Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (12)
Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến
Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh
Âm nhạc:
– Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)
– Trần Đông (http://tonychenmusic.com)
Tiếp theo Bài 11
[ChanhKien.org]
Bài 11
Nguyên văn
高(gāo) 曾(zēng) 祖(zǔ),父(fù) 而(ér) 身(shēn),
身(shēn) 而(ér) 子(zǐ),子(zǐ) 而(ér) 孫(sūn),
自(zì) 子(zǐ) 孫(sūn),至(zhì) 玄(xuán) 曾(zēng),
乃(nǎi) 九(jiǔ) 族(zú),人(rén) 之(zhī) 倫(lún)。
Phiên âm Hán Việt
Cao tằng tổ, phụ nhi thân,
Thân nhi tử, tử nhi tôn
Tự tử tôn, chí huyền tằng,
Nãi cửu tộc, nhân chi luân.
Tạm dịch
Ông sơ, ông cố, ông nội, cha rồi đến mình
Mình rồi đến con, đến cháu
Cháu rồi đến chắt, đến chút
Chín thế hệ này
Lập thành thứ bậc luân thường của con người.
Từ vựng
(1) Cao (高):Cao tổ, ông nội của ông nội hay còn gọi là kị
(2) Tằng (曾):Tằng tổ (ông cố), ông nội của cha hay còn gọi là cụ
(3) Tổ (祖):Tổ phụ (ông nội), cha của cha
(4) Phụ (父):cha
(5) Tử (子):con
(6) Tôn (孫):Tôn tử (cháu), con của con
(7) Huyền (玄):Huyền tôn (chắt), cháu bốn đời còn gọi là chắt
(8) Tằng (曾):tằng tôn, con của cháu hay còn gọi là chút
(9) Nãi (乃): là
(10) Cửu tộc (九族): quan hệt huyết thống 9 thế hệ
(11) Nhân chi luân (人之倫):luân thường của con người, thường gọi là luân thường
Dịch nghĩa
Cao tằng tổ (kị) sinh ra tằng tổ phụ (cụ hay cố), tằng tổ phụ sinh ra tổ phụ (ông nội), tổ phụ sinh phụ thân (cha), phụ thân sinh ra chúng ta, chúng ta sinh ra con, con sinh ra cháu, cứ như thế từng đời nối tiếp nhau phát triển.
Người xưa gọi là cửu tộc tức là từ cao tổ, tằng tổ, tổ phụ, phụ thân, bản thân mình, con, cháu, chắt, chút. Bao gồm bốn thế phía trên mình và bốn thế phía dưới mình, là có quan hệ huyết thống và thân thiết nhất với mình. Cửu tộc đại biểu cho mối quan hệ luân thường có tôn ti trật tự có lớn có nhỏ của nhân loại.
Thảo luận vấn đề
(1) Bạn biết trong họ hàng gia tộc mình gồm có những ai? Quan hệ giữa bạn và các thành viên trong họ hàng như thế nào? Hãy chia sẻ cùng mọi người nào.
(2) Hãy hỏi bất cứ một người lớn tuổi nào trong họ hàng, bảo họ chia sẻ câu chuyện họ phấn đấu khi còn trẻ.
Câu chuyện “Uống nước nhớ nguồn”
Dữu Tín là người thuộc Nam triều thời kỳ Nam Bắc triều. Lương Nguyên Đế phái ông đi sứ sang Bắc triều nhà Tây Ngụy. Trong thời gian ông đi sứ, triều Lương bị Tây Ngụy tiêu diệt, Dữu Tín bị giữ lại Trường An (đô thành của Tây Ngụy). Năm đó Dữu Tín 42 tuổi.
Mặc dù Bắc triều phong ông làm đại tướng quân, nhưng ông lại rất muốn trở về quê hương, Nam triều cũng mấy lần đòi Dữu Tín từ Bắc triều nhưng đều không được. Trong 28 năm ở Bắc triều, Dữu Tín thường xuyên nhớ về cố quốc và quê nhà, trong bài “Chủy điệu khúc” ông viết: “Lạc kỳ thực giả tư kỳ thụ, ẩm kỳ lưu giả hoài kỳ nguyên” (tức là khi ăn trái phải nhớ tới cây đã cho ta trái, khi uống nước cần nhớ về nguồn nước).
Câu thành ngữ “Uống nước nhớ nguồn” có nguồn gốc từ đó với ý nghĩa làm người thì không được quên nguồn gốc của mình, luôn phải nhớ đến công ơn của những người đã giúp cho ta có được thành quả như ngày hôm nay.
Phim hoạt hình
Viết về tâm đắc
Sau khi đọc xong câu chuyện, bạn hãy trả lời câu hỏi dưới đây:
(1) Vì sao phải biết uống nước nhớ nguồn?
(2) Quê hương bạn ở đâu? Bạn hiểu về địa lý lịch sử văn hóa của quê hương mình như thế nào?
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/book/html/3zj/3z012.htm
Ngày đăng: 13-05-2016
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.