Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp – Đệ tử quy (2)



Ban biên tập tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

父母呼(1), 應(2)勿(3)緩(4); 父母命(5), 行(6)勿懶(7); 父母教(8), 須(9)敬聽(10); 父母責(11), 須順承(12)。

Bính âm:

父(fù) 母(mǔ) 呼(hū), 應(yìng) 勿(wù) 緩(huǎn); 父(fù) 母(mǔ) 命(mìng), 行(xíng) 勿(wù) 懶(lǎn); 父(fù) 母(mǔ) 教(jiào), 須(xū) 敬(jìng) 聽(tīng); 父(fù) 母(mǔ) 責(zé), 須(xū) 順(shùn) 承(chéng)。

Chú âm:

父(ㄈㄨˋ) 母(ㄇㄨˇ) 呼(ㄏㄨ), 應(ㄧㄥˋ) 勿(ㄨˋ) 緩(ㄏㄨㄢˇ); 父(ㄈㄨˋ) 母(ㄇㄨˇ) 命(ㄇㄧㄥˋ), 行(ㄒㄧㄥˊ) 勿(ㄨˋ) 懶(ㄌㄢˇ); 父(ㄈㄨˋ) 母(ㄇㄨˇ) 教(ㄐㄧㄠˋ), 須(ㄒㄩ) 敬(ㄐㄧㄥˋ) 聽(ㄊㄧㄥ); 父(ㄈㄨˋ) 母(ㄇㄨˇ) 責(ㄗㄜˊ), 須(ㄒㄩ) 順(ㄕㄨㄣˋ) 承(ㄔㄥˊ)。

Âm Hán Việt:

Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn; phụ mẫu mệnh, hành vật lãn; Phụ mẫu giáo, tu kính thính; phụ mẫu trách, tu thuận thừa.

Lời dịch:

Cha mẹ gọi, chớ đáp chậm; cha mẹ bảo, chớ làm biếng; Cha mẹ dạy, phải kính nghe; cha mẹ trách, phải thừa nhận.

Từ vựng:

(1) hô (呼): kêu gọi.
(2) ứng (應): đáp lại.
(3) chớ (勿): không thể, không được phép.
(4) hoãn (緩): chậm chạp.
(5) mệnh (命): mệnh lệnh, ra lệnh, dặn dò.
(6) hành (行): hành động, tiến hành, thi hành, làm.
(7) lãn (懶): lười biếng, làm biếng, không cố gắng, không nỗ lực.
(8) giáo (教): giáo đạo, dạy bảo, giáo dục, dạy dỗ.
(9) tu (須): cần phải, nhất định phải.
(10) kính thính (敬聽): cung kính lắng nghe.
(11) trách (責): quở trách, trách mắng, trách móc, trách cứ.
(12) thuận thừa (順承): chấp nhận thuận theo.

Lời giải thích:

Lúc cha mẹ có việc gọi đến, chúng ta phải trả lời ngay, không thể trì hoãn; cha mẹ dặn dò làm việc, chúng ta lập tức làm ngay, không thể lười biếng; cha mẹ dạy bảo chúng ta đạo lý làm việc, làm người, chúng ta nhất định phải cung kính lắng nghe, nhớ kỹ trong lòng; cha mẹ trách mắng, cải chính lỗi lầm của chúng ta, chúng ta nhất định phải tiếp thu và thuận theo, thừa nhận sai lầm, không được mạnh miệng tranh cãi, che đậy lỗi lầm.

Câu chuyện tham khảo:

Chu Bạt ngỗ nghịch với cha mẹ bị đọa thành con lừa

Chu Bạt là người huyện Bình Dương, tỉnh Chiết Giang thời nhà Minh. Từ nhỏ đã là một tiểu thần đồng, có thể đọc sách một lần là không quên, bảy tuổi đã có thể ngâm thơ viết văn. Đến 16 tuổi, thơ văn của cậu đã nổi danh khắp vùng, cậu được mọi người gọi là “Bình Dương tài tử”. Vì được mọi người ca ngợi, cộng thêm cha mẹ nuông chiều, nên càng ngày cậu càng cuồng vọng tự đại, không coi ai ra gì. Cha mẹ, anh em và hàng xóm thường xuyên phải chịu đựng tính cách nóng nảy của cậu.

Có một năm, Chu Bạt muốn vào kinh dự thi, cha mẹ đã chạy vạy mọi nơi để gom đủ tiền lộ phí cho cậu ta, còn mời thợ may cho cậu ta một bộ đồ mới. Nhưng Chu Bạt không biết đủ, chê rằng lộ phí quá ít, chê áo quá rộng, quần quá dài, kiểu dáng mũ cũ kỹ, màu giày quá đậm. Sự khổ tâm chạy vạy của cha mẹ ngược lại chỉ nhận được đầy bụng oán trách của cậu ta. Cha mẹ nhịn không được mới giáo huấn rằng: “Con à! Con không được chê cái này chê cái kia, phải biết là cha mẹ vì cuộc thi lần này của con, chuẩn bị lộ phí, may bộ đồ mới cho con, đã nhức cả đầu, bạc cả tóc. Con còn không biết thỏa mãn sao, ta cũng hết cách rồi!” Chu Bạt không bị lời nói của cha làm cảm động, ngược lại còn lớn tiếng gào thét: “Tôi là sao Văn Xương trên trời hạ phàm, là một đại quý tử. Ông là một lão nhà quê vô dụng, ông có tư cách làm cha của tôi sao? Tôi mới không phải do ông đẻ ra, ông không có tư cách làm cha của tôi”. Cha cậu nghe vậy tức giận ngất xỉu tại chỗ.

Đêm hôm ấy, Chu Bạt bị bắt đến Địa phủ (phủ quan ở cõi âm). Diêm La Vương nói với cậu ta: “Ngươi bình thường ngỗ nghịch với cha mẹ, tuy có thân xác con người, nhưng tâm địa súc sinh, do hạt giống súc sinh ở trong lòng gây ra, ngươi phải mất đi thân người, phải đọa thành súc sinh”.

Chu Bạt biện bạch: “Tôi đối với cha mẹ chỉ là theo lý mà nói thẳng, sao lại tính là ngỗ nghịch bất hiếu? Hơn nữa tôi là tài tử thông minh tuyệt đỉnh, sao có thể biến thành súc sinh ngu xuẩn được? Lời của ông không thể khiến tôi tín phục”.

Diêm Vương hiền hòa giải thích: “Ngươi đời này thông minh, là bởi vì kiếp trước có hành thiện. Nhưng kiếp này ngươi đã làm các việc ác như buông thả cuồng vọng, kiêu căng vô lễ, nóng nảy, ngỗ nghịch v.v., dưỡng thành hạt giống súc sinh. Hạt giống thiện lương của đời trước đã bị phá hủy không còn gì. Ngươi cuồng vọng coi trời bằng vung, báo ứng của ngươi chính là sẽ bị đọa làm con lừa, bị người ta che hai mắt [1], chịu roi vọt mà đẩy cối xay”.

Chu Bạt nghe thấy rất có đạo lý, tự biết khó thoát ác báo, kinh hoàng mà tỉnh dậy. Ngay ngày hôm đó liền bị bệnh, mở miệng khó khăn, hàm răng cắn chặt, yết hầu phát ra tiếng kêu của con lừa, danh y cũng không thể chẩn đoán ra được là bệnh gì. Không đến hai ngày sau, Chu Bạt trong lúc kêu tiếng lừa mà chết. (Trích từ sách “Ám Thất Đăng” đời nhà Thanh)

Chú thích:

[1] Lúc con lừa đẩy cối xay, nếu như để nó nhìn thấy thức ăn ở bên trên cối xay, thì sẽ khiến cho nó muốn ăn mà dừng lại, không chịu đẩy nữa, cho nên phải che lại hai mắt của nó.

Bản ghi âm tiếng Trung: http://media.zhengjian.org/media/2008/11/12/dizigui-02.mp3

Dịch từ:

http://big5.zhengjian.org/node/44456

https://www.epochtimes.com/b5/10/1/9/n2781361.html



Ngày đăng: 26-08-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.