Câu chuyện thành ngữ: “Đại đồng tiểu dị”



Tác giả: Tổ biên tập Văn hóa Thần truyền Chánh Kiến

[Chanhkien.org]

Câu chuyện

Huệ Thi (1)—nhà tư tưởng thời Chiến Quốc—là nhân vật đại biểu cho danh gia (2), chủ trương bất luận chuyện gì đều phải danh xứng với thực (3). Danh gia trong mọi chuyện đều chú trọng quan điểm lô-gíc và chủ trương siêu phàm thoát tục, với tính cách tự do tự tại của Trang Tử có nhiều bất đồng; vì vậy, Trang Tử thường lấy Huệ Thi làm ví dụ để phản biện. Sách «Trang Tử-Thiên Hạ» trích dẫn một đoạn có ý kiến chủ quan thế này: “Huệ Thi dù học vấn uyên bác, tri thức phong phú, nhưng vì vậy mà tư tưởng của ông ta bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến khi nói ra quan điểm của mình thì nói được không thông suốt.

Ông ta từng phân tích quan niệm đại đồng tiểu dị của sự vật: “Đã là lớn nhất thì không còn tìm ra chỗ nào lớn hơn nữa, chúng ta có thể gọi nó là ‘lớn nhất’, đã là nhỏ nhất thì không còn tìm ra chỗ nào nhỏ hơn nữa, chúng ta có thể gọi nó là ‘nhỏ nhất’; không dày, đã không có bề dày, cũng là cực nhỏ, nhưng ta vẫn có thể nói nó lớn đến ngàn dặm. Trời cao đất thấp, ta cũng có thể nói trời thấp như đất; núi cao ao thấp, ta cũng có thể nói núi thấp như ao; mặt trời đang đứng bóng, ta cũng có thể nói đang nghiêng sang phía Tây; vật vừa sinh ra, ta cũng có thể nói vật vừa mới chết xong. Nhưng trong vạn vật, nếu như nhìn từ góc độ “dị” thì phần lớn vẫn tồn tại một ít khác nhau, chúng ta có thể gọi điều này là “tiểu đồng dị”; nếu như nhìn từ góc độ “đồng” thì vạn vật có giống có khác, chúng ta có thể gọi điều này là “đại đồng dị”. Chúng ta có thể nói phía Nam cách rất xa, cũng có thể nói phía Nam gần ngay trước mắt. Nếu chúng ta hôm nay đến nước Việt, cũng có thể nói là hôm qua đã đến. Tại sao như vậy? Chính là vì thời gian không gian là tuần hoàn. Ta có thể nói trung tâm của thiên hạ là tại nước Yên ở phương Bắc hoặc nước Việt ở phương Nam. Nếu như có thể nhìn nhận vạn vật với cách nhìn đó, tự nhiên sẽ biết vạn vật lớn nhỏ không chia giống nhau khác nhau; trời và đất là một thể không khác biệt.”

Trong bài văn có câu “đại đồng mà lại tiểu đồng dị”, nguyên ý nói giống nhau thì nhiều, mà khác nhau thì ít; về sau diễn biến thành câu thành ngữ “đại đồng tiểu dị”, dùng để hình dung sự vật phần lớn giống nhau mà có một chút khác nhau.

Chú giải

(1) Huệ Thi: người nước Tống thời Chiến Quốc, khi nghiên cứu quan hệ đồng-dị của vạn vật đã đề xuất các khái niệm tiểu đồng, đại đồng, tiểu đồng dị, đại đồng dị. Ông từng làm tướng nước Lương, có tài hùng biện, có thiện cảm với Trang Chu, cùng với Công Tôn Long là hai đại biểu của danh gia. Ông còn được gọi là “Huệ Tử”.

(2) Danh gia: trường phái triết học thời xưa của Trung Quốc.

(3) Danh xứng với thực: đòi hỏi thực chất phù hợp với danh tiếng và tên gọi.

Thảo luận

1- Huệ Thi là ai? Ông nghiên cứu quan hệ đồng dị trong vạn vật và đã đưa ra khái niệm gì?

2- Trang Tử cùng Huệ Thi có quan hệ như thế nào?

Luyện tập đặt câu

Ví dụ 1: Hai bản thiết kế kiến trúc mới nhìn thì đại đồng tiểu dị, nhưng chi phí xây dựng thì khác biệt rất nhiều.

Ví dụ 2: Bây giờ nội dung các chương trình Idol đều đại đồng tiểu dị, càng xem càng thấy nhạt nhẽo.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/118241



Ngày đăng: 27-09-2013

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.