Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (Đễ) (2): Triệu Hiếu tranh chết



Tác giả: Thiện Duyên

Triệu Hiếu tranh chết (Hình: Chánh Kiến sưu tầm và thiết kế)

[ChanhKien.org]

Vào thời nhà Hán, có một người tên là Triệu Hiếu, tự là Thường Bình. Anh có một người em trai tên là Triệu Lễ, hai anh em chung sống với nhau rất hòa thuận.

Một năm nọ, mùa màng thất bát, thiếu thốn lương thực, nạn đói vô cùng trầm trọng, trị an xã hội cũng lâm vào hỗn loạn.

Vào một hôm, mây đen giăng kín bầu trời, không gian rất âm u, tối tăm. Sau khi trận cuồng phong đi qua, mọi người đều dự cảm dường như có điềm dữ sắp xảy đến.

Quả nhiên, bất ngờ có một nhóm cướp chiếm giữ núi Nghi Thu và bắt đầu cướp bóc khắp nơi. Cái đói khiến chúng mất đi lý trí, đến mức bắt đầu ăn thịt người. Sau một hồi lục soát nhà dân mà không tìm được bao nhiêu lương thực và vật dụng có giá trị, chúng tức giận liền bắt người em là Triệu Lễ mang đi.

Triệu Lễ mặc dù gầy yếu nhưng cũng không được buông tha, bọn cướp trói cả tay và chân của cậu lại, rồi buộc vào gốc cây, sau đó chúng dựng bếp nhóm lửa ở bên cạnh, bắt đầu đun nước, chuẩn bị nấu Triệu Lễ để lấp đầy cơn đói.

Người anh Triệu Hiếu tuy đã may mắn thoát thân nhưng lại không tìm thấy em trai đâu. Trong lòng như có lửa đốt, anh hỏi thăm khắp nơi thì được biết có người đã tận mắt nhìn thấy Triệu Lễ bị bọn cướp bắt đi.

Hay tin em trai bị bắt Triệu Hiếu trong lòng đau như dao cắt. Anh lo lắng nghĩ: “Mình phải làm sao đây? Nếu như em ấy có bất trắc gì  thì không biết sẽ ăn nói ra sao với cha mẹ! Ta phận làm anh làm sao có thể sống trên đời này được? Em trai  là cốt nhục, dẫu mất mạng sống của mình, ta cũng phải giải cứu em ấy”.

Nghĩ vậy, Triệu Hiếu liền hạ quyết tâm chạy theo hướng bọn cướp đã rời đi. Vì nóng lòng cứu em trai mình, anh nhanh chóng đến chỗ bọn cướp, nhìn thấy em trai đang bị trói, cạnh đó là một nồi nước sôi bốc hơi nghi ngút.

Trông thấy anh trai tới cứu, ban đầu Triệu Lễ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, sau đó lập tức buồn than với anh trai: “Anh ơi! Anh sao lại tới được nơi này! Đến đây chẳng phải đi vào chỗ chết sao?”

Lúc này Triệu Hiếu không quan tâm đến an nguy của bản thân, anh lao đến trước mặt tên cướp, van xin hắn: “Em trai tôi có bệnh, thân thể lại gầy yếu, thịt của em ấy chắc chắn không ngon đâu. Tôi van xin các người hãy thả em tôi ra!” Bọn cướp nghe vậy vô cùng tức giận nói với Triệu Hiếu: “Thả hắn đi thì chúng tao ăn cái gì?”, Triệu Hiếu nghe tên cướp nói thế liền đáp: “Chỉ cần các người thả Triệu Lễ đi, tôi bằng lòng cho các người ăn thịt tôi, hơn nữa tôi khoẻ mạnh, không có bệnh, lại mập mạp”.

Bọn cướp nghe Triệu Hiếu nói xong lập tức lặng người, bọn chúng không ngờ rằng thiên hạ còn có người tình nguyện chịu chết thay người khác như vậy, chúng kinh ngạc nhìn nhau.

Lúc này, Triệu Lễ ở bên cạnh hét lớn: “Không được! Không thể làm như vậy được!”. Một tên cướp ở bên cạnh quát Triệu Lễ: “Tại sao không được?”. Triệu Lễ khóc lóc nói: “Người bị bắt tới đây là tôi, số mệnh của tôi đã định là bị các người ăn thịt, còn anh trai của tôi có tội gì chứ? Sao tôi có thể để anh ấy chết được?”

Nghe xong lời này, Triệu Hiếu liền vội vàng chạy đến bên em trai, hai anh em ôm lấy nhau, người này khuyên người kia hãy để cho mình chết thay, trong cơn tuyệt vọng họ khóc không thành tiếng.

Thấy cảnh hai anh em tình nguyện chết thay cho nhau, đứng trước tình thủ túc xả thân cứu nhau của hai anh em họ Triệu, những tên cướp hung ác đã vô cùng bàng hoàng. Tình nghĩa huynh đệ của họ đã đánh thức lòng trắc ẩn vốn  bị chôn vùi bấy lâu của bọn cướp, chúng cũng không cầm được nước mắt và tha cho hai anh em họ Triệu.

Sau đó chuyện này được truyền đến tai Hoàng đế, Hoàng đế là một vị quân vương nhân nghĩa và đạo đức, ông không chỉ hạ chiếu thư phong chức quan cho hai anh em, mà còn đưa câu chuyện dùng đức cảm hóa kẻ cướp của họ truyền khắp thiên hạ, để bá tánh cả nước học tập.

Nguyên văn:

Hán Triệu Hiếu, tự là Thường Bình, rất yêu thương em trai của mình. Những năm đói kém, bọn trộm cướp chiếm núi Nghi Thu, cướp bóc và ăn thịt bá tánh. Triệu Hiếu nói: “Triệu Lễ ốm đau, không thể làm thức ăn, ta mập mạp, ta nguyện thay thế”. Triệu Lễ không đồng ý nói rằng: “Ta bị các tướng quân bắt đi, chết cũng là số phận, nhưng anh ấy không có tội”. Anh em ôm nhau khóc, bọn cướp cảm động bèn thả ra. Tiếng lành đồn xa, Hoàng đế hạ chiếu ban chức quan.

Anh em họ Triệu hiếu thuận với nhau mà cảm hoá được bọn đạo tặc ác ôn giết người ăn thịt. Ngay cả bọn cướp đói khát định ăn thịt người, mà anh em đã họ khơi dậy lòng thiện tâm của chúng, thì thế gian há có ai không thể cảm hoá được sao? Sách “Đại Học” viết: “Huynh đệ hoà thuận, mà có thể giáo hoá quốc dân”, há chẳng đúng như vậy sao.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/269860



Ngày đăng: 05-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.