Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (4)



Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh

Âm nhạc:

–    Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)

–    Trần Đông (http://tonychenmusic.com)

 

Tiếp theo phần 3

[ChanhKien.org]

f66fe09d-d2e9-4423-a02a-3805350d23da

Bài 4

Nguyên văn:

玉(yù) 不(bù) 琢(zhuó),不(bù) 成(chéng) 器(qì),

人(rén) 不(bù) 学(xué),不(bù) 知(zhī) 义(yì) 。

为(wéi) 人(rén) 子(zǐ),方(fāng) 少(shào) 时(shí),

亲(qīn) 师(shī) 友(yǒu),习(xí) 礼(lǐ) 仪(yí)。

Ngọc bất trác, Bất thành khí

Nhân bất học, Bất tri lý

Vi nhân tử, Phương thiếu thời

Thân sư hữu, Tập lễ nghĩa

 

Tạm dịch:

Ngọc không mài giũa, thì không thành món đồ quý

Người không học, thì không biết lí lẽ

Là người con, khi còn nhỏ

Thân với thầy với bạn, để học tập lễ nghĩa

Từ vựng:

(1)       Trác (琢): mài, giũa, đẽo gọt

(2)      Thành khí (成器): chế tác thành vật phẩm đẹp và tinh xảo sử dụng được; cũng dùng để hình dung một người thành tài, có thành tựu.

(3)      Nghĩa (义): việc đúng đắn hoặc đạo lý đúng đắn hợp lý.

(4)      Vi (为): là

(5)      Phương (方): lúc, khi

(6)      Thiếu thời (少时): lúc nhỏ, lúc còn trẻ tuổi

(7)      Thân (亲): gần gũi

(8)      Hữu (友): bạn bè

(9)      Lễ nghi (礼仪): quy phạm và nghi thức lễ tiết

 

Giải nghĩa văn tự:

Một hòn đá ngọc, nếu không trải qua quá trình mài giũa tỉ mỉ thì không thể trở nên đẹp đẽ và cũng không thể dùng được. Con người cũng vậy, dù cho có tư chất bẩm sinh rất tốt, nhưng không chịu khó học tập thì cũng không cách nào hiểu được đạo lý đối nhân xử thế.

Là con cái, cần phải tranh thủ lúc còn trẻ mà năng gần gũi với thầy tốt bạn hiền, khiêm tốn tiếp thu những lời dạy bảo và khuyên răn, đồng thời học tập lễ nghi đối nhân, xử sự, đối đáp.

 

Vấn đề thảo luận:

(1) Ngọc sau khi trải qua quá trình mài giũa, có thể trở thành vật dụng tinh xảo và đẹp. Vậy thì con người chúng ta cần làm thế nào để bản thân mình trở nên ngày càng tốt đẹp hơn?

(2) Khi thầy giáo hoặc bạn bè chỉ ra chỗ thiếu sót nào đó mà chúng ta làm chưa tốt và cần cải thiện, thì chúng ta nên hành xử như thế nào? Hãy kể với mọi người về kinh nghiệm của bản thân mình nhé.

 

Câu chuyện Biện Hòa dâng ngọc

Thời Xuân Thu, nước Sở có một người tên là Biện Hòa. Một hôm, Biện Hòa nhặt được một hòn đá ngọc thô ở trên núi. Ông biết rằng đây là miếng ngọc quý hiếm có, liền mang đi dâng cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương liền gọi thợ làm ngọc trong cung đến giám định hòn đá ngọc này. Thợ làm ngọc nhìn qua, liền nói: “Đây chỉ là hòn đá bình thường mà thôi.” Lệ Vương cho rằng Biện Hòa mang đá đến lừa mình, liền sai người lôi Biện Hòa ra chặt chân trái của ông.

Sau khi Lệ Vương qua đời, Sở Vũ Vương kế vị. Biện Hòa lại đem miếng ngọc thô đó đến dâng cho Vũ Vương. Vũ Vương lại sai người làm ngọc đến giám định. Thợ làm ngọc nói: “Đây chẳng qua chỉ là hòn đá thôi.” Vũ Vương cũng cho rằng mình bị Biện Hòa lừa, bèn sai người chặt chân phải của Biện Hòa.

Sau khi Vũ Vương qua đời, Sở Văn Vương đăng cơ. Lúc này, Biện Hòa ôm hòn đá ngọc của mình, ở dưới chân núi khóc gào khóc thống thiết. Ông khóc ba ngày ba đêm, khóc đến cạn nước mắt, cuối cùng hai mắt ông đẫm máu. Văn Vương nghe được tin đó, liền sai người giải Biện Hòa về cung, rồi ông hỏi: “Thiên hạ có biết bao nhiêu người bị hình phạt chặt mất hai chân, sao chỉ có mình ông lại khóc đau khổ thế này cơ chứ?” Biện Hòa trả lời: “Tôi không phải đau buồn vì chân mình bị chặt, mà là vì hòn đá ngọc quý giá này lại bị người ta cho là hòn đá bình thường không đáng giá gì; kẻ trung thành lại bị người ta nói thành kẻ lừa đảo!”

Sau khi Văn Vương biết được sự tình, liền sai thợ làm ngọc đem hòn đá đó đi mài giũa cẩn thận, thì phát hiện ra đây đúng là một miếng ngọc hiếm có trên đời. Loại ngọc quý giá này chính là ngọc “Hòa Thị Bích” vô cùng nổi tiếng trong lịch sử.

 

Phim hoạt hình:

 

Viết về tâm đắc:

(1) Ngọc thô ẩn bên trong hòn đá, cần phải qua gọt giũa mới trở thành ngọc quý. Thử nghĩ xem, ngọc thô trong bên trong đá cũng giống như tài năng thiên phú ẩn giấu bên trong mỗi chúng ta, chúng ta phải làm thế nào mới có thể phát huy hết khả năng thiên phú này?

(2) Biện Hòa mặc dù bị Sở Lệ Vương chặt mất chân trái, nhưng rồi ông lại vẫn đem viên ngọc đó dâng cho Sở Vũ Vương, tại sao ông ấy có thể kiên trì như vậy?

(3) Nhiều lúc chân lý không được người ta dễ dàng tiếp thu, và thường phải trả bằng cái giá nào đó, và rồi kết quả của sự kiên trì đến cùng thường được lịch sử cũng như người đời công nhận. Hãy đưa ra những ví dụ khác để chia sẻ cùng mọi người nào.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/book/html/3zj/3z004.htm

Xem tiếp: Phần 5



Ngày đăng: 04-02-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.