Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (13)



Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh

Âm nhạc:

– Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)

– Trần Đông (http://tonychenmusic.com)

 

Tiếp theo Bài 12

[ChanhKien.org]


095d5a8c-e837-467a-a664-e75e34fb66a7

Bài 13

Nguyên văn

父(fù) 子(zǐ) 恩(ēn),夫(fū) 婦(fù) 從(cóng),

兄(xiōng) 則(zé) 友(yǒu),弟(dì)則(zé) 恭(gōng),

長(zhǎng) 幼(yòu) 序(xù),友(yǒu) 與 (yǔ) 朋(péng),

君(jūn) 則(zé) 敬(jìng),臣(chén) 則(zé) 忠(zhōng),

此(cǐ) 十(shí) 義(yì),人(rén) 所(suǒ) 衕(tóng)。

 

Phiên âm Hán Việt

Phụ tử ân, phu phụ tòng

Huynh tắc hữu, đệ tắc cung

Trưởng ấu tự, hữu dữ bằng

Quân tắc kính, thần tắc trung

Thử thập nghĩa, nhân sở đồng

 

Tạm dịch

Cha con có ơn nghĩa, vợ chồng theo nhau

Anh yêu thương em, em biết cung kính

Lớn nhỏ có thứ bậc, bạn bè ngang nhau

Vua thì tôn kính, thần thì trung thành

Mười nghĩa này, mỗi người đều có

 

Từ vựng

(1) Ân (恩):ân tình

(2) Tòng (從):đi theo, theo

(3) Tắc (則):nên, phải

(4) Kính (恭):cung kính

(5) Trưởng (長):trưởng bối, thế hệ trước mình

(6) Ấu (幼):thế hệ sau mình

(7) Tự(序):thứ tự

(8) Hữu(友):cùng lòng ,hiểu nhau, anh em hòa thuận; người có cùng chí hướng;

(9) Bằng(朋):người cùng chí hướng

(10) Kính(敬):kính yêu, kính trọng

(11) Trung (忠):trung thành

(12) Nghĩa (義):đúng với đạo lý, hợp với lẽ phải

 

Dịch nghĩa

Giữa cha con với nhau cần có ân tình; vợ chồng với nhau nên tôn trọng nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau. Anh chị em với nhau cần phù hợp với trật tự lớn bé, anh chị cần yêu thương em, em cũng cần phải kính trọng anh chị. Giữa bề trên và bậc con cháu phải phân biệt rạch ròi thứ bậc trên dưới, bạn bè với nhau cần thành thật và tin tưởng nhau. Vua mà đối xử đúng mực với bề tôi, thì bề tôi tự nhiên sẽ nhất mực trung thành không dám hai lòng. Đây là những đạo nghĩa mà mỗi người đều phải tuân thủ và hành xử theo.

 

Thảo luận vấn đề

(1) Bạn có anh chị em không? Thường ngày bạn và anh chị em mình đối xử với nhau như thế nào? Hãy chia sẻ với mọi người những câu chuyện cụ thể.

(2) Bạn bè sống với nhau, quý ở chữ “chân”, bạn làm thế nào để bạn bè cùng nhau đoàn kết? Bạn nhận được gì khi bạn đối đãi chân thành với người khác?

(3) Thời quân chủ trước đây, người dân cần trung với vua; trong thời đại dân chủ ngày nay, người dân của một nước cũng cần trung thành với đất nước mình, bạn đã từng nghĩ mình sẽ trung thành với đất nước mình như thế nào chưa?

 

Câu chuyện

“Tình huynh đệ”

Triều Hán có một người tên Triệu Hiếu, tên chữ là Thường Bình. Ông và người em trai Triệu Lễ đều rất yêu thương nhau.

Có năm bị mất mùa, nạn đói khắp nơi. Một nhóm cướp đã chiếm cứ vùng núi Nghi Thu. Một hôm, bọn cướp bắt được Triệu Lễ và chúng muốn ăn thịt anh. Triệu Hiếu chạy đến sào huyệt của bọn cướp, van xin: “Triệu Lễ đang bị bệnh, người lại gầy nữa nên ăn thịt sẽ không ngon. Tôi còn có chút da chút thịt, tôi sẽ thay em trai mình để cho các ông ăn thịt”. Triệu Lễ không chịu, liền nói: “Em bị họ bắt, em chết cũng là số của em, còn anh thì có tội tình gì chứ?” Hai anh em ôm nhau khóc lớn. Bọn cướp bị hai anh em Triệu Hiếu và Triệu Lễ làm cảm động, cuối cùng chúng đã thả họ ra.

Chuyện này về sau truyền đến tai vua, ông liền hạ chiếu thư phong quan cho cả hai anh em họ.

 

“Lưu Bị ba lần mời Gia Cát Lượng”

Thời Tam Quốc, Thục vương Lưu Bị vì muốn khôi phục lại nhà Hán nên đã đi khắp nơi tìm kiếm nhân tài. Khi ông nghe nói Gia Cát Lượng là người tinh thông binh pháp, trí tuệ hơn người, nên ông dẫn Quan Vũ và Trương Phi đến Nam Dương để mời Gia Cát Lượng xuống núi giúp mình. Họ đi suốt đêm để đến Nam Dương, đúng lúc Gia Cát Lượng vừa có chuyến đi xa không còn ở nhà, ba anh em Lưu bị đành buồn bã trở về.

Không lâu, Lưu Bị nghe nói Gia Cát Lượng đã trở về Nam Dương, trong lòng vui mừng, mặc cho trời đang mưa lớn ông vẫn cùng Quan Vũ và Trương Phi đi đến Nam Dương. Khi họ đến trước cổng nhà Gia Cát Lượng, người hầu liền nói với họ rằng: “Tối qua tiên sinh lại có việc nên đi ra ngoài rồi”. Cả hai lần đều không mời được Gia Cát Lượng nên Quan Vũ và Trương Phi cảm thấy không thể kiên nhẫn được nữa, nhưng Lưu Bị lại không hề nản lòng.

Vài ngày sau, họ đến nhà tranh của Gia Cát Lượng lần thứ ba. Người hầu nói với họ: “Chủ nhân đang ngủ”. Quan Vũ và Trương Phi muốn lập tức gọi Gia Cát Lượng dậy, nhưng Lưu Bị không muốn thế mà lại lặng lẽ ở bên ngoài đợi. Lúc này lại đúng vào thời gian lạnh nhất trong năm, trời mưa to làm cái rét như cắt da cắt thịt, ba anh em Lưu Bị lạnh đến cóng người. Quan Vũ và Trương Phi đã không thể nhẫn chịu được nữa, nhưng Lưu Bị vẫn im lặng chờ đợi không nói lời nào. Một lúc sau, Gia Cát Lượng thức dậy, ông vô cùng cảm động khi nghe nói ba anh em Lưu Bị đã đợi rất lâu ở ngoài, thế rồi ông mời ba người họ vào nhà cùng bàn chuyện quốc gia đại sự.

Lưu Bị rất hiểu và khâm phục Gia Cát Lượng, Gia Cát Lượng vì cảm kích thành ý và sự trọng dụng nhân tài của Lưu Bị mà mang ơn, vì thế ông đã đồng ý phò tá Lưu Bị xây dựng đại nghiệp. Thậm chí khi Lưu Bị qua đời, nhận lời ủy thác của Lưu Bị, ông vẫn tiếp tục phò tá con trai Lưu Bị là Lưu Thiền, cuối cùng ông đã qua đời vì phải lo quá nhiều việc, thật đúng là “Cúc cung tận tụy, làm đến hơi thở cuối cùng.”

 

Phim hoạt hình

 

Viết về tâm đắc

(1) Nếu như bạn là Triệu Hiếu, gặp phải tình huống nguy hiểm như trên, bạn làm thế nào để giải nguy thành an?

(2) Cả hai anh em họ Triệu đều biết nghĩ cho nhau, mà không hề suy nghĩ vì lợi ích của bản thân. Bạn và anh chị em mình có nghĩ cho người khác trước không?

(3) Câu chuyện Lưu Bị ba lần mời Gia Cát Lượng cũng rất nổi tiếng, bạn cho rằng Gia Cát Lượng vì sao lại chấp nhận thỉnh mời của Lưu Bị? Gia Cát Lượng lại nhất mực một lòng trung thành với nước Thục, bạn đánh giá thế nào về ông?

 

Tài liệu tham khảo

Bước vào thế giới Tam Tự Kinh, Trương Linh Hà, Công ty Thượng nhân văn hóa sự nghiệp, phát hành tháng 8 năm 2005.

Trẻ em Trung Quốc học Tam Tự Kinh, Lâm Trung Hưng biên tập, Nhà xuất bản Thế Mậu, phát hành năm 1992

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/book/html/3zj/index.htm

 

 

 



Ngày đăng: 14-05-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.