Thành ngữ điển cố : “Tuế tại long xà”



Tề Chỉnh Thăng chỉnh lý 

[Chanhkien.org]

[Giải nghĩa]

Thành ngữ “Tuế tại long xà” – “Tuổi thọ khi đến năm rồng năm rắn” – ý nói tuổi thọ đã đến lúc hết.

[Xuất xứ]

“Hậu Hán Thư • Trịnh Huyền truyện”

Trịnh Huyền là bậc thầy kinh học (loại học vấn về kinh điển Nho gia) thời Đông Hán. Ông thuở nhỏ thiên tư thông minh, cần cù hiếu học, mười hai mười ba tuổi là có thể đọc thuộc lòng và giảng giải một ít kinh điển Nho gia. Ông còn thích thiên văn lịch toán, có thể căn cứ vào khí tượng, biến hoá hướng gió mà dự đoán cát hung. Ông thông hiểu sấm vĩ phương thuật (sấm là lời dự đoán, vĩ là sách vở thần học), còn có tài văn chương, đương thời mọi người đều cho rằng ông là kỳ tài hiếm có, gọi ông là “thần đồng”.

Trịnh Huyền từng theo làm học trò của Mã Dung, Mã Dung là nhà cổ văn kinh học gia nổi tiếng đương thời, môn đồ có 400 người, nhưng có thể đăng đường nhập thất, được đích thân nghe ông truyền giảng thì chỉ có hơn 50 người. Trịnh Huyền đến hơn ba năm cũng chưa thấy mặt Mã Dung, chỉ được những bậc cao đồ của ông truyền thụ kiến thức, nhưng Trịnh Huyền không bởi vậy mà chán nản trễ nải, vẫn ngày đêm học hành.

Một lần, Mã Dung và đệ tử thảo luận về sấm vĩ phương thuật, gặp phải vấn đề khó, nghe nói Trịnh Huyền am hiểu môn này, liền triệu kiến ông. Vừa lúc cũng có đệ tử Lư Thực của Mã Dung ở đó, Mã Dung đưa ra bảy vấn đề khó, Trịnh Huyền tại chỗ giải đáp được năm vấn đề, Lư Thực giải đáp được ba, Mã Dung kinh ngạc thán phục không ngớt, cảm thán không thôi.

Trịnh Huyền học xong liền về quê cũ, vừa thu nhận học trò, vừa làm việc chú giải kinh sách. Lúc đó phái kim văn kinh học và phái cổ văn kinh học tranh luận hết sức kịch liệt, thường công kích lẫn nhau. Trịnh Huyền liền thu gom tất cả, đem dung hợp lại thành một hệ thống, tự hình thành một trường phái riêng. Đối với các quan điểm của kinh học gia thời bấy giờ như thiên nhân cảm ứng, khiển trách cảnh cáo, tai hoạ dị thường, điềm báo đế vương v.v… cũng đều được ông đưa vào trong chú thích kinh sách của mình.

Đương thời vùng Yên Tề chính là quê hương sản sinh ra các truyền thuyết thần tiên và các phương sỹ thuật sỹ, Trịnh Huyền từ nhỏ đã chịu nhận ảnh hưởng của điều này, hết lòng tin theo thiên mệnh. Ông tin tưởng sinh tử, phú quý, họa phúc của người ta đều là do thiên mệnh quyết định. Vạn vật trong tự nhiên là do dương khí và âm khí tạo thành, thời điểm này tiểu nhân lộng hành, âm khí cực thịnh, cho nên quân tử phải xử sự cẩn thận, bản thân ông cũng không nguyện ra làm quan. Bình thường mỗi khi ông làm việc, đều phải suy tính một phen, xem thử cát hung ra sao.

Năm Kiến An thứ năm (200) đời vua Hán Hiến Đế, Trịnh Huyền 74 tuổi, mùa xuân năm đó, ông có một giấc mộng. Ở trong mộng, ông tổ Nho học là Khổng Tử nói với ông: “Dậy đi, dậy đi, năm nay là năm Canh Thìn, sang năm là năm Tân Tị.” Giật mình tỉnh dậy, Trịnh Huyền liền dùng sấm ngữ để giải giấc mộng này. Năm Kiến An thứ năm chính là năm Canh Thìn, cũng chính là năm rồng, năm kế tiếp là năm Tân Tị, chính là năm rắn. Có người nói, gặp năm rồng, rắn, thì không có lợi với các bậc thánh hiền. Tính toán như vậy, Trịnh Huyền biết mình thọ hạn sắp tới. Không lâu sau ông ngã bệnh.

Lúc đó, đại quân Viên Thiệu và Tào Tháo đang giằng co ở Quan Độ. Viên Thiệu phái người mời Trịnh Huyền đi theo quân đội của ông ta. Bất đắc dĩ, Trịnh Huyền chỉ còn cách mang theo bệnh tật đi đến Nguyên Thành (nay là Đại Danh, Hà Bắc), nhưng cuối cùng vì bệnh nặng nên không có cách nào đi tiếp, tháng 6 năm ấy thì chết ở Nguyên Thành. Ứng nghiệm với cách nói “Tuế tại long xà”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/129442



Ngày đăng: 02-10-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.