Điển cố Trung Hoa: Nhất phó chúng hưu



Tác giả: Vân Khai

[ChanhKien.org]

Điển cố “nhất phó chúng hưu” này xuất phát từ sách “Mạnh Tử – Đằng Văn Công hạ – Chương 6”. “Phó” nghĩa là chỉ dạy; “hưu” nghĩa là huyên náo, nhiễu động. Điển cố này có liên quan đến câu chuyện như sau.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Mạnh Tử tới nước Tống, nhận thấy vua nước Tống có rất ít hiền thần ở bên, thế nên ông bèn chuẩn bị rời khỏi nước Tống. Đại thần nước Tống là Đới Bất Thắng muốn giữ Mạnh Tử lại, liền thổ lộ rằng sẽ tiến cử một vị hiền sỹ là Tiết Cư Châu lên cho vua Tống, mọi người cùng nhau nỗ lực phò tá Quốc quân.

Mạnh Tử từ chối ý tốt của ông ta, nói với ông ta rằng: “Ông hy vọng quân vương của ông hiền minh sao? Để tôi làm rõ cho ông nhé, nếu có một đại thần nước Sở muốn con trai ông ta biết nói tiếng nước Tề, như vậy nên tìm người nước Tề đến dạy nó, hay tìm người nước Sở đến dạy nó?” Đới Bất Thắng đáp: “Mời người nước Tề đến dạy”.

Mạnh Tử bèn nói tiếp: “Chính là mời một người nước Tề dạy nó nói tiếng nước Tề, thế nhưng nếu nhiều người nước Sở lại nói tiếng nước Sở ồn ào can nhiễu nó. Như thế, cho dù mỗi ngày dùng roi đánh nó, muốn cho nó học giỏi tiếng nước Tề cũng không thể được. Nhưng nếu đưa nó đến phố lớn ngõ nhỏ nước Tề ở mấy năm, cho dù hàng ngày đánh nó, muốn nó nói tiếng nước Sở cũng không thể được. Ông nói Tiết Cư Châu chỉ là một hiền sĩ ở bên quốc vương. Nếu như người bên cạnh quốc vương, bất kể tuổi tác lớn nhỏ, địa vị cao thấp đều là hiền sĩ như Tiết Cư Châu. Như vậy quốc vương có thể làm chuyện xấu cùng ai được? Nhưng nếu như người bên cạnh quốc vương bất kể tuổi tác lớn nhỏ, địa vị cao thấp đều không phải là người hiền như Tiết Cư Châu, quốc vương có thể làm việc tốt cùng ai đây? Một Tiết Cư Châu thì có thể làm được gì cho vua Tống chứ?” Đới Bất Thắng nghe xong, đành gật đầu nói phải.

“Nhất phó chúng hưu” là cách nói giản lược từ câu nói “nhất Tề nhân phó chi, chúng Sở nhân hưu chi” (một người nước Tề dạy dỗ, nhiều người nước Sở gây huyên náo) của Mạnh Tử mà ra. Nguyên để chỉ khi một người đang dạy dỗ người khác thì lại có nhiều người ở bên cạnh gây ồn ào, huyên náo; sau này dùng để tỉ dụ khi học tập hoặc làm việc mà bị can nhiễu thì không thể có thành tựu; hoặc giả dùng để ví hoàn cảnh tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến người ta.

Điển cố thành ngữ này trong lịch sử còn có vài cách viết khác: “chúng Sở quần hưu”, “nhất Tề chúng Sở”, “Tề phó Sở hưu”, ý nghĩa và cách dùng hoàn toàn tương đồng với thành ngữ “nhất phó chúng hưu”.

Đọc xong câu chuyện này tôi nghĩ rằng hoàn cảnh xã hội, đặc biệt là lời nói và việc làm của đa số những người xung quanh có tác động rất lớn đến mỗi người, đặc biệt là với trẻ vị thành niên, không chỉ trong việc học tiếng mà còn trong việc tu dưỡng đạo đức. Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay đầy rẫy những nhân tố không tốt, mỗi người nếu muốn đề cao tâm tính của bản thân thì chỉ có thể hết sức cố gắng giữ vững chính niệm, cố gắng không tiếp xúc với các thứ bất hảo mới có thể giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của các nhân tố không tốt lên mình. Làm cha mẹ cũng phải cố gắng hết sức tạo môi trường tốt cho con trẻ, nỗ lực trau dồi phẩm chất đạo đức của trẻ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/61240



Ngày đăng: 17-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.