Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (Hiếu) (3): Áo bông lau của Mẫn Tử Khiên



Tác giả: Thiền Duyên

[ChanhKien.org]

Vào thời Xuân Thu của nước Lỗ, có một người mang họ Mẫn tên là Tử Khiên. Khi ông còn rất nhỏ, mẹ ông chẳng may qua đời. Cha ông kết hôn với vợ kế, sau đó lại liên tiếp sinh ra hai người em trai. Bởi vì không phải là con ruột của mình, vậy nên mẹ kế thường đối xử với Tử Khiên rất tệ. Vào mùa đông giá rét, người mẹ kế cho hai đứa con ruột của mình ăn mặc áo chần bông tơ tằm giữ ấm, hai đứa trẻ cũng không cảm thấy lạnh ngay cả khi chúng nô đùa ngoài trời, nhưng Tử Khiên đáng thương thì lại mặc trên mình một bộ quần áo mỏng phong phanh làm từ bông lau. Những ngày đại hàn lạnh giá, gió rét thấu xương, Tử Khiên thường xuyên bị cóng đến mức tay chân cứng đờ, sắc mặt tím tái cả. Nhưng khi bị phân biệt đối xử rõ ràng như vậy, Tử Khiên xưa nay chưa bao giờ có lời nào oán hận.

Vào một ngày đông khắc nghiệt nọ, cha Tử Khiên ra ngoài có việc và sai Tử Khiên đánh xe ngựa chở đi. Băng tuyết ngập trời, trên thân Tử Khiên chỉ mang bộ quần áo mỏng làm bằng lau sậy sao có thể chống lại cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông chứ! Tử Khiên không chỉ hai tay tê cóng mà đôi môi cũng trở nên tím tái. Bất chợt có một cơn gió lạnh thổi qua làm thân thể Tử Khiên run rẩy dữ dội, ông bị sẩy tay làm dây cương tuột lỏng ra khiến xe ngựa cũng rung lắc theo. Bởi vì kỹ năng đánh xe của Tử Khiên xưa nay rất giỏi, hôm nay lại bị rớt dưới mức tiêu chuẩn, cha ông ngồi phía sau cả người bị rung lắc mạnh, vô cùng tức giận liền quất roi da lên người ông một cái. Cái quất roi này không có gì nghiêm trọng, mà áo Tử Khiên bị quất rách, bông lau bay ra ngoài. Thấy vậy, vẻ mặt của cha ông liền đột nhiên biến sắc, hai mắt bỗng rưng rưng: Hóa ra bên trong “áo bông” của Tử Khiên đều toàn là xơ bông lau sậy, chẳng có một miếng sợi bông tơ tằm nào! Làm sao có thể chịu đựng được thời tiết lạnh lẽo như vậy đây. Để con trẻ lạnh cóng như thế trong những ngày đông khắc nghiệt, phải chịu tội khổ như vậy, cũng là vì bản thân mình đã không làm tròn bổn phận của một người cha! Sau đó, ông lại nghĩ đến người vợ cùng giường chung gối với mình phẩm hạnh lại xấu ác như vậy, đối đãi với con trai riêng của mình lại tàn độc như thế. Cha của Tử Khiên liền lập tức quyết định đuổi người vợ kế của mình ra khỏi nhà. Sau khi nghe được chuyện này, Tử Khiên liền phủ phục quỳ trên mặt đất, nước mắt giàn dụa ôm cha mà nói rằng: “Mẫu tại nhất tử hàn, mẫu khứ tam tử đơn”. Chính là ý muốn nói rằng có mẹ ở đây, chỉ có một mình bản thân con bị lạnh, nhưng nếu mẹ không ở đây nữa, cả ba anh em trong nhà đều phải chịu cảnh cô quạnh, ăn đói chịu rét. Cha Tử Khiên rất cảm động trước những lời này, nên không đuổi người vợ kế đi nữa. Thấy Mẫn Tử Khiên trong tâm hoàn toàn không có chút oán hận nào với mình, người mẹ kế cũng bị ông làm cho cảm động và vô cùng hối hận về hành động của mình, từ đó bà cũng thương yêu Tử Khiên như con ruột của mình.

“Mẫu tại nhất tử hàn, mẫu khứ tam tử đơn”. Lời thuyết phục cha giữ lại mẹ kế của Tử Khiên đã được lưu truyền qua nhiều thời đại, hậu nhân không ai không ca ngợi lòng hiếu nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và tấm lòng thiện lương, thuần hậu của ông. Nếu như chúng ta không may cũng lớn lên trong một gia đình tương tự như Tử Khiên và chúng ta có thể chung sống hòa thuận với mẹ kế của mình mà không lời oán thán như ông, nhất định chúng ta sẽ có thể tránh được rất nhiều việc hiểu lầm, những sự tình tranh đấu cũng như những việc không vui vẻ khác. Câu chuyện của Tử Khiên đã nói cho chúng ta biết rằng chỉ cần chúng ta nguyện lòng dụng tâm, hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ từ tận đáy lòng, cho dù cha mẹ chúng ta có tệ đến đâu, cũng sẽ có một ngày họ sẽ cảm ngộ thấu hiểu.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/270056



Ngày đăng: 24-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.