Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (7)



Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh

Âm nhạc:

– Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)

– Trần Đông (http://tonychenmusic.com)

 

Tiếp theo phần 6

[ChanhKien.org]

14487ef5-cf8a-40a3-8f3a-cc7714726691

 

Bài 7

Nguyên văn

三(sān) 才(cái) 者(zhě),天(tiān) 地(dì) 人(rén),

三(sān) 光(guāng) 者(zhě),日(rì) 月(yuè) 星(xīng)。

三(sān) 纲(gāng) 者(zhě),君(jūn) 臣(chén) 义(yì),

父(fù) 子(zǐ) 亲(qīn),夫(fū) 妇(fù) 顺(shùn)。

 

Phiên âm Hán Việt

Tam tài giả

Thiên Địa Nhân

Tam quang giả

Nhật nguyệt tinh

Tam cương giả

Quân thần nghĩa

Phụ tử thân

Phu phụ thuận

 

Tạm dịch

Ba bậc tài

Thiên tài địa tài nhân tài

Ba nguồn sáng

Mặt trời mặt trăng ngôi sao

Ba mối quan hệ trong xã hội

Đạo nghĩa vua tôi

Cha con thân thiết

Vợ chồng hòa thuận

 

Giải thích từ

(1) Giả (者):từ thay thế để chỉ người hoặc vật.

(2) Tam quang (三光):tức là ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng, và các ngôi sao. Từ tam quang có nguồn gốc từ cuốn Hán Thư do Ban Cố viết: “Thiên đạo lẽ nào không thành tam, trời có tam quang: nhật, nguyệt, tinh; đất có ba hình dạng: cao, thấp, bằng phẳng; người thì có tam tôn: vua, cha, thầy.

(3) Cương (纲):Nghĩa đen chỉ sợi dây to làm đầu mối trên lưới, nghĩa bóng chỉ các phần chủ yếu của các sự vật, cũng chính là phép tắc, trật tự.

(4) Nghĩa (义):thích hợp. Hợp với nội dung và lý lẽ, chỉ các bên cần làm hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

(5) Thân (亲):thân cận, thân thiết, thương yêu.

(6) Thuận (顺):hòa thuận

 

Dịch nghĩa

Thế nào gọi là “tam tài”? Tam tài chính là Thiên tài, Nhân tài, Địa tài, là ba nhân tố cơ bản cấu thành tiểu vũ trụ này của chúng ta. Thế nào gọi là “tam quang”? Tam quang chính là Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao, là ba vật thể phát ra ánh sáng ở trên bầu trời, cũng chính là nguồn sáng chủ yếu trên Trái Đất.

Thế nào là “tam cương”? Tam cương chính là vua tôi, cha con, vợ chồng, tức là chỉ về ba mối quan hệ luân thường quan trọng giữa người với người. Lời nói hành động của vua và bề tôi phải phù hợp với lễ nghĩa và đạo lý, mỗi người đều làm hết trách nhiệm của mình. Cha mẹ và con cái phải thương yêu gắn bó với nhau, cha hiền con hiếu. Giữa vợ chồng với nhau cần sống hòa thuận, tôn trọng nhau.

 

Thảo luận vấn đề

(1) Người xưa cho rằng con người là do Thần tạo ra, thiên địa vạn vật đều có nhân tố của Thần trong đó, Thần bao bọc che chở con người, cho nên con người cần kính trọng trời đất.  Bạn nhìn nhận thế nào về chuyện này? Hãy chia sẻ cùng mọi người nào.

(2) Thời đại ngày nay đã khác xưa, mối quan hệ vua tôi mà người xưa nói tương đương với mối quan hệ nào trong xã hội hiện đại? Trong xã hội ngày nay, bạn thấy nguyên tắc “lời nói hành động giữa hai người phải phù hợp đúng chuẩn mực, mỗi người đều cần làm hết trách nhiệm của mình” có cần thay đổi không?

(3) Bạn và cha mẹ bạn thân thiết như thế nào? Bạn đối xử với cha mẹ như thế nào? bạn và cha mẹ bạn làm thế nào để hiểu nhau hơn?

 

Câu chuyện “Sự thông minh của vợ Hứa Doãn”

Hứa Doãn là người thuộc thời Tam quốc. Người vợ có tướng mạo xấu xí của Hứa Doãn là con gái của Nguyễn Cung, là em gái của Nguyễn Khản. Sau buổi hôn lễ, Hứa Doãn vẫn e ngại vì tướng mạo của vợ mà không dám bước vào phòng, việc này làm cho người nhà vô cùng ưu phiền. Sau đó có Hoàn Phạm đến thăm, biết chuyện của vợ chồng Hứa Doãn, Hoàn Phạm nói: “Không cần phải lo lắng, Hoàn Phạm nhất định có thể khuyên Hứa Doãn vào động phòng”. Rồi Hoàn Phạm nói với Hứa Doãn: “Nhà họ Nguyễn gả người con gái có tướng mạo xấu xí cho anh, nhất định họ có dụng ý sâu xa. Anh nên dụng tâm để ý, quan sát để hiểu rõ nguyên nhân”.

Sau đó Hứa Doãn quay trở về phòng, vừa nhìn thấy người vợ mới cưới, anh liền quay người định bỏ ra ngoài. Vợ Hứa Doãn biết một khi anh đã ra khỏi phòng thì khó mà quay lại, thế là cô bèn kéo tay áo chồng. Hứa Doãn vốn muốn làm khó vợ mình, nên anh bèn nói: “Người phụ nữ cần phải có tứ đức, vậy cô có được mấy chứ?”. Vợ Hứa Doãn trả lời: “Em chỉ là thiếu dung mạo xinh đẹp mà thôi! Nhưng mà một người đọc sách thánh hiền cần phải có nhiều đức tính tốt đẹp, xin hỏi phu quân có được mấy đức?”. Hứa Doãn tự tin nói: “Đều có tất cả”. Vợ Hứa Doãn lại nói: “Trong nhiều phẩm hạnh tốt đẹp thì đức là quan trọng nhất, phu quân chỉ háo sắc mà không biết quý trọng đức, thì làm sao có thể nói là có tất cả chứ?”. Hứa Doãn nghe xong vô cùng xấu hổ, từ đó về sau anh vô cùng kính trọng vợ mình.

 

Ghi chú:

(1) Vợ Hứa Doãn được xếp thứ tư trong bốn người đàn bà xấu nhất thời Trung Quốc cổ đại.

(2) Tứ đức là chỉ về công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ:

– “Công” là chăm sóc việc nhà cho sạch sẽ, trật tự, vén khéo; thêu thùa may vá, nấu nướng món ăn, nuôi dạy con cái.

– “Dung” là vẻ mặt và dáng dấp bề ngoài. Phụ nữ cần chăm sóc dung nhan cho tươi tắn, tướng đi dịu dàng, cử chỉ từ tốn đoan trang, thân thể sạch sẽ, quần áo tươm tất gọn gàng.

– “Ngôn” là lời nói phải thành thật, ngay thẳng, dịu dàng, xác đáng, gây được tình cảm tốt đẹp trong mọi người; tránh lời thị phi, đâm thọc, xảo trá lợi mình hại người.

– “Hạnh” là tính nết hiền lành, hòa nhã, hiếu thảo, kính trên nhường dưới, khoan dung, đoan chính.

 

Phim hoạt hình

 

Viết về tâm đắc

(1) Từ câu chuyện về vợ Hứa Doãn, bạn cho rằng điều quan trọng ở mỗi con người là diện mạo bên ngoài hay là phẩm chất tốt đẹp bên trong? “Diện mạo bên ngoài” ngoài chỉ về tướng mạo xinh đẹp và xấu xí ra thì nó còn dùng để chỉ về điều gì nữa? Theo bạn thường ngày chúng ta cần tu dưỡng phẩm hạnh của mình thế nào?

(2) Thử hỏi cha mẹ bạn để hiểu thêm về cách họ sống hòa thuận như thế nào? Khi có những ý kiến trái ngược hoặc không giống nhau thì cha mẹ bạn xử lý thế nào?

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/book/html/3zj/3z007.htm

Xem tiếp: Phần 8



Ngày đăng: 05-04-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.