Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (4)



(Từ năm 618 đến năm 907)

Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Hiền thần lưu danh sử xanh – Trời bảo hộ Thái Tông

Sở dĩ thời kỳ “Trinh Quán chi trị” có thể lưu danh muôn đời mà không bị thay thế, một mặt là dựa vào lòng nhân đức và tài năng trác tuyệt của Đường Thái Tông, mặt khác là không thể tách khỏi những hiền thần với tài hoa xuất chúng, dốc hết tài năng một lòng vì nước ấy. Trong thời kỳ Đường Thái Tông, không ngừng xuất hiện vô số những hiền thần lưu danh sử xanh, họ gồm có:

Tể tướng Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối, hai người họ được biết đến là “Phòng mưu Đỗ đoán”. Phòng có kỳ mưu diệu sách, còn Đỗ thì quả đoán lập quyết. Quốc thích Cao Sĩ Liêm và Trưởng Tôn Vô Kỵ, hai người họ không bởi thân phận tôn quý mà tự kiêu, dốc lòng tận trung, quả thật đáng quý. Gián quan Ngụy Trưng, dám phạm thượng can gián thẳng ngay, lời nói lần nào cũng đều có lý, khiến người ta phải đập bàn tán thưởng.

Những lương thần như vậy giống như là sao sáng quần tụ chiếu rọi Đại Đường vậy, lấp lánh rực rỡ.

Phòng mưu Đỗ đoán

Phòng Huyền Linh xuất thân tiến sĩ, ngay từ khi Lý Thế Dân khởi binh thảo phạt nhà Tùy đã tham gia vào quân đội. Mỗi lần thắng trận, mọi người đều bận bịu tranh đoạt tài vật, ông lại bận rộn tìm nhân tài đưa đến mạc phủ, nếu có tướng tá dũng lược (vừa dũng cảm vừa mưu lược) thì sẽ kết giao thâm tình, khiến họ tận trung với Thế Dân, tâm chí và tầm nhìn của ông quả là cao siêu lỗi lạc.

Năm Võ Đức thứ chín, khi Thái tử Lý Kiến Thành và em trai Tề vương Lý Nguyên Cát bí mật mưu sát Tần vương Lý Thế Dân, trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối được Lý Thế Dân gọi vào trong phủ để thương nghị đối sách. Kết quả, Lý Kiến Thành giết em bất thành, trái lại còn bị trời phạt, trúng tên mà chết.

Sau khi Lý Thế Dân xưng đế, lúc luận công ban thưởng, đã xác nhận Phòng Huyền Linh là người có công đầu, và khen ngợi ông có tài bày mưu tính kế quyết định thắng lợi ngoài sa trường ngàn dặm, phong làm tể tướng. Từ đó Phòng Huyền Linh miệt mài sớm hôm xử lý sự việc triều chính, bằng sự cân nhắc quyết đoán của ông mọi việc đều được xử lý một cách thỏa đáng. Ông cân nhắc tùy theo tài năng của mỗi người mà bổ nhiệm, không phân biệt sang hèn, vậy nên người đời gọi ông là lương tướng (tức là tể tướng tài đức).

Năm Trinh Quán thứ 22, Phòng Huyền Linh mắc trọng bệnh, nhưng vẫn bận lòng chuyện quốc gia, cho đến hơi thở cuối cùng. Thái Tông nắm tay ông giã biệt, đau xót không nói nên lời.

Sánh ngang cùng Phòng Huyền Linh là Đỗ Như Hối, trong các trận bình định Tiết Nhân Cảo, Lưu Vũ Chu, Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức, ông luôn bên cạnh Lý Thế Dân phân tích tình hình quân sự. Với kiến giải siêu phàm, ông có thể nắm rõ thời cơ then chốt, thành công trợ giúp Lý Thế Dân bình định loạn cát cứ toàn quốc.

Tháng 10 năm 621, Tần vương Lý Thế Dân mở Văn Học Quán, đã mời Đỗ Như Hối ngồi ở vị trí đầu tiên của 18 học sĩ trong Văn Học Quán. Sau khi Lý Thế Dân đăng cơ, ông cũng được xưng danh công đầu, sánh ngang với Phòng Huyền Linh, gọi chung là “Phòng Đỗ”.

Năm Trinh Quán thứ ba, Đỗ Như Hối thăng làm Thượng thư hữu bộc xạ, cùng Phòng Huyền Linh chèo chống đại cục. Năng lực làm việc của ông không hề thua kém Phòng Huyền Linh. Ông có thể đoán đại sự, dốc lòng tận sức, và đều được gọi là lương tướng. Đáng tiếc, năm Trinh Quán thứ tư Đỗ Như Hối qua đời, Thái Tông vì thế mà bãi triều ba ngày để tưởng nhớ, quần thần nặng nghĩa, bồi hồi rơi lệ.

Tranh thần Ngụy Trưng

Có thể nói “Đường Thái Tông đã tạo nên Gián quan Ngụy Trưng, và Ngụy Trưng đã tạo nên minh quân Đường Thái Tông”.

Một triều thiên tử một triều thần, gián quan gặp được minh quân thì mới có thể “can gián”. Nhìn chung trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc, ngoài một Ngụy Trưng xuất hiện trong thời Đường Thái Tông ra, thì đại gián quan thực hiếm thấy. Ngụy Trưng vốn là quan dưới quyền của Thái tử Lý Kiến Thành, nhưng Đường Thái Tông lại không kể đến hiềm khích trước, bổ nhiệm ông làm gián quan, cho phép trực tiếp chất vấn những được mất hơn thiệt của chính sự.

Có lần, Đường Thái Tông xét thấy nguồn cung cấp binh lính thiếu hụt nên đã hạ chỉ theo thỉnh cầu của Tể tướng Phong Đức Di trưng dụng nam thiếu niên chưa đến tuổi tham gia quân đội vào nhập ngũ. Nhưng khi chiếu lệnh chuyển đến Môn hạ tỉnh, Ngụy Trưng lại từ chối ý chỉ và không ký tên. Thái Tông tức giận trách cứ: “Ý trẫm đã quyết, việc này can hệ gì đến khanh chứ?”

Ngụy Trưng trả lời: “Tát ao bắt cá, sang năm hết cá; đốt rừng săn thú, sang năm hết thú. Nam thiếu niên sung quân, tô thuế tạp dịch giảm xuống, vả lại lính giá trị ở phần tinh nhuệ chứ không phải ở phần đông, chẳng cần ép thêm cho đủ số”. Đường Thái Tông trầm ngâm hồi lâu, rồi hạ lệnh dừng việc trưng binh, còn thưởng cho Ngụy Trưng một vò rượu vàng.

Năm Trinh Quán thứ tám, Trưởng Tôn Hoàng Hậu thay Đường Thái Tông tìm một nữ tử tài sắc xuất chúng tên Trịnh Thị về làm phi tần, trong lúc sắp nạp vào cung, Ngụy Trưng khuyên can nói: “Nữ tử này đã có hôn ước với Lục Thị, Hoàng đế không thể cướp đoạt dân nữ, chớ làm hỏng chuyện tốt của người ta, mong Hoàng thượng thấu hiểu nỗi khổ của bách tính”. Tuy nhiên, các đại thần khác thì nói rằng giữa Lục và Trịnh vốn không có hôn ước gì cả, và Lục Thị cũng dâng biểu phủ nhận chuyện hôn ước. Ngụy Trưng đã nói một cách rõ ràng rằng: “Lục Thị phủ nhận chuyện này, là muốn tránh họa sát thân, bất đắc dĩ mới làm như vậy”. Thái Tông không muốn lại dây dưa nữa, nên dứt khoát hủy bỏ việc nạp Trịnh Thị làm phi, nhằm tránh xảy ra sai lầm.

Năm Trinh Quán thứ tám, Hoàng Phủ Đức Tham dâng thư nói rằng: “Tu sửa Đông cung Lạc Dương, nhọc dân tốn của. Địa tô thu quá nhiều. Phụ nữ thích búi tóc cao, trong cung sẽ biến đổi”. Thái Tông nổi giận nói: “Đức Tham muốn Đại Đường không người lao dịch, không thu đấu tô, cung nhân không tóc, thì mới vừa lòng hả dạ”. Ngụy Trưng khuyên can rằng: “Dâng thư không quá trớn thì không thể khiến chủ nhân động lòng, lời của kẻ cuồng phu, nên chọn cái hay mà làm theo. Bệ hạ bởi không còn muốn nghe lời thẳng ngay mà nổi giận, còn đâu tấm lòng rộng rãi trước đây”. Thái Tông chuyển giận thành vui, tâm tình bình thản, còn thăng chức cho Hoàng Phủ Đức Tham làm Giám sát ngự sử.

Sau khi Ngụy Trưng qua đời. Đường Thái Tông đau buồn không thôi, còn nói mình đã mất đi một tấm gương.

Dũng sĩ Đại Đường Lý Tịnh

Năm 617, Lý Uyên tấn công thành Trường An, một trong số những tướng Tùy bị truy bắt là Lý Tịnh. Ngay trong thời khắc Lý Uyên muốn giết ông, khi ấy Lý Thế Dân ở bên cạnh đã hết sức nói giúp, cứu được một mạng của Lý Tịnh, đồng thời thu nhận ông vào mạc phủ.

Những người mà Lý Thế Dân chiêu mời ắt không phải hạng tầm thường, và Lý Tịnh chính là một ví dụ điển hình. Tháng 10 năm Võ Đức thứ tư, Lý Tịnh bằng chiến lược chớp nhoáng công hạ được thành Giang Lăng, giúp nhà Đường trừ bỏ được quân cát cứ Phiệt Tiêu Tiển. Năm Võ Đức thứ bảy, Lý Tịnh và Lý Hiếu Cung dẫn Lý Tích và bảy lộ quân đoàn đến Giang Hoài, trấn áp các cuộc bạo loạn vũ trang. Đường Cao Tổ khen ngợi rằng: “Các danh tướng ngày xưa như Hàn Tín, Bạch Khởi, Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh so với Lý Tịnh thì còn kém xa lắm”.

Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, Lý Tịnh thường giữ vị trí thống soái chinh chiến sa trường. Cuối tháng 11 năm Trinh Quán thứ ba, Lý Tịnh phụng chiếu dẫn đại quân hơn 10 vạn chia thành sáu đạo quân chinh phạt cường hãn đại quốc Đông Đột Quyết. Trọn hai năm giao tranh quyết liệt, cuối cùng đã phá được Định Tương, bắt sống Hiệt Lợi khả hãn, tiêu diệt được Đông Đột Quyết.

Biên giới nhà Đường dần dần mở rộng, với những chiến công hiển hách của mình Lý Tịnh được thăng làm Thượng thư hữu bộc xạ. Năm Trinh Quán thứ tám, Thổ Dục Hồn xâm phạm biên giới, Lý Tịnh xin với Thái Tông được xuất chinh giết giặc. Lý Tịnh tuổi đã ngoài 60 gan góc mưu lược sung sức không kém gì năm xưa, ông không màng đến sự phản đối của các thuộc hạ, dẫn quân tiến sâu vào trận địa của địch, tìm kiếm nơi đồn trú quân chủ lực của đối phương, đúng là kẻ dũng không biết sợ. Cuối cùng, hai bên đã đụng độ nhau, tức thì vô số mũi tên đột nhiên phóng ra, dao kiếm sáng loáng, hai bên quyết chiến trong trận sinh tử. Sau nhiều lần kịch chiến hỗn loạn, thắng lợi đã thuộc về phía Đại Đường. Các thuộc hạ phía Thổ Dục Hồn đã giết thủ lĩnh Phục Doãn khả hãn và đầu hàng, Lý Tịnh an định được vùng Tây Bắc, tấu khúc khải hoàn trở về triều.

Lý Tịnh một đời vì nước mà chinh chiến thảo phạt bốn phương, uy chấn Bắc Địch, đúng là “Vô số tiếng trống thắng trận vang dội chốn sa trường, ngàn vạn dặm giang sơn cát bụi Hồ nhân phải thu mình”. Năm Trinh Quán thứ 23, Lý Tịnh lâm bệnh rồi mất tại nhà, thọ 79 tuổi. Dũng sĩ Đại Đường đã hồi về chốn nao? Hẳn chỉ vì Thái Tông mà đến một chuyến.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29149



Ngày đăng: 19-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.