24 tiết khí: Lời tựa



Tác giả: Trương Tuệ Châu – Đan Dương

[ChanhKien.org]

Tổ tiên thông minh của chúng ta, từ hàng nghìn năm trước đã phát minh ra lịch pháp. Đẩu chuyển tinh di, mặt trời mọc mặt trăng lặn, đông qua xuân tới, thu đến hạ đi, quả là thời gian cuồn cuộn trôi. Chẳng mấy chốc, dựa theo cách tính lịch pháp của chúng ta, thời gian đã trôi qua nghìn năm xuân hạ thu đông rồi. Nhưng, đến nay (thời điểm bài viết là năm 2004 theo Tây lịch) đã định ra một cái bắt đầu hoàn toàn mới để đưa tiễn cái cũ đón cái mới, tiếp nối người trước, mở lối cho người sau; bỏ cũ để tiếp thu cái mới, ánh huy hoàng của văn minh truyền thống Trung Hoa sẽ lần nữa chiếu sáng và nở rộ tại nhân gian.

Lịch pháp Trung Quốc, thực ra là một bộ phận của nhận thức về thiên nhân hợp nhất của văn minh truyền thống Trung Quốc. Lão Tử nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo” (chương 25 sách “Lão Tử”). Con người sinh ra bởi Trời, thành hình bởi Đất, khí Thiên dương Địa âm vận chuyển không ngừng mới có vạn vật trên thế gian, vì vậy con người nên kính Thiên Địa, kính Thần linh. “Kinh Thi”: “Túc dạ úy thiên chi uy” (Kinh Thi – Chu Tụng – Ngã tương), tức là sớm tối sợ uy Thiên Địa.

Trong lịch pháp phân thành 24 tiết khí, tiết là ẩn dụ của đốt cây trúc, là chỗ để đo dài ngắn của lá hành. Tiết là thời khắc chuyển đổi quan trọng, giữa các tiết có sự liên hệ qua lại với nhau thành một thể hoàn chỉnh. Cơ thể con người có 12 tiết, Trời cũng có 12 tiết hay 12 canh giờ, đó là Thiên Đạo. Khí, là khí của Thiên Địa. Khí vận chuyển căn cứ theo thời gian, trong các thời gian khác nhau khí sẽ theo quy luật được định ra trong thời gian đó mà vận hành, như thế, với những nhà chuyên môn thì cần phải dựa theo sự thay đổi của tinh tượng, chủ yếu là dựa vào sao Bắc Đẩu để dự báo thời tiết, xét định khí tượng. Với những người dân bình thường, đầu tiên là họ không biết xem thiên tượng, thứ nữa là các hiện tượng khí tượng muôn hình vạn trạng đó lại vô hình, vì vậy người bình thường không thể thấy được sự vận hành của khí. Như thế, người ta đã dựa vào vị trí đối ứng của Mặt Trời trong năm để định ra 24 thời điểm, mỗi một điểm ứng với một tiết khí, hiện nay lấy ngày ứng với điểm này để chỉ cho tiết khí đó. Trong truyền thống Trung Quốc, ý nghĩa của “tiết nhật” (ngày lễ tết, hay lễ tiết), khác với quan điểm của phương Tây. Xã hội truyền thống Trung Quốc là xã hội nông nghiệp, sách “Lã thị xuân thu – Thẩm khí” viết: “Việc trồng trọt, người làm việc canh tác cụ thể, Đất sinh ra cây cối hoa màu, Trời nuôi dưỡng cây cối”. Vì thế, từ trồng trọt đến làm việc và nghỉ ngơi, người Trung Quốc đều làm theo Đạo của Trời Đất. Văn hóa truyền thống Trung Quốc giảng tam tài Thiên-Địa-Nhân, mục tiêu quan trọng của văn hóa truyền thống là mong cầu đạt được Thiên-Địa-Nhân hài hòa. Tuân theo Đạo của Thiên-Địa-Nhân thì mới có thể đạt được tiêu chuẩn này. Do con người sinh ra đã có thần hình giống với Trời Đất, vì vậy đạo của con người là phải tuân theo Đạo của Thiên Địa. Người xưa có câu: “Lực địa nhi động vu thời, tắc quốc tất cường di” [1]. Bởi lẽ “chăm chỉ ở chỗ địa lợi, thì tất cả các hành động đó tất sẽ hợp thời”. Tất cả các hoạt động nông vụ của người nông dân thời cổ đại đều được sắp xếp dựa vào tiết khí của lịch pháp, có cách nói ‘xuân canh, hạ vân, thu thu, đông tàng’, [2] công việc trong bốn mùa đều không được để trễ thời của nó, thì thóc lúa ăn không hết. Đạo lý là ở chỗ đó.

Trong lịch pháp thời xưa, khái niệm về 24 tiết khí đến thời Tần Hán đã đạt đến mức hoàn thiện. Sách “Hoài Nam Tử – Thiên văn huấn” có những ghi chép hệ thống liên quan đến 24 tiết khí. Sự suy tính của lịch pháp Trung Quốc qua các thời kỳ có sự thay đổi khác nhau, vì thiên tượng của mỗi triều đại là khác nhau, sự thay triều đổi đại cũng là do thiên tượng thay đổi mà ra.

Lịch sử hiện nay cũng là do thiên tượng biến hóa mà ra, thiên tượng thay đổi thì tất cả mọi thứ bên dưới đều thay đổi và đổi mới hoàn toàn. Bất kể đó là đẩu chuyển tinh di hay là xuân hạ thu đông; dù đó là sự thay đổi nhiệt độ (nóng lạnh giá rét) hay là mưa bão; cho dù là sự phát sinh của vạn vật hay phong tục tập quán, tất cả đều bắt đầu đổi mới. Vậy thì, chúng ta hãy bước chân theo thời kỳ lịch sử mới này, một mặt ta cần nhìn lại quá khứ, một mặt cảm nhận sự khai mở của kỷ nguyên mới.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/25441

[1] Tạm dịch: “Tận dụng hết nguồn lực của đất, với thời gian hợp lý, thì quốc gia sẽ giàu mạnh”.

[2] Xuân thì canh tác, hạ thì nhổ cỏ, thu thì thu hoạch, đông thì cất giữ



Ngày đăng: 24-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.