm đều bội thu. Mỗi dịp lễ tết, quân, thần, dân đều cùng nhau vui mừng đón tết, dân chúng an cư lạc nghiệp, không còn đạo tặc, ngục tù thường trống không. Thiên hạ đại trị hiển hiện chân thực trước mắt.

Một tiêu chí quan trọng của thái bình thịnh thế là pháp luật khoan hồng và hình phạt giảm nhẹ. Năm Trinh Quán thứ 4 (năm 630), toàn quốc chỉ có 29 người bị xử tử hình. Năm 632, toàn quốc số tù nhân bị phán xử tử hình tổng cộng có 390 người, cuối năm, Lý Thế Dân cho phép họ về nhà thu xếp hậu sự, mùa thu năm sau lại trở lại thụ án tử (thời xưa thường hành hình vào mùa thu). Tháng 9 năm 633, toàn bộ 390 người đều trở lại nhà ngục, không một ai bỏ trốn. Trật tự xã hội an định, đêm không phải đóng cửa. Thiên hạ đại trị, có thể nói là “Nhật nguyệt lệ thiên” (ý chỉ văn minh Đại Đường xán lạn như nhật nguyệt).

Ngoài ra, trong thời kỳ này các phương diện về văn hóa, kinh tế, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông đều siêu việt cách xa tất cả thời đại trước đó. Xã hội nhân loại thời điểm ấy thực sự bước vào một thời kỳ hoan ca mừng thái bình đầy tường hòa, lịch thiệp, an định, và sung túc.

Trong cuốn «Tân Đường Thư» có nói rằng: “vào năm thứ tư, một đấu gạo chỉ bốn năm tiền, người đi ra ngoài hàng tháng cũng không cần đóng cửa, trâu ngựa thả ngoài đồng, khách bộ hành hàng ngàn dặm không cần mang lương khô, người và vật sinh sôi đông đúc”. Trong cuốn «Thông Điển» nói rằng: “Từ thời Trinh Quán, Thái Tông dốc lòng trị quốc. Đến năm thứ 8, năm thứ 9 liên tiếp bội thu, một đấu gạo bốn năm tiền, trâu ngựa thả ngoài đồng, đi ra ngoài hàng tháng cửa nhà không đóng. Đến năm thứ 15, mỗi đấu gạo chỉ có giá hai tiền”.

Trong thời kỳ này, các nước thần phục, biên giới Đại Đường một dải an định, người trong thiên hạ đều tôn xưng Đường Thái Tông là “Thiên Khả Hãn”

Loại thịnh thế khí tượng này ở trong lịch sử Trung Quốc là vô cùng hiếm thấy.

Đường Thái Tông chọn nhân đức lập người kế vị

Đường Thái Tông tài trí mưu lược kiệt xuất lại nhọc lòng chọn người kế vị. Đường Thái Tông có 14 người con trai, trong đó ba người là con chung với Trưởng Tôn Hoàng Hậu, gồm có: Thái tử Lý Thừa Càn (con trưởng) thiên chất ưu tú, nổi tiếng thông minh. Từng nhiều lần ở lại kinh thành coi sóc quốc sự, biểu hiện xuất sắc. Ngụy vương Lý Thái (con thứ) dường như kế thừa tất cả những ưu điểm của Đường Thái Tông và Trưởng Tôn Hoàng Hậu, rất được phụ hoàng yêu thương. Tấn vương Lý Trị (con thứ ba) nhân hậu khoan dung hiếu thuận dễ mến, tư chất hiền lành nhu thuận.

Thái tử Lý Thừa Càn tuy có nhiều ưu điểm, nhưng cuối cùng vẫn là bị Đường Thái Tông phế bỏ, nguyên nhân là: ông yến ẩm vui chơi vô độ, sủng ái một Thái thường lạc nhân (đồng tính luyến ái), đến mức khắp thành xôn xao. Yêu thích phong tục người Hồ và đánh trận chém giết, học ngôn ngữ Đột Quyết, mặc y phục của Đột Quyết. Xá hoa mộ di (bỏ Trung Hoa ngưỡng mộ dị tộc), còn tỏ ý sau khi đăng cơ muốn làm bộ hạ của tộc trưởng Đột Quyết. Gần gũi tiểu nhân lánh xa người hiền. Vì ba điểm trên, Đường Thái Tông vô cùng thất vọng về Lý Thừa Càn và muốn thay người khác. Sau khi Lý Thừa Càn biết được đã phát động chính biến, quyết định ép phụ hoàng thoái vị. Nhưng cuộc chính biến dễ dàng bị Thái Tông trấn áp. Và Lý Thừa Càn bị phế làm thứ dân.

Thái Tông muốn lập Lý Thái làm Thái tử, vì trong các người con trai thì Lý Thái là giống ông nhất. Đáng tiếc, tâm địa hiểm ác của Lý Thái lộ rõ rành rành. Lý Thái từng không chỉ một lần muốn mưu hại Lý Thừa Càn, hơn nữa lại không được các đại thần như Ngụy Trưng, Chử Toại Lương ủng hộ, vì thế Thái Tông không thể hạ chiếu sắc lập.

Đồng thời, Thái Tông cũng suy xét đến việc nếu để Lý Thái lên ngôi Hoàng đế, Lý Thái nhất định sẽ hạ độc thủ với Lý Thừa Càn, mà Thái Tông thì không muốn lại xảy ra việc đổ máu. Trong thời khắc quan trọng, mọi người đã nghĩ đến Tam hoàng tử Lý Trị. Lý Trị nhân hậu, và cũng nhận được sự ủng hộ của các đại thần, sẽ là một lựa chọn thích hợp. Đương nhiên, Thái Tông hi vọng có thể giao giang sơn cho một người có tài lẫn đức, nhưng tiếc rằng lúc này chỉ có lựa chọn giữa “tài” và “đức” mà thôi. Thái Tông sau nhiều lần đắn đo, và phân tích từ nhiều phương diện, cuối cùng quyết định chọn lấy nhân đức và lập Lý Trị làm Thái tử, tức Đường Cao Tông sau này.

Tháng 4 năm Trinh Quán thứ 17, Đường Thái Tông đã lập người con trai thứ chín Tấn vương Lý Trị làm Thái tử, đồng thời quản giáo nghiêm khắc. Lúc ăn cơm, ông đã chỉ vào đồ ăn mà nói với Lý Trị rằng: việc đồng áng, mùa xuân gieo hạt mùa thu gặt hái, đều đòi hỏi phải lao động chăm chỉ. Chỉ có quý tiếc sức dân, không làm lỡ thời vụ, mới có thể luôn có cơm để ăn”; thấy người cưỡi ngựa, ông bèn nói: “ngựa có thể chở người bộ hành, tiết kiệm sức lực, nếu sử dụng hợp lý, không vắt kiệt sức, mới có thể luôn có ngựa để cưỡi”; gặp người đi thuyền, bèn nói: “thuyền sở dĩ ví với vua, nước sở dĩ ví với dân, nước có thể tải thuyền, cũng có thể lật thuyền. Con tương lai sẽ trở thành vua, thử nghĩ về quan hệ của nước với thuyền, có thể không sợ được không”; gặp những người đang nghỉ ngơi hóng mát dưới bóng cây, bèn nói: “thân cây này tuy rằng uốn khúc, nhưng sau khi được đo bằng dây đo của thợ mộc thì có thể cưa thành những tấm gỗ thẳng tắp. Quân vương tuy vô đạo, nhưng chỉ cần biết tiếp thụ lời can gián, thì có thể trở thành thiên tử thánh minh vậy”.

Tháng một năm Trinh Quán thứ 22 (năm 648), Đường Thái Tông ban thưởng cuốn «Đế Phạm» gồm 12 chương do mình viết cho Thái tử Lý Trị, đồng thời ân cần nhắc nhở rằng: “Con nên lấy các bậc thánh triết và hiền vương xưa làm thầy, những người giống như ta đây, thì tuyệt đối không được học theo. Bởi vì nếu noi theo bậc thượng, thì chỉ có thể đạt đến bậc trung, nếu là noi theo bậc trung thì chỉ có thể đạt được bậc hạ mà thôi. Ta từ khi lên ngôi đến nay, những sai lầm phạm phải là rất nhiều: gấm vóc châu ngọc không đoạn dứt, cung thất đài tạ không ngừng xây dựng, chó ngựa ưng cắt (chỉ nô bộc tay sai) không đâu không có, du hành khắp chốn tốn kém phiền hà. Tất cả những điều này, đều là những sai lầm lớn nhất ta phạm phải, nhất định không được học theo gương ta”.

Thái Tông còn giáo huấn những người con trai khác rằng: “Phụ thân yêu thương các con, đây là lẽ thường tình, không cần dạy bảo thì ai cũng tự biết. Làm con có thể vẹn cả trung lẫn hiếu, đây là điều tốt nhất rồi. Nếu không nghe lời giáo huấn, không tuân theo lễ pháp, tất yếu chiêu mời họa sát thân, tuy rằng phụ thân thương yêu, cũng không làm sao được. Trước đây sau khi Hán Vũ Đế mất, Hán Chiêu Đế kế vị, Yên vương Lưu Đán kiêu ngạo ngang ngược, cuồng vọng bất phục, Hoắc Quang đã hạ một đạo chiếu thư, tức thì người mất nước tan. Là thần tử thì phải rút ra bài học giáo huấn từ chuyện này, cần cẩn thận, nhất định chớ học theo Lưu Đán”. Nghe nói, từ đó về sau, các long tử long tôn ấy đều tuân thủ luật pháp, rất ít người làm điều xằng bậy.

Đánh giá lịch sử về Đường Thái Tông

Năm 649, Đường Thái Tông băng hà ở điện Hàm Phong, thọ 52 tuổi. Di chiếu Hoàng thái tử kế vị trước linh cữu, tang lễ thực hiện theo chế độ nhà Hán. Sau khi mất thụy hiệu là Văn Võ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu Hoàng Đế.

Có thể nói, luận gan góc, luận tài trí, luận võ lược, nói một cách tổng quan, thì Lý Thế Dân có thể nói là “thiên hạ vô địch”. Ông cần cù gần dân, văn thao võ lược, anh dũng hơn người, vừa có năng lực gây dựng cơ nghiệp lại có tài gìn giữ cơ nghiệp, xác thực là “thiên cổ nhất đế”. Lòng nhân từ và đức hạnh của ông vang khắp bốn bể uy vũ chấn nhiếp tám phương, lãnh thổ Đường sơ rộng lớn hơn rất nhiều so với thời Tần Hán. Về sau có nhà sử học Chu Dực thời nhà Minh ca ngợi Thái Tông rằng: “Từ Tam Đại (hợp xưng ba triều đại Hạ, Thương, Chu) trở đi, trong những vị vua khai quốc và gìn giữ phép luật, người có đủ cả hai điều là Đường Thái Tông. Văn, Cảnh, Vũ, Tuyên của nhà Hán đều không bì kịp”.

Dù cho khí tượng thịnh Đường đã dần lùi xa, nhưng đế vương Lý Thế Dân người đã dựng lên bức tranh huy hoàng này vẫn mãi mãi là thiên tử được người đời sau kính ngưỡng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29150



Ngày đăng: 25-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.