24 tiết khí (7): Lập hạ và Tiểu mãn



Tác giả: Trương Tuệ Châu – Đan Dương

[ChanhKien.org]

Lập hạ

Lập hạ là tiết khí thứ bảy trong 24 tiết khí. Tiết lập hạ bắt đầu vào khoảng ngày 5 hoặc ngày 6 tháng 5 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 45°. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Lập hạ vào tiết tháng tư, chữ lập này tương tự như lập trong lập xuân, nghĩa là bắt đầu. Hạ, chính là lớn lên, vạn vật đến lúc này đều sinh trưởng lớn lên”.

Vào tiết lập hạ, vạn vật xanh tươi đẹp đẽ, thực vật đâm hoa kết quả. Sách Liên sinh bát tường của triều Minh viết: “Tháng đầu mùa hạ, trời đất bắt đầu giao thoa, vạn vật tươi tốt”. Sách Lễ ký – Nguyệt lệnh giải thích về lập hạ như sau: “Dế kêu, giun bò lên mặt đất, quả dưa vàng kết trái, rau cúc sữa mọc tươi tốt”. Quang cảnh trong tiết lập hạ được miêu tả sinh động như sau: ếch bắt đầu kêu huyên náo, giun bò ra từ bùn đất, rau dại bên bờ ruộng bắt đầu mọc lên.

Sách Hoàng đế nội kinh, thiên Tố vấn – Tứ khí điều thần đại luận viết: “Ba tháng hè, được gọi là tháng sinh sôi tươi tốt; khí trời đất giao thoa, vạn vật đâm hoa kết quả”. Ba tháng hè chỉ thời gian từ lập hạ đến trước lập thu. Tâm thông với khí mùa hạ, ý nói tim là dương, vào mùa hè là sung mãn nhất, công năng mạnh nhất. Cho nên, trong phép dưỡng sinh của mùa hè đặc biệt chú trọng dưỡng tim.

Sách Y học nguyên lưu luận viết: “Tâm là chủ toàn thân, tạng phủ và xương cốt đều nghe lệnh của tâm, vì thế tâm là quân chủ. Tim là tinh thần, cho nên có vai trò như thần linh”. Con người và tự nhiên là một thể hoàn chỉnh thống nhất, sự biến đổi tăng giảm âm dương bốn mùa trong tự nhiên có liên quan chặt chẽ và tương thông với công năng hoạt động của ngũ tạng trong cơ thể người.

Trung Quốc từ xưa đến nay rất coi trọng tiết khí lập hạ. Dựa theo ghi chép thời nhà Chu, vào ngày mùa hạ, đế vương sẽ đích thân suất lĩnh văn võ bá quan ra ngoài “nghênh hạ”, và lệnh cho các quan tư đồ các nơi dạy nông dân tranh thủ canh tác.

Tiểu mãn

Tiểu mãn bắt đầu vào khoảng ngày 21 hoặc ngày 22 tháng 5 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 60°. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Tiểu mãn là tiết tháng tư, vào tiết tiểu mãn mọi vật từ tiểu (ít) trở thành mãn (tràn đầy)”. Lúc này cỏ cây bắt đầu sum xuê, cái nóng mùa hạ làm ngũ cốc lên đồng trổ bông, hạt bắt đầu chắc mẩy nhưng vẫn chưa chín, vì thế mà gọi là tiểu mãn.

Ngạn ngữ về nông nghiệp ở vùng Tứ Xuyên lại giải thích về tiểu mãn với ngụ ý mới: “Tiểu mãn bất mãn, can đoạn tư khảm (tiểu mãn nước không đầy, hạn hán nghĩ tới hồ nước)”; “Tiểu mãn bất mãn, mang chủng không quản (tiểu mãn nước không đầy, tiết mang chủng không quản)”. Hai câu thành ngữ trên dùng chữ “bất mãn” (không đầy) để mô tả việc khan hiếm mưa và nước, chỉ ra rằng trong tiết tiểu mãn ngoài đồng ruộng mà không tích đủ nước thì sẽ có thể dẫn đến bờ ruộng nứt nẻ, thậm chí đến tiết mang chủng cũng không thể trồng được lúa nước. Vì rằng “lập hạ, tiểu mãn chính là lúc gieo mạ”, “nhanh chóng gieo hạt vào tiểu mãn để kịp thu hoạch vào mùa thu”, tiểu mãn chính là thời gian phù hợp để trồng lúa nước.

Còn nông dân ở vùng Quảng Đông lại có câu nói rằng “Tiểu mãn, đại mãn nước sông đầy”, ý nói thời gian này là thời kỳ tập trung lượng nước mưa trước mùa lũ, đồng thời cũng là thời kỳ quan trọng để phòng lũ.

Dịch từ:

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/7.html

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/8.html



Ngày đăng: 01-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.