24 tiết khí: Biến hóa của Âm Dương đằng sau tiết khí Mang Chủng



Tác giả: Minh Minh

[ChanhKien.org]

Lời người biên tập: Nền văn hóa thần truyền 5000 năm bác đại tinh thâm của Trung Quốc, có thể nói là khởi điểm và cũng là đỉnh cao của văn minh nhân loại. Lý của âm dương thái cực là quy luật vận hành của hệ ngân hà chúng ta, nó thể hiện trong vạn sự vạn vật, chỉ khi quan sát một cách cẩn thận, tỉ mỉ mới hiểu được sự kỳ diệu của nó. Bạn sẽ phát hiện vũ trụ này là có trật tự, không mảy may sai lệch dù chỉ một li, nó giống như chiếc đồng hồ khổng lồ đang vận hành vậy. 24 tiết khí, 72 hậu chính là đại biểu cho nguyên lý biến hóa Âm Dương này. Từ đây chúng ta có thể thấy được những lời dối trá của thuyết vô thần và thuyết tiến hóa chưa cần đánh đã tự tan. Chúng tôi hy vọng bài viết này có thể khởi được tác dụng “tung gạch nhử ngọc” (gợi ý vấn đề để lôi cuốn mọi người vào cuộc thảo luận bổ ích). Độc giả nào quan tâm có thể gửi thêm bài viết cho chúng tôi, các bài viết không chỉ giới hạn ở đề tài 24 tiết khí, chỉ cần là những bài viết có nội dung nói lên nội hàm và tinh túy của văn hóa truyền thống mà cổ nhân tuân theo nhằm phá vỡ những gì còn sót lại của thuyết vô thần, thuyết tiến hóa, và hồng dương văn hóa thần truyền đều được đón nhận.

24 tiết khí và 72 hậu là một bộ tập hợp các nhận thức về không gian thời gian, quan sát những biến đổi mà người xưa lĩnh ngộ một cách sâu sắc có hệ thống về các quy luật biến đổi của vật hậu, khí hậu, thời tiết các mùa, từ đó có thể thể ngộ được nội hàm thâm sâu của văn hóa truyền thống.

Câu thơ “Thời vũ cập mang chủng, Tứ dã giai tháp ương” có ý gì? Ý là vào tiết Mang Chủng mưa nhiều, người dân khắp nơi tấp nập ra đồng gieo mạ, cấy lúa. Ngày mùng 6 tháng 6 năm nay là Tiết Mang Chủng – là tiết khí thứ chín nằm trong 24 tiết khí, nó đánh dấu sự chính thức bắt đầu của Tiết trọng hạ (giữa mùa hạ).

Chữ “芒 – Mang” được hiểu là râu hay vòi nhụy của các loại ngũ cốc, lúa mì, ngô, lúa mạch, đã đến lúc được thu hoạch, chữ “种 – Chủng” là chỉ các loại như ngô, thóc hay ngũ cốc được dùng để làm hạt giống. Có thể hiểu “芒种 – Mang Chủng” chính là chỉ vụ mùa thu hoạch những hạt giống đã chín già của mùa hè và chuẩn bị cho mùa vụ gieo trồng hoa màu vào mùa thu. Trong 24 tiết khí, không có tiết khí nào giống như tiết khí Mang Chủng, mang đến cho người ta đồng thời hai cảm nhận, cảm nhận niềm vui khi thu hoạch và gian nan khi gieo trồng. Nó vừa là điểm cuối cùng và cũng là điểm khởi đầu. Người xưa có những câu ngạn ngữ nhà nông về tiết Mang Chủng như thế này: “Mang chủng mang, Mang trữ chủng”, “Mang chủng bất chủng, Tái chủng vô dụng” (dịch nghĩa: Mang Chủng đến, bận gieo trồng; Mang Chủng đến không gieo trồng, Mang Chủng đi gieo trồng cũng vô dụng), “Mang chủng tháp ương cốc mãn tiêm, Hạ chí tháp đích kết bán biên” – câu ngạn ngữ này có ý nghĩa là: cấy mạ vào tiết Mang Chủng sẽ được mùa màng bội thu, nhưng nếu cấy mạ vào Hạ chí thì thu hoạch sẽ kém hơn rất nhiều, hai thời điểm chỉ cách nhau có một tiết khí tương đương 15 ngày mà thôi, cũng chính là có ý nhắc nhở người dân sớm cấy mạ cho đúng vụ. Qua đây ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc nắm bắt thời vụ mà canh tác kịp thời, cũng có ý rằng có vàng cũng khó mua nổi thời vụ.

Mỗi một tiết khí đều có tiêu chí vật hậu khá rõ ràng, mỗi tiết khí thường được phân thành “ba hậu”, do đó 24 tiết khí sẽ có 72 hậu. Đến mùa Mang Chủng, biến hóa của khí trong trời đất cũng tiến sang một bước ngoặt trọng đại, nó được thể hiện tại ba hậu của Mang Chủng: Sơ hậu là “Đường lang sinh”, hậu thứ hai là “Quyết thủy minh”, hậu thứ ba là “Phản thiệt vô thanh”, mỗi hậu cách nhau 5 ngày, do đó có 15 ngày trong một mùa Mang Chủng.

Sơ hậu, bọ ngựa (đường lang) sinh sôi nảy nở, bọ ngựa thường đẻ trứng vào cuối mùa thu năm trước, do cảm nhận được khí âm mà chúng phá vỡ vỏ chui ra ngoài. Hậu thứ hai: Quyết thủy minh, có nghĩa là tiếng hót của chim Bách Thiệt, khi những tiếng chim hót bắt đầu xuất hiện trên những tán cây, đó là do chúng cảm nhận thấy hỉ âm mà hót, điều này có nghĩa là trong dương khí giữa mùa hè nóng như lửa, vẫn có khí âm đang âm thầm lặng lẽ sinh sôi. Hậu thứ ba: Phản thiệt vô thanh, có nghĩa là hỉ âm của bọ ngựa và chim Bách Thiệt tương phản lại với chim nhại, chim nhại có thể cảm nhận khí dương mà mô phỏng tiếng hót của trăm loại chim vào mùa xuân, nhưng vì có chút khí âm sinh ra mà nó ngừng hót.

Rất rõ ràng, sự xuất hiện của ba vật hậu này đều có liên quan đến sự ra đời ban đầu và dần dần tăng trưởng của khí âm.

Con người ở trong hiện tượng khí dương đang lên đến mức mạnh mẽ cực thịnh, cảm giác như ở dưới mặt trời nóng bỏng thiêu đốt, dưới cái nóng nực của thời tiết giữa mùa hè này làm sao người ta có thể cảm thấy và quan sát được khí âm đang âm thầm sản sinh một cách lặng lẽ? Làm sao ta có thể biết được dưới vẻ ngoài như thiêu đốt đó, vạn vật đang âm thầm phát sinh những biến đổi vô cùng vi tế, mà những biến đổi đó chính là bản chất của biến hóa?

Các bạn độc giả thân mến, các bạn có cảm thấy kinh ngạc trước trí huệ và khả năng quan sát “thấy mầm biết cây” (kiến vi tri trứ) của cổ nhân không?

Theo hiểu biết của người dịch: Mỗi một tiết khí đều tái hiện những vật hậu tương ứng gọi là hậu ứng. Có các thực vật hậu ứng như, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở, lúa chín… Có động vật hậu ứng như, côn trùng kêu, chim hót, chim thú săn mồi, hồng nhạn thiên di… Có phi sinh vật hậu ứng như sấm, chớp, cầu vồng, mưa gió, băng đóng, băng tan… Phản ánh những diễn biến thông thường trong một năm và cho thấy một đời sống thuận ứng tự nhiên hài hoà, trôi chảy, cho thấy vạn vật bình đẳng, tự nhiên phô diễn sự sống của mình trong vòng tuần hoàn xuân hạ thu đông miên viễn.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/283690



Ngày đăng: 29-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.