Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (Hiếu) (5): Lão Lai mặc y phục sặc sỡ
Tác giả: Thiền Duyên
[ChanhKien.org]
Lão Lai Tử, là người nước Sở vào thời Xuân Thu, có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc đời và thân thế của ông. Trong “Sử Ký” đã hoài nghi cho rằng Lão Lai Tử chính là Lão Tử, tuy nhiên không hề được khảo chứng trong lịch sử, do vậy cũng không ai biết được tên thật của ông.
Lão Lai Tử bản tính rất hiếu thuận, ông mang những món ăn ngon nhất, đem những quần áo và đồ dùng tốt nhất để phụng dưỡng cha mẹ. Ông hết lòng quan tâm từng li từng tí một trong cuộc sống của cha mẹ, săn sóc cha mẹ vô cùng chu đáo. Dưới sự chăm sóc tỉ mỉ của ông, cha mẹ ông đã có một cuộc sống an vui hạnh phúc, trong gia đình tràn đầy sự hòa ái, bình yên và tốt lành.
Tuy rằng Lão Lai Tử đã ngoài 70 tuổi, nhưng trước mặt cha mẹ, ông chưa bao giờ nhắc đến chữ “già”. Bởi vì trên còn có cha mẹ, tuổi tác của họ đều lớn hơn của bản thân ông rất nhiều, mà người làm con nếu như mở miệng nói đến “già” thì cha mẹ chẳng phải sẽ càng cảm thấy bản thân họ đã như ngọn đèn trước gió, già cả lắm rồi hay sao? Hơn nữa, rất nhiều người ngay cả khi họ tuổi tác đã cao, con đàn cháu đống, nhưng bao giờ cũng coi con cái của họ như thể là trẻ con vậy.
Không khó để thấy rằng nếu một người đã bước qua tuổi thất tuần thì cha mẹ của ông ít nhất cũng đã ngoài 90 tuổi. Đối với đại đa số những người gần trăm tuổi thì thân thể đều tương đối yếu nhược, không chỉ lãng tai hoa mắt mà còn đi đứng bất tiện khó khăn. Nếu muốn nói chuyện với họ, có thể họ đã không thể nghe được rõ ràng nữa rồi. Bởi vì chân tay không còn linh hoạt lắm, cho dù muốn đưa họ đi khắp nơi để dạo chơi thăm thú thì cũng không phải là chuyện dễ dàng. Do đó cuộc sống của người già thường khá là cô quạnh và đơn điệu. Người thấu hiểu lòng cha mẹ như Lão Lai Tử rất thông cảm với tâm tình của họ, nên để cho cha mẹ được vui vẻ, ông đã dùng rất nhiều tâm sức hóa trang thành nhiều hình hài hoạt bát đáng yêu để pha trò khiến cha mẹ vui thích.
Một lần nọ, Lão Lai Tử cố ý lựa chọn một bộ y phục ngũ sắc sặc sỡ; vào ngày sinh nhật của cha ông, ông đã mặc bộ y phục này, giả trang thành dáng vẻ của một em bé, lăng xăng nhảy múa trước mặt cha mẹ. Vừa nô đùa vui chơi vừa thực hiện những bước nhảy nhẹ nhàng uyển chuyển, thật giống như là một đứa trẻ với tâm hồn ngây thơ thuần khiết, lại càng khiến cho người ta cảm thấy vui vẻ.
Lại có một lần, Lão Lai Tử đang gánh một gánh nước, vụt một bước đi qua phía trước phòng khách, rồi đột nhiên “ùm” một tiếng, làm ra một động tác té ngã khôi hài khiến cho cha ông bật cười ha hả. “Cái thằng bé này thật là nuôi hoài không lớn, giao cho chút việc nhỏ cũng làm không xong”. Mẹ ông cũng cười vui vẻ sau khi quở trách ông.
Một ngày nọ, đúng lúc có một đàn gà con xuất hiện bên cạnh phòng khách; Lão Lai Tử bỗng nhất thời hứng khởi, ông liền bắt chước động tác diều hâu bắt gà để diễn trò cho cha mẹ vui cười; thế là ngay lập tức gà bay chó sủa, náo nhiệt không thôi. Những con gà con chạy lăng xăng khắp nơi, trông thật dễ thương. Còn Lão Lai Tử lại cố ý giả bộ làm ra vẻ ngốc ngếch vụng về, tỏ ra hết sức nhọc nhằn khổ tâm, mà lại không thể làm được gì. Nhìn thấy cảnh này, cha mẹ ông cười đến nỗi không khép miệng lại được.
“Lễ Ký” viết rằng: “Hằng ngôn bất xưng lão”. Ý nghĩa là nói rằng phận làm con thì trước mặt cha mẹ vĩnh viễn không bao giờ nên nói bản thân mình đã già rồi. Để cha mẹ có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, Lão Lai Tử đã suy nghĩ hết mọi cách để làm họ yên lòng; trước mặt cha mẹ, ông đều luôn luôn tỏ ra giống như một đứa trẻ hoạt bát đáng yêu. Có thể nói, ông đã thể hiện được tường tận sâu sắc câu nói “thiện thể thân tâm” (làm cho cha mẹ an lòng) này. Trong hàng ngàn năm nay, gia đình hạnh phúc của ông vẫn luôn khiến người khác ao ước ngưỡng mộ và hết lời ngợi ca mãi.
Ngày đăng: 09-11-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.