Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (17)



Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh

Âm nhạc:

– Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)

– Trần Đông (http://tonychenmusic.com)

 

Tiếp theo: Bài 16

[ChanhKien.org]

f67h260uA

Bài 17

Nguyên văn

孝(xiào) 經(jīng) 通(tōng),四(sì) 書(shū) 熟(shóu),

如(rú) 六(liù) 經(jīng),始(shǐ) 可(kě) 讀(dú)。

詩(shī) 書(shū) 易(yì),禮(lǐ) 春(chūn) 秋(qiū),

號(hào) 六(liù) 經(jīng),當(dāng) 講(jiǎng) 求(qiú)。

Phiên âm Hán Việt

Hiếu kinh thông

Tứ thư thục

Như Lục Kinh

Thủy khả độc

Thi thư dịch

Lễ xuân thu

Hiệu lục kinh

Đương giảng cầu

 

Tạm dịch

Thông hiếu kinh

Thuộc tứ thư

Rồi đến lục kinh

Mới bắt đầu có thể đọc

Thi Thư Dịch Lễ Xuân Thu

Gọi là lục kinh

Nên tìm hiểu

 

Từ vựng

(1) Hiếu Kinh (孝經):tên sách, là cuốn sách ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và Tăng Tử về đạo hiếu.

(2) Thông (通):hiểu rõ

(3) Thục (熟):thuộc

(4) Như (如):giống như

(5) Lục kinh (六經):chỉ sáu cuốn kinh thư, gồm có Thi, Thư, Dịch, Châu Lễ, Lễ Ký, Xuân Thu.

(6) Thủy (始):mới, bắt đầu

(7) Thi thư dịch (詩書易):chỉ ba cuốn Thi Kinh, Thượng Thư, Chu Dịch.

(8) Lễ xuân thu (禮春秋):chỉ cuốn sách Lễ KýXuân Thu.

(9) Hiệu (號):xưng, gọi

(10) Giảng cầu (講求):tìm tòi nghiên cứu

Dịch nghĩa

Người xưa khi đi học, đầu tiên là học thông Hiếu Kinh, sau đó đến bốn cuốn Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung. Học thuộc hết tứ tư rồi mới bắt đầu học lục kinh.

Lục kinh là tên gọi của 6 cuốn Thi Kinh, Thượng Thư, Chu Dịch, Chu Lễ, Lễ Ký, Xuân Thu, đây là những sách kinh điển và quan trọng của Nho gia, chúng ta nên nghiên cứu và học tập những đạo lý trong đó.

Thảo luận vấn đề

(1) Tứ thư, lục kinh là chỉ điều gì?

(2) Tứ thư và lục kinh là những sách của nhà Nho, tại sao nó lại quan trọng như vậy?

(3) Tại sao học các sách đó cần phải có thứ tự?

Câu chuyện: Đức hiếu cảm động trời cao

Đây là câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo, được liệt vào Nhị thập tứ hiếu (24 câu chuyện về lòng hiếu thảo). Văn hóa truyền thống giảng “Bách thiện hiếu vi tiên” (trăm điều thiện, chữ hiếu đứng đầu), sự thành tâm hiếu thảo của Vương Tường đã đem lại phúc phận sau này cho ông. Điều này cũng nói lên quan niệm truyền thống “người làm việc thiện, tất có thừa phúc” và “thiện hữu thiện báo”.

Vương Tường là người ở vùng Lâm Nghi thuộc quận Lang Da thời nhà Tấn, tên chữ Hưu Chinh, là hậu nhân của Gián nghị đại phu Vương Cát thời nhà Hán.

Bản tính Vương Tường là người con có hiếu. Mẹ đẻ sớm qua đời khi ông còn nhỏ, người mẹ kế họ Chu tâm địa hẹp hòi ích kỷ, lại căm ghét Vương Tường nên thường dùng những việc nhỏ để mượn cớ đánh đập ông. Bà ta thường xuyên đặt điều hãm hại Vương Tường trước mặt cha ông, vì đó mà cha ông dần dần cũng không ưa ông nữa, bắt ông hàng ngày phải dọn sạch chuồng bò, làm các việc nặng nhọc. Tuy nhiên Vương Tường không chút oán trách, ngược lại ông lại càng hiếu thuận với cha mẹ.

Cha mẹ bị ốm, ông không dám lười nhác, sắc thuốc nhất định phải tự mình thử trước, cung kính hầu hạ cha mẹ. Một hôm mẹ kế muốn ăn cá chép tươi, khi đó trời lạnh tuyết rơi, nước sông đều đã đóng băng, Vương Tường vì nghĩ đến mẹ kế, không ngại trời lạnh, ông ra ngoài sông cởi quần áo để nằm xuống băng với hy vọng làm tan băng để bắt cá. Cuối cùng trời cao không phụ lòng người, lớp băng nứt ra, và hai con cá chép nhảy lên, Vương Tường vui mừng mang cá về nhà. Người trong thôn biết chuyện đều kinh ngạc, cho rằng đó là do lòng hiếu thảo của Vương Tường làm cảm động trời cao. Từ đó về sau câu chuyện về lòng hiếu thuận của Vương Tường được lưu truyền khắp nơi.

Những năm cuối thời Thục Hán, cha Vương Tường qua đời, gặp thời loạn lạc, Vương Tường chăm nom mẹ kế và em trai Vương Lãm, đồng thời dẫn họ đi ẩn cư tránh nạn ở Lư Giang. Ẩn cư 30 năm, châu quận muốn chiêu mộ ông ra làm quan, Vương Tường từ chối vì mẹ già em thơ. Đến khi mẹ kế qua đời, sau khi để tang mẹ xong, thứ sử Từ Châu là Lã Kiền ngưỡng mộ đức hiếu của ông, lần nữa mời ông ra làm thứ sử tá lại (chức quan phò tá thứ sử), nhưng ông vẫn từ chối không nhận lời. Em trai Vương Lãm bèn khuyên ông, đồng thời chuẩn bị đồ đạc cho ông, cuối cùng ông mới nhận lời. Khi đó trộm cướp hoành hành, Vương Tường dẫn binh đi dẹp yên trộm cướp, từ đó người dân Từ Châu có được cuộc sống an định, an cư lạc nghiệp.

Cuối cùng Vương Tường làm đến chức Thái Bảo, được phong làm Duy Lăng Công, thọ 85 tuổi. Vương Tường sinh được 5 người con trai, họ đều là những người sống thọ, làm quan hưởng vinh hoa, phúc lộc đầy nhà. Mọi người đều cho rằng đó là do đức hiếu nên mới được như vậy.

(Nguồn tư liệu Tấn Thư – Liệt truyện đệ tam)

Phim hoạt hình

 

Viết về tâm đắc

(1) Bạn có để ý đến những phó xuất thường ngày của cha mẹ mình vì con cái không?

(2) Có rất nhiều cách để hiếu thuận với cha mẹ, hãy chia sẻ cùng mọi người về cách mà bạn làm nào?

(3) Hãy tìm thêm những câu chuyện về lòng hiếu thảo sau đó cùng chia sẻ với mọi người nhé.



Ngày đăng: 29-12-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.