Luân hồi ký sự: Một tâm hồn trung nghĩa trên đại mạc
Tác giả: Tiểu Liên
[Chanhkien.org] Từ khi còn nhỏ, tôi đã có một tình cảm đặc biệt với mảnh đất Trung Hoa. Tại lớp học, khi tôi được học lịch sử về một chuỗi dài những điều ước bất bình đẳng mà nhà Thanh hủ bại đã bị buộc phải ký với Sa Hoàng, và khi biết được một khu vực rộng lớn ở miền Đông Bắc và Tây Bắc Trung Quốc đã nhượng cho nước Nga, trái tim tôi đầy sự buồn bã và dày vò! Đó không phải là một phản ứng theo bản năng của một công dân Trung Quốc hay một người yêu nước thông thường. Đó là nỗi buồn thực sự từ tận đáy lòng tôi, điều mà đã dày vò tôi trong hàng chục năm. Chỉ khi tôi tập luyện Pháp Luân Công, tôi mới dần dần hiểu được nguyên nhân cốt lõi trong cảm xúc của tôi. Bây giờ tôi muốn chia sẻ một sự thực với mọi người và nhân cơ hội này để giải tỏa nỗi khúc mắc trong lòng tôi. Ngoài ra, tôi cũng nhân cơ hội này để minh họa bằng cách nào mà Thần đã tạo ra lịch sử nền văn minh của nhân loại.
Lý do khiến tôi gắn bó với mảnh đất này
Sau khi Hoàng Đế Khang Hy (1661-1722 sau công nguyên) bình định ba cuộc nổi loạn, thu phục Đài Loan và thống nhất thiên hạ, nhân dân Trung Quốc dần dần sống trong cảnh thái bình. Nhà Thanh đã đạt tới sự thịnh vượng dưới thời trị vì đầy nhân từ của Hoàng Đế Khang Hy. Tuy nhiên, người Nga bắt đầu xâm lăng từ phương Bắc, và đã có chiến tranh với nhà Thanh tại vùng thung lũng Amur. Hoàng Đế Khang Hy đã cho quân chống trả lại hai lần vào năm 1665 để lấy lại vùng Yaksa. Sau một chuỗi các trận chiến và đàm phán, Nga và nhà Thanh đã ký hiệp ước Nerchinsk vào ngày 07-09-1689, được coi là một hiệp ước công bằng với Trung Quốc. Hầu như mỗi người dân Trung Quốc đều rất quen thuộc với giai đoạn lịch sử Trung Quốc này.
Sau khi ký kết hiệp ước, tôi (trong kiếp luân hồi đó) đã được bổ nhiệm làm một viên tuần sử biên giới ở vùng biên cương phía Bắc gần thung lũng Amur. Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ được cảnh tượng rừng cây, núi non ở vùng sông Argun, cũng như là những tài nguyên thiên nhiên tại địa phương đó. Trong những ngày tháng tưởng như dài vô tận đó, tôi đã dẫn những viên tướng và binh lính đi tuần tra và canh gác khắp vùng biên cương, và không để cho Nga có bất cứ cơ hội nào xâm nhập Trung Quốc! Tôi đã về hưu và chết ở vùng đó. Trong kiếp luân hồi đó, tôi đã không có cơ hội để tận hưởng bất cứ thứ gì. Tôi chỉ đề cập đến phần này trong lịch sử để giải thích tại sao tôi lại gắn bó với mảnh đất này trong kiếp sống hiện tại của tôi. Nhưng đây lại không phải là trọng tâm của bài viết, mà trọng điểm lại là một kiếp luân hồi khác của tôi mà xảy ra vào thời trị vì của Hoàng Đế Càn Long (thời trị vì của ông kéo dài từ năm 1735 tới năm 1796 sau công nguyên).
Một con cá chép vàng đã báo ân Triệu viên ngoại bằng cách cho ông một quý tử
Tôi sẽ không bình luận gì về thời trị vì của Hoàng Đế Càn Long dưới thời nhà Thanh. Tôi sẽ chỉ nói về kiếp luân hồi của tôi trong triều đại đó. Vào thời điểm đó, có một sơn trang nổi tiếng ở Thừa Đức. Gần đó có một thôn trang của một vị Vương gia họ Hạ. Kết quả là, cả làng đều đổi họ của họ thành họ Hạ để mong muốn được may mắn và cát tường. Chỉ một vài gia đình trong số 70 gia đình trong làng là không mang họ Hạ.
Trong ngôi làng, có một gia đình nhà họ Triệu. Đó là một gia đình giàu có, với nhiều người hầu, nhiều lừa và ngựa. Triệu viên ngoại là một người rất thông minh và tài giỏi. Triệu phu nhân (thời con gái bà có họ là Chu) cũng rất tháo vát trong việc quản lý gia đình và giữ cho gia đình luôn thịnh vượng. Tuy nhiên họ lại có một điều đáng tiếc đó là không thể có con.
Một ngày nọ, Triệu viên ngoại bỗng nhiên cảm thấy thích đi săn. Khi ông đi qua một cái ao trong vùng hoang dã, ông nhớ rằng Triệu phu nhân rất thèm ăn canh cá. Do đó ông đã quyết định mang vài con cá về để làm vừa lòng Triệu phu nhân. Ông lấy một cành cây để làm cần câu cá và tìm một vài con sâu đất để làm mồi nhử. Ông trông thấy rất nhiều cá ở trong ao, nhưng không có con nào cắn câu. Đến khi mặt trời lặn, Triệu viên ngoại nghĩ: “Bây giờ phải trở về nhà rồi. Nếu không, phu nhân sẽ lo lắng cho ta.” Khi ông sắp sửa kéo cần câu lên, thì thình lình một con cá cắn câu. Ông rất mừng rỡ! Ông kéo cần câu lên và trông thấy một con cá chép trong ánh sáng mờ ảo của buổi hoàng hôn. Đây không phải là một con cá chép bình thường. Nó trong suốt và có ánh màu vàng. Triệu viên ngoại có thể nhìn thấy được nội tạng của nó từ bên ngoài. Đây là một con cá chép lớn mà nặng cỡ 5 đến 6 cân. Triệu viên ngoại rất hạnh phúc. Ngay lập tức ông mang con cá chép vàng về nhà.
Ngay khi ông bước vào nhà, ông đã gọi Triệu phu nhân: “Mình ơi, xem tôi mang về cái gì này.” Triệu phu nhân đang may vá khi ông gọi. Khi bà bước ra và trông thấy con cá vàng, mặt bà tái xanh và bà hỏi: “Mình kiếm được con cá chép này ở đâu thế?”
Triệu viên ngoại đáp: “Mới đây mình nói là mình thèm ăn canh cá. Tôi đã đi săn ngày hôm nay nhưng không được gì cả. Đến gần cuối ngày tôi đi câu cá ở trong ao. Khi tôi định đi về thì con cá chép vàng này cắn câu. Đây là một chuyến đi câu cá! Nhanh lên và làm một bát canh. Chắc nó phải bổ dưỡng lắm đây.” Và rồi ông đi vào bếp với con cá chép vàng.
“Khoan đã!” Triệu phu nhân hét lên.
“Chuyện gì vậy mình? Có ai đó làm mình bực bội ngày hôm nay à?” Triệu viên ngoại nói với một nụ cười trên khuôn mặt.
“Mình không nhận thấy đây không phải là một con cá chép bình thường à? Nó là một con cá chép vàng!”
“Thì sao nào?”
Triệu phu nhân đã nhận ra rằng chồng bà không hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề, nên bà bắt đầu kiên nhẫn giải thích cho Triệu viên ngoại: “Nhìn xem. Nó trong suốt và có sắc vàng. Điều đó có nghĩa nó là Ngư vương (Vua cá). Mình có hiểu Ngư vương là gì không?”
Triệu viên ngoại đáp lại bằng một thái độ hoài nghi: “Có Vua và thần dân ở giữa con người với nhau. Hôm nay thì lại là Ngư vương. Thật là mới mẻ!”
Triệu phu nhân tiếp tục giải thích: “Mình đã nghe về Long Vương (Vua rồng), phải không? Mình đã nghe về Hổ vương, phải vậy không? Mình cũng đã nghe về Sư tử vương, phải vậy không?”
Triệu viên ngoại đáp: “Tôi đã từng gặp Sư tử vương. Một lần tôi gặp phải một đám sư tử trong lúc đi săn. Một trong số chúng gầm lên và những con khác nghe lời điều khiển của nó và tiến tới tôi. May mắn thay, tôi đã trèo lên được một cái cây và chuyển từ cây này sang cây khác rồi chuồn đi.”
Triệu phu nhân hỏi: “Cũng như vậy đây phải là một Ngư vương.”
Triệu viên ngoại nói: “Chà…” Và rồi ông nhìn vào con cá chép vàng. Nước mắt đang chảy dài trên mắt nó, và trông như nó đang cầu xin Triệu viên ngoại tha mạng. Triệu viên ngoại mềm lòng và hỏi Triệu phu nhân: “Mình ơi, chúng ta làm sao bây giờ?”
Phu nhân trả lời ngay: “Thả con cá đi. Thả ngay đi. Càng sớm càng tốt.”
Triệu viên ngoại nhìn lên bầu trời đêm và ông đáp lại với một giọng khó diễn tả: “Giờ đang là buổi đêm. Tại sao chúng ta không giữ nó trong nước cho đến ngày mai? Tôi sẽ thả nó về chiếc ao kia vào sáng mai.”
Triệu phu nhân nói: “Nếu vậy, hãy lấy nước cho con cá ngay thôi!” Và rồi bà đi vào phòng trong.
Triệu viên ngoại tìm một chậu nước lớn và ông đổ rất nhiều nước vào chậu. Rồi ông thả con cá vào trong chậu. Ông cũng vơ một nắm cỏ trong sân vườn và đặt nó vào trong chậu. Con cá chép vàng trông thật hạnh phúc. Nó bơi một cách hăng hái ở trong chậu.
Đêm hôm đó, Triệu phu nhân có một giấc mơ, trong đó bà nghe được rằng có ai đó sẽ tới để báo ân lại hành động tốt mà họ đã làm. Sáng hôm sau, họ khám phá ra rằng con cá chép vàng đã biến mất. Họ cảm thấy rất lo lắng. Họ đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy con cá ở đâu. Cuối cùng họ đành cầu khấn cho sự an toàn của con cá chép vàng.
Ba tháng sau, Triệu phu nhân thấy mình có mang. Triệu viên ngoại và Triệu phu nhân đều rất đỗi vui mừng. Tất cả hàng xóm và dân làng đều tới thăm hỏi họ sau khi Triệu phu nhân có mang sau bao nhiêu lâu chờ đợi.
Theo như bình thường, một đứa trẻ sẽ ra đời sau 10 tháng mang thai, nhưng đứa trẻ này lại ra đời sau 22 tháng mang thai. Nó có một đôi mắt rất sáng và một gương mặt rất khôi ngô tuấn tú. Nó có một cơ thể mang sắc vàng và trong suốt. Vì vậy, mọi người gọi nó là Trung Ngọc (trong suốt như ngọc). Sinh trưởng trong một gia đình chuyên săn bắn, Trung Ngọc bắt đầu học võ thuật từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên, Trung Ngọc học võ dưới sự giám hộ của một thầy giáo dạy võ rất nổi tiếng.
Trung Ngọc cứu Hoàng Đế Càn Long khỏi bị nguy hiểm
Khi Trung Ngọc 16 tuổi, Hoàng Đế Càn Long thường đi tới khu vực sơn trang ở Thừa Đức để săn bắn. Trong một chuyến đi săn, ngựa của Hoàng Đế bị hổ dọa cho sợ nên bắt đầu chạy một cách điên loạn. Con ngựa cuối cùng phi ra ngoài khu sơn trang.
Trung Ngọc trẻ tuổi và bạn của nó đã có một phen đua ngựa đáng nhớ khi con ngựa của Hoàng Đế tới chỗ của nó. Trung Ngọc trẻ tuổi nhanh chóng nắm lấy dây cương của con ngựa và cố gắng ghìm nó lại bằng hêt sức mạnh. Cuối cùng nhờ sức mạnh của Trung Ngọc, con ngựa đã bị giữ lại.
Sau khi bình tĩnh trở lại, Hoàng Đế Càn Long nói: “À! Nhà ngươi đã cứu sống quả nhân. Tại sao nhà ngươi không quỳ xuống và lĩnh thưởng?!”
Đúng lúc đó đoàn tùy tùng của Hoàng Đế cũng vừa đến. Họ nói với Trung Ngọc và bạn của nó rằng: “Tại sao các ngươi không khấu đầu trước Hoàng thượng?!”
Trung Ngọc trẻ tuổi và bạn của nó quỳ xuống rồi nói: “Thảo dân bái kiến Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!” Trung Ngọc đã học được câu này từ một người kể chuyện trong làng cho nên nó áp dụng rất thành thạo.
Vị Hoàng Đế nhìn Trung Ngọc và ngay lập tức cảm thấy thích cậu bé. Vị Hoàng Đế nói: “Tên ngươi là gì? Ngươi sẽ theo ta về kinh thành chứ? Ta sẽ để ngươi ở dưới sự giám hộ của những lão sư giỏi nhất. Nhà ngươi nghĩ sao”
“Thảo dân tên là Triệu Trung Ngọc. Thảo dân phải về nhà xin phép phụ mẫu trước khi chấp thuận.”
Tùy tùng của Hoàng Đế nói: “Mau cảm tạ long ân của Hoàng thượng. Lời của Hoàng thượng là thánh chỉ, nhà ngươi tất phải theo. Hơn nữa, từ nay nhà ngươi sẽ được tận hưởng vinh hoa phú quý.”
Trung Ngọc đáp lại: “Lời của Hoàng thượng là thánh chỉ, nhưng thảo dân vẫn phải về nói với phụ mẫu. Đây là một lễ nghi. Bất cứ ai cũng phải theo các lễ nghi.”
Vị Hoàng Đế bật cười và nói: “Thật là một cậu bé kỳ lạ! Nhà ngươi có thể trở về nhà. Sau khi nhà ngươi thương lượng với phụ mẫu xong, hãy trở lại sơn trang này. Ta sẽ đợi nhà ngươi ở đó.” Và rồi vị Hoàng Đế và đoàn tùy tùng trở lại sơn trang.
Thành tựu sự nghiệp tại kinh thành
Triệu Trung Ngọc từ biệt đám bạn rồi trở về nhà. Nó nói với Triệu viên ngoại và Triệu phu nhân về điều vừa xảy ra. Họ khó mà tin vào tai của mình. Họ đã lặp đi lặp lại: “Đây đúng là một đại phúc phận cho gia đình ta! Hài tử, hãy về Kinh thành. Cổ nhân có câu: ‘Hãy học hỏi võ nghệ và rồi sẽ trở thành vương gia.’ Một đấng nam nhi phải thành tựu sự nghiệp, nhưng con phải nhớ lấy điều này: Đừng bao giờ đàn áp bách tính [1], phải lấy thiện đối xử với mọi người và chớ bao giờ trợ Trụ vi ngược [2].” Kể từ đó Triệu Trung Ngọc trở thành thuộc hạ trong triều đình.
Vị Hoàng Đế đã làm trọn lời hứa của mình. Ông đã tìm những lão sư tốt nhất để dạy văn và võ cho Trung Ngọc. Trung Ngọc là một đứa trẻ hết sức thông tuệ và tài năng, nhưng nó không hề yêu thích danh vọng hay tiền tài và vô cùng trầm lặng ít nói. Nó luôn đứng ngoài những mưu đồ chính trị hiểm ác. Khi lên 29 tuổi, Trung Ngọc được bổ nhiệm làm Thống đốc quân tỉnh Cam Túc. Anh đã đạt được rất nhiều chiến công trong việc dàn xếp các vấn đề biên cương và giải quyết xung đột giữa các nhóm sắc tộc. Khi gần 50 tuổi, Trung Ngọc được thăng lên làm Phó thống soái. Trung Ngọc có rất nhiều con và cháu nối dõi.
Khoảng ba năm sau, vợ của Trung Ngọc, người mà thời con gái mang họ Trần, muốn đến thăm bạn ở Y Lê, tỉnh Tân Cương. Trung Ngọc không còn cách nào khác ngoài việc thuận theo ý của phu nhân và tháp tùng phu nhân tới Y Lê. Khi họ sắp tới Y Lê, họ bất ngờ nghe được tin rằng quân đội của Sa Hoàng vừa mới xâm lấn vùng hồ Balkhash. Hoàng Đế đã ra một chiếu thư hỏa tốc yêu cầu Trung Ngọc lãnh đạo 100.000 quân chiến đấu chống lại quân xâm lược ngay lập tức. Trung Ngọc không còn cách nào khác ngoài việc tuân mệnh.
Trận tử chiến với quân đội Sa Hoàng
Trong khi Trung Ngọc dẫn dắt 100.000 quân tới vùng A Lạp Mộc (Almaty), quân đội của Sa Hoàng đã vượt qua biên giới Trung-Nga và xâm lược Trung Quốc. [Chú thích: A Lạp Mộc là vùng mà ngày nay thuộc Kazakhstan, nằm ở phía Đông Nam nước này giáp với biên giới Kyrgyzstan. Được thành lập vào năm 1850 như một pháo đài và địa điểm buôn bán của Nga, thành phố là thủ đô của Kazakhstan từ năm 1929 tới năm 1997, và là trung tâm thương mại và văn hóa của đất nước.]
Phía Nga có hơn 300.000 quân, nhiều gấp ba lần so với số quân của Trung Ngọc. Khi quân đội của Trung Ngọc dựng trại, ông đã họp bàn với các tướng lĩnh để lên kế sách đánh bại quân xâm lược. Một trong số họ đề xuất: “Chúng ta nên cố gắng dụ quan Nga vào sa mạc. Không có nguồn cấp nước, chúng sẽ sợ hãi và đánh lẫn nhau. Khi đó chúng ta có thể thừa thế tấn công và quét sạch quân Nga!” Trung Ngọc đã chấp thuận chiến lược này, và ông đã nghĩ ra một mưu kế để lùa 300.000 quân Nga vào vùng hoang mạc. Và rồi Trung Ngọc đợi cho đến khi quân Nga cạn kiệt nước trước khi ra lệnh tấn công.
Cho tới tận ngày nay, tôi vẫn còn nhớ trận tử chiến đó. Cát vàng bay khắp bầu trời. Trên mặt đất, binh lính hò hét và ngựa hí vang. Tiếng đao kiếm va chạm nhau và tiếng trống vang rền. Những mũi tên bay trong không khí giống như một trận dịch châu chấu. Xác chết nằm ngổn ngang khắp nơi. Máu chảy thành sông. Quân đội của tôi [Trung Ngọc trong kiếp đó] đã tận dụng địa hình và núp sau những đụn cát. Chúng tôi đã quét sạch gần như toàn bộ quân Nga.
Chúng tôi đã chiến đấu từ rạng sáng cho tới tận lúc chạng vạng tối. Mặc dù chúng tôi đã thắng trong trận chiến và đã ngăn chặn được sự xâm lấn của quân Nga, nhưng chúng tôi cũng phải trả một cái giá rất đắt. Chúng tôi lúc ban đầu có 100.000 binh lính, nhưng đến khi kết thúc thì chỉ còn sót lại vài chục người, trong đó có tôi! Các bạn có thể tưởng tượng được mức độ khốc liệt của trận đánh!!! Toàn sa mạc dường như được nhuộm đỏ bởi máu tươi! Nhìn mặt đất phủ đầy máu và xác chết, Trung Ngọc cảm thấy ruột đau như cắt. Ông đã nghĩ về một bài thơ được viết bởi Tào Tùng đời Đường:
“Trạch quốc giang sơn nhập chiêm đồ,
Sinh dân hà kế nhạc tiều tô?
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự,
Nhất tướng công thành vạn cốt khô!”Diễn nghĩa:
“Vùng Giang Nam chuyển thành bãi chiến trường,
Dân tình phải đốn củi và cắt cỏ để sinh sống?
Đừng nói đến chuyện phong tước hầu,
Một vị tướng công thành trên hàng vạn bộ xương khô!”
Nước mắt chảy dài trên má của Trung Ngọc.
Sau khi Trung Ngọc trở về triều đình, Hoàng Đế muốn phong tước hầu cho ông, nhưng ông đã kiên quyết chối từ và muốn cáo lão về quê. Ban đầu Hoàng Đế không đồng ý, nhưng sau khi nhận thấy Trung Ngọc vô cùng kiên quyết, ông đành chấp nhận nguyện vọng của Trung Ngọc. Sau đó Trung Ngọc đã đưa gia đình trở lại thôn trang của họ Hạ, và dành nốt phần đời còn lại của ông vui thú điền viên.
Lời kết:
Con người tuy đều có sinh có tử, nhưng phần lịch sử này trong các kiếp luân hồi của tôi vẫn để lại một ấn tượng sâu đậm trong trí óc tôi. Cho tới hôm nay, tôi vẫn phải vượt qua những cảm xúc phức tạp mỗi khi tôi nghĩ về vùng hồ Balkhash, về những trận gió dữ nơi hoang mạc và nghề làm ngọc bích ở Hòa Điền, tỉnh Tân Cương! Là một người tu luyện, sẽ là một chấp trước nếu nghĩ quá nhiều về một điều gì đó. Bằng cách viết về hai kiếp luân hồi của tôi trong đời nhà Thanh, tôi muốn từ bỏ chấp trước vào phần này trong lịch sử [các kiếp luân hồi] của tôi. Tôi cũng muốn nhắc nhở các bạn đồng tu và thế nhân rằng toàn bộ nền văn minh của nhân loại thực ra đã được khai sáng bởi các học viên Pháp Luân Công dưới sự dẫn dắt của Sư Phụ chúng tôi! Hãy trân quý cơ duyên của chúng ta đối với Pháp! Hãy bước đi thật tốt đoạn đường còn lại và đừng uổng phí bao nhiêu kiếp luân hồi của chúng ta trong cõi người!
Chú thích của người dịch:
[1] ‘Bách tính’: Toàn dân trăm họ.
[2] ‘Trợ Trụ vi ngược’: Giúp vua Trụ [nhà Thương] làm điều bạo ngược.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2005/9/7/33769.html
http://www.pureinsight.org/node/3373
Ngày đăng: 26-07-2009
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.