Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (21)



Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh

Âm nhạc:

– Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)

– Trần Đông (http://tonychenmusic.com)

 

Tiếp theo: Bài 20

[ChanhKien.org]

fSCKtR2uS

 

Bài 21

Nguyên văn

三(sān) 傳(zhuàn) 者(zhě),有(yǒu) 公(gōng) 羊(yáng),

有(yǒu) 左(zuǒ) 氏(shì),有(yǒu) 谷(gǔ) 梁(liáng)。

經(jīng) 既(jì) 明(míng),方(fāng) 讀(dú) 子(zǐ),

撮(cuò) 其(qí) 要(yào),記(jì) 其(qí) 事(shì)。

Phiên âm Hán Việt

Tam Truyện giả, hữu Công Dương,

Hữu Tả Thị, hữu Cốc Lương.

Kinh ký minh, phương độc tử;

Toát kì yếu, kí kì sự.

Tạm dịch

Ba truyện: có Công Dương,

Có Tả Thị, có Cốc Lương.

Kinh đã rõ rồi nên đọc sang bách gia chư tử

Rút ra điều cốt yếu, ghi nhớ những sự việc.

Giải thích từ vựng

(1) Tam truyện (三傳):tên gọi chung của “Xuân Thu tam truyện”, gồm có Tả truyện, Công Dương truyện, Cốc Lương truyện, được gọi tắt là Tam truyện. Đây là cuốn sách chú giải cuốn Xuân Thu của Khổng Tử.

(2) Công Dương (公羊):gọi tắt của Công Dương truyện. Đây là cuốn sách do Công Dương Cao thời Chiến quốc viết, đến thời Hán Cảnh Đế do Công Dương Thọ và Hồ Mưu Sinh viết lại và định bản. Sách này dùng hình thức vấn đáp để giải thích phần Vi ngôn đại nghĩa trong cuốn sách Xuân Thu.

(3) Tả thị (左氏):chỉ Tả truyện, còn gọi là Tả truyện Xuân Thu do Lỗ thái sử Tả Khâu Minh thời Xuân Thu viết. Sách này dùng hình thức tự sự, chú trọng dùng sự việc trong lịch sử để chứng minh sự đúng đắn của cuốn Xuân Thu.

(4) Cốc Lương (谷梁):chỉ Cốc Lương truyện do Cốc Lương Xích thời Chiến quốc viết

(5) kinh (經):trong bài chỉ sách của Nho gia, trong mục lục của các sách vở cổ đại phân loại thành bốn bộ Kinh, Sử, Tử, Tập.

(6) ký (既):đã

(7) phương (方):mới, bắt đầu

(8) Tử (子):Trong bài chỉ sách của Bách gia chư tử. Sách thời cổ đại phân thành bốn bộ Kinh, Sử, Tử, Tập.

(9) toát (撮):trích lục, rút ra những điều cốt yếu

(10) kỳ (其):chỉ các sách của Bách gia chư tử

(11) yếu (要):trọng điểm, điểm chính

(12) ký (記):ghi nhớ

Dịch nghĩa

Tam truyện hay Xuân thu tam truyện là tên gọi chung của bộ sách giải thích cuốn Xuân Thu, gồm có 3 phần “Công Dương truyện” của tác giả Công Dương Cao thời Tam Quốc, “Tả truyện” của tác giả Tả Khâu Minh người nước Lỗ thời Xuân Thu và “Cốc Lương truyện” của tác giả Cốc Lương Xích thời Chiến quốc.

Sau khi thông hiểu các sách của Nho gia như Tứ thư, Lục kinh, thì mới bắt đầu học tới sách của Bách gia chư tử, đồng thời chắt lọc những tinh hoa và trọng điểm trong các sách kinh điển của các gia, ghi nhớ các việc cụ thể trong đó.

Thảo luận vấn đề

(1) Người xưa đọc những sách “cần phải đọc” như các sách của Nho gia, của Bách gia chư tử, thì mới có thể hiểu được làm người cũng như đối nhân xử thế như thế nào. Ngày nay nhiều người chỉ đọc những sách mà họ thích đọc, như tranh châm biếm, tạp chí, tiểu thuyết, v.v. Người hiện đại đọc sách theo sở thích, sẽ dẫn đến vấn đề gì? Việc đọc những sách “cần phải đọc” của người xưa có lợi ích như thế nào?

(2) Cuốn sách nào để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất? Thử nghĩ xem: điểm nào của cuốn sách đó làm cảm động lòng người nhất? Tại sao?

Câu chuyện

Điển cố: Vi biên tam tuyệt

Câu chuyện này có liên quan đến Khổng Tử. Vào những năm cuối đời, Khổng Tử thích nghiên cứu Chu Dịch.

Bởi vì thời kỳ Xuân Thu vẫn chưa có giấy, vì thế chữ được viết lên từng chiếc thẻ tre. Một bộ sách sẽ có rất nhiều thẻ tre nên cần dùng dây làm bằng da trâu (hoặc động vật khác) để buộc các thẻ tre lại thì mới đọc được. Bình thường các sách bằng thẻ tre được cuộn lại để cất đi, khi đọc thì mới mở ra. Văn tự của Chu Dịch khó hiểu, nội dung lại không rõ ràng, do đó Khổng Tử mới dở đi dở lại để đọc nhiều lần. Cứ như thế, ông đã làm cho dây da bò bị đứt nhiều lần.

Dù đọc đến mức độ như vậy, nhưng Khổng Tử vẫn chưa hài lòng, ông nói: “Nếu như ta có thể sống thêm vài năm, thì có thể hiểu được thêm nhiều hơn nội dung và chữ viết của Chu Dịch”.

Thành ngữ “Vi biên tam tuyệt” dùng để chỉ người chăm chỉ học hành.

Điển cố: Bán bộ Luận Ngữ trị thiên hạ

Triệu Phổ, ban đầu là quan cấp dưới của Triệu Khuông Dẫn. Năm 960, Triệu Khuông Dẫn đưa quân lên phía bắc, khi quân đến Trần Kiều, Triệu Phổ đã đưa ra kế sách giúp Triệu Khuông Dẫn phát động binh biến ở Trần Kiều. Triệu Khuông Dẫn làm hoàng đế, kiến lập triều Tống, sử gọi là Tống Thái Tổ. Sau đó, Triệu Phổ lại phò tá Tống Thái Tổ thống nhất đất nước, và ông được phong làm Tể tướng. Sau khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn qua đời, em trai của ông là Triệu Khuông Nghĩa lên kế vị, sử gọi là Tống Thái Tông.

Dưới thời Tống Thái Tông, Triệu Phổ vẫn làm Tể tướng. Có người tâu với Tống Thái Tông rằng Triệu Phổ học thức nông cạn, sách mà ông ta đọc chỉ có một bộ Luận Ngữ của Nho gia, mà lại để ông ta làm Tể tướng là không thích hợp.

Có một lần, Tống Thái Tông hỏi Triệu Phổ: “Có người nói khanh chỉ đọc có một bộ Luận Ngữ, có đúng vậy không?”

Triệu Phổ thật thà trả lời: “Những gì thần biết, quả thật không vượt khỏi cuốn Luận Ngữ. Năm xưa thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ Thái tổ bình định thiên hạ, giờ đây thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ bệ hạ, giúp thiên hạ thái bình”.

Về sau Triệu Phổ qua đời vì bệnh, người nhà mở hòm sách của ông ra, bên trong quả thật chỉ có cuốn Luận Ngữ.

“Bán bộ Luận Ngữ” dùng để nhấn mạnh sự tinh thâm của tư tưởng Nho gia.

Phim hoạt hình

Viết về tâm đắc

(1) Thời Khổng Tử không có giấy, chữ trong cuốn Chu Dịch của ông được viết lên cái gì?

(2) Sợi dây làm bằng da trâu dùng để buộc các thẻ tre trên cuốn Chu Dịch mà Khổng Tử đọc tại sao nhiều lần bị đứt?

(3) Triệu Phổ dựa vào cái gì mà có những cống hiến lớn cho triều Tống? Có phải là năng lực của ông hay không?

(4) Từ câu truyện trên, bạn cho rằng mục đích chính của việc đọc sách là để bồi dưỡng năng lực của bản thân, hay là để nâng cao tâm tính và tư tưởng của mình?



Ngày đăng: 30-12-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.