Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 31): Trinh quán chi trị nhà tù thường trống không, bí quyết là gì?



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Ngụy Trưng đề cập đến quan hệ giữa đạo đức và pháp luật, từ đầu đến cuối luôn lấy đức làm cương lĩnh làm gốc rễ, trình tấu với Thái Tông rằng, Thánh nhân dùng pháp luật trị quốc là nhằm mục khuyến thiện, chứ không phải lấy trị tội làm căn bản. Đạo lý của việc trị quốc cũng giống như việc làm cha mẹ, phải dùng lời dạy dỗ, lấy thân làm gương. Tự xưa trên làm dưới theo, việc quốc gia cũng là như vậy. Đã có người cha như thế tất có người con như thế, như vậy nếu có quân vương như thế, tất sẽ có thần dân như thế.

Bởi vậy tiếp theo đó, Ngụy Trưng trực tiếp nói rõ mục đích của lập pháp, thuyết phục Thái Tông chú trọng đến đức chính một cách rất sinh động. Bách tính trở nên tốt xấu thiện ác thế nào, quốc gia có được thái bình hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào việc Quân vương dạy bảo dẫn dắt thần dân như thế nào.

Đại ý đoạn 4: Thánh vương coi trọng đạo đức, xem nhẹ pháp luật để giáo hóa bách tính

Mục đích căn bản của lập pháp không phải vì để chế tài những lỗi lầm, sai trái và thiếu sót của bách tính, mà là dùng để phòng ngừa và ước thúc những hành vi xấu, dâm tà, lấy đó để cảnh tỉnh bách tính, dẫn dắt họ vào chính đạo. Con người chỉ cần được giáo dục đạo đức tốt thì họ sẽ cải biến trở nên thiện lương, từ đó mà ôm giữ tấm lòng quân tử; ngược lại nếu họ bị thống trị bởi một chính quyền bạo ngược và khắt khe, vậy sẽ sản sinh ra ác niệm gian tà. Vì vậy, giáo dục con người hướng thiện, đó mới là con đường dưỡng dục và quản lý của vua-cha đối với con-dân, tác dụng của nó giống như chất men trong tay người nấu rượu. Người dân trên toàn quốc giống như đậu nành và lúa mì đang chờ lên men trong nhà ủ, làm thế nào để phát triển, làm sao để biến đổi, tất cả đều do sự giáo dục thiện ác của những người quản lý chính sự! Gặp được quan lại tốt dạy dỗ quản lý thiện hóa thì bách tính tự nhiên trong lòng trung tín mà lời nói nhân hậu (nhân hậu tức là nhân từ và trung hậu; hoặc có lòng thương người và ăn ở đầy đặn); nếu gặp phải sự quản lí của quan lại tàn ác, họ tự nhiên sẽ mang trong lòng gian tà mà ngôn hành thiển bạc (nông cạn và mỏng mảnh; dở và không chắc chắn). Nếu lòng dân được thiện hóa trung hậu rồi, thì dần dần có thể khiến quốc gia thái bình; nếu mọi người đều trở thành thiển bạc, về lâu về dài sẽ dẫn đến quốc gia nguy vong. Bởi vậy bậc quân chủ thánh minh đều tận sức vào đức giáo hóa đạo đức mà xem nhẹ hình pháp.

Đại ý đoạn 5: Lòng dân thiện hay ác phụ thuộc vào Quân chủ

Đức là dùng để yêu cầu bản thân; uy là dùng để quản thúc người khác. Con người sống tại thế gian cũng giống như luyện vàng trong lò luyện, sản phẩm đúc ra vuông tròn dầy mỏng thế nào đều phụ thuộc vào mẫu khuôn! Vì vậy thiện hay ác ở thế gian, phong tục dân gian nhân hậu hay thiển bạc, đều quy ở thân bậc quân chủ một quốc gia. Nếu Quân vương cai trị đất nước có thể làm cho nhân dân khắp thiên hạ đều ôm giữ tấm lòng trung hậu mà không có ý thiển bạc, đều có thể làm theo lòng công chính mà không có niệm gian tà, như vậy thì phong tục tập quán thuần phác của thế gian lại xuất hiện. Mặc dù các Hoàng đế sau này không thể hoàn toàn làm được hết lòng thượng tôn nhân nghĩa, nhưng cũng nên thận trọng việc sử dụng hình điển, cố gắng đạt tới công chính vô tư, quan tâm đến bách tính, cho nên sách “Quản Tử” viết: [Thánh vương dùng pháp độ nhưng không dùng gian trí, dùng đạo trí công mà không dùng tâm mưu cầu lợi ích] cho nên bậc Thánh vương có thể lấy vương đạo thống lĩnh thiên hạ, lòng dân sẽ quy thuận, được như vậy mới là quản lý tốt quốc gia.

Diễn giải: Trị quốc cốt ở giáo dục, giáo dục cốt ở đức dục

Hai đoạn cuối cùng này, hiển nhiên chính là khuyên Đường Thái Tông không được quên việc trị loạn quốc gia cốt ở giáo hóa thiện ác cho dân, nếu như người dân không trọng đức, không biết liêm sỉ, không phân rõ thiện ác, thế thì dù có khiến cho pháp luật quốc gia càng thêm tàn khốc, càng thêm hệ thống, thì người dân sẽ bị đẩy đến cùng đường mà phải liều mình làm điều ác, hiện tượng hỗn loạn của xã hội hoàn toàn không thể chấm dứt được. Thiện ác trong tâm con người sẽ quyết định thiện ác trong hành vi của họ, nếu người làm Vua không hiểu đạo lí này, một mực dựa vào pháp luật đi giải quết vấn đề, vậy sẽ dẫn đến càng trị thì vấn đề càng nhiều, càng nhiều vấn đề lại càng đưa ra nhiều quy định, cuối cùng rơi vào hiểm cảnh đại loạn không thể sửa trị được.

Khổng Tử coi việc không giáo dục mà trừng phạt là nền chính trị hà khắc, điều đó với con người là rất tự nhiên. Ví như bạn ở nhà, nếu như chưa từng được cha mẹ dùng lời dạy dỗ, lấy thân làm gương; chưa từng thấy cha mẹ mình nhân từ và lý trí, kiên trì nhẫn nại chỉnh sửa từng chút trong sinh hoạt hàng ngày đối với bản thân mình; hoặc chưa từng cảm thụ qua sự dậy dỗ và chỉ bảo ấm áp đó; cũng không biết thế nào là đạo nghĩa; điều duy nhất bạn biết là khi bạn làm sai, bạn sẽ bị trừng trị nghiêm khắc bằng gia quy, vậy đó chính là ngược đãi. Như vậy tự nhiên trong tâm họ sinh ra không cam cùng với không phục trong tâm, thậm chí oán hận cha mẹ, lúc bấy giờ tạm thời chỉ dám oán mà không dám nói ra, một mai thành niên, sẽ trở nên ngỗ nghịch và làm điều ác, đây chính là hậu quả của việc nội tâm không có cải biến.

Quản lí đất nước cũng như vậy, chưa giáo dục mà đã nghiêm khắc trừng phạt, đó chính là chính trị bạo ngược. Nếu quan tâm, yêu thương bách tính và chăm lo đời sống người dân thì cần lấy bản thân làm gương để dậy bảo bách tính. Thực tế, mọi việc không thể tự mình đi làm hết được, vậy thì cần chú trọng tuyển chọn những quan lại đồng chí đồng tâm, khiến cho quân thần đồng tâm để giáo hóa bách tính. Quản lý đất nước ngoài việc bận tâm lo cho người dân no cơm ấm áo về vật chất ra, thì trách nhiệm lớn nhất chính là giáo dục đạo đức.

Vì vậy, các vị Hoàng Đế thời cổ đại (ngoại trừ các vị hôn quân bại hoại trong thời kỳ cuối của mỗi triều) đều hiểu đạo lý này, họ đều lấy bản thân mình làm gương, đều bắt đầu từ lòng hiếu thảo và sau đó tiếp tục giáo dục bách tính đạo nhân nghĩa, đều coi đó là điều vô cùng quan trọng, khiến toàn thể xã hội lấy nhìn nhận rằng quân tử là vinh, mà triệu vời và cử người hiếu liêm làm quan, cử quân tử làm quan thậm chí bái làm thầy, từ đó để quan viên thay thế hoàng đế tự giác gánh vách trách nhiệm của bậc cha mẹ đi giáo hóa con dân, khiến cho toàn thể xã hội từ Quân Vương cho đến thứ dân đều trọng đức hạnh, tôn sùng quân tử, như thế quân tử tự nhiên trở thành thầy của vạn dân. Vì lẽ đó nên về bản chất của giáo dục truyền thống là giáo dục đạo đức, đồng thời cũng không giới hạn trong giáo dục trường học, chỉ cần địa phương ấy có bậc quân tử, mọi người tự sẽ lấy họ làm tiêu chuẩn để học tập theo, đây chính là tác dụng của bậc danh sĩ. Hơn nữa dù những bậc quân tử này đang làm quan ở triều đình hay là đang sống tại dân gian, thì họ đều hiểu được trách nhiệm hoằng dương đạo đức, quy chính nhân tâm của mình. Vì vậy, việc viết sách hoặc biên tập lịch sử để đời đời truyền lại những lời dậy của tổ tiên và các bậc Thánh vương đã trở thành sứ mệnh và trách nhiệm căn bản của các học giả truyền thống.

Ngụy Trưng nhận thức rất rõ về điều này, ông đã khích lệ Thái Tông đừng quên cốt yếu của việc trị quốc không ở việc dùng hình phạt nghiêm khắc và luật pháp hà khắc, mà phải đặt công phu vào việc giáo hóa đạo đức người dân, nếu ngay từ đầu bách tính đã biết liêm sỉ, thì họ sẽ không đi hành ác mà phạm tội; nếu mọi người đều tự giác hướng thiện, hỗn loạn tự nhiên biến mất, đây mới đạo trị loạn từ căn bản.

Vì thế Thánh Nhân dùng hình phạt hay là dùng pháp luật, cốt yếu vẫn là để khuyến thiện, là để bổ trợ cho giáo hóa đạo đức.

Trinh quán chi trị: Đêm ngủ không cần đóng cửa

Quân thần Thái Tông đồng lòng đồng đức, khắc sâu đạo của bậc thánh quân, dùng vương đạo trị quốc, nên đã xuất hiện hiện tượng đạo tặc tuyệt diệt từ thiên cổ tới nay chưa từng có, bách tính thời Trinh quán chi trị đều có đức hạnh cao thượng. Vậy nên trong chương “Chính thể” có ghi lại như sau: “Thương nhân lữ khách trú ở bên ngoài cũng không còn bị cướp bóc, nhà ngục thường vắng bóng người, trâu ngựa thành đàn khắp các cánh đồng, nhà không cần đóng cửa.” Chính là nói, người ra ngoài buôn bán hay đi chơi cũng không cần lo lắng gặp kẻ cướp hay đạo tặc, nhà tù của quốc gia thường xuyên trống không, thôn quê chăn thả trâu bò không cần trông coi cũng không có người ăn trộm, đêm tối cửa các nhà không cần khóa. Có thể nói đây là đại đồng xã hội ban đêm không cần đóng cửa trong truyền thuyết. Đó là xã hội thái bình lý tưởng trong đó người dân ai ai cũng trọng đức, chỉ có trong thời đại Nghiêu Thuấn mà Khổng Tử luôn ngưỡng mộ.

Đường Thái Tông dám thực hành đức chính của tổ tiên, nghe theo lời khuyên của Ngụy Trưng và các quan đại thần, từ đó đạt được thời thịnh thế Trinh Quán, điều đó cho thấy rằng những lời dạy của tổ tiên chính là chân lí, là điều chân thực, không hư rỗng. Thiện và ác của bách tính, tốt và xấu trong phong tục của người dân, và sự trị hay loạn của quốc gia, tất cả phụ phuộc vào việc vua quan có trọng đức, yêu dân như con; có lấy nhân luân đạo đức để giáo dục dân tâm; có coi giáo dục đạo đức làm trách nhiệm quan trọng nhất hay không?

Đây chính là yếu lĩnh quan trọng của “Trinh quán chính yếu”. Làm được việc lấy đức trị tâm thì tất xuất thịnh thế; nếu bỏ đức mà trọng trí, tất xuất gian tà. Giáo dục hiện đại chú trọng giáo dục trí tuệ, giống như bước xuống vực sâu, giống như đi sang ma đạo, nếu các nhà quản lý không tỉnh ngộ, một mực dựa vào cai trị đất nước bằng pháp luật, tất sẽ dẫn đến loạn tượng không ngớt, nguy hiểm khôn cùng.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/251539



Ngày đăng: 01-04-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.