Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (5)
Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến
Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh
Âm nhạc:
– Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)
– Trần Đông (http://tonychenmusic.com)
Tiếp theo phần 4
[ChanhKien.org]
Bài 5
Nguyên văn
香(xiāng) 九(jiǔ) 龄(líng),能(néng) 温(wēn) 席(xí),
孝(xiào) 于(yú) 亲(qīn),所(suǒ) 当(dāng) 执(zhí)。
融(róng) 四(sì) 岁(suì),能(néng) 让(ràng) 梨(lí),
弟(tì) 于(yú) 长(zhǎng),宜(yí) 先(xiān) 知(zhī)。
Hương cửu linh, Năng ôn tịch
Hiếu vu thân, Sở đương chấp
Dung tứ tuế, Năng nhượng lê
Đệ vu trưởng, Nghi tiên tri
Tạm dịch
Hoàng Hương 9 tuổi, đã biết ủ ấm chăn chiếu
Hiếu với cha mẹ, là việc nên làm
Khổng dung 4 tuổi, đã biết nhường lê
Thuận hòa với anh em, là điều trước tiên nên học hỏi
Từ vựng
(1) Hương (香): chỉ Hoàng Hương, người thuộc vùng Giang Hạ thời Đông Hán
(2) Cửu linh (九龄): chín tuổi
(3) Ôn (温): ấm áp
(4) Tịch (席): chiếu
(5) Thân (亲): cha mẹ
(6) Đương (当): nên, cần phải
(7) Chấp (执): chấp hành, thực hành
(8) Dung (融): chỉ Khổng Dung (153 – 208), nhà văn học thời Đông Hán, cháu đời thứ 20 của Khổng Tử.
(9) Nhượng (让): nhường nhau theo nghi lễ, khiêm nhường.
(10) Đệ (弟): chỉ anh em thân thiết
(11) Trưởng (长): anh cả; huynh trưởng
(12) Nghi (宜): nên
Giải nghĩa văn tự
Khi Hoàng Hương lên chín tuổi đã biết dùng hơi ấm cơ thể của mình để ủ ấm chăn chiếu vào mùa đông, sau đó mới mời cha lên giường đi ngủ.
Hiếu thuận với cha mẹ, là bổn phận mà người làm con nên làm.
Khổng Dung khi mới bốn tuổi đã biết khiêm nhường, cậu nhường quả lê to cho anh ăn, còn mình thì ăn quả nhỏ.
Yêu mến anh là đạo lý mà người em nên hiểu từ khi còn nhỏ.
Vấn đề thảo luận
(1) Tại sao cần hiếu thuận với cha mẹ, yêu mến anh em? Bình thường các em làm như thế nào? Nếu làm không được, em cho rằng là nguyên nhân gì?
(2) Khổng Tử nói: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản hĩ!” Ý là nói hiếu thuận với cha mẹ, yêu mến anh em là cái gốc của mọi lòng nhân ái, em nhìn nhận thế nào ?
Các câu chuyện
(1) Câu chuyện Hoàng Hương quạt gối ủ chăn
Hoàng Hương là người vùng Giang Hạ, thời Đông Hán, từ nhỏ đã rất hiếu thuận với cha mẹ, người ở trong vùng đều gọi cậu bé là “tiểu hiếu tử” (đứa con nhỏ có hiếu). Năm Hoàng Hương lên chín tuổi thì mẹ cậu qua đời, vì thế cậu bé lại càng hiếu thuận với cha hơn. Hàng ngày cậu đều giành làm những công việc tương đối nặng nhọc, để cho cha mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, cậu bé nghĩ mọi cách để cha có được cuộc sống thoải mái hơn.
Mùa hè thời tiết oi bức, lại nhiều muỗi, Hoàng Hương biết cha mình không chịu được nóng, thời tiết nóng thường làm ông không ngủ được, lại còn bị muỗi đốt nữa. Vì thế mà mỗi tối trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương thường dùng quạt quạt gối và chiếu cho mát, và đuổi muỗi xong rồi mới mời cha đi ngủ. Đến mùa đông lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị lạnh, cậu bèn nằm trên giường ủ ấm chăn chiếu, rồi mới mời cha lên giường nghỉ ngơi.
Không lâu sau, những hành động hiếu thuận của Hoàng Hương được truyền khắp kinh thành, không ai là không biết, không ai là không rõ, thời đó còn lưu truyền câu nói khen ngợi Hoàng Hương “Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng”, ý của câu nói này là: Hiếu thuận như Hoàng Hương ở quận Giang Hạ, e rằng thiên hạ không có người thứ hai. Khi đó, thái thú Giang Hạ nghe được chuyện này, ông cảm thấy đây là chuyện vô cùng hiếm gặp, liền tấu lên hoàng thượng để biểu dương việc làm hiếu thuận của Hoàng Hương.
Người đời sau có câu thơ kính trọng khen ngợi Hoàng Hương rằng: “Trời đông ủ ấm chăn, tiết hè quạt mát gối; tuổi nhỏ mà hiểu chuyện, xưa nay chỉ Hoàng Hương.”
(2) Câu chuyện Khổng Dung nhường lê
Khổng Dung, người Dự Châu nước Lỗ cuối thời Đông Hán, là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử. Khổng Dung tính tình thật thà lương thiện, từ nhỏ đã biết khiêm nhường.
Năm lên bốn tuổi, có người đến tặng một giỏ lê, cha Khổng Dung gọi cậu bé lại bảo cậu chọn trước một quả, Khổng Dung chọn quả nhỏ nhất.
Cha Khổng Dung cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi: “Này con, sao con không chọn quả to chứ?” Khổng Dung trả lời: “Tuổi nhỏ nhất, nên ăn quả nhỏ nhất ạ; anh lớn tuổi hơn con, nên ăn quả to ạ.” Sau khi người trong họ biết được chuyện này, đều nhìn Khổng Dung với ánh mắt khác.
Phim hoạt hình
Viết về tâm đắc
(1) Hãy nói về thể hội của em về hai câu chuyện Hoàng Hương và Khổng Dung.
(2) Em là người con thứ mấy trong nhà? Chung sống với anh chị em mình như thế nào, nếu xảy ra tranh chấp, em thường xử lý như thế nào?
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/book/html/3zj/3z006.htm
Xem tiếp: Phần 6
Ngày đăng: 04-02-2016
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.