Câu chuyện thành ngữ : “Túc thế oan gia”



Tác giả: Đức Huệ

Thời Bắc Tống có viên quan tên Bành Nhữ Lệ (Công Nguyên năm 1041 – năm 1095), tự là “Khí Tư”, người Bà Dương, Nhiêu Châu (nay là Bà Dương, Giang Tây), đỗ Trạng nguyên vào năm Trị Bình thứ hai thời Tống Anh Tông (Công Nguyên năm 1065). Ông đậu Trạng nguyên rồi làm các chức quan lớn như Thị lang, Thượng thư, dám nói những điều người khác không dám nói, nổi tiếng chính trực vô tư, không tính toán hiềm khích cũ.

Đến lúc trung niên, ông gặp được một người goá phụ họ Tống, có ý muốn lấy bà làm vợ, nhưng vì quá bận nên không thành. Mười hai năm sau, ông gặp lại người phụ nữ họ Tống này, lần này rốt cục cũng cưới được bà. Người phụ nữ họ Tống rất xinh đẹp, Bành Nhữ Lệ sau khi kết hôn thì hết sức lấy lòng và chiều chuộng bà. Giữa những năm Thiệu Thánh đời vua Tống Triết Tông, ông được phái đến Giang Châu (nay là Cửu Giang) nhậm chức, trong lúc đương nhiệm thì mắc trọng bệnh không qua khỏi, liền gọi người đem giấy bút đến viết mấy dòng di ngôn:

“Túc thế oan gia, ngũ niên phu phụ, tùng kim dĩ vãng, bất đả giá cổ” (Oan gia kiếp trước, vợ chồng năm năm, từ nay dĩ vãng, không còn liên quan), viết xong thì qua đời. Có lẽ vào lúc ông lâm chung, có sinh mệnh ở không gian khác nói ra quan hệ nhân duyên của ông cùng với người phu nhân họ Tống, nên mới có mấy câu di ngôn như vậy.

Vậy là “Túc thế oan gia” trở thành một câu thành ngữ, chỉ thù oán kiếp trước giữa các sinh mệnh, thường hay hình dung như oán hận chất chứa rất sâu, rất khó hóa giải. Đôi khi giữa vợ và chồng, người thân cũng dùng những từ như “oan gia”, “tiểu oan gia”, “túc thế oan gia” làm biệt danh gọi nhau, có điều cách nói này không mang ác ý gì. Kỳ thực, giữa vợ chồng, giữa người thân bạn bè, giữa người với người trong xã hội đều có mối quan hệ nhân duyên, có báo ân, trả nợ, có báo thù, đòi nợ, còn có hoàn thành nguyện vọng, đủ các loại tình huống, bất kể là tình huống gì, đều phải tận lực làm tròn bổn phận của mình, đối xử tử tế với đối phương. Như vậy thì mới có thể thu được tương lai tốt đẹp trong luân hồi của sinh mệnh. Thực ra câu thành ngữ “túc thế oan gia” có thể trở thành câu nói thường dùng hàng ngày như vậy, cũng nói lên một điều rằng người xưa tín ngưỡng vào Thần một cách phổ biến, tin tưởng luân hồi, tin tưởng nhân quả báo ứng, qua đó có thể thấy được vô thần luận hoàn toàn không phải là văn hoá truyền thống Trung Quốc.

Nguồn: “Hoạ Mạn Lục”

Dịch từ: http://zhengjian.org/node/255356



Ngày đăng: 04-11-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.