Câu chuyện Thần Tiên: Tung Sơn Tẩu
Người chỉnh lý: Âu Dương Tử Vân
[ChanhKien.org]
Tung Sơn Tẩu là người sống vào thời nhà Tấn. Tương truyền ở phía sườn Bắc núi Tung Sơn có một hang động lớn, độ sâu không thể dò tới, hàng năm người dân khắp nơi đều đến đây để thăm thú du ngoạn.
Vào một năm nọ, Tung Sơn Tẩu khi đi vào trong hang động thì không cẩn thận, sảy chân ngã vào trong động. Người bạn đi cùng ông ở phía trên hang động hy vọng ông không chết, bèn ném vào trong động một ít thức ăn. Không ngờ rằng ông lão bị rơi xuống đáy động nhưng vẫn sống sót, ông dùng những thức ăn mà bạn đồng hành ném xuống để lót dạ, rồi men theo vách động đi tiếp. Ông cứ thế đi được khoảng hơn 10 ngày thì bỗng nhiên nhìn thấy ánh sáng đằng trước, phía trước có một căn nhà cỏ. Ông lão đi vào trong căn nhà cỏ đó thì thấy có hai vị Tiên nhân đang ngồi đối diện nhau chơi cờ, bên cạnh bàn cờ có mấy chén nước trắng. Lúc này, ông lão mới nói với các vị Tiên nhân rằng ông vừa đói vừa khát, hai vị Tiên nhân nghe vậy liền đưa nước cho ông uống. Uống xong, ông đột nhiên cảm thấy sức lực tràn trề, không còn thấy đói khát nữa. Hai vị Tiên nhân chơi cờ hỏi ông rằng có muốn ở lại nơi này không, ông trả lời rằng mình không muốn ở lại đây, các Tiên nhân liền nói với ông rằng: “Từ đây đi về phía Tây khoảng mấy chục bước, ông sẽ nhìn thấy một miệng giếng lớn, trong giếng có rất nhiều quái vật, nhưng ông cũng đừng sợ chúng, chỉ cần nhảy vào trong giếng thì sẽ ra được bên ngoài. Nếu đói, ông có thể ăn những thức ăn trong giếng”. Tung Sơn Tẩu làm theo như lời Tiên nhân nói, khi gặp được miệng giếng lớn ông liền nhảy vào. Trong giếng có rất nhiều giao long [1], thế nhưng khi nhìn thấy ông chúng đều nhường đường cho ông, ông liền tiếp tục tiến về phía trước. Thức ăn trong giếng tựa như bùn xanh, nhưng lại tỏa ra một mùi vị thơm ngon. Sau khi ăn vào, ông không còn cảm thấy đói chút nào nữa. Cứ như vậy, ông lão ở trong cái giếng lớn kia đi hơn nửa năm trời mới ra được bên ngoài, nhìn ra ông mới biết mình đã đến núi Thanh Thành thuộc tỉnh Tứ Xuyên, sau đó ông bèn nghĩ cách quay về Lạc Dương. Sau khi quay về, ông tìm đến một vị học giả có học vấn uyên thâm tên là Trương Cử, hỏi xem những chuyện ông đã trải qua là thế nào. Trương Cử nói với ông rằng: “Hai người mà ông đã gặp là các vị Tiên quán, chén nước mà ông đã uống khi Tiên nhân chơi cờ là tương ngọc [2], còn thứ bùn xanh trong giếng mà ông đã ăn chính là thạch nhũ trong hang rồng, ông chung quy chính là đã đắc được Tiên đạo rồi nhỉ?” Tung Sơn Tẩu nghe vậy bèn quay lại tìm hang động kia, định bụng muốn tìm gặp lại Tiên nhân, nhưng đã không thể nào tìm thấy được nữa.
Trong “Huyền Trung Ký” có ghi chép lại, bên trong núi Thanh Thành, tỉnh Tứ Xuyên có một hang động, trong động có ba con đường, con đường đi về hướng Tây Bắc thông với núi Côn Lôn. Hang động núi Thanh Thành là Động Trời thứ năm, có tên gọi là “Bảo Tiên Cửu Thất Thiên”, đi một vòng khoảng 2.000 dặm, đây là một trong mười hang động lớn của Đạo gia, đi vào trong núi khoảng mười dặm là có thể tìm thấy hang động này.
(Theo “Thái Bình Quảng Ký”)
Dịch từ: http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/shenxianstories/sx10.html
Chú thích của người dịch:
[1] Giao long: còn gọi là giao, là thần thú trong thần thoại cổ đại, là loài vật sống trong nước có mang huyết mạch của long tộc đang trong quá trình tiến hóa thành rồng, chỉ cần vượt qua tai kiếp là có thể hóa thành rồng chân chính, đều có sức mạnh to lớn. Rồng là loài linh vật thần kì có biến hóa của Thiện trong truyền thuyết Trung Quốc, có thể gây mưa tạo gió, làm lợi cho vạn vật, được xem là trưởng của các loài thú có vảy, là loài linh thú đứng đầu trong Tứ Linh thần thoại (Long, Lân, Quy, Phụng), rồng tượng trưng cho sức mạnh đế vương thần thánh, thống trị Tứ Hải (Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, Bắc Hải).
[2] Ngọc tương: là loại chất lỏng được làm từ ngọc bích, trong truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, khi uống vào loại ngọc tương này có thể hóa thành Thần tiên. Ngọc tương được dùng để ví với rượu ngon hoặc thức uống thơm ngon.
Ngày đăng: 16-11-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.