Thành ngữ điển cố: Hưu thích tương quan
Tề Chỉnh Thăng chỉnh lý
[ChanhKien.org]
[Giải nghĩa]
“Hưu thích tương quan”. Hưu: vui sướng. Thích: ưu sầu. Ý nói hai bên cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, diễn tả vận mệnh của hai bên có liên quan chặt chẽ với nhau.
[Xuất xứ]
Câu thành ngữ này bắt nguồn từ cuốn “Quốc ngữ – Chu ngữ hạ” của Tả Khâu Minh thời Xuân Thu
Thời kỳ Xuân Thu, công tử Chu Tử nước Tấn bị người khác hãm hại phải bỏ nước đi lưu vong, đại phu Đan Tương Công nước Chu hết sức kính trọng ông, mời ông đến nhà, đối đãi như thượng khách.
Chu Tử rất lễ độ, phép tắc, lúc nói chuyện đều luôn nhớ đến trung hiếu, nhân ái, đối nhân xử thế rất thân thiện, hòa nhã. Mặc dù đang ở đất Chu, thế nhưng ông nghe chuyện nước Tấn của mình gặp tai hoạ gì liền ưu sầu; nghe nói nước Tấn có chuyện đáng mừng liền vui vẻ. Đan Tương Công tận mắt thấy được tình huống như vậy, thì rất lấy làm hài lòng. Không lâu sau, Đan Tương Công ngã bệnh, tự biết ngày mất đã cận kề, liền dặn dò con trai là Đan Khoảnh Công: “Chu Tử là một người hiền minh, tài đức, ông ấy lúc nào cũng nhớ đến đất nước của mình, lo lắng cho vận nước, tương lai quốc quân nước Tấn khả năng chính là ông ấy. Con phải đối đãi tốt với ông ấy mới được”.
Không lâu sau đó, trong nội bộ nước Tấn phát sinh biến cố, Tấn Lệ Công bị giết chết, các đại phu nước Tấn phái người tới đón Chu Tử quay về, tôn ông lên làm quốc quân nước Tấn, hiệu là Tấn Điệu Công.
Dịch từ: http://zhengjian.org/node/129435
Ngày đăng: 12-10-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.