Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (2)
Tác giả: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến
[Chanhkien.org]
Bài 2
Nguyên văn:
昔(xí) 孟(mèng) 母(mǔ),擇(zé) 鄰(lín) 處(chǔ),
子(zǐ) 不(bù) 學(xué),斷(duàn) 機(jī) 杼(zhù)。
竇(dòu) 燕(yān) 山(shān),有(yǒu) 義(yì) 方(fāng),
教(jiào) 五(wǔ) 子(zǐ),名(míng) 俱(jù) 揚(yáng)。Tích Mạnh mẫu, Trạch lân xứ,
Tử bất học, Đoạn cơ trữ.
Đậu Yên Sơn, Hữu nghĩa phương,
Giáo ngũ tử, Danh câu dương.
Tạm dịch:
Mẹ Mạnh Tử ngày xưa, chọn láng giềng mà ở,
Con trốn học về chơi, mẹ cắt vải khung cửi.
Lão Đậu ở Yên Sơn, có phương pháp giáo dục,
Dạy dỗ năm người con, cả năm đều thành danh.
Từ vựng
(1)昔 (tích): ngày xưa, quá khứ, ngày trước.
(2)孟母 (Mạnh mẫu): mẹ của Mạnh Tử. Bà là người thấy rằng hoàn cảnh có ảnh hưởng rất lớn đối với một cá nhân, từ đó khích lệ Mạnh Tử phải phấn đấu chuyên cần học tập, và vì điều này mà từng chuyển nhà ba lần. Người đời sau thường dùng điển tích “Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà” để hình dung sự giáo dục của gia trưởng đối với con trẻ, cũng như sự khổ tâm để lựa chọn cho con cái một hoàn cảnh học tập vừa ý.
(3)擇 (trạch):tuyển trạch, tuyển chọn, lựa chọn.
(4)鄰 (lân):láng giềng, hàng xóm.
(5)處 (xứ):sinh sống, cư trú, cư ngụ.
(6)子 (tử):cách người Trung Quốc xưa gọi con cái; ở đây là chỉ con trai Mạnh mẫu.
(7)不學 (bất học):bỏ học, không chuyên tâm vào học tập.
(8)斷 (đoạn):cắt bỏ, cắt đứt.
(9)機杼 (cơ trữ):khung cửi;機 (cơ):khung cửi bằng gỗ;杼 (trữ):con thoi khung cửi.
(10)竇燕山 (Đậu Yên Sơn):Đậu Vũ Quân, một người sống vào thời Hậu Tấn, vì sống tại Yên Sơn nên cũng gọi là Đậu Yên Sơn. Ông cực kỳ coi trọng việc giáo dục con trẻ, và cả năm người con của ông đều đỗ đạt, đương thời gọi là “ngũ long họ Đậu”.
(11)義方 (nghĩa phương):phương pháp tốt, thường là chỉ đạo lý giáo hóa của bậc Thánh hiền.
(12)五子 (ngũ tử):năm người con
(13)名 (danh):thanh danh, danh tiếng
(14)俱 (câu):đều, cả
(15)揚 (dương):được ngợi ca
Giải nghĩa văn tự
Vào thời xưa, mẹ của Mạnh Tử vì để tìm một môi trường thích hợp cho Mạnh Tử học tập đã ba lần chuyển nhà. Một lần nọ, Mạnh Tử bỏ học trở về nhà, mẹ Mạnh Tử đã tức giận đến mức cắt miếng vải đang dệt dở ra làm hai. Bà nói: “Đi học cũng giống như dệt vải vậy. Một miếng vải tốt được dệt bắt đầu từ từng sợi một, từng chút một. Giờ một nửa miếng vải đã bị cắt mất, ta lại phải dệt lại từ đầu.”
Vào thời Ngũ Đại, có một người cha rất coi trọng giáo dục con cái, đó là Đậu Yên Sơn. Ông chiểu theo lời giáo huấn của Thánh hiền mà dạy dỗ con cái. Năm người con dưới sự giáo dưỡng của ông cuối cùng đều thành tựu, tiếng tăm truyền khắp tứ phương.
Câu hỏi thảo luận:
1. Việc học tập quan trọng nhất là kiên trì bền bỉ, tích lũy từng chút một qua thời gian dài thì mới có thể thành tựu. Hãy trao đổi xem các em phân chia thời gian dành cho đọc sách hàng ngày như thế nào?
2. Hãy mô tả một thành công mà em có được trong học tập hay cuộc sống nhờ kiên trì bền bỉ và chuyên tâm mà thành.
Câu chuyện
Đậu Yên Sơn dạy con
Đậu Vũ Quân là người sống vào thời Hậu Tấn thuộc thời kỳ Ngũ Đại ở Trung Quốc. Ông ở tại Kế Châu, thời cổ đại chính là nước Yên, vì vậy người ta gọi ông là Đậu Yên Sơn. Gia đình ông vô cùng giàu có, thế nhưng tâm ông lại bất chính, thường khi dễ người nghèo, làm việc thất đức, cũng vì thế mà 30 tuổi vẫn chưa có con. Một đêm, ông nằm mộng thấy người cha đã qua đời của ông trở về, nói: “Con tâm địa bất chính, đức hạnh không đứng đắn, lại làm việc ác như vậy, chẳng trách giờ chưa có con mà còn đoản mệnh nữa. Con nhất định phải cải tà quy chính, giúp người tích đức, có như vậy mới hy vọng thay đổi được số mệnh.”
Đậu Vũ Quân tỉnh dậy, nhớ lại những gì cha mình nói trong mộng và không dám làm điều xấu nữa. Không những thế, ông còn thường xuyên giúp đỡ người nghèo và lập ra một “nghĩa quán” tại nhà, mời thầy giỏi đến dạy học cho trẻ nghèo. Một lần nọ, ông tình cờ nhặt được một túi bạc lớn ở quán trọ, và đã đợi ở đó cả ngày, tìm chủ bị mất tiền để đem trả. Khi người chủ túi bạc tới, ông đã trả lại nguyên vẹn số bạc.
Một đêm nọ, Đậu Yên Sơn lại nằm mộng thấy cha. Lần này cha ông nói: “Hiện giờ con đã tích được rất nhiều đức, ông Trời sẽ ban cho con năm đứa con trai, và thọ mệnh của con cũng được kéo dài.” Sau khi tỉnh dậy, Đậu Vũ Quân biết rằng đây chỉ là một giấc mơ, nhưng ông càng tu dưỡng bản thân hơn nữa, làm nhiều việc thiện. Sau đó, vợ ông quả nhiên sinh hạ được năm người con trai.
Đậu Vũ Quân rất coi trọng sự giáo dục con trẻ, thường dạy chúng thái độ đối nhân xử thế và đạo lý Thánh hiền. Năm người con dưới sự dạy dỗ của ông đều đỗ đạt, người quê ông không ai không ca tụng, thanh danh Đậu Vũ Quân và năm người con lan truyền khắp đất nước.
Viết nhận thức:
1. Sau khi đọc xong câu chuyện này, các em cảm thấy đâu là nguyên nhân căn bản dẫn tới sự cải biến vận mệnh của Đậu Yên Sơn?
2. Các em biết rằng thanh danh của Đậu Vũ Quân và năm người con lan truyền khắp đất nước. Đâu là nguyên nhân chính của điều này?
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2007/1/22/41902.html
http://pureinsight.org/node/6115
Xem tiếp phần 3
Ngày đăng: 30-03-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.