Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết Thần truyền (2): Thiên nhân hợp nhất



Tác giả: Đạo Sinh

[ChanhKien.org]

2. Thiên nhân hợp nhất

Trước khi giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ Hán, trước tiên chúng ta phải hiểu hai khái niệm quan trọng sau: Một là “Thiên nhân hợp nhất”, hai là “Tượng”, nếu không sẽ không thể hiểu được những bí ẩn của Chu Dịch và chữ Hán.

Trong bầu không khí của văn hóa Thần truyền Trung Hoa, con người luôn thời thời khắc khắc cảm ứng tương thông với Thiên Địa Thần linh, nếu ở nhân gian có sự kiện lớn nào sắp xảy ra, thì trước tiên phải có điềm báo thiên tượng và dấu hiệu trong tự nhiên, cái gọi là “nước sắp hưng thịnh ắt có điềm lành, nước sắp diệt vong ắt có kẻ gian” (sách Trung Dung). Người xưa tin rằng cơ thể con người, thiên nhiên và vũ trụ là một thể thông suốt và toàn bộ tín tức đối ứng với nhau, đây là một loại biểu đạt của tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”.

Muốn lý giải khái niệm này rõ hơn, chúng ta phải bắt đầu từ sự ra đời của vũ trụ trong truyền thuyết lịch sử Trung Hoa.

Kết hợp những ghi chép trong các cuốn sách cổ như Tam Ngũ Lịch Ký, Ngũ Vận Lịch Niên KỷThuật Dị Ký v.v., có thể khôi phục lại diện mạo ban đầu của truyền thuyết khai thiên tịch địa của Bàn Cổ:

Vào trước thời cực kỳ cổ xưa, tiểu vũ trụ mà chúng ta đang sống vẫn chưa sinh ra, lúc đó không có con người, cũng không có trời đất vạn vật, chỉ có một mớ hỗn độn. Giống như sinh mệnh được hình thành trong một quả trứng gà, trải qua năm tháng dài đằng đẵng, trong mớ hỗn độn đó thai nghén một sinh mệnh cự đại, ông là Bàn Cổ.

Đồng thời với việc Bàn Cổ được thai nghén và sinh ra, vạn vật trong trời đất cũng được sinh ra. Trong quá trình này, khí dương thăng lên, khí âm giáng xuống, mớ hỗn độn đó phân thành Âm và Dương; Âm Dương tương sinh, Thái Cực vận chuyển, sinh ra các tầng trời đất, đồng thời vạn vật cũng hình thành. Cơ thể của Bàn Cổ lớn lên mỗi ngày, vạn vật trong trời đất cùng với Bàn Cổ là nhất thể đồng tại, cùng nhau sinh trưởng, đó là một phần cơ thể khổng lồ của ông ấy. Bàn Cổ biến đổi vô cùng vô hạn giữa trời và đất, ông ở trên trời là Thần, ở dưới đất là Thánh, là toàn thể vạn vật trong trời đất, là chủ tể chi phối tất cả mọi thứ. Trải qua năm tháng dài đằng đẵng, cơ thể của Bàn Cổ trở nên to lớn vô hạn, trời đất và vũ trụ cũng được mở ra cùng với sự lớn lên của cơ thể ông.

Bàn Cổ đã đem cơ thể của mình hóa thành vũ trụ tự nhiên, trái đất chúng ta đang sống và vô số thiên hà chỉ là một phần cơ thể của ông, điều này nghe ra có vẻ không thể nghĩ bàn. Ngay từ 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói với nhân loại rằng trong một hạt cát có tam thiên đại thiên thế giới. Trong kinh Phật cũng nói rõ: Thế giới mà được chiếu sáng bởi Mặt Trời và Mặt Trăng được gọi là một tiểu thế giới, tam thiên đại thế giới tương đương với một tỉ thế giới nhỏ đó, tương đương với một thiên hà khổng lồ!

Trong bộ phim “Cuộc đời của Pi” có một phân đoạn nhỏ như vậy, tuy chỉ vỏn vẹn vài đoạn thoại nhưng lại trở thành điểm nhấn của cả bộ phim, khiến khán giả vô cùng ấn tượng: Khi nhân vật chính “Pi” còn nhỏ, mẹ cậu ấy đã kể cho cậu câu chuyện về vị Thần Krishna (trong Ấn Độ giáo). Kể rằng Krishna khi còn nhỏ nghịch ngợm, thích ăn đất, có lần cậu ăn đất, mẹ cậu phát hiện được, bà cạy miệng cậu ra để kiểm tra, lại thấy cả vũ trụ đều ở trong miệng Krishna…

Câu chuyện về Krishna đều được ghi lại trong các sử thi thời thượng cổ của Ấn Độ như “Mahabharata”, “Bhagavata Purana” và “Gita Govinda”, ông ấy là một trong những hóa thân của Thần Vishnu tại nhân gian. Thần bảo hộ Vishnu là một trong ba chủ Thần của Ấn Độ, theo sự thỉnh cầu của nữ Thần Trái Đất, Ngài đã hóa thân và giáng trần để giúp nhân gian trừ khử bạo chúa, khôi phục lại trật tự an ninh ở nhân gian. Ngài đã nhổ một sợi tóc đen và hóa thành Krishna trong thế giới phàm trần. Khi còn nhỏ Krishna rất nghịch ngợm, có một lần vì mâu thuẫn cãi nhau với đám trẻ chăn trâu, chúng chạy đến mẹ nuôi của Ngài là Yasodharā (Da-du-đà-la) để tố cáo, nói rằng Krishna lại nằm trên mặt đất giở trò ăn đất. Yasodharā đã tìm thấy Krishna, quở mắng Ngài không được ăn đất, Krishna đã giải thích rằng mình không ăn đất. Yasodharā yêu cầu Krishna há miệng ra để kiểm tra, Krishna há miệng, nhưng Yasodha đã sững sờ dừng lại. Bà nhìn thấy trong miệng Krishna có Mặt Trời, Mặt Trăng và bầu trời đầy sao lấp lánh rực rỡ, ánh sáng rực rỡ của dải Ngân Hà rộng lớn tản xạ qua các tầng tinh vân vũ trụ, bà nhìn thấy toàn bộ vũ trụ trong miệng Krishna! Cảnh tượng trước mắt khiến bà choáng váng đến mức bất tỉnh ngay lập tức.

Bàn Cổ khai thiên địa, biến cơ thể mình thành vũ trụ nhỏ nơi con người chúng ta sinh sống, vô số thiên hà khổng lồ, chẳng hạn như dải Ngân Hà, đều xoay quanh cơ thể ông, những cảnh tượng này có gì khác nhau đâu.

Đạo gia Trung Quốc và các nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại cũng đã nhiều lần nói với nhân loại trong lịch sử rằng: cơ thể con người là một tiểu vũ trụ. Cơ thể con người tương ứng với vũ trụ, chỉ là một cái ở vi quan và một cái ở hồng quan. Trí huệ của chư Thần Phật không phải là điều mà con người nhỏ bé có thể hiểu biết được.

Khoa học hiện đại cũng đã phát hiện rằng: Nếu phóng đại cơ thể con người lên vô tận, sẽ thấy rằng cơ thể con người chúng ta là do vô số tế bào cấu thành, tế bào là do vô số phân tử cấu thành, phân tử là do nguyên tử cấu thành, nguyên tử là do hạt nhân và điện tử cấu thành… chia nhỏ nữa thì vô cùng vô tận, khoa học hiện đại sẽ vĩnh viễn không bao giờ phát hiện ra lạp tử nhỏ nhất cấu thành nên vật chất là gì. Các nhà vật lý học cũng đã phát hiện rằng các điện tử quay quanh hạt nhân tuân theo ba định luật Kepler về chuyển động của các hành tinh xoay quanh các vì sao (hằng tinh), sự vận hành và tồn tại của chúng vô cùng giống nhau, chỉ khác là một cái tồn tại ở thế giới vi quan và một cái tồn tại ở thế giới hồng quan. Nếu phóng đại được các electron đến kích thước của một hành tinh, thì cơ thể con người chẳng phải là một vũ trụ khổng lồ và vô tận sao? Chẳng phải có vô số sinh mệnh vi quan khác đang sinh sống trong đó sao?

Điều ngược lại cũng là như thế: Nếu đem vũ trụ mà con người chúng ta đang sống thu nhỏ vô hạn, chúng ta sẽ thấy khi thu nhỏ hệ Mặt Trời do Trái Đất và tám đại hành tinh khác xoay quanh Mặt Trời cấu thành, tiếp đến thu nhỏ hệ Ngân Hà do vô số hệ sao như hệ Mặt Trời cấu thành, lại thu nhỏ cụm thiên hà do hệ Ngân Hà và các tinh hệ lớn khác cấu thành, thu nhỏ tiếp nhóm thiên hà địa phương và siêu đám thiên hà do các cụm thiên hà cấu thành v.v. Cuối cùng, nếu thu nhỏ vô hạn, có thể thấy rằng tất cả những thứ này chỉ là tế bào của một sinh mệnh thể lớn hơn, lại thu nhỏ vô hạn, liệu có thể nhìn thấy bộ mặt thật của Thần Bàn Cổ không? Phát hiện ra rằng tất cả những thứ này đều là cơ thể của Thần Bàn Cổ, chúng ta chỉ là một lạp tử bé nhỏ trên cơ thể của ông ấy phải không?

“Tôi không biết bộ mặt thật của núi Lư Sơn, nhưng có duyên được sinh ra ở ngọn núi này”. Trí tuệ và nhận thức của con người quá nhỏ bé và vô tri, vì vậy Chúa đã nói với Socrates hơn 2000 năm trước, để Socrates nói với thế nhân rằng: Con người là không trí tuệ, con người chỉ khi biết được sự vô tri của mình mới là trí tuệ. Con người vĩnh viễn chỉ có thể ôm giữ một tấm lòng tôn kính vũ trụ tự nhiên, tuyệt đối không được tự cao tự đại, nếu không sẽ đi trên con đường tự hủy hoại chính mình.

Khoa học Trung Quốc cổ đại là trực tiếp nghiên cứu nhắm vào cơ thể người, sinh mệnh và vũ trụ, nó hoàn toàn khác với con đường mà khoa học phương Tây hiện đại đang đi, vì vậy sử dụng các khái niệm và tiêu chuẩn của khoa học hiện đại để đo lường và hiểu văn hóa Thần truyền của Trung Hoa là hoàn toàn không được.

Trung Quốc có một cuốn sách thời thượng cổ hết sức xưa cũ và bí ẩn tên là Sơn Hải Kinh. Sơn Hải Kinh gồm ba phần là “Sơn Kinh”, “Hải Kinh” và “Đại Hoang Kinh”, trong đó phần “Sơn Kinh” còn được gọi là “Ngũ Tạng Sơn Kinh”. Thời cổ ngũ tạng là chỉ năm cơ quan nội tạng, vì vậy Ngũ Tạng Sơn Kinh chỉ nơi chứa lục phủ ngũ tạng của Trái Đất. Ở phần cuối của “Ngũ Tạng Sơn Kinh”, có một câu tổng kết rằng: “Đại Vũ tấu: ‘Danh sơn khắp thiên hạ có tổng cộng 5370, đất ở được có khoảng 64056 dặm (khoảng 32028 km). Những danh sơn này được phân bố ở năm vùng núi ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm. Bởi vậy, điều tra ghi chép chỉnh lý lại, đặt tên là “Ngũ Tạng Sơn Kinh”. Ngoài ra, khắp thiên hạ còn có rất nhiều ngọn núi lớn nhỏ khác nhau, không ghi chép chi tiết”. (xem thêm Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc] Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (7): Đại Vũ trị thủy sông Trường Giang)

Trong Nội Đan Thuật của Đạo gia, bên trong cơ thể con người cũng được coi là một vũ trụ, một thế giới tự nhiên. Người xưa vẽ ra bức “Nội kinh đồ”, còn được gọi là “Nội cảnh đồ”, là một bức vẽ hình ảnh bên trong cơ thể con người trong quá trình tu luyện của Đạo gia. Trong bức vẽ, bên trong cơ thể con người có núi cao nước chảy, có Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì sao và vạn vật trong tự nhiên, giống như một thế giới, một tiểu vũ trụ, khiến người ta mở rộng tầm mắt. Đây là thứ mà một người tu luyện trong quá trình tu luyện nhìn thấy được qua “thiên mục”, đó là một loại triển hiện của cơ thể con người trong thời không khác.

Đạo gia chia cơ chế hoạt động của bộ não con người trong thời không khác thành chín khu vực, gọi là chín cung, mỗi một cung đều có Thần canh giữ ở đó. Trong đó cung trung tâm nhất được gọi là “Nê Hoàn Cung”, nó chỉ huy toàn bộ cơ thể con người, là nơi cư trú của nguyên thần (linh hồn) của con người, và tại đây nguyên thần chi phối toàn bộ cơ thể con người. Đồng thời “Nê Hoàn Cung” cũng là vị trí của “thiên mục” trong tu luyện cơ thể con người. Thiên mục được chia thành nhiều cấp độ gọi là Thiên nhãn, Huệ nhãn, Phật nhãn, Pháp nhãn, v.v…, đó là con mắt thứ ba huyền bí nhất của cơ thể con người, thông qua nó mà chúng ta có thể xuyên thấu thế giới vật chất nơi nhân loại chúng ta sinh tồn mà nhìn thấy được sự tồn tại của các thời không cao tầng khác, nhìn thấy những cảnh tượng mà người phàm không thể nhìn thấy. Chỉ có qua tu luyện, đề cao tầng thứ và cảnh giới mới có thể khai mở thiên mục. Thiên mục của người thường từ khi sinh ra đã bị đóng kín lại, nhưng cũng có một số người đặc biệt hoặc có sứ mệnh được sinh ra với thiên mục được khai mở. Những người này được sinh ra với khả năng nhìn thấy những cảnh tượng mà người bình thường không thể nhìn thấy, điều này luôn tồn tại trong suốt lịch sử và trong xã hội hiện đại.

Trong giải phẫu y học hiện đại người ta cũng đã phát hiện rằng bộ phận “Nê Hoàn Cung” của não người có một con mắt, thấy rằng nó có đầy đủ kết cấu tổ chức của con mắt người, vì vậy nó được gọi là “con mắt thứ ba thoái hóa của con người”, điều đó làm chấn động giới khoa học. Con mắt này trùng khớp hoàn toàn với “thiên mục” mà giới tu luyện nói đến.

Nê Hoàn Cung trong Đạo gia còn được gọi là “Côn Lôn”, nguyên thần đóng giữ ở Nê Hoàn, cai quản cơ thể con người; và trong Sơn Hải Kinh ghi lại rằng núi Côn Lôn là “kinh đô dưới thời Hoàng Đế”, là kinh đô sở tại của Thiên Đế ở phàm trần, ngoài ra Tây Vương Mẫu cũng sống ở Côn Lôn, ở đó mà thống lĩnh Trái Đất và thế gian con người.

Đạo gia cho rằng Nê Hoàn là nơi giao hội của tất cả các mạch của cơ thể con người, vật chất và năng lượng của bầu trời đi vào cơ thể con người thông qua huyệt Bách Hội ở trên Nê Hoàn, đó là cổng trời của cơ thể con người. Và phong thủy học cho rằng Côn Lôn là ngọn nguồn của vạn núi và là tổ của long mạch. Long mạch của Trái Đất đều giao hội ở Côn Lôn, phát khởi từ dãy núi Côn Lôn, năng lượng từ cao tầng vũ trụ chảy vào Trái Đất thông qua dãy núi Côn Lôn, sau đó thông qua long mạch của Trái Đất, lan tỏa khắp Trái Đất, thúc đẩy sự vận hành tuần hoàn của tự nhiên, làm rạng rỡ sông núi, vạn vật sinh sôi, nảy nở, nhân kiệt địa linh, tràn đầy sức sống.

Gần đây các nhà thiên văn học và vật lý học đã phát hiện ra rằng các lỗ đen không chỉ nuốt chửng mọi vật chất mà còn liên tục đẩy ra một lượng lớn vật chất mới sau khi được “hấp thụ và tiêu hóa”, điều này rất giống với hệ thống tiêu hóa của các sinh mệnh. Tổng hợp lại những điều này, chẳng phải chúng ta có thể biết rằng năng lượng và vật chất từ các cao tầng của vũ trụ, thông qua quá trình “hấp thụ và tiêu hóa” của lỗ đen, một phần sẽ chảy vào dải Ngân Hà và các tinh hệ lớn khác. Năng lượng tiến nhập vào các tinh hệ, thông qua các kinh mạch của vũ trụ sẽ chảy vào hệ Mặt Trời và tất cả các hằng tinh hệ khác. Năng lượng vật chất đi vào hệ Mặt Trời sẽ chảy vào Trái Đất và các đại hành tinh khác, trong đó năng lượng đi vào Trái Đất sẽ chảy vào Trái Đất thông qua dãy núi Côn Lôn, sau đó thông qua các long mạch được phân bổ trên khắp Trái Đất mà phân bổ ra khắp toàn bộ thiên nhiên rộng lớn, tiếp đó chảy vào cơ thể con người và vạn vật trong tự nhiên, điều khiển sự vận hành của các sinh mệnh và chu kỳ tuần hoàn của tự nhiên… và tất cả những điều này chẳng phải giống với cơ chế sống của cơ thể con người sao!

Sinh vật học hiện đại cũng đã phát hiện ra rằng mỗi tế bào trong cơ thể con người đều đối ứng về mặt tín tức với toàn bộ cơ thể con người, trong mỗi tế bào của cơ thể con người đều chứa đựng tất cả tín tức của cơ thể con người, người ta không những có thể đọc được tất cả những đặc điểm như chiều cao, cân nặng, tướng mạo, sức khỏe của một người, mà còn có thể đọc được tổ tiên và nguồn gốc của người đó.

Nhà vật lý học lượng tử đương đại nổi tiếng David Joseph Bohm đã đề cập đến một khái niệm nổi tiếng trong cuốn sách Wholeness and the Implicate Order (Tính toàn thể và trật tự ngầm – Vũ trụ và ý thức tiềm ẩn), gọi là “Lý thuyết vũ trụ toàn ảnh”. Sau nó đó được Gerardus (Gerard)’t Hooft, người đoạt giải Nobel, ở Đại học Utrecht Hà Lan chính thức công bố vào năm 1993, và đã được Leonard Sasskind (nhà vật lý lý thuyết người Mỹ, giáo sư Đại học Stanford) phát triển thêm một bước.

Lý thuyết toàn ảnh của vũ trụ cho rằng vũ trụ là một thể thống nhất với các quan hệ toàn ảnh giữa các bộ phận của nó. Trong toàn thể vũ trụ có sự đối ứng toàn ảnh giữa mỗi hệ thống con và cả hệ thống, giữa cả hệ thống và vũ trụ. Về thông tin ở trạng thái ẩn, hệ thống con chứa toàn bộ thông tin của cả hệ thống, cả hệ thống lại chứa toàn bộ thông tin của vũ trụ. Về thông tin ở trạng thái rõ ràng, hệ thống con là hình ảnh thu nhỏ của cả hệ thống và cả hệ thống là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ.

Nói một cách thông tục, mọi thứ đều có tính toàn ảnh của thời không bốn chiều; giữa các bộ phận và chỉnh thể của cùng một cá thể, giữa các sự vật trong cùng một cấp độ, giữa các sự vật ở các cấp độ và các hệ thống khác nhau, giữa sự khởi đầu và kết thúc của sự vật, quá trình phát triển lớn nhỏ của sự vật, thời gian và không gian… tất cả đều có mối quan hệ đối ứng toàn ảnh với nhau; trong mỗi một phần đều hàm chứa các phần khác, đồng thời nó lại được hàm chứa trong các phần khác.

Lý thuyết đỉnh cao này của khoa học hiện đại kỳ thực đã được đưa ra từ hàng nghìn năm trước ở Trung Quốc, lý niệm “Thiên nhân hợp nhất” trong văn hóa Trung Hoa đã hàm chứa lý thuyết này, hơn nữa nó còn rộng lớn và huyền diệu hơn lý thuyết đó rất nhiều.

Văn hóa Trung Hoa là văn hóa do Thần truyền dạy, tuyệt đối không phải là thứ mà khoa học hiện đại có thể lý giải được. Người Trung Quốc từ cổ xưa đã kính Thiên tín Thần, khi mối liên hệ với các vị Thần bị cắt đứt, thì văn hóa Trung Quốc đã mất đi linh hồn, chỉ còn lại một cái vỏ trống rỗng không có ý nghĩa gì.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239714



Ngày đăng: 12-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.