Văn minh 5000 năm: Diện mạo chân thực của lịch sử – Nhà Đường: Một trong ba đại thịnh thế thiên triều (2)
(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Thân thế và dị tướng của Đường Thái Tông Lý Thế Dân
Lý Thế Dân là con trai thứ hai của Cao Tổ Lý Uyên. Ông sinh tại Võ Công vào ngày Mậu Ngọ tháng 12 năm Khai Hoàng thứ 18 thời nhà Tùy. Lúc sinh ra có nhị long nô đùa trước cổng nhà, ba ngày mới rời đi. Khi Cao Tổ đến Kỳ Châu nhậm chức, Lý Thế Dân chỉ mới bốn tuổi. Có một tiên sinh biết xem tướng bái kiến Cao Tổ rồi thưa rằng: “Ngài là quý nhân, hơn nữa còn có quý tử”. Đến khi nhìn thấy Lý Thế Dân, tiên sinh lại nói: “Dung nhan rồng phượng, tướng mạo hệt mặt trời, đến năm 20 tuổi, ắt có thể tế thế an dân”. Cao Tổ bèn lấy ý “tế thế an dân” đặt tên cho con.
Lý Thế Dân từ nhỏ đã vô cùng thông minh sáng suốt, nhìn xa trông rộng, biết nắm thời cơ và quyết đoán, không câu nệ tiểu tiết, đương thời không ai có thể đoán biết được suy nghĩ của ông.
Lý Thế Dân trợ giúp cha hoàn thành đại nghiệp thống nhất
Vào những năm cuối nhà Tùy, nền chính trị u ám, chiến tranh loạn lạc, dân chúng lầm than.
Lý Thế Dân lúc bấy giờ mới 17 tuổi đã khuyên cha đang trấn thủ ở Thái Nguyên rằng: “Vua nay vô đạo, bách tính khốn cùng, ngoài thành Tấn Dương đều là chiến trường. Đại nhân nếu như thủ tiểu tiết, dưới có khấu đạo, trên có nghiêm hình, thời thời lâm nguy. Chi bằng thuận lòng dân, dấy binh khởi nghĩa, chuyển họa thành phúc, đây cũng là thời cơ mà trời trao cho vậy”. Bị thuyết phục bởi lời này, Lý Uyên đã dấy binh phản Tùy ở Thái Nguyên.
Từ đó Lý Thế Dân vào sinh ra tử, đánh Nam dẹp Bắc, đánh đâu thắng đó không gì cản nổi. Sau cùng đã trợ giúp cha mình là Lý Uyên đăng cơ vào năm 618, và sáng lập ra nhà Đường. Lịch sử nhân loại từ đây bước sang trang sử mới.
Nhằm tiến thêm một bước trong việc hoàn thành đại nghiệp, Lý Thế Dân đã tự mình dẫn binh thảo phạt các thế lực cát cứ các nơi. Đội quân nhà Đường dưới sự dẫn dắt của Lý Thế Dân, trước là đánh bại Tiết Nhân Cảo ở trận Thiển Thủy Nguyên, rồi bình định Lưu Vũ Chu ở vùng Tây Bắc, lại đánh bại Đậu Kiến Đức và hàng phục Vương Thế Sung ở trận Hổ Lao. Tiếp đó, ông dẫn binh thảo phạt Lưu Hắc Thát, chiến thắng trong trận cuối cùng, trong vòng bảy năm đã thống nhất toàn quốc. Đội quân nhà Đường đi đến đâu bách tính nơi đó đều đội hương quỳ hai bên đường nghênh đón, quân và dân trên dưới đều reo mừng. Lý Thế Dân đã thay Lý Uyên ổn định thiên hạ bằng võ nghệ dũng mãnh hơn người cùng những chiến lược giành thắng lợi không thể ngờ đến của mình, và trở thành chủ nhân chân chính của mảnh đất Thần Châu.
Lý Thế Dân thuận theo Thiên ý kế thừa đại nghiệp thống nhất
Sau khi thống nhất thiên hạ, bởi Lý Thế Dân nhiều lần chinh chiến lập nên công trạng, uy danh ngày càng lớn, dẫn đến sự đố kỵ của Thái tử Lý Kiến Thành và Hoàng đệ Lý Nguyên Cát. Lại thêm nhân tố thù hằn của các phi tần hậu cung của Lý Uyên vì không được thỏa mãn đòi hỏi về vàng bạc châu báu, khiến Lý Thế Dân nhiều lần chịu phỉ báng đặt điều, Lý Uyên cũng dần dần sinh ra nghi hoặc đối với Lý Thế Dân. Không lâu sau, Lý Thế Dân bị tước bỏ binh quyền, điều ra khỏi kinh thành, tiếp theo lại liên tục bị điều động chinh chiến khắp nơi, ngoài ra còn bị huynh đệ ruột thịt lừa uống rượu độc, suýt thác hoàng tuyền.
Từ xưa người hợp với đạo nghĩa nên được nhiều người trợ giúp, kẻ trái đạo nghĩa ắt bị cô lập không cứu. Kẻ tiểu nhân nham hiểm, thiên hạ ai cũng đều thấy rõ, ai cũng có thể giết được.
Tháng Sáu năm 626, Kiến Thành và Nguyên Cát mưu đồ trừ bỏ Lý Thế Dân. Sau khi Lý Thế Dân biết được, với sự trợ giúp của anh vợ là Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng các mưu thần và võ tướng, đã dùng sách lược tấn công phủ đầu trước nhằm áp chế đối phương, và phát động “Sự biến Huyền Vũ môn” (có tên vậy vì sự việc xảy ra tại Huyền Vũ môn cửa Bắc cung thành Trường An), giết chết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Đây chẳng phải là thuận Thiên ý mà hành sao! Ngày cử hành tang lễ, Lý Thế Dân trước bao người mà “đau xót khóc thương”. Sau này có một số sử học gia gọi “Sự biến Huyền Vũ môn” là “huynh đệ tương tàn, soán quyền đoạt vị”, quả thực là bóp méo lịch sử rồi.
Sau “Sự biến Huyền Vũ môn”, Lý Thế Dân được lập làm Thái tử, và được quyền quyết định hết thảy việc triều chính. Lý Thế Dân do đó đã hạ lệnh cấm việc nuôi dưỡng tay sai trong cung đình, và dừng việc các nơi tiến cống vật phẩm quý hiếm, khiến bách tính khắp thiên hạ vô cùng vui mừng. Ngoài ra, Lý Thế Dân còn hạ lệnh cho bách quan thượng thư trình bày các nhiệm vụ trọng yếu trong việc trị quốc, và ra thông cáo “quan hiệu, tên gọi, văn tự sách tịch thuộc công và tư, và những thứ có hai chữ ‘Thế và Dân’ riêng lẻ, thì không cần húy kỵ”.
Tháng Tám cùng năm, Lý Uyên truyền ngôi vị cho Lý Thế Dân, còn mình làm Thái thượng hoàng. Lý Thế Dân đăng cơ trong sự kỳ vọng của dân chúng, lịch sử gọi là “Đường Thái Tông”, năm sau đổi niên hiệu thành Trinh Quán. Sau vô số đại chiến trên sa trường thời tuổi trẻ, Lý Thế Dân đã bắt đầu cuộc đời trị quốc của mình ở tuổi 28.
Đức chính và thuật trị quốc của Đường Thái Tông
Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông luôn luôn lấy việc nhà Tùy tiêu vong bởi bạo chính làm gương, ông nói: “Bậc thiên tử, nếu là người có đức hạnh thì người trong thiên hạ đều muốn tôn làm quân chủ, nếu là kẻ vô đạo thì sẽ bị người trong thiên hạ bỏ rơi không cần đến nữa, quả là đáng sợ!”
Khác với phần lớn những hoàng đế trước đó, Thái Tông tin tưởng rằng “quân thần tương ngộ, cũng như cá với nước, như thế thiên hạ mới có thể an định được”, vậy nên Đường Thái Tông chủ trương vua và các đại thần cùng quản thiên hạ. Việc tiếp thu can gián và thẳng thắn can gián của vua và các đại thần trong thời kỳ Trinh Quán là điều vô cùng hiếm thấy trong lịch sử, Thái Tông lấy việc Tùy Dạng Đế từ chối can gián che đậy sai trái làm gương, mà khiêm nhường tiếp thu ý kiến, nghe lọt lời can gián, còn các đại thần có thể thẳng thắn khuyên can, ngay nơi triều đình mà thẳng thừng quở trách, Ngụy Trưng – vị gián quan nổi tiếng trong lịch sử chính là xuất hiện vào thời điểm ấy.
Ngoài ra, Đường Thái Tông hết sức thấu hiểu đạo lý người được lòng dân mới được thiên hạ, do vậy đã thực thi nền chính trị nhân từ, áp dụng chính sách bồi dưỡng sức dân, “rời bỏ xa hoa thực hành tiết kiệm, giảm nhẹ lao dịch thuế má, chọn dùng quan thanh liêm, khiến người dân được cơm no áo ấm”.
Nói tóm lại, phương châm trị vì của Đường Thái Tông có thể quy nạp thành những điểm sau: 1. Đạo làm vua thì trước hết cần bảo vệ bách tính; 2. Thực thi luật pháp khoan hồng, chú trọng tu dưỡng đạo đức; 3. Rời bỏ xa hoa thực hành tiết kiệm, dứt bỏ tư tình hạ mình vì đại nghĩa; 4. Giảm nhẹ lao dịch thuế má, phát triển sản xuất, hồi phục kinh tế; 5. Bao dung người khác và biết lắng nghe can gián, thời thời khắc khắc tự biết phản tỉnh; 6. Tuyển dùng quan thanh liêm. Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra những ví dụ cho mỗi điểm.
Làm vua trước hết cần bảo vệ bách tính
Đường Thái Tông cho rằng “Đạo làm vua thì trước hết cần bảo vệ bách tính, nếu làm tổn hại đến bách tính chỉ để cung phụng bản thân, thì cũng như cắt thịt mình mà ăn cho đầy bụng, bụng no rồi thì thân cũng chẳng còn”. Ông xem quan hệ giữa dân và vua như nước với thuyền, “Thuyền ví như vua, nước ví như dân. Nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”. Vậy nên, ông cho rằng những hoạn nạn của hoàng đế không phải đến từ bên ngoài, mà chính ở tự thân. Hoàng đế dục vọng nhiều thì phí tổn cao, tiêu pha nhiều thì sưu cao thuế nặng, dân chúng vì thế sẽ khổ sở vô cùng, đất nước sẽ trong nguy hiểm, hoàng đế cũng chẳng còn nữa.
Năm Trinh Quán thứ hai, quanh kinh thành Trường An gặp nạn châu chấu. Một hôm, Đường Thái Tông vào trong vườn Thượng Uyển, nhìn thấy châu chấu liền bắt lấy mấy con, khẩn khoản nói: “Người dân sống nhờ vào ngũ cốc, các ngươi lại ăn hết hoa màu, nay ta thà để các ngươi gặm nhấm tâm can ta”, nói xong định nuốt châu chấu vào bụng, quan viên bên cạnh liền khuyên can: “Thứ không tốt này ăn vào sợ sẽ thành bệnh!” Thái Tông trả lời: “Ta muốn thay người dân chịu nạn, còn sợ bệnh tật gì chứ?” Thế rồi đem châu chấu nuốt vào bụng. Nghe nói năm ấy tuy có châu chấu nhưng không thành họa nạn nữa.
Năm Trinh Quán thứ hai, vùng Quan Nội xảy ra hạn hán và mất mùa, có rất nhiều bách tính phải bán con để đổi lấy thực phẩm và quần áo, Đường Thái Tông không chỉ hạ lệnh mở kho cứu dân, còn lấy vàng bạc lụa là trong kho hoàng gia ra thay người dân bị nạn chuộc lại con cái, và trả về cho cha mẹ của chúng. Ông đã nói trong chiếu thư rằng: “Nếu có thể làm cho mùa màng bội thu, thiên hạ bình an, cho dù tai họa này chuyển lên thân ta, ta cũng can tâm tình nguyện”. Không lâu sau thì trời giáng mưa lớn, xoa dịu hạn hán, bách tính ai nấy đều vui mừng.
Lý Thế Dân sau khi kế vị, trong Tần vương phủ có một số người phàn nàn đã hầu hạ Tần vương bao năm như thế còn chưa được thăng quan. Thái Tông đã nói với họ rằng: “Hoàng đế chỉ có thể lấy đại công vô tư mà khuất phục thiên hạ, cơm áo của ta và các ngươi đều từ dân chúng mà ra, bố trí chức quan và tuyển chọn người hiền làm quan cũng là vì dân chúng, làm sao có thể để thuộc hạ cũ của mình làm quan bất kể họ có tài đức hay không chứ?”
Rời bỏ xa hoa thực hành tiết kiệm
Đường Thái Tông lúc mới lên ngôi, đã nhận thấy rõ được đội ngũ quan liêu quá mức khổng lồ, người nhiều hơn việc, cảm nhận sâu sắc “dân thì ít mà quan lại đông”, như vậy lợi chẳng thấy đâu, hại lại rất nhiều, biểu hiện chủ yếu là: hao phí tài nguyên; chức vụ chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; mưu sĩ quá nhiều, sự việc thường không được giải quyết. Vì thế, Thái Tông tiến hành cải cách bãi bỏ cơ cấu. Kết quả là số huyện thị trong toàn quốc giảm đi một nửa, số châu phủ giảm đi một phần ba. Tể tướng Phòng Huyền Linh tuân theo ý chỉ của Thái Tông, đã thuyên giảm ba phần tư số quan viên văn võ trong triều đình, chỉ còn lại 643 người. Điều khiến các sử gia phải kinh ngạc tán thán là, một cuộc cải cách lớn như vậy mà không gây nên bất kỳ sự xáo trộn và bất an nào trong xã hội, có thể thấy Thái Tông hành sự hết sức thận trọng kỹ lưỡng, bảo đảm chắc chắn không xảy ra sai sót nào cả.
Phát triển sản xuất hồi phục kinh tế
Đường Thái Tông biết rõ, trải qua chiến loạn trong những năm cuối nhà Tùy, bách tính khát khao an định và nghỉ ngơi dưỡng sức, đồng thời Thái Tông cũng sáng suốt ý thức được rằng, người dân sở dĩ phải trộm cướp là vì “thuế má nhiều lao dịch nặng nề, quan lại tham lam, bản thân cơ hàn mà phải thế”, vậy nên đề xướng tôn sùng tiết kiệm và giảm bớt sưu thuế. Sau khi lên ngôi, ông đã cho hơn 3.000 cung nữ xuất cung để tiết kiệm chi phí quốc gia, lại hạ lệnh ngừng việc các nơi tiến cống vật phẩm quý hiếm, giảm nhẹ lao dịch và bớt thuế má, khiến bách tính có thể an cư lạc nghiệp.
Thái Tông cho rằng: “Phàm việc gì cũng đều phải chú trọng vào căn bản. Quốc gia lấy dân làm căn bản, người dân lấy ăn mặc làm căn bản. Lấy hoạt động sản xuất nông nghiệp đúng thời điểm làm căn bản, bảo đảm nhu cầu ăn mặc cơ bản của người dân”, vì thế ông hết sức chú ý đến việc phát triển sản xuất, không để lỡ thời vụ có lợi cho sản xuất. Tháng Hai của năm Trinh Quán thứ năm, các quan lại được điều động làm đội binh danh dự trong Quán lễ (lễ đội mũ cho nam thành niên tròn 20 tuổi) của Thái tử, thời điểm ấy vừa đúng lúc cày bừa vụ xuân, do đó Thái Tông hạ lệnh đổi ngày cử hành vào tháng Mười. Ngoài ra, ông còn chiêu an những người dân lưu vong trở về quê hương sản xuất. Bách tính từ đó an tâm sản xuất, nền kinh tế của nhà Đường cũng bắt đầu hồi phục và phát triển.
Bao dung người khác và biết lắng nghe can gián, thời thời khắc khắc tự biết phản tỉnh
Đường Thái Tông là một đại minh quân, nổi danh vì biết lắng nghe can gián. Thái Tông cho rằng: “Là vua, dù có vô đạo, nhưng biết tiếp thu can gián ắt sẽ là Thánh nhân”, “kiêm thính tắc minh, thiên tín tắc ám” (nghĩa là biết lắng nghe ý kiến đa chiều thì mới có thể minh tỏ sự việc, còn chỉ tin lời một chiều, ắt sẽ mờ mịt mà phạm sai lầm mang tính phiến diện), vậy nên ông khuyến khích thần dân tiến hành can gián, tăng thêm quyền hạn của gián quan, hễ chiếu lệnh không thỏa đáng thì phải được tấu trình rõ ràng không được hùa theo. Ví như Ngụy Trưng thích nói thẳng, tuy ông vốn là quan dưới quyền của Thái tử Kiến Thành, nhưng Đường Thái Tông lại không tính đến những hiềm khích trước đây, để ông làm gián quan, cho phép trực tiếp tầm vấn chính sự, hơn nữa còn vô cùng coi trọng ông.
Ngụy Trưng từng dâng sớ mấy chục lần, thẳng thắn vạch lỗi, Thái Tông đều khiêm tốn lắng nghe, rồi chọn lấy cái hay mà làm theo. Sau này khi Ngụy Trưng mất, Thái Tông đau buồn nói: “Người ta lấy đồng làm gương soi, có thể chỉnh đốn mũ áo, diện mạo; lấy lịch sử làm gương, có thể biết hưng suy của triều đại; lấy người làm gương, có thể hiểu rõ tốt xấu của chính mình. Ngụy Trưng chẳng còn, trẫm mất đi một tấm gương rồi”.
Có lần, Thái Tông nói với các đại thần rằng: “Người ta muốn nhìn thấy hình dáng tướng mạo của mình thì phải soi gương, hoàng đế muốn biết lỗi sai của mình thì phải dựa vào trung thần. Nếu hoàng đế từ chối các đại thần can gián còn cho mình là đúng, các đại thần dùng cách a dua nịnh hót mà làm theo ý của hoàng đế, vậy hoàng đế sẽ mất nước, các đại thần cũng không thể tự bảo vệ mình được! Như Ngu Thế Cơ vì để giữ lấy phú quý của bản thân mà dùng cách nịnh bợ hầu hạ Tùy Dạng Đế, Tùy Dạng Đế bị giết, thì Ngu Thế Cơ cũng bị giết vậy. Các khanh nên ghi nhớ giáo huấn ấy, trẫm làm việc gì có phù hợp hay không, các khanh nhất định phải nói ra”.
Khi cất nhắc quan viên ở Dân Trũng, phát hiện ra có một số người giả mạo, Thái Tông định chiểu theo mệnh lệnh đã ban bố mà xử tử bọn họ. Nhưng Binh bộ Lang trung Đới Trụ khuyên can rằng: “Nếu chiểu theo luật pháp thì nên xử họ lưu đày”. Thái Tông nổi giận nói: “Ông muốn tuân thủ luật pháp mà khiến trẫm mất đi danh dự sao?” Đới Trụ trả lời rằng: “Mệnh lệnh của hoàng đế là trong hỉ nộ nhất thời mà truyền xuống, còn luật pháp là do quốc gia công bố để được thiên hạ tín nhiệm. Bệ hạ rất căm hận việc dối trá, bởi thế muốn giết họ, đương nhiên cũng biết nếu chiểu theo luật pháp thì không thể làm vậy. Nếu dùng luật pháp để đo lường thì có thể dung nhẫn cái hận nhỏ bé của mình mà giành được sự tín nhiệm của cả thiên hạ”. Thái Tông nói: “Ông có thể chấp pháp được như thế, trẫm còn phải lo lắng gì nữa đây!” Về sau Đới Trụ còn thẳng thắn can gián mấy lần nữa, thao thao bất tuyệt, Thái Tông đều nghe theo ý kiến của ông, và thiên hạ không còn xảy ra oan sai nào nữa.
Thái Tông không chỉ độ lượng bao dung người khác, mà ông còn luôn tự mình phản tỉnh trong mọi thời khắc. Ông từng nói với các đại thần rằng: “Trẫm đọc ‘Tùy Dạng Đế Tập’, thấy lời lẽ phong phú sâu sắc, Tùy Dạng Đế cũng biết ca ngợi Nghiêu Thuấn và phê phán Kiệt Trụ, vì sao hành sự thì lại ra như thế chứ!” Ngụy Trưng thưa rằng: “Hoàng đế dù có là Thánh nhân đi nữa, cũng nên khiêm tốn tiếp nhận ý kiến của người khác. Như thế, những người thông minh sáng suốt có trí huệ sẽ hiến mưu cho, và người dũng cảm sẽ tận lực dốc sức. Tùy Dạng Đế cậy mình có tài, vô cùng kiêu ngạo ngang ngược và tự cho mình đúng, nói như Nghiêu Thuấn, nhưng làm lại như Kiệt Trụ, vậy mà còn không tự biết, cuối cùng chuốc lấy họa diệt vong”. Thái Tông nói “những chuyện này mới xảy ra chưa được bao lâu, chúng ta phải ghi nhớ bài học giáo huấn này”.
Có lần Thái Tông hỏi Phòng Huyền Linh và Tiêu Vũ rằng: “Tùy Văn Đế so với trẫm thì như thế nào?” Phòng Huyền Linh và Tiêu Vũ đáp rằng: “Tùy Văn Đế cần mẫn với triều chính, ông cùng các quan ngũ phẩm trở lên thảo luận việc triều chính, đến giờ cơm thì đều là vệ sĩ đưa cơm. Tuy rằng tâm tính của ông không thể nói là nhân hậu, nhưng cũng là một hoàng đế chăm chỉ vậy”. Thái Tông nói: “Các khanh chỉ biết một mà không biết hai. Tùy Văn Đế rất nhiều việc không hiểu rõ nhưng lại luôn muốn làm cho rõ. Không hiểu rõ thì có chỗ suy xét không đến nơi, luôn muốn làm cho rõ thì tất sẽ đa nghi. Việc gì cũng đều tự quyết, mà không dựa vào các đại thần. Thiên hạ lớn nhường ấy, sự tình nhiều như vậy, có mệt chết cũng không xử lý tốt được hết! Các đại thần hiểu thói quen của Tùy Văn Đế, nên chỉ chờ kết quả, dù trong lòng có chỗ không đồng tình, cũng không dám can gián, vậy nên nhà Tùy qua hai đời thì đã diệt vong. Nhưng trẫm thì không như vậy. Trẫm tìm nhân tài trong thiên hạ rồi ban chức quan, để họ xử lý việc trong thiên hạ, và trẫm chỉ việc nghe báo cáo, làm được tốt thì khen thưởng, làm không tốt thì xử phạt, ai mà không tận tâm tận lực kia chứ! Như thế thì đâu phải lo lắng việc thiên hạ quản lý không được tốt nữa”.
Thái Tông nói với các đại thần rằng: “Người ta nói hoàng đế địa vị tôn quý, chẳng phải sợ chi. Trẫm lại không phải vậy, trẫm trên thì lo sợ trời xanh soi xét, dưới thì e sợ các đại thần ngưỡng vọng, làm gì cũng cần thận trọng dè dặt, còn sợ không phù hợp Thiên ý và nguyện vọng của dân chúng nữa”.
Thái Tông còn nói: “Điều mà trẫm thích thì chỉ có đạo trị quốc của Nghiêu, Thuấn, Chu Công và Khổng Tử, những thứ ấy đối với ta như thể chim thêm cánh, như cá gặp nước, mất đi những thứ ấy thì chẳng còn gì nữa, một khắc cũng không thể thiếu”.
Áp dụng luật pháp khoan hồng và hoàn thiện
Vào thời Cao Tổ, rút kinh nghiệm từ việc Tùy Dạng Đế thi hành luật pháp rườm rà nghiêm khắc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ông đã bắt đầu chế định luật pháp mới, đồng thời vào năm 624 đã ban bố “Võ Đức luật” lấy khoan hồng làm nguyên tắc. Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, đã tiếp thu ý kiến của Ngụy Trưng, xác lập tôn chỉ khoan hậu nhân từ, thận trọng trong dùng hình phạt, đồng thời lệnh cho Trưởng Tôn Vô Kỵ và Phòng Huyền Linh chỉnh lý luật pháp, vào năm Trinh Quán thứ 10, tức năm 637 đã chính thức công bố “Đường Luật” với 500 điều, nội dung cơ bản gồm có danh lệ, vệ cấm, chức chế, hộ hôn, cứu khố, thiện hưng, tặc đạo, đấu tụng, tạp luật, bổ vong, đoạn ngục v.v.
Lấy mục tử hình làm thí dụ, thì thấy so với luật pháp nhà Tùy gần như đã lược giảm đi một nửa, còn khoan hồng hơn cả “Võ Đức luật”, điều 92 giảm trảm hình thành lưu đày, điều 71 giảm lưu đày thành tù đày, còn bãi bỏ các loại nhục hình, khổ hình như đánh vào lưng, bẻ ngón chân… Luật xử án quy định, với tội tù đày trở lên sau khi xử án kết thúc nếu người phạm tội không phục, thì có thể đề xuất tái thẩm, với tội chết phải qua ba lần tấu trình, và sau ba ngày mới được thực hiện.
Thái Tông cho rằng việc coi trọng đức hạnh còn quan trọng hơn chế định luật pháp nghiêm khắc. Có lần ông đã hỏi quan đại thần Vương Khuê rằng: “Các bậc trị quốc thời gần đây không được như thời xưa là vì sao? Vương Khuê trả lời: “Nhà Hán tôn sùng học thuyết Nho gia, phong tục dân gian thuần hậu; thời gần đây coi nhẹ Nho học, coi trọng luật pháp, vậy nên quốc gia càng ngày càng suy bại”. Thái Tông tỏ ra đồng ý với cách giải thích này.
Hữu kiêu vệ Đại tướng quân Trưởng Tôn Thuận Đức đã nhận lụa người ta đút lót, Thái Tông sau khi biết được đã nói: “Nhân tài như Thuận Đức nếu có ích cho đất nước, trẫm có thể cùng ông ấy chia sẻ của cải quốc gia, ông ấy hà tất phải tham luyến tài vật như vậy!” Thái Tông quý tiếc ông ấy là người có công với nước, nên không trị tội, hơn nữa còn ban thưởng cho ông mười xếp lụa. Đại Lý Thiếu khanh Hồ Diễn nói: “Thuận Đức vi phạm luật pháp vì nhận của cải, vốn không nên miễn tội, vậy sao còn ban thưởng cho ông ta?” Thái Tông trả lời: “Nếu ông ấy là người có nhân tính, thì việc nhận ban thưởng còn khuất nhục hơn cả việc chịu hình phạt; còn nếu ông ta không biết hổ thẹn, chẳng khác gì cầm thú, thì giết ông ta còn có ích gì đây!”
Tuyển dùng quan thanh liêm
Ở phương diện tuyển dùng nhân tài, Đường Thái Tông dẹp bỏ chế độ môn đệ, lệnh cho Cao Sĩ Liêm tuyển “Sĩ Tộc Chí”, lấy “lập công, lập đức, lập ngôn” làm tiêu chuẩn, đánh giá lại từ đầu các sĩ tộc, người không có công đức thì nhất loạt bỏ tên. Tức là chú ý chiểu theo tiêu chuẩn “tài hạnh kiêm bị” (vừa có tài vừa có đức) để tuyển dùng quan viên, không vấn xuất thân, không kể ân oán, trong các văn võ đại thần nổi tiếng, có Ngụy Trưng từng là đạo sỹ, Uất Trì Cung từng làm thợ rèn, Trương Lương xuất thân nông dân. Ngụy Trưng nguyên là bề tôi cũ của Thái tử Kiến Thành, từng mưu hoạch ám hại Thái Tông, Lý Tịnh, Uất Trì Cung là tướng đầu hàng, nhưng đều được trọng dụng. Ông còn dựa trên cơ sở chế độ khoa cử của nhà Tùy tiến hành hoàn thiện hơn nữa chế độ tuyển chọn quan viên, dùng khoa cử thay thế chế độ môn đệ, phá bỏ thiên kiến môn phiệt, khiến những kẻ sĩ xuất thân bần cùng có cơ hội tiến thân làm quan.
Thái Tông còn đưa ra bốn yêu cầu cho các quan viên có “phẩm vị”, gọi là “tứ Thiện”, tức là đức cao vọng trọng; thanh liêm cẩn thận; phán đoán công bằng; chăm chỉ không giải đãi. Ngoài “tứ Thiện” còn có “27 Tối”, “27 Tối” này là những yêu cầu có tính nhắm thẳng đối với từng bộ phận, ví như, “Tối” của quan giám sát là gạn đục khơi trong (gạt bỏ thứ xấu biểu dương cái tốt), khen chê tương xứng. “Tối” của quan thẩm phán là quyết đoán không trì trệ, và phán quyết hợp lý… “27 Tối” là lập chế ban đầu của thời kỳ Trinh Quán, mỗi người đều chiểu theo yêu cầu của Thái Tông mà làm, tận tâm tận tụy. Thái Tông lại dùng tám chữ “cư quan siểm trá tham hỗn hữu trạng” (làm quan mà bị tố nịnh bợ, dối trá, tham ô, bừa bãi) để phán định đức hạnh của những quan liêu thuộc diện “hạ hạ đẳng”.
Năm Trinh Quán thứ 11 (năm 637), Thị ngự sử Mã Chu dâng sớ rằng “Trị lí thiên hạ phải lấy dân làm gốc. Muốn làm cho bách tính an lạc, duy chỉ có chọn ra người thích hợp làm Thứ sử, Huyện lệnh mà thôi”. Thái Tông rất tán thành, và kiên quyết đích thân lựa chọn Thứ sử. Ông còn tự mình ghi tên của các Thứ sử, Đô đốc trên bình phong trong cung, đồng thời ghi nhớ công lao và lỗi lầm của họ để dùng vào việc thăng quan hay giáng chức. Ngoài ra còn cử Lý Tịnh làm đại sứ truất trắc (giáng và thăng quan), tuần tra công tác chính sự toàn quốc, khảo sát việc quan lại siêng năng hay lười biếng.
Trong vấn đề quan lại tham ô, Đường Thái Tông ngoài việc sử dụng hình phạt ra, chính là muốn khiến các đại thần tự đáy lòng hiểu rõ “Tham” kỳ thực là một hành vi ngu xuẩn. Ông đưa ra một vài thí dụ cho các đại thần rằng: “Từng có Tần Huệ Công muốn chinh phạt nước Thục, nhưng không biết đường đi, do đó đã cho khắc năm con trâu đá, rồi đặt một tấm vàng sau đuôi mỗi con. Người Thục cho là trâu đi phân vàng, vội vàng kéo trâu vào vùng đất của mình, quân Tần lần theo dấu vết trên mặt đất, sau đó tiêu diệt được nước Thục”.
Thái Tông còn nhắc nhở các đại thần rằng: “Chim đậu trên cây, hãy còn sợ cây không cao, cho nên xây tổ trên ngọn. Cá ẩn trong nước, hãy còn sợ nước không sâu, cho nên nấp trong hang dưới lòng sông. Thế nhưng cả hai đều bị con người bắt được, nguyên nhân chỉ tại tham ăn mồi nhử mà thôi. Vậy nên các khanh chớ lấy thân mình kiểm nghiệm luật pháp!”
Để nắm được tình hình các quan nhận hối lộ, Thái Tông đã bí mật cử người đóng giả người hối lộ nhằm thăm dò họ. Có một Ty môn Lệnh sử đã nhận một xếp lụa, Thái Tông định giết vị quan nhận hối lộ này. Dân bộ Thượng thư Bùi Củ khuyên can rằng: “Làm quan mà nhận hối lộ, quả đúng phạm tội chết. Tuy nhiên bệ hạ cử người đi hối lộ, thiết pháp còn khiến người ta rơi vào pháp võng, cũng không phù hợp với cổ huấn là ‘dùng đức để lãnh đạo, dùng lễ để ước thúc’”. Thái Tông nghe xong lấy làm cao hứng, bèn nói với bách quan văn võ rằng “Bùi Củ làm quan có thể dốc sức bảo vệ lý lẽ, không vì ở trước mặt hoàng đế mà a dua hùa theo. Nếu việc gì cũng đều như vậy, hà tất còn lo việc trị quốc không được tốt nữa sao?”
Có lần, trong dân có người dâng thư xin trừ bỏ nịnh thần. Thái Tông đã hỏi “ai là nịnh thần vậy?” Người dâng thư trả lời “Hoàng đế có thể vờ tức giận thử xem, người dốc sức bảo vệ lý lẽ là quan chính trực, còn kẻ sợ sệt uy nghiêm của hoàng đế mà hùa theo thì là nịnh thần”. Thái Tông nói: “Hoàng đế là ngọn nguồn của dòng sông, các đại thần là dòng chảy của sông, ngọn nguồn vẩn đục rồi còn muốn dòng sông trong sạch, có thể chăng. Trẫm dùng thủ đoạn lừa gạt, thì làm sao có thể đòi hỏi các đại thần ngay thẳng đây? Trẫm dùng lòng thành cai quản thiên hạ, luôn cảm thấy hổ thẹn về các hoàng đế ưa dùng mưu quyền đối với các đại thần trước đây. Kế sách của ông tuy hay, nhưng trẫm cũng không muốn dùng đến”.
Trong thời kỳ trị vì của Đường Thái Tông, các đại thần có bổng lộc cao, hơn nữa phần lớn đều liêm khiết và tuân thủ luật pháp, vậy nên nền chính trị vô cùng trong sạch.
Với các phương châm thống trị nêu trên, cùng sự phò tá của nhiều đại thần giỏi, Đường Thái Tông đã dựng nên một thời kỳ thái bình thịnh thế kéo dài gần 30 năm, chính là thời kỳ Trinh Quán chi trị (từ năm 627 đến năm 649).
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29147
Ngày đăng: 30-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.