Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (Hiếu) (1): Ngu Thuấn cày ruộng
Tác giả: Thiền Duyên
[ChanhKien.org]
Nghiêu, Thuấn, Vũ là ba vị đế vương nổi tiếng thời thượng cổ của dân tộc Trung Hoa, họ đều bởi vì có đức hạnh chí đại mà được tứ phương tiến cử lên ngôi. Trong đó, vua Thuấn bởi vì “chí hiếu” mà cảm động thiên địa, được Nghiêu Đế tuyển chọn làm người nối ngôi, câu chuyện của ông cũng được liệt vào những câu chuyện hàng đầu về lòng hiếu thảo trong các triều đại xưa.
Sau khi vua Thuấn lên ngôi, ông lấy quốc hiệu là “Ngu”, cho nên trong lịch sử gọi ông là “Ngu Thuấn”.
Ngu Thuấn, vốn mang họ Diêu, tên là Trùng Hoa. Phụ thân ông tên là “Cổ Tẩu”, là một người không biết phân biệt thị phi, rất gàn dở bảo thủ, đối xử với ông không được tốt. Mẫu thân của ông tên là “Ốc Đăng”, rất hiền lương, nhưng không may đã qua đời khi Thuấn còn nhỏ. Sau đó phụ thân ông tái hôn, người mẹ kế là một phụ nữ không có đức hạnh. Sau khi em trai tên “Tượng” của Thuấn ra đời, phụ thân ông không chỉ ưu ái người mẹ kế và em trai hơn, mà ba người họ còn thường xuyên cùng nhau ức hiếp ông. Nhưng Thuấn đối đãi với phụ mẫu từ đầu chí cuối vẫn luôn vô cùng hiếu thuận; cho dù phụ thân, mẹ kế cùng người em trai đều coi ông là cái gai trong mắt, luôn muốn trừ bỏ ông một cách nhanh chóng; ông vẫn một mực cung kính hiếu thuận với phụ mẫu, yêu thương em trai, cố gắng hết sức mình để làm cho gia đình ấm áp hòa thuận, cùng nhau chia sẻ niềm vui của gia đình. Mặc dù đã trải qua đủ loại khó khăn gian khổ, nhưng Thuấn đã dành cả cuộc đời vì mục tiêu này mà nỗ lực hết mình.
Khi còn nhỏ, Thuấn bị phụ mẫu trách cứ, suy nghĩ đầu tiên trong tâm trí ông là: “Nhất định là mình đã làm gì không tốt, mới làm cho phụ mẫu tức giận như vậy!” Thế là ông càng xem xét cẩn thận lời ăn tiếng nói và việc làm của mình hơn, tìm cách khiến cho phụ mẫu vui lòng. Khi bị em trai gây khó dễ vô cớ, Thuấn không những không vì thế mà tức giận, trái lại ông còn cho rằng bản thân mình đã không làm gương tốt nên mới khiến cho đức hạnh của em trai bị thiếu sót. Ông thường tự trách mình sâu sắc, thậm chí có khi ông còn chạy ra ngoài đồng kêu to khóc lớn, tự hỏi tại sao không thể làm được mọi việc vẹn toàn, để phụ mẫu được vui lòng. Mọi người thấy ông nhỏ tuổi mà lại có thể hiểu chuyện và hiếu thuận như vậy, ai cũng không khỏi cảm động sâu sắc.
Tương truyền, lòng hiếu thuận chân thành của Thuấn không chỉ làm cảm động hàng xóm láng giềng, mà còn cảm động đến cả thiên địa vạn vật. Ông từng ở Lịch Sơn khai khẩn trồng trọt, cùng sơn thạch thảo mộc, chim thú trùng ngư chung sống rất hài hòa, các loài động vật đều nhao nhao thi nhau tới giúp đỡ ông. Những con voi hiền lành và tốt bụng đến cánh đồng để giúp ông cày ruộng. Những chú chim nhỏ nhắn nhanh nhẹn, kết bè kết đội, ríu rít giúp ông trừ cỏ dại. Tận mắt chứng kiến khả năng và đức hạnh vĩ đại như thế, mọi người đều không khỏi ngạc nhiên và cảm phục ông. Cho dù vậy, Thuấn vẫn luôn cung kính và khiêm nhường.
Ngày tháng dài lâu, lòng hiếu thảo của Thuấn càng ngày càng được nhiều người ca ngợi và truyền tụng, khắp cả nước đều biết Thuấn là một người con trai đại hiếu.
Đế Nghiêu khi 86 tuổi, cảm thấy mình đã cao tuổi, hy vọng có thể tìm được một người thích hợp để kế thừa đế vị. Khi ông trưng cầu ý kiến của các quần thần, các vị đại thần đều đồng thanh tiến cử Thuấn; cũng không phải bởi vì điều đặc biệt gì, chính là vì Thuấn là một hiếu tử nổi danh. Từ đây có thể thấy, tổ tiên chúng ta khi tuyển chọn quân vương của một nước, chính là đặt lòng hiếu thảo lên hàng đầu trong đức hạnh của con người. Theo họ, một người hiếu thuận với phụ mẫu, ắt hẳn sẽ yêu thương thiên hạ bách tính.
Ai ngờ sau khi Thuấn kế vị ngai vàng, ông không hề cảm thấy đặc biệt vui mừng, ngược lại thương cảm mà nói rằng: “Cho dù ta có thành tựu như ngày hôm nay, phụ mẫu vẫn không yêu mến ta, ta làm thiên tử, đế vương thì có ích lợi gì?” Lòng hiếu thảo chân thành và trung nghĩa của ông khiến người ta khi nghe được không khỏi cảm động theo mà nước mắt giàn dụa!
Nhưng mà, trời xanh đã không phụ lòng khổ tâm của ông, lòng hiếu nghĩa, hiếu thảo của Thuấn, cuối cùng cũng đã cảm hóa được phụ mẫu và em trai của ông.
Hiếu mặc dù không khó, nhưng khi phụ mẫu đối xử với mình không tốt vẫn có thể kiên trì hành hiếu, thì thật là khó; nếu như có thể không chỉ kiên trì thực hành đạo hiếu, mà khi đối diện với những hành vi xấu ác của phụ mẫu còn có thể chủ động tự kiểm điểm, tìm thiếu sót của mình, lại càng khó hơn! Sở dĩ nói lòng hiếu thuận của Thuấn là “chí hiếu”, “đại hiếu”, đại khái chính là bởi vì nguyên nhân này.
“Mạnh Tử” từng nói: “Thuấn hà nhân dã? Dư hà nhân dã? Hữu vi giả diệc nhược thị” (Diễn nghĩa: Vua Thuấn là người thế nào? Ta là người thế nào? Nếu như ta lập chí cố gắng mà làm thì ta cũng giống như thế, cũng được người trong thiên hạ ái mộ như thế!) Ý tứ chính là nói, Thuấn có thể làm được hiếu thuận, chúng ta cũng có thể.
Không khó để tưởng tượng rằng, nếu tất cả chúng ta ai ai cũng đều có thể giống như Thuấn, thực sự hết sức mình làm được “hiếu thảo và hòa thuận với thân nhân”, rồi sau đó lại mang “hiếu” lan tỏa đến tất cả mọi người, mọi sự, mọi vật xung quanh, như vậy không chỉ mỗi một gia đình đều sẽ được hạnh phúc mỹ mãn, mà toàn bộ xã hội cũng sẽ thay đổi trở nên yêu thương thuận hòa với nhau.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/270054
Ngày đăng: 04-10-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.