Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (Hiếu) (2): Trọng Do vác gạo



Tác giả: Thiền Duyên

[ChanhKien.org]

Trọng Do là người nước Lỗ thời Xuân Thu, tự Tử Lộ, là học trò của Khổng Tử, cũng là một người con hiếu thảo.

Bởi vì từ nhỏ gia cảnh bần hàn, Trọng Do là người rất tiết kiệm, ông thường ăn rau dại sống qua ngày. Ông cảm thấy rằng bản thân mình ăn rau dại cũng không vấn đề gì, nhưng nếu cha mẹ cũng ăn như vậy sẽ không đủ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến thân thể của họ, vì thế mà ông rất lo lắng.

Trong nhà không có gạo, để cho cha mẹ được ăn cơm, Trọng Do phải đi xa hàng trăm dặm để mua, rồi lại vác gạo trở về nhà. Cách xa trăm dặm là quãng đường rất xa xôi, có lẽ ngày nay cũng ít có người có thể làm được một lần, hai lần, nhưng mà quanh năm bốn mùa thường xuyên như thế thì không hề dễ dàng chút nào. Thế nhưng Trọng Do lại vui vẻ sẵn lòng mà làm dù cho ngoài trời gió sương giá rét hay nắng gắt chói chang, ông đều không quản nhọc nhằn đi trên trăm dặm mua gạo, rồi vác về nhà cho cha mẹ.

Vào mùa đông, băng tuyết ngập trời, thời tiết rất lạnh giá; Trọng Do đầu đội lớp tuyết phủ dày, bước đi trên mặt sông đóng băng, từng bước từng bước mà tiến về phía trước. Đôi bàn chân bị lạnh đến mức tê cóng cả, hai tay ôm bao gạo quả thật bị lạnh cứng đến mức không thể chịu nổi; liền phải dừng lại, đưa tay lên miệng hà hơi một cái, sau đó ông lại tiếp tục gấp rút lên đường. Vào mùa hè, khi trời nắng nóng chói chang gay gắt, khắp người thấm đẫm mồ hôi, Trọng Do cũng không dừng lại nghỉ ngơi dẫu chỉ một chút, chỉ là vì để có thể sớm về nhà nấu cho cha mẹ một bữa cơm ngon miệng. Khi gặp phải mưa lớn, Trọng Do giấu bao gạo vào trong quần áo của mình, thà để bản thân dầm mưa ướt đẫm chứ cũng không để cho mưa lớn ướt vào bao gạo.

Gian khổ nhọc nhằn như thế ông vẫn kiên trì bền bỉ, thật sự không hề dễ dàng.

Sau khi cha mẹ qua đời, Trọng Do đi về phía Nam đến nước Sở. Vua nước Sở phong ông làm quan, đối đãi với ông rất trọng hậu, cấp phát bổng lộc rất hậu đãi, mỗi ngày ông đều được thiết đãi sơn hào hải vị, vừa ra khỏi cửa đã có hơn trăm xe ngựa tùy tùng, trải qua những ngày cuộc sống đầy đủ sung túc. Tuy vậy, Trọng Do cũng không vì điều kiện vật chất tốt mà cảm thấy vui vẻ, mà ngược lại thường xuyên cảm thán, bi thương cha mẹ đã sớm qua đời. Ông hy vọng biết bao rằng cha mẹ mình vẫn còn sống và cùng với ông hưởng một cuộc sống tốt đẹp như vậy! Nhưng cho dù ông muốn lại được vác gạo đi đi lại lại trăm dặm đường để phụng dưỡng cha mẹ thì vĩnh viễn không thể được nữa.

Hết lòng hiếu thảo không phải là dùng vật chất để đánh giá, mà là dựa trên lòng thành kính xuất phát từ nội tâm của bạn đối với cha mẹ. Trọng Do đáng quý chính là ở chỗ lòng hiếu thảo của ông đối với cha mẹ thật sự xuất phát từ tận nội tâm. Chính vì vậy, dù cho bôn ba trăm dặm vác gạo cho cha mẹ, ông chẳng những không cảm thấy vất vả, hơn nữa còn vui vẻ mà làm!

Câu chuyện Trọng Do vác gạo cũng đã truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai rằng lòng hiếu thảo không phân biệt địa vị, từ vua tôi cho đến dân thường, chỉ cần có lòng hiếu thảo thì dù trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào cũng có thể vượt qua, dốc hết sức mình làm vui lòng cha mẹ. Thực tế, thời gian chúng ta có thể hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ đang ngày càng ít đi, nên chúng ta phải làm điều đó khi cha mẹ còn sống, nếu như cha mẹ đã qua đời mà muốn báo hiếu thì hối hận cũng đã quá muộn màng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/270055



Ngày đăng: 08-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.