24 tiết khí (8): Mang chủng và Hạ chí



Tác giả: Trương Tuệ Châu – Đan Dương

[ChanhKien.org]

Mang chủng

Mang chủng là tiết khí thứ chín trong 24 tiết khí. Mang chủng phản ánh vật hậu (ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu đến sự phát triển của sinh vật), “mang” chỉ những cây trồng có râu nhọn như đại mạch, tiểu mạch bắt đầu chín thì cần phải cắt đi, “chủng” nghĩa là hạt giống, hay gieo trồng ngũ cốc, kê, cao lương… đây là thời điểm bận rộn nhất. Có người hiểu “mang (芒) chủng” thành “mang (忙) chủng” (nghĩa là bận rộn gieo trồng). Tiết mang chủng bắt đầu vào khoảng ngày 5 hoặc ngày 6 tháng 6 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 75°. Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Tiết tháng 5 là thời điểm những cây trồng có râu nhọn có thể thu hoạch được”. Ý nói rằng đã đến lúc cần nhanh chóng thu hoạch tiểu mạch, đại mạch và các loại ngũ cốc khác. Có câu “Xuân tranh nhật, hạ tranh thời” (mùa xuân tranh thủ từng ngày, mùa hạ tranh thủ từng giờ), “tranh thời” ở đây chỉ việc thu hoạch của nhà nông bận rộn vào thời gian này. Người ta thường nói “tam hạ” là bận rộn nhất, chỉ ba việc thu hoạch vụ hè, gieo hạt vụ hè và gieo trồng vụ đông. Sau tiết Mang chủng, vùng hạ lưu sông Trường Giang, Trung Quốc bước vào mùa mưa dầm.

Vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang ở Trung Quốc lưu truyền rất nhiều câu tục ngữ dân gian liên quan đến hiện tượng mưa dầm này, ở đây chúng tôi tập hợp được một số câu.

“Tam cửu khiếm đông phong, Hoàng mai vô đại vũ”. Câu tục ngữ nghĩa là vào thời điểm tam cửu [1] mà không có gió đông thổi, hoặc gió đông thổi ít, thì lượng mưa trong tiết mang chủng sẽ ít. Ngày đầu tiên của tam cửu cách ngày đầu tiên của tiết mang chủng khoảng 150 ngày. Gió đông thổi trong thời gian tam cửu có liên hệ mật thiết với lượng mưa trong tiết mang chủng.

Còn có rất nhiều câu tục ngữ khác dựa vào đặc điểm thời tiết mùa đông để dự đoán lượng mưa, ví dụ câu “Tịch nguyệt lí đa tuyết, thủy hoàng mai” (tháng chạp tuyết rơi nhiều thì mưa dầm nhiều), nghĩa là nói đến mối quan hệ giữa tuyết trong tháng 12 với mưa dầm.

“Hàn thủy khô, hạ thủy khô”, chữ “khô” chỉ lượng mưa ít. Câu tục ngữ này nói rằng nếu mùa đông mưa ít thì sẽ mưa dầm ít.

“Phát tẫn đào hoa thủy, tất thị hạn hoàng mai”, ” đào hoa thủy” chỉ mưa trong thời gian hoa đào nở vào tiết thanh minh hoặc tháng tư. “Hạn hoàng mai” chỉ mưa dầm ít hoặc mưa dầm đến muộn trong tiết Mang chủng. Ở vùng hạ du sông Trường Giang, nếu trong thời gian hoa đào nở vào tiết thanh minh hoặc tháng tư mà có nhiều mưa, được dân gian gọi là “phát tẫn đào hoa thủy”, thì sang tiết mang chủng mưa dầm sẽ ít, hoặc mưa dầm đến muộn. Câu tục ngữ “Đào hoa lạc tại nê tương lí, đả mạch đả tại bồng trần lí; đào hoa lạc tại bồng trần lí, đả mạch đả tại nê tương lí” cũng có ý nghĩa tương tự.

“Xuân thủy phô, hạ thủy khô”, “phô” chỉ lượng mưa nhiều so với hàng năm. Câu tục ngữ ý nói rằng, nếu mưa vào mùa xuân nhiều thì đến mùa hè mưa dầm sẽ ít, dễ xuất hiện khô hạn. Câu này đồng nghĩa với “phát tẫn đào hoa thủy, tất thị hạn hoàng mai”, đều quan sát lượng mưa mùa xuân để dự báo mưa dầm.

“Hành đắc xuân phong, tất hữu hạ vũ”, xuân phong nghĩa là gió mùa xuân, chỉ gió ở hướng đông (phần nhiều là gió đông nam), mưa mùa hạ chỉ mưa dầm. Câu tục ngữ có ý rằng, năm nào mùa xuân mà có nhiều gió đông thì mưa dầm mùa hạ thường nhiều.

“Tiểu mãn bất mãn, hoàng mai bất quản”, nói rằng tiết tiểu mãn và tiết mang chủng có liên quan với nhau về lượng mưa, nếu tiết tiểu mãn mưa ít thì đến tiết mang chủng lượng mưa cũng sẽ ít, hoặc hoàng mai (mưa phùn) đến chậm.

Những câu tục ngữ dân gian kể trên là những kinh nghiệm quý báu về thời tiết, có độ chính xác lên đến trên 70%, xem ra còn “khoa học” hơn những dự báo thời tiết được xây dựng trên cơ sở khoa học hiện đại.

Hạ chí

Hạ chí là tiết khí thứ 10 trong 24 tiết khí. Chí có nghĩa là cực, ngày hạ chí là ngày có đường đi của mặt trời dài nhất. Vào ngày này (ở bắc bán cầu) ngày dài nhất, đêm ngắn nhất, thời tiết bắt đầu nóng nực. Thông thường mỗi năm tiết hạ chí bắt đầu vào khoảng ngày 21 tháng 6 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 90°. Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Hạ chí là tiết trong tháng năm, Hạ, chính là lớn lên, chí cũng là cực, vạn vật đến lúc này đều sinh trưởng lớn lên mà đến chí cực”, tức là vạn vật sinh trưởng tươi tốt, bắt đầu trưởng thành. “Hán học đường kinh giải” trong “Tam lễ nghĩa tông” của Thôi Linh Ân viết: “Hạ chí là tiết giữa mùa hạ, chí có ba nghĩa, một là khí dương lên đến chí cực, hai là khí âm bắt đầu sinh, ba là mặt trời ở cực bắc, vì thế mới gọi là chí”. Ngày hạ chí mặt trời ở vị trí cao nhất trên bầu trời, ánh sáng gần như chiếu thẳng tới cực bắc, ngày ở bắc bán cầu dài nhất, đêm ngắn nhất; sau ngày hạ chí, ánh mặt trời dần chuyển vị trí đến nam bán cầu, ngày bắt đầu ngày một ngắn đi.

Việc tế tự trong ngày hạ chí có từ thời nhà Chu, người ta cho rằng làm thế có thể tiêu trừ dịch bệnh, mất mùa và nạn đói. Sách “Chu lễ xuân quan thần sĩ” viết: “Dĩ đông nhật chí trí thiên thần nhân quỷ, dĩ hạ nhật chí trí đích phương vật mị, dĩ (thị hội) quốc chi hung hoang, dân chi trát tang”, nghĩa là ngày đông chí khí dương thăng lên mà tế quỷ thần, ngày hạ chí khí âm thăng lên mà tế trời đất vật mị (thần của trăm vật). Tế nhân quỷ ở tổ đường, tế vật mị ở đàn. Sách “Chu lễ xuân thân đại tư lạc” viết: “Ngày đông chí, lập đàn tế trong cung đình, tấu nhã nhạc lục biến thì Thiên thần sẽ giáng xuống. Ngày hạ chí, lập đàn tế trên sông thì Thần thổ địa sẽ xuất hiện”. Tế thiên địa nhân thần đều phải thuận theo người và vật.

Y học cổ đại có câu nói “đông chí nhất dương sinh, hạ chí nhất âm sinh”, cho rằng cơ thể con người nếu phù hợp với âm dương bốn mùa thì sẽ không sinh bệnh, đây là quan điểm về quy luật vận hành âm dương “thiên nhân hợp nhất” của y học cổ đại Trung Quốc. Từ đó ta có thể nhận thấy khoa học cổ đại Trung Quốc coi cơ thể người, sinh mệnh và vũ trụ là một thể thống nhất, nó đi con đường hoàn toàn khác với khoa học hiện đại coi con người, sinh mệnh và vũ trụ là tách rời.

[1] Tam cửu: Thời xưa người ta chia 81 ngày tính từ đông chí thành 9 phần để biểu hiện thời tiết chuyển biến từ lạnh đến hàn rồi về ấm. Tam cửu là ngày từ thứ ngày 18 đến thứ ngày 27, tam cửu cùng với tứ cửu được coi là những ngày lạnh nhất trong năm.

Dịch từ:

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/9.html

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/10.html



Ngày đăng: 04-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.