Đệ tử Chính Pháp (9): Làm người tốt thật khó



Tác giả: Tử Vận

[ChanhKien.org]

Sư phụ từng giảng trong “Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân rằng:

“Trong đơn vị [công tác], hoặc ngoài xã hội, có người có thể nói chư vị xấu, [nhưng] chư vị không nhất định đúng là xấu; có người nói chư vị tốt, chư vị lại cũng không nhất định đúng là tốt.”

Nếu tiêu chuẩn đo lường thiện ác của con người đã méo mó rồi, quan niệm tư tưởng đều là chủng tư duy biến dị vị ngã vị tư, vậy thì kết quả của thiện ác tốt xấu cũng đảo lộn, cả xã hội này sẽ xuất hiện hàng trăm hiện tượng hỗn loạn. Lòng người không có đạo đức ước thúc thì chuyện xấu nào cũng dám làm, ngồi trong nhà cũng không an toàn, con người đánh mất đi căn bản để dựng lập một cuộc sống bình an ổn định, toàn bộ xã hội đều lâm vào trạng thái hoang mang bất ổn. Vấn đề then chốt nhất là không phải càng có nhiều người làm chuyện xấu thì chuyện xấu sẽ trở thành đúng đắn, chẳng hạn như tất cả đều coi trọng tiền tài, chỉ cười kẻ bần cùng khốn khó chứ không cười phường kỹ nữ. Nói câu không lọt tai: người phụ nữ trước đây nếu không giữ chuẩn tắc đạo đức của người phụ nữ, dám đi ngoại tình, vào thời xưa sẽ phải chịu bị bàn dân thiên hạ đàm tiếu chỉ trỏ, vạn người khinh bỉ, bị gọi là gian phu dâm phụ, phải chịu bị nhốt vào lồng heo dìm xuống nước. Người phụ nữ thời nay lả lơi õng ẹo, vuốt tóc gợi tình, không giữ chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ thì lại gọi là quyến rũ, vì để đạt được mục đích mà không từ thủ đoạn nào lại gọi là có bản lĩnh, thậm chí dùng vật chất để đo lường sự thành đạt, dùng tiền bạc để phán đoán thị phi đúng sai, bản tính con người bị lợi dụng lôi đi theo hướng ác độc, mà những người kiên trì giữ vững nguyên tắc, theo đuổi bản tính thiện lương, giữ vững chính nghĩa, không chịu để bản thân nước chảy bèo trôi, tranh giành lợi lộc thì bị coi là không có bản lĩnh, lại còn bị người khác coi thường.

Tục ngữ có câu “vạn ác dâm vi thủ” (trong vạn việc ác thì tà dâm là việc ác đứng đầu), sự suy bại của đạo đức bắt nguồn từ tình dục tràn lan, tình dục bừa bãi được coi là thời thượng, khiến cho khắp thôn xóm đâu đâu cũng đầy rẫy Tây Môn Khánh (1), vậy Phan Kim Liên kia gian dâm chẳng phải cũng có lý sao? Một khi người phụ nữ sa đọa thì gia đình liền sụp đổ, con cái không có môi trường phát triển bình ổn lành mạnh, bị tà đảng tẩy não, sự sa đọa của cha mẹ làm méo mó tâm hồn các em, dẫn đến thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan bị lệch lạc, tư tưởng biến dị, tương lai của Hoa Hạ đã bị tiêu vong rồi. Tâm bất chính không chỉ do sự phóng túng bản thân, nó còn có nguyên nhân từ người khác, ai ai cũng đều đang đổ thêm dầu vào lửa, toàn xã hội đều đang lâm vào cảnh nguy khốn. Cái ác nếu cứ tiếp tục tuần hoàn như vậy thì hoàn cảnh sinh tồn của nhân loại rồi sẽ nguy cấp, thiên tai nhân họa, Đại đào thải trong dự ngôn sẽ thuận theo sự sa đọa, trụy lạc của con người theo kiếp nạn mà giáng xuống. Đứng trước tai hoạ, chỉ có nâng cao nhận thức, phá trừ thuyết vô thần luận của tà đảng, trở lại bản tính thiện lương, mới có thể được Thần đánh thức và tịnh hóa tâm hồn. Đạo đức là căn bản để con người tạo lập cuộc sống bình an, ổn định, là nền tảng của đất nước và gia đình. Vậy nên làm một người tốt phù hợp với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ là việc cấp bách như nước đã đến chân, chỉ có điều quá nhiều người nếu không trải qua sinh tử thì khó lòng tỉnh ngộ. Con người khi an dật, tràn ngập trong đầu chỉ muốn tranh thủ thời cơ ăn chơi, hưởng thụ cuộc sống, không biết tự nhìn lại bản thân mà suy ngẫm về nhân sinh, chỉ khi đứng trước kiếp nạn sinh tử, ở trong thế ngàn cân treo sợi tóc, lực bất tòng tâm, vào lúc sinh cơ bị diệt vong ngay trước mắt mới gửi gắm sợi dây hy vọng cuối cùng nơi Thần Phật, bản tính con người khi thức tỉnh, ăn năn sám hối mới hướng đến Thần cầu xin sự cứu độ. Vậy nên rất nhiều người trải qua sinh tử mới hoàn toàn tỉnh ngộ, mới được cứu độ, từ đó có thể thấy thiên tai nhân họa vốn không đáng sợ, điều đáng sợ là lòng người hiểm ác như hổ sói, cứ mãi cố chấp đến cùng, không cho bản thân cơ hội. Trong tâm có thiện niệm thì chuyện xấu có thể biến thành chuyện tốt, hiện nay hiện tượng khí hậu dị thường, dịch bệnh tràn lan, các loại tai hoạ muôn hình vạn trạng liên tiếp xuất hiện, sinh mệnh thật nhỏ nhoi, yếu đuối biết bao. Nhưng nhìn nhận vấn đề từ góc độ khác, Đại đào thải của nhân loại, Đại thẩm phán sau trận Đại chiến chính tà thì từ hàng ngàn năm trước đã có dự ngôn ghi chép lại, các quốc gia với lãnh thổ khác nhau, văn hóa khác nhau, chế độ khác nhau đều lưu truyền những dự ngôn về ngày tận thế và sự cứu độ của Thần trước khi tai hoạ xảy ra, mà trùng hợp là thời gian trong các dự ngôn đều chỉ về thời điểm hiện tại. Là trùng hợp hay là sự cứu độ? Là đào thải mà cũng là tịnh hóa, các đệ tử Đại Pháp vào thời kỳ đầu của cuộc bức hại đã bắt đầu giảng chân tướng cứu người, đến nay đã hơn 20 năm trôi qua, chỉ xem con người thế gian có cho bản thân mình cơ hội để nghe chân tướng không. Đối mặt với thảm họa, đối với những người còn chưa mất hết lương tâm mà nói, đây lẽ nào không phải là cơ duyên lớn, vận may lớn đó sao?

Khi người người đều chỉ chạy theo lợi, dồn sức mà vơ vét tiền của, bạn lại không muốn trôi theo trào lưu mà tham tài hám lợi, chỉ muốn làm một dòng suối thanh sạch, nhưng lại vô tình mà động chạm đến lợi ích của người khác, đắc tội với người khác lại hoàn toàn không biết xảy ra chuyện gì. Vậy nên lần đầu tiên khi tôi kê khai thanh toán ở công ty đã lâm vào một tình huống trớ trêu. Khó khăn lắm mới chờ được đến ngày thanh toán cho bản báo cáo chi tiêu, cả một đám người tụ tập lại trong văn phòng ban tài chính chờ được xét duyệt phí chi tiêu, lúc đến lượt tôi, kế toán còn hạch toán ra một tờ kê khai, sau đó ngẩng đầu lên liếc nhìn tôi với ánh mắt hàm ý thâm sâu, tiếp đó cố ý lớn tiếng mà xướng tên tôi, lại lớn tiếng đọc số tiền phí chi tiêu 105 tệ. Tức khắc cả văn phòng lặng ngắt như tờ, tiếng nói chuyện huyên náo, tiếng tranh luận, cười đùa ầm ĩ đều im bặt, người ta nhìn tôi bằng đủ mọi ánh mắt, dưới cái nhìn chăm chú của bàn dân thiên hạ, tôi có chút căng thẳng, rõ ràng đã thành thật báo cáo phí chi tiêu thực tế, tôi không làm sai nhưng khi cả đám người đổ dồn chú ý vào mình như vậy tôi lại cảm thấy thiếu tự tin, như thể tôi vừa làm chuyện gì xấu vậy. Ôi! Cái đạo lý gì vậy! Sau đó kế toán nhìn một lượt đám người trong phòng bằng ánh mắt lạnh lẽo, rồi lại thuận tiện khen tôi một câu: “Coi người ta báo cáo bao nhiêu tiền kìa! Thành thật đến vậy!”, đem tôi ra để đả kích đám đông, kế toán lại còn bồi thêm một câu. Tức thì liền có mấy ánh mắt không mấy thiện cảm đổ về phía tôi, đám người kia không dám đắc tội với “Thần Tài”, xấu hổ mà lầm bầm mấy câu đáp lại, đương nhiên cũng có người nhìn tôi với ánh mắt khâm phục, dù sao đi nữa không phải ai ai cũng đều tham tài hám lợi, cam tâm để bản thân trượt dốc, nhiều khi do tình thế bức bách nên không thể làm một người thanh cao được.

Sau khi kê khai thanh toán xong đi ra ngoài, đồng nghiệp cộng tác cùng ban với tôi mới nói chuyện: “Sau này đến cuối tháng kê khai thanh toán thì mọi người cùng bàn bạc trước một chút, số liệu kê khai báo cáo không nên quá chênh lệch, nếu không mọi người đều cùng đi công tác, đi nộp báo cáo cùng một nơi, chúng tôi báo cáo chi tiêu 1000 – 2000 tệ, cô chỉ báo cáo hơn 100 tệ, thật khó chấp nhận quá!”. Còn tự biết bản thân biển thủ là khó chấp nhận cơ đấy, lãnh đạo ở đó cũng không muốn làm khó nhân viên, không giới hạn việc thanh toán, chỉ cần có thể cung cấp được chứng từ hoá đơn hợp pháp thì lãnh đạo đều sẽ ký thanh toán, cũng không ngại phiền phức. Nhưng nếu kế toán báo cáo chi phí vượt quá chỉ tiêu, lãnh đạo lại vì muốn giữ thể diện, dù bản thân không cắt hóa đơn thì cũng sẽ bảo kế toán cắt. Kế toán cũng không muốn làm mất lòng lãnh đạo, dù sao cũng không phải tiền của cô ấy mà là tài sản chung của công ty, chi phí báo cáo có sai lệch nhiều hay ít cũng sẽ mắt nhắm mắt mở mà cho qua, nhưng nếu có người lòng tham không đáy xuất trình cái hóa đơn đến mấy ngàn tệ, lại chẳng có bao nhiêu thành tích trong công việc, phải biết là lương tháng lúc đó chỉ có hơn 400 tệ, mà chỉ một lần kê khai thanh toán đã chiếm cả hơn nửa năm tiền lương, tháng nào mà cũng vậy thì khoản thất thoát này quá lớn, kế toán cũng đành nghiêm mặt mà gửi trả mấy cái hóa đơn không cho thanh toán.

Nói thật thì khoản tiền 105 tệ này của tôi cũng không phải là không vượt quá chút nào, dù sao thì cũng có khoản thanh toán mà làm tròn quá phức tạp, nhưng có cố nữa thì tôi cũng chỉ tổng kết được chừng đó, chỉ có điều hoàn toàn không ngờ rằng mọi người lại to gan lớn mật, dám mạnh miệng khai khống chi tiêu nhiều đến vậy. Thật là được mở mang tầm mắt, tôi không kìm được mà phải cảm thán xã hội này thật quá phức tạp, tham lam vô độ, người chưa trải sự đời như tôi đây quả thật khó mà trộn lẫn vào cùng được! Thậm chí trong mấy ngày kê khai thanh toán hằng tháng ấy tôi cứ luôn bối rối mãi, báo cáo thanh toán theo thực chi sẽ bị đồng nghiệp tẩy chay, không muốn làm việc cùng với tôi, vì tôi không thích vơ vét tiền tài bất chính. Khai khống báo cáo chi tiêu thì thật quá mất lương tâm, lại còn phải chịu bị khiển trách, cầm tiền thì chẳng ai cảm thấy đau tay, nhưng quân tử có đạo lý kiếm tiền của người quân tử, huống hồ tôi còn là đệ tử Đại Pháp, tạm thời chưa nói đến tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn, ngay cả làm một người quân tử trong người thường thì cũng không thể im hơi lặng tiếng mà phát tài như vậy được! Tiền này cầm sẽ phỏng tay, mà không cầm thì không được, tôi chỉ có thể duy trì kỷ lục thấp nhất. Nhưng tôi càng không muốn thể hiện chính trực về phương diện tiền bạc thì lại càng gặp nhiều chuyện phiền phức, có lần khi báo cáo chi tiêu, ban tài chính đã nâng tiêu chuẩn chi phí báo cáo lên, đột ngột chi trả 1500 tệ, khi nhận tiền, nghe kế toán nói số tiền không đúng, tôi liền nói không nhận nhiều đến vậy, tiện thể trả lại tiền, bảo kế toán tính lại cho tôi. Các đồng nghiệp trong văn phòng thấy vậy thì vô cùng kinh ngạc, có người tặc lưỡi, người thì thở dài, kẻ lại gật gù đắc ý nói đùa rằng: “Ai cũng chê tiền thanh toán ít, không ngờ rằng còn có người chê tiền thanh toán nhiều, thật là lạ đời! Khoản tiền này tương đương với tiền lương ba, bốn tháng đấy! Cho không mà lại không nhận”.

Còn có lần khi đóng gói hàng trong kho, nhân viên quản lý kho hàng đếm sai số lượng, lúc đó theo trình tự tôi phải chạy đi làm hóa đơn chứng từ rồi tìm lãnh đạo ký tên, lãnh đạo lại đang họp, tôi không có mặt ở kho nên đành nhờ lái xe giúp đỡ đối chiếu số lượng. Đến lúc lấy hàng ra đưa đi giao hết món cuối cùng mới phát hiện đã xuất dư rất nhiều hàng, trị giá hơn 3600 tệ. Ngay lập tức tôi liền gọi điện thoại đến kho hàng để nói về sự việc này, nhân viên quản lý kho hàng vừa nghe đã vô cùng căng thẳng, sợ sẽ bị phạt, bảo tôi giữ bí mật hộ. Tôi nói nhân lúc trời tối tôi bảo tài xế chở đến chỗ kho hàng, lúc đến nơi đã rất muộn rồi, tôi sẽ lặng lẽ đi vào trong kho, gắng hết sức không để ai nhìn thấy. Ai ngờ hôm sau mới sáng sớm tôi còn chưa tỉnh dậy, người phụ trách kho hàng đã gọi điện đến bảo rằng trong cuộc họp buổi sáng vì việc này mà mình đã bị khiển trách, lãnh đạo sao lại biết được nhanh đến vậy, có phải do tôi đã báo cáo riêng không. Nhưng tôi đang đi công tác bên ngoài còn chưa về, thật sự là lòng người đa đoan, sự đời lắm nỗi ngang trái! Nội bộ họ tranh đấu gay gắt, không đoàn kết, còn kéo tôi vào một mớ bòng bong, có lòng tốt mà lại thành ra làm chuyện xấu. Kỳ thực số hàng hóa này bản thân tôi nếu thật muốn lấy thì thôi cũng đành chịu, nhưng vì trước đây dù hàng hóa đóng gói đi nhiều hay ít cũng không có ai nói năng gì, số lượng đóng gói ít thì nhất định phải tìm về để bổ sung vào, mà nếu cứ luôn không ngừng tranh chấp, xích mích với bên kho hàng cũng ảnh hưởng đến sự đoàn kết, vậy nên trong công xưởng đã đặt ra quy định: một khi hàng hóa đã được xuất khỏi công xưởng, dù ít hay nhiều cũng sẽ không chịu trách nhiệm nữa. Vậy nên lúc đóng gói hàng hóa đưa lên xe phải tự mình kiểm kê kỹ càng, kiểm kê đối chiếu đầy đủ số lượng với nhân viên quản lý kho hàng, ký tên rồi mới được cho xe chạy. Nhưng tôi vẫn thật sự không muốn nhận lấy phần vinh dự này, đệ tử Đại Pháp đi đường nhìn thấy tiền còn không nhặt, làm sao có thể khoét góc tường trục lợi từ công ty mình được, phải hiểu được đạo lý “một người mất thì cả làng đội khăn tang, một người thành danh thì cả làng được vinh hiển” (một cá nhân bị thiệt hại thì cả tập thể cũng tổn thất, một cá nhân vinh hiển thì tập thể có phúc).

Tôi kể ra những việc này hoàn toàn không phải để ca ngợi bản thân mình cao thượng đến đâu, chỉ có điều ai ai cũng có lòng tham, chỉ cần thật sự chân tu, nghiêm khắc chiểu theo tiêu chuẩn của Pháp mà làm, tôi cũng mới chỉ làm được không tham lam trên bề mặt. Trong quá trình tu luyện nhiều năm về sau, trong mơ tôi vẫn thường gặp khảo nghiệm, khi nhìn thấy tiền tôi vẫn nhặt lên, bỏ vào túi, còn vui vẻ mừng thầm vì nhặt được tiền. Mà tôi còn không chỉ một lần làm như vậy, lúc tỉnh dậy cứ cảm thấy buồn cười, trong hiện thực tôi có thể làm được dù tiền dẫm dưới gót chân cũng không hề nhặt lên, vậy mà trong mơ tôi lại không giữ vững được cái tâm của mình, tu luyện thế này cũng thật sự thú vị, tùy theo sự đề cao tiêu chuẩn tu luyện, cần phải không ngừng đổi mới nhận thức về tự ngã, góc khuất nào tôi cũng không bỏ qua.

Vậy nên tu luyện ấy, nói một cách tương đối thì đối mặt với sinh tử đúng sai, tôi vẫn có thể giữ vững tốt một chút, bởi vì đúng hay sai đã phân định rồi, chỉ cần làm được là vượt qua. Chỉ tiếc rằng trời đất vốn không toàn vẹn, con người nào có ai thập toàn thập mỹ, dù nhiều hay ít vẫn luôn có chút tật xấu nào đó, nhưng vậy mới có cái để tu. Nhưng mục đích cuối cùng của tu luyện là viên mãn, cần phải tu được “chấp trước vô nhất lậu”, không thể để lại bất kỳ khuyết điểm nhỏ nhặt nào, vậy nên không nên cho rằng đã vượt qua được quan sinh tử, nếm trải vô vàn khổ đau, chịu đựng bao nhiêu bức hại là xong rồi, là vạn sự đại cát rồi, vị trí đó đã ổn định rồi, vì một khi còn chưa đến giây cuối cùng thì vẫn còn tồn tại vấn đề tu lên trên hay rớt lại xuống. Rất nhiều đệ tử tu được tốt vào thời kỳ trước nhưng đến thời kỳ sau lại xuất hiện vấn đề, cứ luôn vấp ngã rồi bị hủy đi trong những sự việc nhỏ nhặt chẳng đáng kể.

Chính Pháp đã đến gần bước cuối cùng, nếu nhìn từ các mốc thời gian, các đệ tử chân tu hẳn đã gần tiếp cận với trạng thái viên mãn rồi. Nhưng phải biết rằng tuy thời gian kết thúc tu luyện là thống nhất, nhưng khi viên mãn cũng không phải sẽ một lúc kết thúc toàn bộ. Sư phụ đã từng giảng:

“Viên mãn một người, tôi tiếp tống một người.” (Thế nào là khai ngộ – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Có thể thấy, chẳng sợ bạn tinh tấn chỉ sợ bạn lề mề chậm chạp. Huống hồ vì để cứu được nhiều người hơn nữa, thời gian lại được kéo dài hết lần này tới lần khác, cũng có thể lý giải rằng tại giao điểm thời gian đã định sẵn, chúng ta lẽ ra nên tu viên mãn xuất lai rồi, hoặc đã tiếp cận được với trạng thái viên mãn rồi, nhưng đại đa số đệ tử lại không tu xuất lai được trạng thái này, bao gồm cả bản thân tôi. Vào năm 2012 tôi vốn dĩ nên tiến nhập vào trạng thái này rồi, lúc đó tôi đã có cảm giác tu luyện đến đỉnh rồi, chỉ cần dựa vào việc luyện công, nỗ lực cố gắng thì việc nhục thân tu thành cũng không phải là không thể, đáng tiếc là hồi đó ngộ tính tôi quá kém, chấp trước quá nhiều, bị tâm an dật kéo tụt lại không thể lên theo kịp được, rớt xuống một bước liền đánh mất đi cơ duyên, kết quả cả bao nhiêu năm rồi vẫn chưa theo kịp được tiến trình Chính Pháp, thật sự là một lời khó nói hết…

Ngày hôm nay nhìn lại bản thân, chín chín tám mươi mốt nạn đều đã vượt qua cả rồi, hoàn cảnh cũng nới lỏng hơn, nhưng ngược lại vì sao không làm được như thuở trước nữa, dùng Pháp mà lọc cặn kẽ một lần, thì ra tôi bị những thứ tiểu tiết nhỏ nhặt làm chùn chân cản lối. Có cảm giác những quan lớn nào tôi cũng vượt qua cả rồi, những sai sót nhỏ không đáng kể gì có thể do tôi làm qua loa không tính đến, nhưng quay trở lại xã hội, quay về lại với cuộc sống mới phát hiện lớp vỏ vật chất này thật sự khó mà bứt phá được, đều là những quan ải thuộc về những thứ tiểu tiết nhỏ nhặt, nhìn thì tựa hồ như không liên quan gì đến sinh tử, nhưng lại đụng chạm đến sợi dây xích lợi ích đan xen chồng chéo phức tạp, dù sao thì thế giới này không phải của bạn và cũng không phải của tôi, mà là của chúng ta.

Hoàn cảnh của chỉnh thể, sự hủ bại của thể chế, những tham lam dục vọng của nhân tâm, sự biến dị của tư tưởng, đều không phải chỉ trong một sớm một chiều có thể thay đổi được. Sống trong thể chế của tà đảng, muốn làm một người tốt, muốn sống một cách tỉnh táo rõ ràng, làm một con người chân chính nhất thật khó biết bao!

Chú thích: (1) Tây Môn Khánh, Phan Kim Liên: Nhân vật trong truyện Thủy Hử và Kim Bình Mai (theo một số tài liệu thì Tây Môn Khánh là nhân vật có thật trong lịch sử). Tây Môn Khánh là một nhân vật hoang dâm vô độ, tư thông với Phan Kim Liên, vợ của Võ Đại Lang, anh trai của Võ Tòng. Y cùng Kim Liên đã đầu độc chết Võ Đại Lang khi Võ Tòng đi vắng. Đến khi Võ Tòng trở về, lo tang cho anh mình xong, liền giết chết cả Tây Môn Khánh và Kim Liên lấy đầu tế anh.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/262571



Ngày đăng: 21-06-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.