Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (Hiếu) (4): Tăng Sâm nuôi chí



Tác giả: Thiền Duyên

[ChanhKien.org]

Tăng Tử tên Sâm, tự Tử Dư, là người nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông và cha ông – Tăng Điểm đều là những học trò ưu tú của Khổng Tử. Tăng Tử rất hiếu kính với cha mẹ; đặc biệt là lòng hiếu thuận, phụng dưỡng theo ý muốn cha mẹ của ông đã trở thành hình mẫu phổ biến cho các thế hệ sau ca ngợi và noi theo.

Hàng ngày mỗi khi đến lúc dùng bữa, Tăng Tử đều sẽ luôn quan sát cẩn thận, nhận biết khẩu vị và thói quen ăn uống của cha mẹ; đồng thời ông còn ghi nhớ kỹ trong lòng những món ăn yêu thích nhất của họ. Vì thế mỗi ngày ba bữa, Tăng Tử đều có thể chuẩn bị các món ăn ưa thích và lại rất thịnh soạn cho cha mẹ.

Trong lòng của Tăng Tử, mỗi thời mỗi khắc ông đều luôn nghĩ đến những yêu cầu của cha mẹ; tất cả những gì mà cha mẹ yêu thích, ông cũng đều sẽ để tâm đến để có thể đáp ứng tâm tư nguyện vọng của họ bất cứ lúc nào.

Cha của ông – Tăng Điểm được hun đúc bởi ảnh hưởng sâu sắc từ những lời giáo huấn của các bậc thánh hiền, bình thường ông luôn thích làm việc thiện, thường hay giúp đỡ những người bà con hàng xóm nghèo túng, khốn khó. Đối với thói quen này của cha, Tăng Tử cũng khắc ghi trong lòng. Vì vậy mà mỗi lần sau khi cha mẹ dùng bữa xong, ông đều kính cẩn lễ phép xin hỏi cha rằng phần thức ăn thừa còn lại lần này nên đem cho ai.

Cha ông thường rất thích ăn quả chà là, nên mỗi khi ra ngoài Tăng Tử liền gắng hết mức mang về thật nhiều cho cha mình. Sau khi cha ông qua đời, Tăng Tử trông thấy vật mà mong nhớ sinh tình (1), khi nhìn thấy quả chà là, ông liền nghĩ đến những cảnh tượng lúc cha ông còn sống mà thấy đau nhói trong lòng. Kể từ đó về sau, ông cũng không nỡ ăn quả chà là nữa.

Có một lần, Tăng Tử lên núi đốn củi, chỉ có mình mẹ ông ở nhà. Chẳng may có khách đột nhiên đến nhà chơi; mẹ ông trong lúc luống cuống không biết phải làm sao, e rằng đối đãi với khách không chu đáo mà thất lễ; trong lúc tình cảnh cấp bách đó bà đã cắn mạnh vào đầu ngón tay, hy vọng Tăng Tử có thể cảm nhận được điều gì đó trong lòng mà vội vã về nhà. Quả nhiên, tình mẫu tử nối liền khúc ruột (2), Tăng Tử đang chẻ củi trên núi, đột nhiên cảm thấy một cơn đau nhói tim, ông ngay lập tức nghĩ đến mẹ mình, liền vội vã vác củi chạy về nhà.

Tăng Tử không chỉ coi trọng việc phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ; mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày của mình, ông cũng rất cẩn trọng với những lời nói hành vi của mình, e sợ làm hổ thẹn công ơn dưỡng dục của cha mẹ, lo lắng rằng bản thân cư xử không tốt mà làm bẽ mặt cha mẹ.

Khổng Tử biết rằng Tăng Tử là một người con hiếu thảo, vì vậy ông đã lấy học vấn về “Hiếu Đạo” truyền thụ lại cho Tăng Tử. Trong “Hiếu Kinh”, Khổng Tử và Tăng Tử dưới hình thức vấn đáp, lấy Hiếu đạo giải khai một cách thấu đáo, cặn kẽ. Ông dặn dò giao phó cho Tăng Tử phải tiếp tục phát huy, thúc đẩy làm rạng rỡ truyền thống Hiếu đạo. Có thể thấy rằng cách đối nhân xử thế và lòng hiếu nghĩa, hiếu thảo của Tăng Tử thật phi thường, hơn hẳn người thường khác.

Tăng Tử cả một đời tuân theo những lời giáo huấn của Khổng Tử, dựa vào những giáo lý đó mà làm theo, chuyên tâm tận lực với Hiếu đạo; ông đã dùng những việc làm trong cuộc đời mình để nói cho chúng ta biết làm thế nào để hiếu thuận, làm vui lòng cha mẹ và làm sao để mang “Hiếu Đạo” thực hành trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ông đã không chỉ làm đạt được “Nhập tắc Hiếu, xuất tắc Đễ” (3), mà còn đạt được “Cẩn nhi Tín” (4); hơn nữa ông còn mang những đức tính mà thầy ông đã dạy lưu truyền lại cho các thế hệ sau, giáo dục các học sinh của mình. Từ lời ông truyền thuật lại biên soạn ra sách “Hiếu Kinh”, cũng được lưu truyền qua nhiều thời đại cho đến tận ngày nay, và cũng trong quãng thời gian đó đã tạo phúc và mang lại thành tựu cho không biết bao nhiêu gia đình và triều đại.

Trong tâm của hầu hết các bậc cha mẹ đều hy vọng rằng con cái của họ có thể công thành danh toại, hy vọng rằng chúng có thể thành tựu được điều gì đó. Tuy nhiên, thành tựu về “công danh lợi lộc” không thực sự được xem như là một thành tựu, nhưng thành tựu về “đạo đức học vấn” như Tăng Tử chính là một thành tựu thực sự.

Ghi chú của người dịch:

(1) 睹物思情/ dǔ wù sī qíng / :
Hán Việt: Đổ vật tư tình.
Ý nghĩa: thành ngữ chỉ một người nhìn thấy những vật, kỉ vật của người đã mất hay đi xa để lại, lưu lại mà nhớ đến người đó.

(2) 母子连心 / Mǔ zǐ lián xīn / :
Hán Việt: Mẫu tử liên tâm.
Ý nghĩa: thành ngữ chỉ tình mẫu tử nối liền khúc ruột.

(3) 入则孝, 出则悌/ rù zé xiào, chū zé tì/ :
Hán Việt: Nhập tắc Hiếu, xuất tắc Đễ.
Ý nghĩa: Ở trong nhà phải hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài phải kính nhường bậc huynh trưởng, người hơn tuổi.

(4) 谨而信/ jǐn ér xìn / :
Hán Việt: Cẩn nhi Tín.
Ý nghĩa: Cẩn thận giữ chữ Tín.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/270057



Ngày đăng: 01-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.