24 tiết khí (6): Thanh minh và Cốc vũ



Tác giả: Trương Tuệ Châu – Đan Dương

[ChanhKien.org]

Thanh minh

Thanh minh là tiết khí thứ năm trong 24 tiết khí, tiết thanh minh bắt đầu vào khoảng ngày 4 hoặc ngày 5 tháng 4 (dương lịch) hàng năm, khi mặt trời di chuyển đến đường hoàng kinh 15°. Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Thanh minh là tiết tháng 3 … vạn vật đến lúc đó đều tinh khiết và trong sáng”. Sách “Đế kinh tuế kí thắng” thời Thanh chép rằng: “vạn vật sinh trưởng lúc ấy đều thanh tịnh, tinh khiết, trong sáng, vì thế mới gọi là thanh minh”. Vào tiết thanh minh, thời tiết dần dần chuyển sang ấm áp, băng tuyết tan chảy, cỏ cây xanh tốt, phong cảnh thanh khiết tươi sáng của mùa xuân đã thay thế cho cảnh tượng cỏ cây khô héo, xác xơ, tiêu điều của mùa đông. Bầu không khí khi này trở nên trong trẻo và quang đãng, vạn vật bừng bừng vươn lên.

Thanh minh cũng là tiết khí duy nhất trong 24 tiết khí trở thành một ngày lễ dân gian Trung Quốc với lịch sử hơn 2000 năm. Vào trước và sau tiết thanh minh thường có mưa phùn rơi lất phất, gió thổi nhè nhẹ, vì thế có câu rằng “Triêm y dục thấp hạnh hoa vũ, xuy diện bất hàn dương liễu phong” (Mưa trên cây hoa hạnh làm áo ướt nhẹ, gió trên cành dương liễu thổi vào mặt không lạnh) [2]. Cảnh sắc đẹp như tranh vẽ, vào thời điểm này người ta có tập tục truyền thống là đạp thanh du xuân (đạp thanh: đi chơi trong tiết thanh minh) và tảo mộ. Thi nhân đời Đường là Đỗ Mục có câu thơ nổi tiếng miêu tả sinh động về mùa xuân như sau: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân, lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn….” (Tiết thanh minh mưa rơi lất phất; Người đi đường mang vẻ âu sầu)[3]

Nguồn gốc của tiết thanh minh

Trong văn hoá Trung Quốc có một câu chuyện truyền thuyết cảm động lòng người liên quan đến tiết thanh minh. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, đại công tử của nước Tấn là Trùng Nhĩ bị gian thần hãm hại, may nhờ có sự bảo hộ của đại thần Giới Tử Thôi (còn gọi là Tử Suy) mà thoát được, phải lưu vong sang nước khác. [1]

Có một ngày khi đến một ngọn núi lớn thì họ bị lạc đường, mấy ngày đêm liên tiếp không có gì để ăn, công tử Trùng Nhĩ bị đói đến mức hoa mắt chóng mặt không còn sức đi. Giới Tử Thôi đã cắt lấy một miếng thịt đùi của mình nướng lên đưa cho công tử Trùng Nhĩ ăn. Ăn xong công tử hỏi thịt lấy từ đâu, Giới Tử Thôi nói rằng đó là miếng thịt ở trên đùi mình. Công tử Trùng Nhĩ cảm động nói: “Ông đối đãi với ta tốt như thế, ngày sau ta báo đáp ông thế nào đây?” Giới Tử Thôi nói: “Tôi không cần báo đáp, nhưng xin ngài đừng quên nỗi đau cắt thịt của tôi, xin hãy nghĩ đến phép trị quốc nhiều hơn, hy vọng sau này ngài sẽ trở thành một vị quân vương anh minh”.

Cuối cùng sau 19 năm lưu vong, công tử Trùng Nhĩ về nước làm Tấn vương, trở thành Tấn Văn Công nổi danh thời Xuân Thu Ngũ Bá. Ông phong thưởng cho các thần tử đã đi theo ông, cùng ông đồng cam cộng khổ, duy chỉ quên mất Giới Tử Thôi. Có người đến trước mặt Tấn Văn Công kêu oan cho Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công bỗng nhớ ra chuyện cũ, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, lập tức cho người đi mời Giới Tử Thôi lên triều để phong thưởng. Nhưng đến mời mấy lần mà Giới Tử Thôi không đi, Tấn Văn Công chỉ còn cách đích thân đến mời. Tuy nhiên khi đến nhà Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công chỉ thấy cửa lớn đóng chặt, Giới Tử Thôi không muốn gặp nhà vua nên đã cõng mẹ già trốn vào núi Miên Sơn (nay thuộc đông nam huyện Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây).

Tấn Văn Công sai ngự lâm quân lên núi Miên Sơn tìm kiếm, nhưng cũng không tìm thấy. Lúc này có người đề ra một cách phóng hỏa đốt núi, đốt ba mặt còn chừa ra một mặt thì Giới Tử Thôi sẽ tự đi ra [4]. Tấn Văn Công nghe theo liền ra lệnh phóng hỏa đốt núi, nào ngờ lửa to cháy ba ngày ba đêm, sau khi lửa tắt mà vẫn không thấy Giới Tử Thôi đi ra. Tấn Văn Công lên núi tìm thì thấy hai mẹ con Giới Tử Thôi ôm nhau chết cháy ở dưới gốc cây liễu, Tấn Văn Công nhìn thi thể của Giới Tử Thôi khóc mà bái lạy một hồi, rồi cho người an táng ông, sau đó phát hiện ra sau lưng Giới Tử Thôi che một hốc cây liễu, trong hốc cây có vẻ như có thứ gì đó, móc ra xem thì ra là một vạt áo, trên đó có viết một bài huyết thơ:

Cát nhục phụng quân tận đan tâm, đãn nguyện chủ công thường thanh minh.

Liễu hạ tác quỷ chung bất kiến, cường tự bạn quân tác gián thần.

Thảng nhược chủ công tâm hữu ngã, ức ngã chi thì thường tự tỉnh.

Thần tại cửu tuyền tâm vô quý, cần chính thanh minh phục thanh minh.

Tạm dịch:

Chân thành cắt thịt phụng sự vua, mong chủ công luôn thanh minh

Ta chết dưới gốc liễu mà không gặp, hơn là làm một quan viên hầu cận vua

Nếu như chủ công nhớ đến thần, xin ngài thường xuyên soi xét mình

Thần nơi cửu tuyền không hối tiếc, chỉ mong ngài cần chính thanh minh khôi phục thanh minh

Tấn Văn Công mang bức huyết thư cất vào trong tay áo, rồi an táng hai mẹ con Giới Tử Thôi ở dưới gốc cây liễu cháy đen đó. Lúc rời đi, Tấn Văn Công chặt một đoạn cây liễu cháy đen mang về cung làm thành một đôi guốc mộc, hàng ngày khi đi guốc vào chân đều than rằng “túc hạ (dưới bàn chân) thật đáng thương”. Vì thế “túc hạ” trở thành cách xưng hô kính trọng của người xưa giữa những người ngang hàng cùng vai vế, nghe nói bắt nguồn từ câu chuyện này.

Đến năm sau, Tấn Văn Công dẫn theo quần thần, mặc quần áo trắng đi bộ lên núi cúng tế Giới Tử Thôi để biểu thị sự thương tiếc. Khi đến trước mộ phần, mọi người thấy cây liễu cháy đen kia nay đã sống lại, cành lá xanh tươi lung lay trong gió. Tấn Văn Công thấy cây liễu già sống lại như nhìn thấy Giới Tử Thôi vậy. Sau khi cúng tế xong, Tấn Văn Công ban cho cây liễu già danh xưng là “thanh minh liễu”, và đặt tên cho ngày đó là tiết thanh minh.

Về sau, Tấn Văn Công thường mang bức huyết thư bên mình như lời răn đe nghiêm khắc nhắc nhở ông trong việc trị quốc. Tấn Văn Công cần chính thanh minh chăm lo việc nước, cai trị đất nước rất tốt. Người dân nước Tấn được an cư lạc nghiệp, thường vô cùng nhớ tiếc Giới Tử Thôi có công không nhận ban thưởng, không màng trân bảo. Mỗi năm đến ngày mất của ông, để tưởng niệm ông mọi người đều không đốt lửa, chỉ dùng bột mì và mứt táo nặn thành hình chim én, rồi dùng cành liễu xuyên qua cắm ở trước cổng để gọi linh hồn ông, người ta gọi đó là “Chi Thôi Yến” (chim yến Chi Thôi – Giới Tử Thôi còn được gọi là Giới Chi Thôi). Cũng từ đó về sau, tết hàn thực và tiết thanh minh trở thành một ngày lễ long trọng của người dân trên khắp Trung Quốc. Mỗi khi đến tết hàn thực mọi người không nhóm lửa thổi cơm, chỉ ăn đồ ăn lạnh. Ở phương Bắc, người dân chỉ ăn các đồ ăn lạnh đã được làm từ trước như bánh táo hoặc bánh lúa mạch v.v.; ở phương Nam, đa phần ăn bánh ngải cứu và bánh củ sen. Vào mỗi dịp thanh minh mọi người thường lấy nhành liễu tết thành vòng tròn đội lên đầu, để cành liễu ở trước và sau nhà để tưởng nhớ Tử Thôi.

[1] Ở Việt Nam câu chuyện này gắn liền với sự tích Tết Hàn thực

[2] Đây là hai câu thơ trong bài “Tuyệt cú” của Chí An thiền sư

[3] Đây là hai câu thơ trong bài “Thanh minh” của Đỗ Mục

[4] Theo một số ghi chép thì Giới Tử Thôi là một người rất có hiếu, người nêu ra kế sách đốt núi cho rằng ông Tử Thôi rất có hiếu như thế, khi thấy núi bị đốt thì sẽ cõng mẹ đi ra.

Cốc vũ

Cốc vũ là tiết khí thứ sáu trong 24 tiết khí, bắt đầu vào khoảng ngày 20 hoặc ngày 21 tháng 4 (dương lịch), khi mặt trời di chuyển đến đường hoàng kinh 30°. Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Cốc vũ là tiết trong tháng ba, sau tiết vũ thủy, đất đai phì nhiêu, nay lại thêm mưa nên khe suối có nước. Trong tiếng Trung chữ (雨) đọc theo thanh bốn (thanh từ cao xuống thấp), như âm thanh mưa rơi trên ruộng lúa. Đến thời điểm này là gieo hạt ngũ cốc, từ trên mà ném xuống”. Vì thế, người xưa gọi là “vũ sinh bách cốc” (mưa sinh ra trăm loại ngũ cốc). Thời tiết khi này ôn hòa, lượng mưa tăng cao rõ rệt, điều này rất quan trọng đối với sự sinh trưởng phát triển của thực vật.

Có rất nhiều câu ngạn ngữ về dự báo thời tiết liên quan đến cốc vũ, như “Cốc vũ âm trầm trầm, lập hạ vũ lâm lâm” (cốc vũ trời âm u, lập hạ mưa tuôn) hay như “Cốc vũ hạ vũ, tứ thập ngũ nhật vô can thổ” (cốc vũ hạ vũ 45 ngày đất chẳng khô) v.v.

Hoa mẫu đơn, loài hoa được mệnh danh là vua của các loài hoa, lại có tên tục là hoa cốc vũ. Âu Dương Tu từng nói: “Hoa Lạc nở vào dịp cốc vũ”, hoa lạc ở đây chỉ hoa mẫu đơn ở Lạc Dương. Tiết cốc vũ là thời điểm cuối của ba tháng mùa xuân, cái se lạnh của mùa xuân đã hết, cái nắng hè chói chang đã đến, cỏ cây tươi tốt, chim én bay lượn, khí hậu ấm áp dễ chịu cho con người, đây là thời điểm tốt để đi chơi xuân, thời điểm cuối xuân này hoa mẫu đơn đang nở, khiến cho người người du xuân thêm phần hứng khởi.

Dịch từ:

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/5.html

https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/6.html



Ngày đăng: 30-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.