Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết Thần truyền (4): Nguyên lý của Chu Dịch



Tác giả: Đạo Sinh

[ChanhKien.org]

Vào thời kỳ văn minh tiền sử xa xưa khoảng 20.000 năm trước, Thần đã hạ thế giáng sinh thành thánh nhân Phục Hy thị, Ông đã tạo ra Chu Dịch và Bát Quái, đặt định ra nền văn minh cho nhân loại.

Bát Quái do tám quẻ tạo thành, biểu thị tám Tượng lớn cho vạn vật trong trời đất. Mỗi quẻ được biểu thị bằng ba hào xếp chồng lên nhau từ trên xuống dưới, phân thành: Càn ☰, Đoài ☱, Ly ☲, Chấn ☳, Tốn ☴, Khảm ☵, Cấn ☶, Khôn ☷.

Lấy hai quẻ trong tám quẻ xếp chồng lên nhau, tức là kết hợp hai trong số tám Tượng với nhau, tổng cộng có 64 quan hệ tổ hợp, tạo ra 64 Tượng, trở thành “Chu Dịch”.

Chu (周): có nghĩa là tuần hoàn, chu kỳ, vòng đi vòng lại; Dịch (易): có nghĩa là vận động biến đổi. Chu Dịch chung quy lại là quy luật biến đổi theo chu kỳ của vạn sự vạn vật.

Chu Dịch được gọi là Vô tự thiên thư (cuốn thiên thư không chữ), bởi vì Chu Dịch vốn không có chữ. Về sau khi đến thời Chu Văn Vương, ông đã tổng kết lại những kinh nghiệm bói toán của tiền nhân và bản thân, đồng thời viết thêm “Quái từ” (lời Quái) và “Hào từ” hay còn gọi là “Thoán từ” (lời Thoán) cho từng quẻ trong số 64 quẻ của Chu Dịch, kể từ đó Chu Dịch đã có lời giải thích. Tiếp đến cuối thời Xuân Thu, Khổng Tử vào những năm cuối đời đã từ trên cơ sở của Chu Văn Vương mà viết “Dịch Truyện”, dùng để giải thích “Kinh Dịch”. “Dịch Truyện” gồm có 10 thiên, phân thành: “Thoán Truyện” quyển thượng hạ, “Tượng Truyện” quyển thượng hạ, “Văn Ngôn Truyện”, “Hệ Từ Truyện” quyển thượng hạ, “Thuyết Quái Truyện”, “Tự Quái Truyện”, “Tạp Quái Truyện”, còn được gọi là “Thập Dực”. 64 quẻ của Phục Hy thị, cùng với “Quái từ” và “Hào từ” của Chu Văn Vương, và thêm “Dịch Truyện” của Khổng Tử, đã tạo thành “Kinh Dịch” như chúng ta biết ngày nay.

Bây giờ có một số người cho rằng Phục Hy thị chỉ tạo ra Bát Quái, 64 quẻ của Chu Dịch là do Chu Văn Vương suy diễn ra, đây là cách nói sai lầm, Chu Văn Vương chỉ là người soạn thêm “Quái từ” và “Hào từ” vào Chu Dịch.

Trong “Hoài Nam Tử – Yếu Lược” Hoài Nam Vương Lưu An đã nói: “Bát Quái có thể biết cát hung, biết họa phúc, Phục Hy thị lấy hai quẻ chồng lên nhau để tạo thành 64 quẻ”.[1] Đoạn này đã giải thích rõ rằng 64 quẻ là do Phục Hy tạo ra. Ngoài ra trong “Chu Dịch Chính Nghĩa – Tự” (Chu Dịch Chính Nghĩa – Lời giới thiệu) Khổng Dĩnh Đạt triều đại nhà Đường cũng đã tốn rất nhiều bút mực để luận bàn rằng 64 quẻ là do Phục Hy thị tạo ra, nói rất hợp lý, nếu có hứng thú các bạn có thể tự mình khám phá.

Từ xưa đến nay, sách giải thích “Chu Dịch” được viết rất nhiều, nhưng hiện nay có thể nói vẫn chưa có một cuốn nào có thể giải thích được ý nghĩa thực sự của “Chu Dịch”. Có một cách giải thích phổ biến là: đầu tiên tạo ra một cái khuôn hình vuông, sau đó đặt quả dưa hấu vào cái khuôn đó để nó sinh trưởng, để quả dưa hấu phát triển thành hình vuông, sau đó đi đến kết luận rằng tất cả dưa hấu trên thế giới đều là hình vuông. Cách giải thích theo khuôn mẫu này chắc chắn là sai, nó sẽ cố ý bóp méo và khiến mọi người hiểu sai về văn hóa Trung Hoa, vì vậy sẽ gây phản tác dụng và phá hủy văn hóa Trung Hoa.

“Dịch” và khai thiên tịch địa

“Chu Dịch – Hệ Từ Hạ” nói: “Trong ‘Dịch’ hàm chứa nguyên lý của Thái Cực, Thái Cực vận hành để sinh ra Lưỡng Nghi là Âm và Dương, Lưỡng Nghi lại phát triển và diễn hóa xuống tầng thứ thấp và bề mặt của thế gian, rồi sinh ra Tứ Tượng, Tứ Tượng lại phát triển và diễn hóa thành Bát Quái”. [2]

Đây là nói nguyên lý của Thái Cực xuyên suốt vạn vật trong vũ trụ, từ tầng cao của vũ trụ đến tầng thấp, từ tầng thâm sâu đến bề mặt của vật chất, là quá trình từng bước tạo ra vạn sự vạn vật.

Nếu đi theo từng bước này, có thể khiến bạn dễ dàng hiểu được 64 Tượng của Chu Dịch. Trước tiên chúng ta hãy bắt đầu với Lưỡng Nghi Âm và Dương, trong câu chuyện thần thoại cổ xưa Bàn Cổ đã tạo ra thế giới, quá trình ra đời của Bàn Cổ (tức là vũ trụ nhỏ của chúng ta) được ghi lại đại khái như sau: Đầu tiên khắp nơi đều là hỗn độn (Vô Cực), giống như sinh mệnh được hình thành trong một quả trứng gà (nó bắt đầu thay đổi, tức là “Dịch”), trải qua năm tháng dài đằng đẵng, trong hỗn độn đã sinh ra Bàn Cổ, đồng thời khi Bàn Cổ được hình thành thì khí Dương thăng lên, khí Âm giáng xuống, (sinh ra hai Tượng Âm và Dương), sinh ra các tầng trời đất và vạn vật trong trời đất (sinh ra tám Tượng, 64 Tượng, v.v.)…

Đây là quá trình Thái Cực sinh ra vạn Tượng, vạn vật, quá trình này cũng được gọi là “Dịch”. Lưỡng Nghi là hai Tượng Âm và Dương, trong Chu Dịch được biểu thị bằng hào Âm (⚋) và hào Dương (⚊). Chúng là hai Đại Tượng được tinh luyện ra từ tầng thấp nhất của vạn vật trong vũ trụ.

Ở phần đầu đã nói rõ: vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều được xuyên suốt bởi một nguyên lý, được sinh ra bởi trí tuệ của các vị Thần, cuối cùng tất cả đều thuộc về cùng một nguồn gốc. “Tượng” càng tinh luyện lên đến tầng cao hơn (tầng thâm sâu hơn) thì càng cô đọng, nội hàm và trí tuệ càng lớn; sự khái quát càng xuống đến tầng thấp hơn (tầng bề mặt) thì triển hiện sẽ càng phức tạp, nội hàm và trí tuệ càng nhỏ. Tượng của tầng cao và Tượng của tầng thấp đều là những thứ đối ứng xuyên suốt, bởi vì Tượng của tầng thấp được sinh ra từng lớp từ Tượng của tầng cao, giống như lấy từng tầng văn cổ dịch thành tiếng bạch thoại, những gì được biểu đạt là cùng một suy nghĩ, nhưng được triển hiện khác nhau ở các tầng thứ khác nhau. Con người và vũ trụ tự nhiên cũng có thể thông qua Tượng mà đối ứng tương thông.

Nếu tinh luyện ở tầng cao nhất của vũ trụ và tầng thấp nhất của vật chất thì sẽ sinh ra được hai đại Tượng Âm Dương, vạn vật trong vũ trụ đều bao hàm trong hai Tượng này, đều có thuộc tính của Âm và Dương. Ví dụ: nữ là Âm, nam là Dương; nước là Âm, núi là Dương; tối là Âm, sáng là Dương; Bắc là Âm, Nam là Dương; nước phía Nam là âm, nước phía Bắc là dương; núi phía Bắc là Âm, núi phía Nam là Dương; đất là Âm, trời là Dương; dưới là Âm, trên là Dương; phải là Âm, trái là Dương; tĩnh là Âm, động là Dương; mềm là Âm, cứng là Dương; tiêu tán là Âm, tăng trưởng là Dương; lạnh là Âm, nóng là Dương; hư là Âm, thực là Dương; tương lai là Âm, quá khứ là Dương; trong là Âm, ngoài là Dương; chẵn là Âm, lẻ là Dương…

Tứ Tượng, bát Tượng, 64 Tượng, v.v… do hai Tượng Âm Dương tầng tầng sinh ra, tất cả đều chứa đựng trong hai Tượng này. Hơn một trăm nguyên tố hóa học cơ bản cấu thành nên thế giới này của chúng ta mà khoa học hiện đại đã nhận thức được cũng đều chứa đựng trong hai Tượng Âm và Dương, tất cả đều do Âm và Dương cấu thành. Ngay cả những vật phẩm do con người tạo ra, chẳng hạn như ngôn ngữ máy tính, cũng không thể thoát khỏi hai Tượng Âm và Dương. Vì vậy hai Tượng này lớn phi thường, những thứ ở dưới cảnh giới của chúng, không gì không bao hàm, không gì bị bỏ sót, giống như Lão Tử đã nói “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”, chúng kết thành một “lưới trời” ở vật chất tầng thấp.

Giữa hai Tượng này có quan hệ tương sinh tương khắc, giống như nam nữ kết hợp với nhau để sinh sôi nảy nở ra con cháu, cho nên hai Tượng Âm Dương tầng tầng tương sinh từng lớp một, sinh ra Tứ Tượng, Bát Tượng, 64 Tượng… cho đến khi các tầng trời đất và vạn vật trong vũ trụ được sinh ra, quá trình này chính là “Dịch”. Tất cả các khái niệm về “vũ trụ” được đề cập trong bài viết này là để chỉ tiểu vũ trụ mà nhân loại chúng ta đang tồn tại, đó là vũ trụ Bàn Cổ, khái niệm vũ trụ chân chính là vô cùng to lớn, là cái mà tư duy con người hoàn toàn không thể tưởng tượng được.

Từ hai Tượng Âm Dương phát triển đến bề mặt vật chất, lại hình thành bốn Tượng, quan hệ giữa bốn Tượng phức tạp hơn quan hệ giữa hai Tượng Âm Dương, nhưng nội hàm nhỏ hơn; sau đó tiếp tục diễn hóa đến tầng bề mặt của thế gian, và sinh ra tám Tượng (bát quái) và 64 Tượng… mối quan hệ giữa chúng ngày càng trở nên phức tạp.

Nếu tinh luyện từ hai Tượng Âm Dương lên tầng cao hơn nữa thì đạt đến tầng diện Thái Cực. Thái (太): có nghĩa là lớn nhất, đến mức cao nhất; Cực (极): có nghĩa là cuối cùng, cực hạn, phần dưới cùng. Thái Cực là cuối cùng, nguyên điểm, có nghĩa là phần dưới cùng của vạn vật trong vũ trụ, là điểm cuối cùng của vật chất.

Khi hai Tượng Âm Dương đến phần cuối cùng này của Thái Cực thì sẽ hợp làm một, hình thành vòng đại tuần hoàn, tất cả mọi vật chất đều trở về đây, giao hội, luân chuyển và tuần hoàn ở đây, trở thành một Đại Kết Giới, đây cũng là khởi điểm và điểm cuối của vòng đại tuần hoàn của vũ trụ. Trong “Hệ Từ” nói rằng mặc dù vạn sự vạn vật trên thế giới đã đi theo những con đường khác nhau trong quá trình này, nhưng cuối cùng chúng đều quy về cùng một xuất xứ, cùng một ngọn nguồn, cũng là chỉ việc quay về nơi này.

Kỳ thực, mỗi một Tượng của một tầng diện sẽ tạo thành một vòng tuần hoàn và một kết giới, tạo thành một thể hệ thời không, chẳng hạn như 64 Tượng có thể hình thành một vòng tuần hoàn kết giới, một thể hệ thời không; tám Tượng, bốn Tượng và hai Tượng cũng như vậy, chỉ là tầng thứ càng cao, thì thể hệ thời không được hình thành ở đó càng lớn, năng lượng và cảnh giới càng cao và càng mỹ hảo.

Nếu như lại tiếp tục đi vào tầng thâm sâu hơn của Thái Cực, thì sẽ nhảy ra khỏi Thái Cực, liền không có Cực nữa, sẽ trở thành Vô Cực, Vô Cực tức là hỗn độn, đây chính là nơi Bàn Cổ được hình thành và sinh ra lúc ban sơ, lại tiếp tục nhảy xuất ra, đối với con người mà nói thì đó chính là cảnh giới của “Hư Vô”, sẽ tiến nhập vào Đại Kết Giới ở tầng cao hơn, nội trong phạm vi của Thái Cực ở tầng cao hơn… Quá trình to lớn này cũng chính là quá trình của vòng đại tuần hoàn của vũ trụ gọi là thành, trụ, hoại, diệt, không mà Phật gia nói đến, đó là định mệnh của vạn sự vạn vật trong cựu vũ trụ, nhưng định mệnh vĩnh cửu bất biến này của vũ trụ giờ đã được cải biến, vì vậy có thể nói nhân loại được lưu lại để bước vào vũ trụ mới trong tương lai đều là những người có đại phúc phận, hiện tại nhất thiết phải trân quý thời khắc lịch sử quan trọng nhất trong sự thay thế vũ trụ cũ và mới này, để đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai của mình!

Khoa học nhân loại hiện đại cũng đã nhận thức được rằng, vũ trụ không chỉ tồn tại một thời không, mà là có nhiều thời không đa chiều đồng thời tồn tại, vài năm trước có nhà khoa học đã đề xuất rằng có thời không hơn 20 chiều khác nhau đồng thời tồn tại trong vũ trụ. Mặc dù sự hiểu biết của khoa học hiện đại còn rất nông cạn, nhưng hiện nay vẫn có thể nhận thức được sự tồn tại thời không của các chiều khác nhau.

Kỳ thực giống như các thế giới mà Thần Phật sinh sống được nói đến trong các tôn giáo: Thế giới Cực Lạc, Thế giới Liên Hoa, Thế giới Đại Phạm, Thế giới Thiên quốc, Thế giới Lưu Ly, v.v., tất cả đều ở trong thời không chiều cao. Sinh mệnh trong thời không chiều thấp, không thể nhìn thấy hoặc không thể chạm vào sự tồn tại của thời không chiều cao, đối với họ mà nói, đó là “không” và “vô”. Càng lên tầng cao, năng lượng và trí huệ càng lớn. Sinh mệnh trong thời không chiều cao, đối với con người mà nói đều là Phật, Đạo, Thần, là sinh mệnh cao cấp, trí tuệ vô biên thần thông đại hiển. Thế giới thời không tầng thấp hình thành từ trí huệ và thần thông của sinh mệnh ở cao tầng, một niệm là tạo thành. Một niệm là tạo ra tiểu vũ trụ và các tầng thời không trong tiểu vũ trụ đó, các tầng thiên thể, thiên hà, và vạn vật trong trời đất, quá trình này triển hiện ở tầng thứ thấp chính là “Dịch”. Trí tuệ của họ xuyên suốt quá trình tạo ra vạn vật trong vũ trụ, khiến từ hỗn độn sinh ra Thái Cực, phân chia Âm Dương, sinh ra tứ tượng, bát quái, sinh ra vạn sự vạn vật… Đó đều là sự xuyên suốt và triển hiện của “Đạo”.

Nhân loại phát hiện được chút ít quy luật và định lý từ trong thế giới tự nhiên và vạn vật trong trời đất, liền dương dương tự đắc, cho mình là giỏi, từ đó sinh ra kiêu căng tự cao tự đại, tự cho là không ai bằng mình, không còn kính Thiên tín Thần, phủ nhận sự tồn tại của Thần Phật, thậm chí còn phản Thiên mạ Thần, phá hoại tự nhiên và đạo đức nhân loại. Kỳ thực một chút ít mà khoa học nhân loại phát hiện được thậm chí không bằng một chút da lông trong trí huệ của Thần Phật, đó chỉ là một chút triển hiện cực kỳ phiến diện của trí huệ của Thần Phật tại tầng thấp nhất của vũ trụ, ở bề ngoài nhất. Con người không còn tin vào lời dạy bảo của Thần Phật, làm đủ mọi việc tàn nhẫn vô nhân tính, vung cây gậy lớn của khoa học để công kích chính tín của con người, công kích đạo đức và lương tri của con người, đây là một việc vô cùng đáng sợ! Trong lịch sử, mỗi khi con người phát triển đến trạng thái này, thì đó chính là thời khắc hủy diệt, cũng chính là thời khắc diệt trong định mệnh thành, trụ, hoại, diệt, không của vũ trụ mà Phật gia đã nói đến. Cho nên bây giờ con người phải quay về, khôi phục lại truyền thống, trở lại với đạo đức, tìm lại chính tín vào Thần Phật, nếu không quay lại, mà cứ đi xuống tiếp thì sẽ là đường cụt.

Chú thích:

[1] Nguyên văn:《淮南子·要略》中就说:“八卦可以识吉凶,知祸福矣,然而伏羲为之六十四变。”

[2] Nguyên văn:《周易·系辞上》说:“易有太极,是生两仪。两仪生四象。四象生八卦。”

(do tác giả đăng)

(còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239727



Ngày đăng: 16-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.