Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (6)



Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh

Âm nhạc:

–  Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)

–  Trần Đông (http://tonychenmusic.com)

Tiếp theo phần 5

[ChanhKien.org]

1dd79d41-9104-4e89-b36c-379e0aaa3b06Bài 6

Nguyên văn

首(shǒu) 孝(xiào) 弟(tì),次(cì) 见(jiàn) 闻(wén),

知(zhī) 某(mǒu) 数(shù),识(shì) 某(mǒu) 文(wén)。

一(yī) 而(ér) 十(shí),十(shí) 而(ér) 百(bǎi),

百(bǎi) 而(ér) 千(qiān),千(qiān) 而(ér) 万(wàn)。

 

Thủ hiếu đệ, thứ kiến văn

Tri mỗ số, thức mỗ văn.

Nhất nhi thập, thập nhi bách,

Bách nhi thiên, thiên nhi vạn.

 

Tạm dịch

Hiếu thuận trước, tri thức sau

Hiểu con số, biết được chữ

Một tới mười, mười tới trăm

Trăm tới ngàn, ngàn tới vạn.

 

Từ vựng

(1) Thủ (首):đầu tiên, trước nhất

(2) Hiếu đệ (孝弟):Hiếu thuận cha mẹ, kính nhường, yêu mến anh em

(3) Thứ (次):thứ hai, sau đó

(4) Kiến văn (见闻):điều mắt thấy tai nghe, chỉ về những kiến thức thông thường hoặc tri thức

(5) Mỗ (某):dùng để gọi chung chung sự vật hoặc người không biết tên hoặc có tên nhưng không nói ra tên cụ thể

(6) Số ( 数):chỉ phép tính toán thời cổ đại, còn được gọi là một trong sáu tài nghệ (Sáu tài nghề trong nền giáo dục thời xưa gồm: lễ, nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, viết chữ và toán pháp)

(7) Thức (识):nhận thức, hiểu

(8) Văn (文):chỉ văn tự (chữ viết) và văn chương; cũng dùng nói chung về học vấn

(9) Nhất (一):số 1

(10) Nhi (而):đến, chỉ ý biến đổi

(11) Nhất nhi thập (一而十):con số cơ bản từ 1 đến 10

(12) Thập nhi bách (十而百):10 lần 10 là 100

(13) Bách nhi thiên (百而千):10 lần 100 là 1000

(14) Thiên nhi vạn (千而万):10 lần 1000 là 1 vạn tức 10000

 

Dịch nghĩa

Làm người trước tiên phải biết hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương anh chị em. Sau đó là học hỏi để tăng dần vốn hiểu biết của mình. Những kiến thức thông thường trong cuộc sống bao gồm cả khả năng hiểu được sự thay đổi các con số hay cách đếm số, hiểu được các phép tính toán, và còn có khả năng đọc hiểu các chữ viết.

Từ 1 đến 10 là những con số cơ bản, sau đó chúng ta mới có thể biết được 10 lần 10 là 100, 10 lần 100 là 1.000, 10 lần 1.000 là 1 vạn (tức 10.000). [Nghĩa là chúng ta cần học những điều cơ bản trước, rồi trên cơ sở đó mới có thể mở rộng vốn kiến thức của mình].

Thảo luận vấn đề

(1) Trong văn hóa truyền thống phương đông từ xưa đến nay đều rất coi trọng hiếu thuận, cho nên mới có câu “Bách thiện hiếu vi thủ” (trăm điều, thiện hiếu là đầu tiên), bạn có biết vì sao không?

(2) Theo bạn, trau dồi phẩm hạnh đạo đức và học tập kiến thức, điều nào quan trọng hơn? Hãy trình bày suy nghĩ của bạn.

Câu chuyện về vua Thuấn

Theo sử sách ghi chép lại thì vua Thuấn là một người vô cùng có hiếu. Cha của ông là một người mù tên Cổ Tẩu, mẹ ông qua đời từ khi ông còn nhỏ. Về sau, Cổ Tẩu lấy thêm người vợ lẻ, và người vợ lẻ tính tình hung ác này trở thành mẹ kế của Thuấn, bà ta không những không hề yêu thương Thuấn mà còn dùng mọi thủ đoạn để hãm hại Thuấn. Không lâu sau, người mẹ kế của Thuấn sinh được một người con trai và đặt tên là Tượng, cha và mẹ kế của Thuấn đều hết mực yêu thương Tượng. Mặc dù thường ngày Thuấn đều rất hiếu thuận với cha mẹ cũng như yêu thương em trai Tượng, nhưng ngược lại mẹ kế và em trai lại rất ghét Thuấn, còn người cha Cổ Tẩu thì chỉ biết nghe lời hai mẹ con Tượng đánh mắng Thuấn mà không phân rõ đúng sai.

Do sức khỏe của cha không tốt, cộng với em trai còn nhỏ tuổi, cho nên khi Thuấn còn rất nhỏ đã một mình ở dưới chân núi Lịch Sơn làm ruộng trồng trọt để nuôi sống gia đình. Theo truyền thuyết, vì lòng hiếu thuận của Thuấn làm cảm động trời đất, nên ngay cả voi cũng đến giúp Thuấn làm ruộng, chim bay đến giúp nhổ cỏ. Dù vậy nhưng cha, mẹ kế, em trai Thuấn đều không ưa gì nên họ hay tìm cơ hội để hãm hại, có lúc suýt chút nữa Thuấn đã mất mạng.

Thuấn cũng biết rõ cảnh ngộ của mình nên luôn luôn cẩn thận, do đó cậu luôn nghĩ được cách tránh khỏi những lần hãm hại của họ, và cũng không để bụng chuyện nào cả. Cậu không chút oán hận về những việc xảy đến, mà còn âm thầm chấp nhận mọi đối xử bất công với mình, ngược lại cậu luôn nghĩ cách để thay đổi cách đối xử của cha mẹ đối với mình và làm cho họ vui. Bởi vì đức hạnh của Thuấn vô cùng đáng quý, cho nên khi cậu mới 20 tuổi mà đã nổi tiếng gần xa bởi chữ hiếu.

Về sau, trong khi vua Nghiêu đang tìm người tài đức để kế vị, mọi người liên tục giới thiệu Thuấn. Mặc dù vua Nghiêu đã chấp nhận giới thiệu của các chư hầu khắp nơi, nhưng vì người dân, nên ông vẫn muốn đích thân kiểm tra Thuấn. Thế là ông bèn gả hai người con gái Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn; lại còn để cho Thuấn tiếp xúc với chín người con trai của ông, và ông ở bên quan sát xem Thuấn đối nhân xử thế ra làm sao.

Ngoài đó ra, vua Nghiêu còn để Thuấn lấy đức tính hiếu thuận cha mẹ yêu thương anh em để dạy bảo người dân, và người dân đều nghe theo; Thuấn xử lý các công việc triều chính vô cùng tốt đẹp, các quan đều phục tùng; vua Nghiêu còn sai Thuấn tiếp đãi chư hầu bốn phương đến triều đình diện kiến, các chư hầu đều cung kính nghe theo. Cuối cùng, vua Nghiêu sai Thuấn bảo vệ rừng núi, mặc dù Thuấn ở trên núi gặp phải mưa to gió lớn nhưng vẫn có thể phân biệt rõ phương hướng, không bị lạc đường.

Cuối cùng, vua Nghiêu thấy được Thuấn là người có phẩm hạnh cao thượng và có trí thông minh phi phàm, nên ông đã truyền ngôi vua lại cho Thuấn.

 

Phim hoạt hình

 

Viết về tâm đắc

Dưới đây có một số vấn đề được đưa ra sau khi đọc xong câu chuyện về vua Thuấn, bạn hãy suy nghĩ rồi nói ra suy nghĩ của mình.

(1) Vì sao vua Nghiêu lại chọn Thuấn làm người kế vị?

(2) Nếu như bạn là nhân vật chính trong câu chuyện này, gặp phải những đối đãi bất công như thế, bạn sẽ xử lý thế nào?

(3) Khi bạn và người nhà bất đồng ý kiến, bạn sẽ giải quyết thế nào?

(4) Điều quan trọng nhất của một người là phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương nhường nhịn anh chị em. Thử nghĩ lại xem bạn đã làm được bao nhiêu rồi, còn những điều nào cần khắc phục?

(5) Đọc xong câu chuyện này, bạn học được điều gì?

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/book/html/3zj/3z006.htm

Xem tiếp: Phần 7

 



Ngày đăng: 03-03-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.