Thành ngữ điển cố: “Phạt một người răn dạy trăm người”



Trịnh Trọng chọn lọc giới thiệu

[ChanhKien.org]

“Làm theo lẽ lấy một mà cảnh tỉnh trăm người, quan lại dân chúng đều phục, biết sợ mà sửa đổi hành vi, ăn năn hối lỗi.”

“Hán Thư • Doãn Ông Quy truyện” của Ban Cố thời Đông Hán

“Cảnh”, cảnh tỉnh, khuyên giải. Ý nghĩa thành ngữ này là: công chính, nghiêm minh trừng phạt một người, để mà cảnh tỉnh, khuyên răn mọi người.

Thời Tây Hán, đại thần Hoắc Quang, tuân theo di chiếu của Hán Vũ Đế mà phụ chính, nhận chức Đại tư mã Đại tướng quân, quyền thế rất lớn. Hoắc Quang nguyên quán ở Bình Dương, kẻ ở trong nhà ông ta, ỷ vào thế lực chủ, thường xuyên cầm hung khí làm xằng làm bậy ở chợ, thậm chí cưỡng ép cướp của. Bách tính tức giận nhưng không dám nói, quan địa phương cũng lặng thinh để cho chúng mặc sức hoành hành.

Về sau, có một người tên Doãn Ông Quy, được bổ nhiệm làm chức quan quản lý chợ. Doãn Ông Quy lúc còn trẻ, từng làm tiểu lại trong ngục, hiểu rõ hình pháp, ông còn ham võ nghệ, kiếm thuật rất cao minh, là người có danh tiếng ở Bình Dương. Sau khi Doãn Ông Quy đến nhận chức, nghiêm ngặt chiểu theo pháp luật mà xử lý mọi việc. Đám kẻ ở trong nhà họ Hoắc, đã sớm biết Doãn Ông Quy lợi hại, từ đó về sau cũng không dám hoành hành ở chợ nữa.

Có một năm, Thái thú Hà Đông là Điền Diên Niên đi tuần sát Bình Dương, triệu kiến quan lại địa phương, Doãn Ông Quy cũng ở trong nhóm được gọi đến. Điền Diên Niên nói với mọi người: “Người có tài văn đứng ở bên đông, người biết võ nghệ đứng ở bên tây.” Mọi người đều theo yêu cầu của Thái thú mà chọn vị trí đứng, chỉ có Doãn Ông Quy đứng ở chính giữa. Điền Diên Niên hỏi: “Vì sao không chọn một bên mà đứng?” Doãn Ông Quy quỳ xuống bẩm: “Tôi văn võ đều biết, xin chờ Thái thú sắp xếp.”

Điền Diên Niên vừa nghe lời này, đã cảm thấy Doãn Ông Quy không tầm thường. Qua một hồi nói chuyện, Thái Thú đã xác nhận Doãn Ông Quy quả thực văn võ kiêm toàn, hơn nữa rất có năng lực, liền điều Doãn Ông Quy đến chỗ thủ hạ của mình để nhậm chức. Doãn Ông Quy không phụ kỳ vọng của Điền Diên Niên, xử án công bằng, chấp pháp nghiêm minh. Điền Diên Niên rất coi trọng ông.

Bởi vì chính tích rất tốt, về sau, Doãn Ông Quy được thăng chức Thái thú Đông Hải. Sau khi đến nhận chức, phát hiện nơi này rất không yên ổn, liền lệnh cho các huyện bên dưới lập hồ sơ sổ sách đưa lên, yêu cầu: khôi phục chân tướng sự thực, nghiêm túc thu thập, ghi chép các tài liệu quan trọng của các phương diện. Những lúc rảnh rỗi ông xem xét cẩn thận những hồ sơ tài liệu này, bởi vậy rất nhanh quen thuộc chân tướng trong quận.

Lúc đó, trong quận có tay cường hào tên Hứa Trọng Tôn, bình thường ức hiếp bách tính, sát hại người vô tội, kẻ xa người gần đều hận hắn thấu xương. Nhưng vì hắn thế lực mạnh, quan hệ rộng, Thái thú tiền nhiệm cũng không dám đắc tội với hắn. Bởi vậy, hắn ta luôn nằm ngoài vòng pháp luật, mặc sức làm càn.

Doãn Ông Quy sau khi đến nhận chức, cấp tốc tra rõ tội trạng của Hứa Trọng Tôn. Ông áp chọn dùng phương pháp “phạt một người răn dạy trăm người”, đầu tiên bắt giữ kẻ ác này, sau đó đem hắn ra chỗ chợ đông người chặt đầu thị chúng.

Sau khi nghiêm trừng Hứa Trọng Tôn, quan lại và bách tính đều rất kính phục Doãn Ông Quy. Những kẻ cường hào khác trong lòng run sợ, không dám tiếp tục làm ác. Doãn Ông Quy cuối cùng cũng làm cho quận Đông Hải yên bình trật tự trở lại.

Dịch từ: http://zhengjian.org/node/75306



Ngày đăng: 15-06-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.