24 tiết khí (5): Kinh trập và Xuân phân



Tác giả: Trương Tuệ Châu – Đan Dương

[ChanhKien.org]

Kinh trập

Tiết kinh trập bắt đầu vào ngày 5 hoặc ngày 6 tháng 3 (dương lịch), khi mặt trời di chuyển đến đường hoàng kinh 345°. “Kinh trập” là chỉ về việc các loài côn trùng, sâu bọ (trập) ngủ đông trong đất bắt đầu chui ra hoạt động. Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Vạn vật xuất hồ chấn, chấn vi lôi, cố viết kinh trập”, nghĩa là vạn vật xuất phát từ chấn, chấn là sét, vì thế mới gọi là Kinh trập. Ở đây có sự liên hệ giữa tiếng sấm mùa xuân làm kinh động (kinh) bừng tỉnh các loài côn trùng (trập) ngủ đông.

Từ tiếng sấm vang trước hay sau tiết kinh trập có thể dự báo thời tiết sau đó, ví như có câu “vị qua kinh trập tiên đả lôi, tứ thập cửu thiên vân bất khai”, nghĩa là chưa qua tiết kinh trập mà trời nổ sấm, 49 ngày sau không thấy được mây, câu này đối với người nông dân thì có ý là trước và sau Kinh trập mà trời có sấm, thì năm đó mùa màng thất thu. Vào tiết kinh trập thời tiết lúc ấm lúc lạnh, thế nên có câu rằng: “băng kinh trập, noãn xuân phân”, nghĩa là tiết kinh trập mà lạnh thì đến tiết xuân phân sẽ ấm. Thời tiết gió trong tiết kinh trập cũng có thể là căn cứ để dự đoán khí hậu, như câu “kinh trập quát phong, tòng đầu lánh quá đông”, nghĩa là nếu đến kinh trập mà gió bắc vẫn thổi thì trời còn rét thêm một thời gian nữa.

Xuân phân

Xuân phân, thời cổ đại gọi là “nhật trung” hay “nhật dạ phân”, là một tiết khí phản ánh sự thay đổi của bốn mùa. Tiết xuân phân bắt đầu vào ngày 20 hoặc ngày 21 tháng 3 (dương lịch), khi mặt trời di chuyển đến đường hoàng kinh 0°. Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Nhị nguyệt trung, phân giả bán dã, thử đương cửu thập nhật chi bán, cố vị chi phân”, nghĩa là tiết trong tháng hai âm lịch, phân tức là phân làm hai, từ đó cho đến 90 ngày sau ngày đêm đều chia đôi, vì thế mới gọi là phân. Sách “Xuân thu phồn lộ – Âm dương xuất nhập thượng hạ” nói: “xuân phân, âm dương phân đôi, vì thế trong tiết xuân phân ngày và đêm dài bằng nhau, nóng và lạnh cân bằng”, cho nên ý nghĩa đầu tiên của xuân phân là chỉ thời gian một ngày chia làm hai phần, ngày và đêm bằng nhau, mỗi thứ 12 giờ; thứ hai là, người xưa lấy quãng thời gian từ lập xuân đến hạ chí là mùa xuân, xuân phân là nằm trong giữa ba tháng đó, phân mùa xuân làm đôi.

Về thời tiết trong tiết xuân phân, khi cái giá rét đã qua đi, nhiệt độ tăng lên khá nhanh thì đất trời ngập tràn cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân. Khi này rặng liễu xanh rủ bóng, chim én bay lượn, cây cỏ sinh trưởng. Có câu “Tháng 2 kinh trập lại đến xuân phân, trồng trọt bón phân thâm canh”, xuân phân cũng là thời điểm tốt để trồng rừng, trong bài “Xuân nhật điền gia” Tống Uyển có viết: “Dạ bán phạn ngưu hô phụ khởi, Minh triêu chủng thụ thị xuân phân”, tức là nửa đêm thức dậy cho trâu ăn, đánh thức vợ dậy, bàn chuyện ngày mai xuân phân trồng cây. Âu Dương Tu cũng có miêu tả sinh động các hoạt động trong tiết xuân phân như sau: “Nam viên xuân bán đạp thanh thời, phong hòa văn mã tê, thanh mai như đậu liễu như mi, nhật trường hồ điệp phi”, nghĩa là khi đi chơi xuân ở vườn phía nam nghe tiếng ngựa hí trong gió, mơ xanh nhiều như đậu, liễu mọc như hàng mi, ngày dài bướm bay lượn.

Dịch từ:

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/3.html

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/4.html



Ngày đăng: 24-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.